QĐND Online - Cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là tấm gương tiêu biểu về hình ảnh “Anh Bộ đội Cụ Hồ”, trung với Đảng, trung với nước, hiếu với dân, xứng đáng là thế hệ vàng thời đại Hồ Chí Minh. Là Chủ nhiệm đầu tiên của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh hiểu rất rõ vai trò quan trọng có tính quyết định của công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội. Để công tác đảng, công tác chính trị thực sự là “linh hồn, là mạch sống” của quân đội, một trong những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đó là: xây dựng tác phong công tác của đội ngũ cán bộ chính trị trong quân đội. Quan điểm của Đại tướng về vấn đề này được thể hiện cụ thể:
Một là, chống tác phong ba hoa, sáo rỗng, xây dựng tác phong làm việc thực tế. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cho rằng, cán bộ chính trị là người cán bộ của Đảng, cho nên khi nói, khi viết không chỉ đơn thuần là nắm vững nghị quyết, đường lối, quan điểm của Đảng mà điều quan trọng phải biến nghị quyết, đường lối, quan điểm đó thành hiện thực trong cuộc sống. Có như vậy, mới không bị rơi vào tình trạng ba hoa, sáo rỗng, xa rời quần chúng và những lời nói, việc làm của cán bộ mới thực sự nhằm mục đích thiết thực, đem lại hiệu quả. Nguyên nhân của bệnh sáo rỗng được Đại tướng chỉ rõ: “Đó là vì chúng ta còn cái lối suy nghĩ tiểu tư sản, cái bệnh hình thức, cái bệnh chủ quan tách rời cuộc sống” và để khắc phục được những nguyên nhân ấy thì phải có những con người Mác-xít lê-nin-nít, là “con người rất lý luận, rất nguyên tắc, nhưng lý luận và nguyên tắc của họ phải thâm nhập vào cuộc sống, phải là máu và thịt của cuộc sống”.
Chủ nghĩa Mác- Lênin khẳng định: Không có lý luận cách mạng thì không thể có phong trào cách mạng, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh thẳng thắn phê phán cách nói lý luận, nói nguyên tắc mà tách rời thực tiễn cuộc sống bởi “thực tiễn tách rời lý luận là thực tiễn mù” - những người Mác-xít bao giờ cũng lấy thực tiễn làm thước đo để kiểm nghiệm lý luận cách mạng.
 |
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (người đứng vỗ tay) với các cán bộ, chiến sĩ dự Đại hội chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 1952. Ảnh tư liệu. |
Xây dựng tác phong làm việc thiết thực, không có nghĩa là tuyên truyền cho một quan điểm thực tế thiển cận hẹp hòi, một lối làm ăn sự vụ chủ nghĩa. Đại tướng nhấn mạnh, cán bộ chính trị vừa cần phải có lý luận, vừa cần phải có thực tế, hai cái đó tuy hai mà một, phải nhuyễn vào nhau chứ không thể tách rời. Theo Đại tướng, chức trách cán bộ lãnh đạo các cấp cần phải có hai mặt: một là, hiểu rõ tình hình; hai là, nắm vững chính sách. Hai mặt đó, nếu thiếu một mặt là không được. Và để hiểu rõ tình hình và nắm vững chính sách thì yêu cầu đối với cán bộ chính trị phải áp dụng lối làm việc có điều tra, nghiên cứu. Đứng trước mỗi vấn đề cần phải: “Chịu khó đọc lý luận, nghiên cứu thấu đáo đường lối chính sách; đi nhiều, nghe nhiều, thấy nhiều. Như thế nhất định chất lượng công tác của chúng ta sẽ khá lên”. Thực tiễn cuộc sống là sự vận động và phát triển không ngừng của các mâu thuẫn xã hội, vì vậy, để có tác phong làm việc thực tiễn, thì không được hời hợt, khuôn sáo, mà phải cụ thể, thiết thực. Chỉ có tăng cường quan điểm thực tiễn, khéo đi sâu điều tra, nghiên cứu, phân tích và giải quyết mâu thuẫn trong cuộc sống thì công tác chính trị mới có nội dung, mới có sức mạnh.
Hai là, xây dựng tác phong cụ thể, tỉ mỉ, chu đáo, chống tác phong đại khái chung chung. Đúng như đánh giá của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh: “Cán bộ chúng ta nói chung là tốt, nhưng nói riêng còn nhiều người đại khái, vô cùng là có hại. Cái đó rất tai hại, chúng ta cần xây dựng một tác phong rất cụ thể, rất tỷ mỉ, việc gì đã làm phải làm cho chu đáo”. Để người cách mạng, bất cứ ở cấp nào cũng phải là con người hành động trên cơ sở dẫn dắt của lý luận cách mạng, biểu hiện ở tác phong công tác cụ thể, chu đáo, đã làm gì thì phải nghiên cứu, điều tra, làm đến nơi đến chốn.
Điểm đáng chú ý khi nói về yêu cầu đối với cán bộ lãnh đạo, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cho rằng: Cấp trên phải giỏi hơn, hiểu biết hơn cấp dưới thì mới lãnh đạo được. Nói như vậy, không có nghĩa là cấp trên bao biện công việc và quyền hạn cấp dưới vì mỗi cấp có trách nhiệm của mình. Nhưng là cấp trên thì phải có trách nhiệm chỉ đạo cụ thể cho cấp dưới; là cấp dưới lại có trách nhiệm thi hành chỉ thị của cấp trên một cách có sáng kiến, tỉ mỉ, tất cả nhằm bảo đảm cho công việc đạt hiệu quả cao nhất. Quan điểm này không chỉ đúng với người cán bộ chính trị trong quân đội mà là yêu cầu mang tính bắt buộc đối với thủ trưởng của mọi cấp, mọi ngành. Vậy làm thế nào để người lãnh đạo có thể giỏi hơn cấp dưới? Theo Đại tướng, chỉ có một cách là ngoài việc thường xuyên tu dưỡng trình độ về mọi mặt, người lãnh đạo cần phải biết học tập ở cấp trên, cùng cấp và cấp dưới. Làm được điều đó, công tác lãnh đạo không chỉ thu được kết quả, mà còn giúp cho quan hệ giữa cấp trên với cấp dưới, giữa thủ trưởng với chiến sĩ ngày càng đoàn kết, thống nhất hơn.
Trong thực tiễn công tác lãnh đạo, Đại tướng chỉ rõ: Không kể cấp nào, đã là đảng viên, là cán bộ thì phải là “tay ăn làm”, tiếp nhận nghị quyết, chỉ thị, thì nghĩ ngay đến việc nắm tinh thần chỉ thị, nghị quyết đó. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đấy là không đủ và công tác lãnh đạo chưa có hiệu lực mà phải kết hợp với tình hình cụ thể của đơn vị, lập tức phải làm thế nào cho nó cụ thể. Có như vậy, công việc nói chung và lãnh đạo nói riêng mới thực sự đạt được hiệu quả, tránh được bệnh chung chung, đại khái. Còn nếu không chịu suy nghĩ cụ thể, không phân tích ra vấn đề và tìm ra biện pháp giải quyết, mà cứ cái gì cũng “học tập, nhận rõ mục đích, ý nghĩa, xác định thái độ…”, cho rằng như thế là vấn đề đã được giải quyết và cách lãnh đạo đó là “đúng phép tắc kinh điển của nghệ thuật lãnh đạo”, như thế là thất bại.
Ba là, chống quan liêu bàn giấy, xây dựng tác phong thâm nhập thực tế. Theo Đại tướng, tác phong của người cán bộ chính trị là phải biết thâm nhập thực tế, sâu sát thực tiễn, chống “quan liêu vất vả”. Nhằm nâng cao vai trò của đội ngũ cán bộ chính trị, đặc biệt là lực lượng cán bộ lãnh đạo, Đại tướng yêu cầu cần phải học tập quần chúng, tiếp xúc và gắn bó với quần chúng, nếu không tiếp xúc được với quần chúng thì đầu óc sẽ cùn đi. Một mối nguy cơ đang đe dọa đến hoạt động của mỗi tổ chức, từng cán bộ được Đại tướng chỉ ra đó là: Cán bộ đi lên thì nhiều, đi xuống thì rất ít; thậm chí cán bộ đại đội cũng có người “đứt chân” không sát với trung đội, tiểu đội; hơn nữa, sáng kiến của cá nhân là có hạn nhưng sáng kiến của quần chúng là vô tận. Chính vì vậy, công tác chính trị không thể ngồi trong buồng mà nghĩ ra cái mới; cái mới phải tìm ở dưới đại đội, trong quần chúng, “người cách mạng phải là những tay dám sục sạo, xông vào nơi thực tế, đòi hỏi tiếp xúc với quần chúng hàng ngày... nhiều khi cần thiết đi hàng tháng để nghiên cứu nữa, đem bàn giấy xuống đại đội, giải quyết công việc tại chỗ”. Đại tướng nhắc nhở mỗi người cán bộ phải nêu cao tinh thần cách mạng luôn sẵn sàng “bỏ bàn” mà đi, đến với quần chúng để nắm bắt thực tiễn cuộc sống, phát hiện những yêu cầu mới đặt ra cho công tác lãnh đạo, đồng thời, đó còn là dịp để kiểm tra và đánh giá hiệu quả thực tiễn của công tác chính trị nói riêng cũng như mọi công tác khác nói chung. Đồng thời, xây dựng tác phong làm việc sâu sát, thâm nhập thực tiễn, hàng ngày phải dành thời gian tham gia các hoạt động ở cơ sở, đến với quần chúng, cụ thể, thiết thực, không được quan liêu, hời hợt. Đây là cơ sở củng cố tình cảm gắn bó giữa cán bộ với chiến sĩ, giữa cơ quan với đơn vị cơ sở. Chỉ có tăng cường quan điểm thực tiễn, khéo đi sâu, đi sát cơ sở thì người lãnh đạo mới kịp thời phát hiện những nhân tố mới, những sáng tạo trong phong trào quần chúng. Trên cơ sở đó, nghiên cứu, phân tích và giải quyết được những mâu thuẫn, vướng mắc trong chỉ đạo thực tiễn. Làm được như vậy, công tác chính trị mới có nội dung mới, mới có sức mạnh mới và đạt được hiệu quả thiết thực.
Bốn là, nêu cao tác phong làm việc nghiêm túc, chính xác, khẩn trương, chống tác phong lề mề, vô trách nhiệm. Đại tướng khẳng định đây là tác phong đặc biệt cần thiết và không thể thiếu trong đời sống quân sự của chúng ta. Tác phong chính xác ở đây không có nghĩa là đòi hỏi cái gì cũng phải biết cặn kẽ. Những cái còn mơ hồ thì nói là mơ hồ chưa biết rõ. Cái gì biết thì nói rõ ràng, không biết thì bảo là không biết. Điều đó đòi hỏi người cán bộ phải không ngừng trau dồi kiến thức, mở rộng hơn nữa kiến thức của mình trên cơ sở thực sự cầu thị, khiêm tốn và trung thực.
Quân đội là một môi trường công tác đặc thù, đòi hỏi mỗi hành động, mệnh lệnh phải được thực hiện nhanh chóng, kịp thời nhưng phải bảo đảm sự chính xác với trách nhiệm cao. Đại tướng đòi hỏi người cán bộ chính trị phải là người làm việc có nguyên tắc, lời nói đi đôi với việc làm; phải xây dựng được kế hoạch công tác cụ thể; phải xác định biện pháp thực hiện cụ thể đối với từng nội dung công việc; tránh luộm thuộm, tùy tiện, vô nguyên tắc; có thái độ, tinh thần hết mình với công việc, làm ra làm, chơi ra chơi, đã làm thì làm thật lực, làm cho kỳ được. Đó chính là “một tác phong công tác cách mạng” nghiêm túc, chính xác, khẩn trương. Để làm được như vậy, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh yêu cầu: “Chúng ta phải mẫn cảm với cái mới, vứt đi những cái lạc hậu, lỗi thời, có như thế sự lãnh đạo của chúng ta mới có sức sống”.
Cải tiến tác phong công tác, xây dựng tác phong làm việc khoa học, thiết thực, hiệu quả là việc làm thường xuyên, liên tục, mang tính thường trực đối với mỗi người cán bộ, nhất là cán bộ chính trị. Những quan điểm trên đây của Đại tướng không chỉ có giá trị trong thời điểm cách mạng lúc bấy giờ mà ý nghĩa của nó mang tính thời sự sâu sắc.
ThS NGUYỄN VĂN BẮC và PHAN TRẮC THÀNH ĐỘNG, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam
Bài 3: Quan điểm của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh về xây dựng lực lượng dân quân tự vệ
Bài 2: Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với công tác dân vận trong Quân đội
Bài 1: Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, một tư duy nhạy bén, sắc sảo trong nhận định, đánh giá đối phương trên chiến trường miền Nam
* Tin, bài đã xuất bản:
Bài 8: Học tập và noi theo tấm gương của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
Bài 7: Nhà lãnh đạo mẫu mực về đạo đức, lối sống, tác phong
Bài 6: Một vị tướng có những đóng góp xuất sắc trên mặt trận nông nghiệp
Bài 5: Người luôn giương cao tư tưởng dám đánh, quyết đánh và đánh thắng giặc Mỹ
Bài 4: Người góp phần đặt nền móng xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức
Bài 3: Người tạo ra các bước ngoặt cách mạng ở Bình - Trị - Thiên
Bài 2: Một người cộng sản kiên trung
Bài 1: Tiểu sử Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Nhà lý luận chính trị-quân sự xuất sắc, vị tướng tài năng của quân đội ta
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với hoạt động CTĐ, CTCT trong Quân đội
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và những câu chuyện trong lao tù
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh- Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Quân đội ta
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ở chiến trường
Chú Sáu Di là người thầy lớn
Triển khai thực hiện đúng tiến độ, có chất lượng các hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
Ký ức không quên nơi chiến trường Đông Nam Bộ
Vị cứu tinh bình dị, người khởi nguồn “Gió Đại Phong”
Nhớ mãi lời khen của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh