Đại tá NGUYỄN HUY THIÊM (nguyên Trưởng phòng Biên tập CTĐ, CTCT, Báo QĐND): 

Tiếp tục "nuôi dưỡng", phát huy hiệu quả cuộc thi viết

Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” do Báo QĐND phối hợp với một số cơ quan, đơn vị tổ chức, đến nay tròn 10 năm. Thật may mắn, tôi được tham gia ban tổ chức cuộc thi viết từ lần thứ nhất. Tôi vẫn nhớ, để có tên gọi Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý”, ban tổ chức đã tranh luận khá lâu. Sau đó ban tổ chức mới thống nhất, Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” là để phát hiện các cá nhân điển hình, những con người bình dị biết vượt lên hoàn cảnh, số phận, dám nghĩ, dám làm; dốc lòng, dốc sức cống hiến vì đất nước, vì cộng đồng.

Được sự quan tâm, chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương và Tổng cục Chính trị, từ cuộc thi viết lần thứ ba (năm 2010) do Báo QĐND, Vụ Báo chí-Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương), Nhà xuất bản QĐND phối hợp tổ chức, tiếp tục thu hút đông đảo người viết chuyên nghiệp và không chuyên trên mọi miền Tổ quốc tham gia. Qua 10 năm, cuộc thi đã phát hiện, giới thiệu tổng cộng gần 4.000 tấm gương bình dị mà cao quý, trong đó gần 1.500 tấm gương tiêu biểu được phản ánh, đăng tải, tôn vinh trên Báo QĐND.

Đến nay, “Những tấm gương bình dị mà cao quý” đã lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội và Báo QĐND thật tự hào là tờ báo đầu tiên nêu ra, trực tiếp thực hiện ý tưởng của cuộc thi viết và kiên trì “nuôi dưỡng”, phát huy, nhân rộng cuộc thi viết trong suốt 10 năm qua.

  QUÂN THỦY (ghi)

 

Trung tá LÊ NGỌC SƠN (Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, Bộ Quốc phòng): 

Trong hoàn cảnh đó, ai cũng làm như tôi

Tháng 4-2017, tôi và hai đồng đội được cử đi làm nhiệm vụ ở Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Cộng hòa Trung Phi. Chúng tôi thuê nhà trọ cách trụ sở phái bộ vài ki-lô-mét. Thời gian rảnh rỗi, tôi sang hàng xóm trò chuyện và thi thoảng giúp họ bổ củi để bán. Một buổi trưa tháng 4, tôi gặp hai mẹ con chị Annie đến mua củi. Thấy bó củi nặng, tôi đề nghị vác giúp về nhà họ.

leftcenterrightdel
Trung tá LÊ NGỌC SƠN.

Trung Phi là đất nước còn chìm trong nội chiến, bạo lực và xung đột sắc tộc. Trẻ em ở các địa phương hàng chục năm nay không được đến trường. Ngay tại thủ đô mà trẻ em cũng không được học hành đầy đủ. 3 cháu con của chị Annie là Choula, Emmanuel và Angelina cũng không ngoại lệ. Nhìn các bé rất đáng thương, hoàn cảnh sống thiếu thốn, muốn đi học mà cũng không có điều kiện nên tôi tình nguyện dạy chúng học. Ban đầu tôi kèm Choula học môn Toán, thấy chị học, Emmanuel và Angelina cùng một đứa trẻ nhà gần đó cũng xin học theo.

Thời gian công tác tại Cộng hòa Trung Phi, tôi tổ chức được 6 lớp học cho hơn 150 học sinh. Khi biết tin mình là nhân vật trong bài viết đoạt giải Ba cuộc thi viết "Những tấm gương bình dị mà cao quý" (tác phẩm “Dấu ấn anh Bộ đội Cụ Hồ ở Trung Phi” của tác giả Hoàng Linh-Phạm Kiên), tôi khá bất ngờ và rất vui. Bất ngờ vì việc làm nhỏ bé của mình có sức lan tỏa khá lớn. Còn vui vì mình đóng góp một phần công sức để quảng bá hình ảnh Việt Nam tới bạn bè quốc tế.

 KIM DUNG (ghi)

CCB Nguyễn Xuân Vui (Hội viên Hội Cựu chiến binh tỉnh Quảng Bình):

 Lan tỏa những hành động đẹp từ cuộc thi

Tôi tham gia Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” ngay từ lần đầu tiên Báo QĐND tổ chức với hơn 10 bài viết được đăng, trong đó có 3 bài đoạt giải. Theo tôi, muốn viết được một tấm gương bình dị nhưng cao quý trong cuộc sống không hề đơn giản mà cần có sự đam mê, kiên nhẫn, đi nhiều nơi, chịu khó tìm tòi, phát hiện từ thực tiễn cuộc sống. Qua những lần gặp gỡ nhân vật để viết tham gia cuộc thi, tôi nhận thấy các nhân vật tôi từng gặp thường khiêm tốn khi nói về hành động tốt đẹp họ đóng góp với xã hội. Để có góc nhìn bao quát, tôi phải tìm hiểu, tổng hợp từ nhiều nguồn thông tin. Trong những bài viết của tôi, nhân vật có thể là thầy giáo gắn bó cả đời với học sinh miền núi, biên giới hay một gia đình cựu chiến binh có ba thế hệ vẫn đang từng ngày chăm sóc, quét dọn nghĩa trang liệt sĩ… Qua những tấm gương này, tôi muốn tiếp tục nhân lên hành động đẹp, bình dị mà cao quý trong cuộc sống.

leftcenterrightdel
CCB Nguyễn Xuân Vui.

Với tôi, Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” do Báo QĐND tổ chức chính là nơi để chúng ta tôn vinh, trân trọng những con người luôn nỗ lực phấn đấu, thầm lặng làm việc tốt. Tính nhân văn của cuộc thi đang ngày càng có sức lan tỏa, nhân rộng, góp phần không nhỏ hướng con người đến việc làm có ích, nhân lên những hành động đẹp để xã hội ngày càng tốt hơn.

TRẦN ANH MINH (ghi)

 

Trung tá NGUYỄN MẠNH DŨNG (Phó tổng biên tập Báo Quân khu 3): 

Để những điều tốt đẹp luôn được lan tỏa

Là tác giả từng tham gia Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” những năm trước nên tôi luôn theo dõi các tác phẩm tham gia cuộc thi này. Thông qua các bài viết, tôi nhận thấy sức mạnh nêu gương của các nhân vật trong từng tác phẩm rất lớn và có ảnh hưởng sâu sắc trong cuộc sống. Tôi tin rằng, những tấm gương này sẽ tiếp tục lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội.

Riêng trong lĩnh vực báo chí mà mình công tác, tôi càng ý thức hơn việc tuyên truyền trên báo về những tấm gương “bình dị mà cao quý” trong cuộc sống để những điều tốt đẹp luôn được lan tỏa. Đồng thời nhắc bản thân luôn khắc sâu lời Bác dạy, cần rèn luyện trở thành người cán bộ cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; nâng cao nhận thức chính trị; ý thức đúng đắn về nghề nghiệp và trách nhiệm của người làm báo cách mạng. Trong đó phải tôn trọng, bảo vệ nhân dân, hết lòng phục vụ nhân dân và rèn luyện tính chiến đấu, thái độ trung thực, tấm lòng trong sáng, chân thành; nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ... Đây chính là cơ sở quan trọng để mỗi chúng ta thực hiện tốt việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

DƯƠNG SAO (ghi)