QĐND Online - Năm 1950, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta bước vào giai đoạn ác liệt. Trước yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn, đồng chí Nguyễn Chí Thanh được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn, điều động vào quân đội, đảm nhiệm cương vị Phó Bí thư Tổng Quân ủy, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Trên cương vị mới, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã có nhiều công lao to lớn đưa hoạt động công tác đảng, công tác chính trị của quân đội ta vào nền nếp, thực sự là công tác lãnh đạo của Đảng trong quân đội, xây dựng quân đội không ngừng lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Trong đó, Đại tướng luôn quan tâm chỉ đạo làm tốt công tác dân vận, xây dựng mối quan hệ gắn bó “cá nước” giữa quân đội với nhân dân, phát huy sức mạnh của quần chúng nhân dân, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu và chiến thắng của quân đội ta.

Đại tướng chỉ rõ: “Dân là cái vốn cách mạng quý nhất, quý hơn tất cả. Vì: Còn dân thì nước còn. Mất dân thì nước mất”. Do đó, Đại tướng yêu cầu cấp ủy, chỉ huy, cán bộ các cấp phải luôn quán triệt sâu sắc đường lối quần chúng của Đảng, đề cao vai trò to lớn và sức mạnh vô địch của quần chúng nhân dân, phải nắm vững quan điểm: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng… Tin quần chúng, dựa hẳn vào quần chúng, hòa mình với quần chúng phát động tính tích cực, tính cách mạng và sáng tạo của quần chúng, thương yêu quý trọng học tập quần chúng thì việc khó mấy làm cũng thành”; từ đó, thường xuyên giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ có nhận thức đúng đắn về mối quan hệ đoàn kết quân dân, phát huy vai trò của quần chúng nhân dân trong đấu tranh cách mạng; thấm nhuần tư tưởng: “Quân đội ta là quân đội của nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”; luôn xây dựng những phẩm chất tốt đẹp, cao quý cho cán bộ, chiến sĩ; tăng cường bản chất cách mạng của quân đội nhân dân; xây dựng, củng cố đoàn kết dân tộc, đoàn kết quân dân. Đại tướng chỉ rõ: “… Những người đảng viên trong quân đội phải tỏ ra là những người chiến sĩ gương mẫu nhất, đánh giặc hăng hái, đoàn kết nội bộ, cần, kiệm, liêm, chính và hết sức thương yêu, quý trọng nhân dân. Những người chưa được vào Đảng vì lý do này hay lý do khác cần phải ra sức học tập, lập công, bồi bổ đạo đức cách mạng để một ngày gần đây được gia nhập Đảng để phụng sự nhân dân tích cực hơn…”; và “Lòng trung thành tận tụy hy sinh vì nhân dân cao hay thấp là thước đo của đạo đức cách mạng của quân đội ta”. Bản thân Đại tướng là một tấm gương sáng về phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, tác phong công tác, luôn gần gũi, sâu sát, quan tâm tới quần chúng nhân dân, là người của quần chúng nhân dân.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh dự Đại hội Chi bộ 8, Đoàn Hồng Hà, năm 1960. Ảnh tư liệu.

Quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh, trong mọi hoạt động, Đại tướng luôn đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lên trên hết, mọi việc làm đều xuất phát từ lợi ích chính đáng của nhân dân. Đại tướng chỉ ra mối quan hệ giữa quân đội với nhân dân là mối quan hệ bản chất, tạo động lực, sức mạnh để quân đội ta trưởng thành, lớn mạnh, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ: “Quân đội của ta từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu… Quân đội ta là con đẻ của phong trào chính trị của quần chúng nhân dân. Chúng ta thấy rõ quân đội mà một ngày xa dân thì như một ngày con nhỏ xa vú mẹ. Quân đội ta không thể có một sức sống độc lập, mà phải bắt nguồn từ nhân dân… Vì vậy, quan hệ giữa quân đội và nhân dân là quan hệ “cá nước”; “Liên hệ mật thiết với nhân dân, đó là nguồn sống và sức mạnh hùng hậu của quân đội ta mà quân đội địch không bao giờ có được”. Đại tướng yêu cầu cán bộ, chiến sĩ phải luôn quán triệt và chấp hành tốt 10 lời thề danh dự, 12 điều kỷ luật, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Xây dựng quân đội ta thành một quân đội nhân dân thật sự.

Đại tướng còn chỉ rõ: Để hoàn thành nhiệm vụ cần nắm vững và làm tốt “Đoàn kết chặt chẽ và mật thiết với nhân dân, xây dựng mối quan hệ hết sức tốt giữa quân đội với nhân dân”. Cán bộ, chiến sĩ ngoài chấp hành tốt kỷ luật thì còn phải làm tốt công tác vận động quần chúng nhân dân, đây là nhiệm vụ chung của quân đội, là trách nhiệm của mọi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ. Muốn vận động nhân dân: “Một mặt thì bộ đội giữ vững kỷ luật đối với nhân dân, nói chung là không xâm phạm đến tính mạng, tài sản, tín ngưỡng của nhân dân, không làm cho dân ghét, dân kêu, dân oán. Phải làm thế nào để khi mình chưa đến thì dân trông mong, khi mình đến ở thì dân giúp đỡ, khi mình đi nơi khác thì dân luyến tiếc; một mặt khác, phải làm công tác dân vận, nghĩa là bộ đội đều phải tham gia công tác vận động quần chúng nhân dân”.

Trong chỉ đạo công tác dân vận, Đại tướng yêu cầu cần làm cho được mấy việc chính: “Thứ nhất, tuyên truyền cho dân hiểu rõ chính sách kháng chiến, chính sách đối với tôn giáo của Chính phủ ta... Nhưng phải chú ý lời nói của ta đi đôi với việc làm và việc làm của ta có tác dụng tuyên truyền nhiều hơn là lời nói. Nếu chúng ta tuyên truyền cho dân phục tùng mệnh lệnh, kỷ luật của Chính phủ mà tự ta không giữ được kỷ luật đối với nhân dân của Chính phủ, thì thà ngậm im mồm còn hơn là nói huênh hoang, khoác lác.

Thứ hai, thiết thực giúp đỡ đồng bào…”.

Đầu năm 1965, quân và dân ta đẩy mạnh hoạt động trên khắp chiến trường miền Nam và giành được nhiều thắng lợi lớn trên cả hai miền Nam, Bắc, làm nức lòng quân dân cả nước. Trong chiến thắng vang dội đó, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ quân đội không được công thần địa vị, chủ quan khinh địch, mà phải luôn chú trọng công tác dân vận, yêu cầu nhớ kỹ và làm đúng:

“… Kính trọng dân, thương yêu dân, giúp đỡ nhân dân.

Không nên cho mình là có công mà kiêu ngạo, coi thường nhân dân.

Bảo vệ tính mạng tài sản của nhân dân, tuyệt đối không được xâm phạm đến một cái kim sợi chỉ của nhân dân... làm sao mà “đi thì dân nhớ, ở thì dân thương”.

Chúng ta chỉ đánh giặc không thì chưa đủ mà còn phải làm công tác chính trị tốt trong quần chúng, tức là biết tuyên truyền và tổ chức quần chúng…”.

Trong Đại hội Anh hùng và Chiến sĩ thi đua tháng 4-1965, Đại tướng khẳng định: “Đã nói làm cách mạng là hết lòng hết dạ thương yêu nhân dân, kính trọng nhân dân, phục vụ nhân dân quần chúng. Chính từ quan hệ tốt với quần chúng nhân dân như vậy mà Đảng ta có sức mạnh vô địch, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam có sức mạnh vô địch, quân đội chúng ta có sức mạnh vô địch”. Do đó, cùng với việc chú trọng làm tốt công tác dân vận để tạo cơ sở chính trị vững bền cho sự trưởng thành, phát triển và chiến thắng của quân đội ta, thì cần phải đấu tranh chống lại những nhận thức, hành động sai trái, chưa đúng trong công tác dân vận. Trong bài nói chuyện tại Lớp tập huấn cán bộ tháng 8-1966, Đại tướng đã chỉ ra: “Quan hệ giữa quân đội và nhân dân nói chung tốt nhưng kỷ luật dân vận chưa được nghiêm… mặc dù chiến đấu thắng lợi lớn nhưng vi phạm kỷ luật dân vận phải phê bình rất nghiêm khắc”.

Dưới sự chỉ đạo của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, công tác dân vận, một nội dung quan trọng trong xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị được chú trọng. Bộ đội chấp hành nghiêm kỷ luật dân vận, luôn giúp đỡ nhân dân, bảo vệ nhân dân, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, mối quan hệ đoàn kết quân dân không ngừng được củng cố, phát triển, cán bộ, chiến sĩ quân đội được nhân dân tin tưởng, yêu mến, dành cho những tình cảm và sự giúp đỡ đặc biệt. Nhờ đó, quân đội ta đã cùng nhân dân cả nước làm nên thắng lợi vẻ vang của sự nghiệp cách mạng.

Những tư tưởng, quan điểm và sự chỉ đạo của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh về công tác dân vận, đã khẳng định bản chất cách mạng, tính nhân dân sâu đậm của quân đội ta, góp phần tạo ra và nhân lên sức mạnh vô địch chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược của một quân đội của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Ngày nay, tình hình thế giới và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch không ngừng ra sức chống phá cách mạng nước ta, chúng tìm mọi cách chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chia rẽ mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng và nhân dân, giữa quân đội và nhân dân… Những tư tưởng, quan điểm của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh về công tác dân vận vẫn là những tư tưởng xuyên suốt, còn nguyên giá trị.

NGUYỄN VĂN BÌNH và LÊ MẠNH TIẾN, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam

Bài 1: Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, một tư duy nhạy bén, sắc sảo trong nhận định, đánh giá đối phương trên chiến trường miền Nam
* Tin, bài đã xuất bản:
Bài 8: Học tập và noi theo tấm gương của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
Bài 7: Nhà lãnh đạo mẫu mực về đạo đức, lối sống, tác phong
Bài 6: Một vị tướng có những đóng góp xuất sắc trên mặt trận nông nghiệp
Bài 5: Người luôn giương cao tư tưởng dám đánh, quyết đánh và đánh thắng giặc Mỹ
Bài 4: Người góp phần đặt nền móng xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức
Bài 3: Người tạo ra các bước ngoặt cách mạng ở Bình - Trị - Thiên
Bài 2: Một người cộng sản kiên trung
Bài 1: Tiểu sử Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Nhà lý luận chính trị-quân sự xuất sắc, vị tướng tài năng của quân đội ta
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với hoạt động CTĐ, CTCT trong Quân đội
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và những câu chuyện trong lao tù
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh- Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Quân đội ta
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ở chiến trường
Chú Sáu Di là người thầy lớn
Triển khai thực hiện đúng tiến độ, có chất lượng các hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
Ký ức không quên nơi chiến trường Đông Nam Bộ
Vị cứu tinh bình dị, người khởi nguồn “Gió Đại Phong”
Nhớ mãi lời khen của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh