QĐND Online - Trong sự nghiệp xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam, thấm nhuần quan điểm “Vì cuộc kháng chiến của ta là cuộc kháng chiến của toàn dân, cần phải động viên toàn dân, vũ trang toàn dân”, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh hết sức coi trọng xây dựng và phát huy vai trò to lớn của ba thứ quân phù hợp với yêu cầu của chiến tranh nhân dân Việt Nam.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), dân quân tự vệ với lực lượng đông đảo, rộng khắp, được tổ chức chặt chẽ đã phát huy sức mạnh to lớn, phối hợp với bộ đội chủ lực, bội đội địa phương tạo thành thế trận chiến tranh nhân dân vững mạnh, góp phần đánh bại thực dân Pháp xâm lược. Thế nhưng, từ sau ngày hòa bình lập lại, trong một thời gian khá dài, do không nắm vững quan điểm, đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng, nhận thức không đúng về vai trò, vị trí của dân quân tự vệ, nhiều địa phương chỉ chú trọng bổ sung quân đội phục vụ chiến tranh chính qui mà xem nhẹ việc xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, dẫn đến tình trạng dân quân tự vệ không được tổ chức chặt chẽ, huấn luyện quân sự không đầy đủ, giáo dục chính trị thiếu sót, thậm chí có những thiếu sót nghiêm trọng.

Với cương vị Phó Bí thư Tổng quân ủy, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, từ cuối năm 1958, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã kịp thời chỉ đạo các cấp phải quán triệt đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng, tiếp tục xây dựng và củng cố lực lượng dân quân tự vệ trong tình hình mới. Tại Hội nghị về công tác dân quân tự vệ (ngày 9-4-1959), Đại tướng Nguyễn Chí Thanh khẳng định: “Chiến tranh sau này dù trình độ chính qui hiện đại nhưng bản chất vẫn không có gì thay đổi. Đối với địch đó là chiến tranh xâm lược phản nhân dân, phản cách mạng. Đối với ta vẫn là chiến tranh nhân dân, chiến tranh cách mạng bảo vệ Tổ quốc của toàn dân. Muốn giành được thắng lợi phải phát động toàn dân tham gia, phải có quân đội thường trực, bộ đội địa phương, dân quân du kích. Quân đội chủ lực có vai trò quan trọng, nhưng dân quân tự vệ cũng giữ vai trò chiến lược quan trọng như trước đây không kém đi chút nào”.

Nhận rõ vị trí, vai trò quan trọng đó của dân quân tự vệ, thấm nhuần quan điểm của chủ nghĩa Mác- Lênin, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò, sức mạnh to lớn của quần chúng nhân dân trong lịch sử, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh khẳng định: Một dân tộc nhỏ muốn bảo vệ Tổ quốc trước các đội quân xâm lược có tiềm lực kinh tế, quân sự mạnh thì không chỉ dựa vào lực lượng quân đội chính quy mà phải có sẵn hai quả đấm: Quả đấm chính quy và quả đấm du kích, không ai đánh địch lại chỉ dùng một tay, phải dùng cả hai tay. Đồng chí phê phán, chấn chỉnh tư tưởng cho rằng, hồi kháng chiến thì cần đến dân quân tự vệ, còn trong chiến tranh hiện đại, khoa học kỹ thuật phát triển thì “miếng võ” dân quân tự vệ đã “lạc hậu”, không còn tác dụng nữa; rằng công tác dân quân tự vệ “không vẻ vang bằng công tác xây dựng quân đội chính quy”. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh khẳng định: “Nếu tư tưởng này không đào tận gốc, trốc tận rễ, không thanh toán cho xong trong hàng ngũ chúng ta thì công tác dân quân khó mà tiến nhanh, tiến vọt được”.

 

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh thăm bộ đội Phòng không Không quân, năm 1967

Thấm nhuần quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại”, trong chỉ đạo xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh khẳng định: xây dựng dân quân tự vệ phải lấy chính trị làm cơ sở. Đây là nguyên tắc cơ bản về xây dựng lực lượng vũ trang kiểu mới của Đảng ta. Đảng quyết định các chủ trương, đề ra các nguyên tắc để định hướng cho mọi hoạt động xây dựng và chiến đấu của lực lượng dân quân tự vệ. Đồng thời, Đảng còn trực tiếp kiểm tra việc tổ chức thực hiện, đảm bảo cho đường lối và mọi chủ trương biến thành hiện thực. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh chỉ rõ: “Phải thấy công tác dân quân là công tác vũ trang quần chúng của Đảng, nếu không có tính Đảng thì không làm tốt được”.

Trước thực tế nhiều địa phương chỉ chú trọng công tác huấn luyện, xem nhẹ công tác chính trị trong xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh khẳng định: “Việc nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật, tăng cường trang bị cũng quan trọng nhưng nếu chính trị không đảm bảo thì kỹ thuật, chiến thuật không có sức mạnh. Một dân quân có súng tốt, có kỹ thuật bắn súng giỏi nhưng nếu khi thấy giặc lại hoang mang, dao động thì có kỹ thuật giỏi, có súng tốt cũng không dùng được. Do đó, vấn đề trước hết là phải đảm bảo cho người dân quân có trình độ giác ngộ chính trị cao, có tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường”.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh yêu cầu công tác chính trị trước hết phải làm cho các cơ quan quân sự từ tỉnh đội, huyện đội đến xã đội có ý thức tôn trọng và tuyệt đối phục tùng sự lãnh đạo của các cấp bộ đảng địa phương. Chỉ có như thế dân quân mới trở thành công cụ tin cậy, sắc bén bảo vệ Đảng và chính quyền nhân dân ở cơ sở, mới hoàn thành được nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới. Mặt khác, cơ quan quân sự địa các cấp nhất là cấp cơ sở phải nêu cao tính chủ động, làm tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền về công tác dân quân tự vệ; không ngừng nâng cao vai trò, trách nhiệm, năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên nhất là của người chỉ huy, chính trị viên.

Cùng với giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa dân quân với cấp ủy và chính quyền địa phương, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh yêu cầu phải thường xuyên quan tâm công tác giáo dục chính trị, tư tưởng làm cho dân quân tự vệ trở thành lực lượng tuyệt đối trung thành với Đảng, với chính quyền dân chủ nhân dân, kiên định với mục tiêu, lý tưởng chiến đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; thấu suốt quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân ta là xây dựng và bảo vệ vững chắc miền Bắc xã hội chủ nghĩa, đánh thắng giặc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai ở miền Nam; khơi dậy, phát huy tinh thần yêu nước, ý chí, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc hai nhiệm vụ chiến đấu và sản xuất trong lực lượng dân quân tự vệ. Nội dung giáo dục chính trị, tư tưởng theo đồng chí cần phải tập trung vào nâng cao nhận thức về chủ nghĩa Mác- Lênin, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nhiệm vụ, kỷ luật của quân đội… Đồng thời, phải giáo dục cho chiến sĩ dân quân tự vệ thấy rõ vinh dự, trách nhiệm của mình đối với Tổ quốc, với nhân dân; nêu cao tinh thần cảnh giác, tinh thần đoàn kết, hiệp đồng chặt chẽ với quân đội, với công an trong chiến đấu cũng như công tác.

Gắn liền với việc xác định nguyên tắc chính trị là nền tảng, là “gốc” để tạo cơ sở xây dựng các mặt hoạt động khác của lực lượng dân quân tự vệ, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh rất quan tâm đến vấn đề tổ chức, huấn luyện quân sự. Thực hiện chủ trương “từng bước quân sự hóa, vũ trang hóa toàn dân”, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh chỉ đạo các cấp ủy đảng cần tăng cường công tác phát triển dân quân tự vệ cả về số lượng và chất lượng theo phương châm: Ở đâu có dân là ở đó có tổ chức dân quân tự vệ. Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ rộng khắp ở nông thôn, thành thị, miền núi, đồng bằng, trong tất cả nhà máy, xí nghiệp, nông trường… phù hợp với những điều kiện của từng địa phương, đơn vị, biến mỗi người dân là một chiến sĩ, cả nước thành một trận địa vững chắc, sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược.

Về tổ chức, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh yêu cầu các cấp phải nắm vững đường lối giai cấp của Đảng, bảo đảm hàng ngũ dân quân tự vệ trong sạch, trung thành với chính quyền nhân dân, với chủ nghĩa xã hội. Phải thực hiện phương châm: Củng cố đi đôi với phát triển, phát triển tích cực nhưng đồng thời phải vững chắc, chặt chẽ, không ồ ạt. Số lượng cần nhiều hơn, tổ chức cần rộng hơn, nhưng quan trọng nhất vẫn là chất lượng. Đó là một yêu cầu hết sức quan trọng của nhiệm vụ xây dựng lực lượng vũ trang quần chúng của Đảng. Ở nông thôn, dân quân phải là tổ chức của nông dân lao động. Ở thành phố, xí nghiệp, công, nông trường, tổ chức tự vệ phải là tổ chức của công nhân và nhân dân lao động.

Tổ chức biên chế dân quân tự vệ phải tinh gọn, chặt chẽ. Trong việc kết nạp quần chúng vào dân quân tự vệ, các cấp cần phải căn cứ thái độ chấp hành chính sách và trình độ giác ngộ chính trị của quần chúng. Tuy nhiên, còn phải căn cứ vào tình hình thực tế từng địa phương mà đối với một số trường hợp cụ thể thì việc vận dựng cũng cần phải hết sức khéo léo, mềm dẻo; một mặt vẫn giữ được nguyên tắc dân quân tự vệ là lực lượng của giai cấp, mặt khác lại thích hợp với trình độ nhân dân và hoàn cảnh xã hội ở địa phương.

Về phương pháp công tác, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh yêu cầu các cấp phải nắm vững tính chất, đặc điểm của dân quân tự vệ là vừa sản xuất, vừa làm quân sự ở cơ sở. Hoạt động của dân quân tự vệ phải gắn liền với sản xuất, không để ảnh hưởng, trở ngại đến việc sản xuất mà phải có tác dụng thúc đẩy sản xuất. Theo Đại tướng Nguyễn Chí Thanh: “Cách tốt nhất là phải bám lấy tình hình sản xuất, phải kết hợp chặt chẽ công tác huấn luyện với mùa màng, thời vụ hoặc kế hoạch của nhà máy. Tổ chức và thời gian công tác nên phân tán, làm ít một nhưng thường xuyên, liên tục, xen vào thời gian sản xuất, làm cho quần chúng hào hứng tham gia”.

Đối với công tác huấn luyện, đồng chí yêu cầu cần xác định nội dung, phương pháp huấn luyện quân sự phù hợp với yêu cầu chiến đấu của từng địa phương, đơn vị. Phải làm cho dân quân tự vệ thông thuộc địa phương, có bản lĩnh, chiến đấu độc lập giỏi, có khả năng phối hợp chiến đấu với các lực lượng tác chiến ở địa phương. Muốn vậy, các địa phương, đơn vị cần có kế hoạch cụ thể, chương trình huấn luyện chu đáo, sát thực tiễn; đồng thời phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, không để tình trạng huấn luyện chiếu lệ, hình thức.

Để đẩy mạnh công tác dân quân tự vệ, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh chỉ đạo các cấp phải phát động phong trào thi đua rộng rãi trong lực lượng dân quân tự vệ. Đồng chí cho rằng: Chỉ có thi đua mới phát huy được lực lượng tiềm tàng của quần chúng, mới mở rộng ra thành phong trào quần chúng. Phong trào thi đua của dân quân nên hướng vào ba nội dung chính: sản xuất, học tập và huấn luyện. Về phương pháp và các bước tiến hành, trước hết phải phát động tư tưởng cán bộ, chiến sĩ, rồi tổ chức từng đợt thi đua thích hợp, có kiểm tra, so sánh, bình bầu và kịp thời khen thưởng, tổng kết kinh nghiệm.

Như vậy, trên cơ sở khẳng định vị trí, vai trò chiến lược của lực lượng dân quân tự vệ đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh những biểu hiện tư tưởng xem nhẹ hoặc hạ thấp công tác dân quân tự vệ; khẳng định nguyên tắc muốn xây dựng dân quân tự vệ vững mạnh, trước hết phải lấy xây dựng chính trị làm cơ sở, nền tảng, đồng thời phải chú trọng xây dựng dân quân tự vệ rộng khắp, tổ chức chặt chẽ, huấn luyện chu đáo.

Với sự tham gia lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, lực lượng dân quân tự vệ đã có bước phát triển toàn diện về cả số lượng, chất lượng, khẳng định vị trí, vai trò của mình trong mọi mặt của đời sống xã hội nói chung, trong sự nghiệp quốc phòng nói riêng góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Từ năm 1964, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được Bộ Chính trị cử vào miền Nam làm Bí thư Trung ương Cục, Chính ủy Quân giải phóng miền Nam. Nhận thức rõ vai trò của lực lượng dân quân, tự vệ và du kích, nắm vững quy luật muốn đưa chiến tranh cách mạng phát triển, phải đưa chiến tranh du kích phát triển lên chiến tranh chính quy, cùng với xây dựng “quả đấm chủ lực mạnh”, đồng chí đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng và tổ chức lực lượng dân quân, du kích vững mạnh toàn diện. Dưới sự lãnh đạo của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, lực lượng dân quân du kích ở miền Nam ngày càng được củng cố, phát triển trên cả ba vùng chiến lược, tạo thành thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp, góp phần cùng bộ đội chủ lực và nhân dân lần lượt đánh bại các biện pháp chiến lược, chiến thuật của Mỹ và chính quyền Sài Gòn.

Những quan điểm về xây dựng lực lượng dân quân tự vệ của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn trong sự nghiệp xây dựng lực lượng dân quân tự vệ giai đoạn hiện nay.

TRẦN ANH TUẤN, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam
Bài 2: Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với công tác dân vận trong Quân đội
Bài 1: Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, một tư duy nhạy bén, sắc sảo trong nhận định, đánh giá đối phương trên chiến trường miền Nam
* Tin, bài đã xuất bản:
Bài 8: Học tập và noi theo tấm gương của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
Bài 7: Nhà lãnh đạo mẫu mực về đạo đức, lối sống, tác phong
Bài 6: Một vị tướng có những đóng góp xuất sắc trên mặt trận nông nghiệp
Bài 5: Người luôn giương cao tư tưởng dám đánh, quyết đánh và đánh thắng giặc Mỹ
Bài 4: Người góp phần đặt nền móng xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức
Bài 3: Người tạo ra các bước ngoặt cách mạng ở Bình - Trị - Thiên
Bài 2: Một người cộng sản kiên trung
Bài 1: Tiểu sử Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Nhà lý luận chính trị-quân sự xuất sắc, vị tướng tài năng của quân đội ta
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với hoạt động CTĐ, CTCT trong Quân đội
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và những câu chuyện trong lao tù
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh- Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Quân đội ta
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ở chiến trường
Chú Sáu Di là người thầy lớn
Triển khai thực hiện đúng tiến độ, có chất lượng các hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
Ký ức không quên nơi chiến trường Đông Nam Bộ
Vị cứu tinh bình dị, người khởi nguồn “Gió Đại Phong”
Nhớ mãi lời khen của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh