Đại tá “sóc đen” làm từ thiện

Bề ngoài, cựu chiến binh (CCB) Ngô Xuân Tự ở phố Thạch Cầu, phường Long Biên, quận Long Biên, TP Hà Nội trẻ hơn tuổi 72 hiện tại khá nhiều. Giọng nói nhiệt huyết, lúc sang sảng, lúc trầm ấm và dáng đi nhanh nhẹn, hoạt bát, chẳng ai nghĩ ông mang trong mình nhiều vết thương với hạng thương tật 2/4. Ông bảo, ngày còn tại ngũ, đồng đội ở Trung đoàn 36 (Sư đoàn 2, Quân khu 5) và nhiều đơn vị công tác khác sau này đều gọi ông là “sóc đen”. Ông từng được tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ” và nhiều phần thưởng cao quý mà bất cứ chiến sĩ nào trong Quân đội nhân dân Việt Nam cũng mong muốn. Ông tâm tình, do luôn đặt chữ “đức” lên trên hết mà tâm hồn luôn thanh thản, yêu đời và trẻ lâu.

leftcenterrightdel
CCB Ngô Xuân Tự trò chuyện với gia đình bà Phạm Thị Hồng tại nhà trọ của ông.

Từ đây, cuộc trò chuyện giữa tôi và ông luôn bị cắt gang bởi các cuộc điện thoại gọi đến. Khi là lời thăm hỏi sức khỏe, hẹn lịch đi làm từ thiện và có cả nhờ giải quyết việc riêng. Tôi chú ý cuộc điện thoại xin phép ông Tự không về ăn cơm trưa vì phải đi thực tập. Ông Tự nói, đó là Cao Minh Chí, sinh viên năm thứ nhất Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, một thanh niên có lực học rất tốt. Gia đình Chí ở Bắc Kạn và có hoàn cảnh rất khó khăn. Chán nản, Chí định bỏ học đi làm kiếm tiền. Qua người quen giới thiệu, tháng 10-2017, ông Tự tìm đến và giúp đỡ Chí. Một mặt, ông phân tích phải trái, định hướng cho Chí về tương lai tốt đẹp; mặt khác, ông động viên Chí về ở với gia đình ông. Ông lo toàn bộ chi phí ăn, ở. Tối hôm trước khi tôi đến, ông vừa giao giấy tờ chiếc xe Honda Dylan gắn bó với ông đã nhiều năm cho Chí. Chiếc xe máy là món quà ông tặng Chí cùng với điều kiện: Tốt nghiệp đại học loại giỏi. 

Trong suốt hơn 20 năm qua, ông Tự đã đi khắp mọi miền Tổ quốc và đến với những gia đình khó khăn, những mảnh đời khiếm khuyết để hỗ trợ, giúp đỡ. Ông dành chút ít lương hưu, trợ cấp thương tật và tiền từ nguồn thu nhập chính đáng khác để giúp đỡ mọi người, mà trước hết là đồng đội đã cùng ông một thời xông pha trận mạc trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế. Ví như, ông thuyết phục ông Đào Văn Toán-đồng đội cũ-ở bản Oi Nọi, xã Tiền Phong (Đà Bắc, Hòa Bình) thoát khỏi cuộc sống ẩn khuất trong rừng gần 40 năm, rồi đưa về Hà Nội. Không chỉ hỗ trợ tiền ăn, tiền sinh hoạt, CCB Ngô Xuân Tự còn mua đất, làm nhà, tạo dựng cuộc sống cho ông Toán.

Buổi trưa, tôi có mặt tại khu nhà trọ gồm 7 phòng khép kín của ông Tự. Chị Phạm Thị Nguyệt cùng chồng, con và mẹ đẻ là một trong các hộ gia đình sinh sống tại đây đã 3 năm cho biết, hiếm có người không lấy tiền trọ như ông Tự, việc này giúp chị có thêm kinh phí lo cho con ăn học chu đáo hơn. “Đó là may mắn, là phúc lớn của gia đình tôi”, chị Nguyệt chia sẻ.

Với sự phát triển của khoa học công nghệ, ngày nay nhiều người kêu gọi làm từ thiện nhờ internet và các tiện ích hiện đại. Có người còn đưa tài khoản ngân hàng lên mạng xã hội để nhà hảo tâm chuyển tiền đến dễ dàng. Ông Tự không làm theo cách đó. Trước mỗi lần đi từ thiện, ông đều điều tra kỹ càng rồi lập kế hoạch thực hiện, từ khâu tiếp nhận hàng, thuê xe, lo ăn dọc đường đến hiệp đồng với cơ quan chức năng địa phương. Bạn bè, đồng ngũ hoặc bất cứ ai muốn gửi tiền làm từ thiện, ông đều không nhận, chỉ nhận quà đã được đóng gói cẩn thận, đẹp mắt, có ghi tên, địa chỉ, số điện thoại và mang đến gia đình ông. Ông sẽ chuyển quà đến tận nơi và không quên dặn người nhận gọi điện cảm ơn. Ông bảo: "Trong việc này, tôi chỉ xem mình là người vận chuyển có tâm. Bởi nếu nhận tiền sẽ phát sinh nghi ngờ và gặp nhiều rắc rối khó giải quyết". Với cách làm ấy, trong năm 2017, chưa tính quà mà mọi người nhờ chuyển, ông Tự đã chi gần 300 triệu đồng để làm từ thiện tại các địa phương, như: Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Nam, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Nghệ An, Yên Bái, Bắc Kạn, Hòa Bình...

Người trọng đức, trọng nghĩa

Thuở nhỏ, Ngô Xuân Tự cũng có hoàn cảnh khá khó khăn: Khi được 3 tháng tuổi thì mẹ qua đời; bố chiến đấu ở chiến trường; được chị đưa về nuôi và lớn lên phải đi ở, kiếm ăn qua ngày. Ông bảo: “Tôi gần như không có tuổi thơ”. Từ chiến trường trở về, trong cuộc sống khó khăn, ông đã vươn lên phát triển kinh tế vững vàng. Ông cho đó là mình may mắn hơn những đồng đội khác đã hy sinh. Hiện nay, ông đã đầu tư một xưởng in hiện đại, ngoài sản xuất, ông còn dùng làm nơi dạy nghề cho những người có hoàn cảnh khó khăn.

leftcenterrightdel
Thú vui của Đại tá Ngô Xuân Tự.

Hơn hai năm trước, với bài thuốc học hỏi và phát triển từ đồng bào dân tộc thiểu số khi ở chiến trường, ông Tự đã giúp gần 100 người cai nghiện ma túy thành công và có việc làm ổn định từ xưởng in này. Ông đảm nhiệm đủ các khâu rất chuyên nghiệp, từ tiếp nhận, giáo dục thay đổi tâm tính đến lo việc làm. Ấn tượng nhất ở Đại tá Ngô Xuân Tự là thuyết phục người nghiện ma túy thay đổi thói quen xấu bằng chữ “đức”. “Tôi thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền. Thế nên, khi cảm hóa những người nghiện ma túy, tôi thường đưa ra các câu chuyện cụ thể để thuyết phục họ”, ông chia sẻ. Ông phân tích, nếu đến với họ bằng sự ban ơn hay ép buộc, bạo lực... thì tỷ lệ cai nghiện thành công đều thấp. Theo lời ông Tự, biết việc ông làm, cơ quan chức năng của Bộ Y tế và Bộ Công an đã đến nhà ông để kiểm chứng kết quả. Họ đánh giá, mô hình của ông Tự rất phù hợp với truyền thống, tâm lý người Việt và có thể áp dụng rộng rãi bởi tỷ lệ tái nghiện là rất nhỏ.

Trong câu chuyện, ông Tự nhớ lại kỷ niệm về lần ông cưu mang nữ sinh viên Phạm Thị Loan trong những ngày cô bị căn bệnh HIV hành hạ. Chuyện là, một ngày đầu năm 2008, ông tình cờ phát hiện Loan nằm ở nghĩa trang, toàn thân lở loét. Ông đưa tay đỡ cô dậy thì cô gái sợ hãi nói: "Bác đừng động vào con. Con bị bệnh truyền nhiễm đấy". Không ngần ngại, ông trả lời: "Bệnh gì thì bệnh, cứ lên đây với bố!". Vậy là ông nhanh chóng đưa cô về nhà chăm sóc. Khi biết sự thật về hoàn cảnh quá éo le, hết sức bi đát của Loan, bất chấp tất cả khó khăn và sự lây nhiễm có thể đến, ông Tự làm mọi việc, chăm sóc Loan như con đẻ của mình. Ngày 28-3-2008, Loan trút hơi thở cuối cùng. Trước khi qua đời, Loan có nguyện vọng được mang họ của ông. 

Rời nhà CCB Ngô Xuân Tự, mưa bụi lất phất bay trên phố phường Hà Nội. Tôi hiểu, mùa xuân đã về và đất nước ngày càng đẹp hơn bởi trong xã hội còn rất nhiều tấm gương bình dị như Đại tá Ngô Xuân Tự. Những tấm gương ấy quý hơn cả vàng mười.

Bài và ảnh: THẢO TRANG