Lớp học lịch sử bên hiên nhà
“Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng,... Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên Việt Nam...”, cứ đều đặn đầu giờ chiều chủ nhật hằng tuần, lớp học sử “đặc biệt” của CCB Văn Đình Thanh (66 tuổi), lại vang lên tiếng hát, tiếng cười của các em nhỏ cùng tiếng đàn măng-đô-lin (mandoline) thánh thót. Thanh âm của những bài hát cách mạng lại ngân vang qua những giọng hát tuy còn non nớt, nhưng không kém phần hào sảng, làm rộn rã một vùng quê nghèo miền sông nước.
Gần 20 năm mở lớp dạy lịch sử miễn phí, ông được mọi người trong xóm và các em học trò yêu quý gọi với cái tên thân mật “ông Năm”.
Lớp học của ông Năm không có bàn ghế như ở trường mà chỉ đơn sơ là một góc hiên nhà. Các em cùng ngồi dưới nền gạch được lau sạch. Công cụ giảng dạy là cây đàn măng-đô-lin cũ kỹ cùng những mảnh giấy ghi câu đố vui về lịch sử… nhưng lại thu hút khá đông học sinh tham gia với tinh thần vui tươi, phấn khởi và cả sự hăng say, yêu thích. Em Nguyễn Thị Tuyết Nhi, học sinh Lớp 6, Trường Phổ thông dân tộc nội trú Him Lam khoe: “Em thích cách dạy của ông Năm, vì ở đây em vừa được hát, vừa được học, vừa có quà. Mà các dấu mốc lịch sử cũng rất dễ nhớ, dễ tiếp thu và hứng thú, vì những sự kiện lịch sử đó đã được lồng vào lời hát, lời kể của ông Năm, chứ không khô khan như trong sách. Giờ em đã thuộc nhiều bài hát về lịch sử như: “Anh Ba Hưng”, “Em là chiến sĩ Giải phóng quân”, “Nam Bộ kháng chiến” … và cũng hiểu biết thêm về các giai đoạn lịch sử đấu tranh của dân tộc".
Chị Nguyễn Thị Tuyết Giang, phụ huynh của em Tuyết Nhi chia sẻ: “Từ ngày có lớp học này thấy bé yêu thích môn Lịch sử hơn. Về nhà cháu cũng hay khoe là học được thêm nhiều bài hát mới, đôi khi còn mang cả trò đố vui ở lớp ra đố ngược lại cha mẹ. Thấy bé vừa có thêm kiến thức, vừa có thêm bạn bè, nên tôi và các bậc phụ huynh trong xóm đều rất ủng hộ các cháu theo học”.
Ở lớp học của ông Năm, mỗi tuần các em sẽ được học một bài hát mới. Sau mỗi bài hát, ông Năm còn giải thích thêm về tác giả, hoàn cảnh ra đời của bài hát, những trận đánh hay, các nhân vật quan trọng trong sự kiện đó để các em nắm vững thêm kiến thức lịch sử.
Bằng chất giọng hào hùng và lối kể chuyện sinh động của một người đã từng xông pha trận mạc, cả lớp học thực sự bị cuốn hút bởi ánh mắt, giọng nói, cử chỉ của một "người thầy” không chuyên.
Sau phần học hát, lớp học lại nhộn nhịp hẳn lên bởi phần đố vui có thưởng. Câu hỏi phần lớn liên quan đến các kiến thức của tuần trước và phần vừa được học. Ai trả lời đúng, hát hay sẽ được nhận phần thưởng là một quyển tập và cây viết. Rất nhiều cánh tay đưa lên sau khi nghe ông giới thiệu về “thể lệ” cuộc thi. Chứng kiến không khí sôi nổi của lớp học, tôi khá bất ngờ vì ở độ tuổi từ 5 đến 15, nhưng các em có thể nhớ và trả lời chính xác nhiều dấu mốc, nhân vật lịch sử...
Nhìn nụ cười, ánh mắt hạnh phúc của ông Năm mỗi khi các cháu hát trọn vẹn một bài hát, trả lời đúng một câu hỏi về lịch sử, mới thấy hết tình cảm mà người CCB này dành cho các học trò nhỏ. Ông Năm cho biết: “Phần lớn các cháu đều có hoàn cảnh khó khăn, nên tôi thường vận động các mạnh thường quân hỗ trợ vở, bút để phát cho các cháu mỗi dịp năm học mới; phần còn lại dùng để làm phần thưởng cho phần thi trả lời câu hỏi. Các cháu chăm học nên câu hỏi đưa ra hầu hết đều trả lời được, vì thế, số vở hết khá nhanh”.
Nhìn những nụ cười thật tươi của các cháu khi nhận được quà, ông Năm vui vẻ: “Mỗi một ngày gặp gỡ, trò chuyện về lịch sử với các cháu, tôi như sống lại bao năm về trước. Đau thương, mất mát nhưng cũng rất đỗi tự hào. Tôi mong các cháu hiểu, nắm vững kiến thức lịch sử quê hương, qua đó, tự rút ra bài học riêng cho bản thân từ mỗi câu chuyện lịch sử”.
Để các em dễ dàng ghi nhớ các dấu mốc lịch sử và những sự kiện quan trọng, về các anh hùng dân tộc, ông Năm phân ra thành nhiều chủ đề; trong mỗi tháng có sự kiện gì, dấu mốc quan trọng nào… để đi sâu giảng giải. Bên cạnh đó, ông còn truyền dạy những kiến thức xã hội, như quyền và lợi ích của trẻ em, những điều trẻ em không được làm... Với phương pháp cho trẻ “vừa học, vừa chơi”, giúp các cháu dễ tiếp thu, hiểu thêm về lịch sử của quê hương, đất nước, đồng thời khơi dậy lòng biết ơn các anh hùng, liệt sĩ đã không tiếc máu xương vì độc lập, tự do của Tổ quốc…
Không chỉ dạy hát, dạy lịch sử, ông Năm còn tổ chức cho các em vui chơi, sinh hoạt, giao lưu với trường học, Đoàn thanh niên và đi tham quan di tích lịch sử ở địa phương. Khi về ấp Thạnh Mỹ A, nếu hỏi các em nhỏ ở đây về những ngày lịch sử, về một số bài hát cách mạng, hay di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, thì nhiều em trả lời khá rành rọt.
Thấy những đứa trẻ vùng quê thiếu thốn đủ bề, thỉnh thoảng ông Năm còn tổ chức vui chơi để bù đắp cho các cháu phần nào thiệt thòi. Vào các ngày Tết Thiếu nhi (1-6), rằm Trung thu… ông cho các em thả sức nô đùa với các trò chơi dân gian như bịt mắt bắt dê, rồng rắn lên mây, cờ lau tập trận... Ông còn tổ chức sân khấu ngay tại sân nhà mình rồi cho các em rước đèn, với các tiết mục văn nghệ, khi đó, các em trình diễn những bài hát ông đã dạy, thi hái hoa dân chủ để trả lời những câu hỏi về kiến thức lịch sử mà các em đã học...
Thời gian lặng lẽ trôi, nhiều đứa trẻ trong làng đã khôn lớn, trưởng thành từ lớp học của ông Năm, có em yêu môn Lịch sử và quyết theo ngành sư phạm sử để viết tiếp ước mơ của người đã truyền cảm hứng cho mình. Trò chuyện với tôi, em Võ Phi Long, học sinh Lớp 9, Trường Phổ thông dân tộc nội trú Him Lam, chia sẻ: “Lớn lên em sẽ làm thầy giáo dạy sử để truyền kiến thức lịch sử cho các em nhỏ như em được học bây giờ”. Tôi cảm nhận ánh mắt rất vui của ông Năm, khi nghe những câu nói ngây thơ, chân thật và đầy tình cảm của các học trò.
Lòng nhiệt huyết và tình yêu con trẻ
Khi mới 13 tuổi, là học sinh ở trường thiếu sinh quân, cậu bé Văn Đình Thanh đã ấp ủ ước mơ được trở thành thầy giáo, nhưng khi đất nước bị xâm lăng, ông hăng hái cầm súng lên đường. Sớm tham gia cách mạng, từng chứng kiến bao đồng đội hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, ông Năm luôn tâm niệm, để có được cơm no, áo ấm như hôm nay, phải đổi bằng xương máu của bao lớp người. Thế hệ trẻ ngày nay rất cần phải biết, phải hiểu điều đó.
Sau khi rời quân ngũ, ông Năm trải qua nhiều công việc khác nhau như: Nhân viên bưu chính, làm công nhân tại Công ty Nông sản thực phẩm Hậu Giang. Khi về hưu, ông sinh hoạt ở Hội CCB địa phương từ năm 1993. Là xã vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, nhiều trẻ em trong xóm thiếu thốn cả trong vui chơi lẫn học tập, sau nhiều đêm trăn trở, năm 1997, ông Năm cùng với một số CCB, cán bộ về hưu ở địa phương mở câu lạc bộ (CLB) “Ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo". Lớp học lịch sử cho các cháu nhỏ ở địa phương cũng hình thành từ CLB này. Ông Năm nhớ lại: “... Hôm đó là đêm Trung thu, thấy các cháu trong xóm không có quà, bánh và sân chơi, nên tôi cùng với anh Sáu Quý nảy ra ý tưởng thành lập CLB “Ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo”. Thấy trẻ em trong xóm ít hiểu về lịch sử, lại không muốn học vì môn này khô khan, tôi thêm quyết tâm dạy lịch sử bằng cách thông qua các bài hát và các phần thi đố vui”.
Với mong muốn giúp các cháu nhỏ có sân chơi bổ ích, ông Năm dồn hết tâm sức của mình truyền niềm đam mê học lịch sử một cách nhẹ nhàng đến nhiều thế hệ trẻ vùng quê, giúp các em thêm yêu thích và tự hào về lịch sử nước nhà. Ông tâm sự: “Gần đây việc học lịch sử bị mai một nhiều, nên tôi quyết định “ôn lại” lịch sử và truyền thống cách mạng cho các cháu. Trẻ thơ như tờ giấy trắng. Khi dạy lịch sử, ngoài việc giúp các cháu có kiến thức về lịch sử còn phải giáo dục lòng hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, tình yêu quê hương, đất nước. Học lịch sử là học cách làm người, sống sao cho xứng đáng với những thế hệ đi trước...”.
Để truyền tải hết kiến thức lịch sử nước nhà và làm phong phú thêm kiến thức bài giảng, thời gian rảnh, ông tranh thủ tìm đọc thêm sách lịch sử và sưu tầm những bài hát liên quan. Tủ sách nhà ông ngày một dày thêm, với nhiều cuốn sách hay để trong giờ giải lao, các em cùng tìm hiểu. Tình yêu quê hương, đất nước trong các học trò nghèo nơi đây cũng lớn dần theo năm tháng, qua từng lời ca, tiếng hát bình dị, dịu êm mà thấm đẫm tình người.
Ông Năm bộc bạch: “Thấy các cháu ham học mình cũng vui. Có khi trời mưa, nhưng các cháu vẫn nhờ phụ huynh đưa đến nhà để học, vì thế tôi tự nhủ, mình phải cố gắng nhiều hơn”.
Đam mê, nhiệt huyết và yêu trẻ, nên dù tuổi cao và khó khăn về kinh phí hoạt động, nhưng người CCB già vẫn không bỏ cuộc. Còn bà Nguyễn Thị Lịch, vợ ông Năm thì chia sẻ: “Con cái đi làm ăn xa, chỉ có hai ông bà ở nhà, nhiều khi ông bị ốm nhưng vẫn cố gắng dạy các cháu, nhưng ông bảo đây là niềm vui tuổi già nên tôi cũng chiều theo. Có các cháu đến học, nhà cũng bớt phần vắng vẻ”.
Được hỏi về kinh phí hoạt động của lớp học, ông Năm trầm tư: “Sức khỏe của tôi giờ cũng kém, khó đi xa để vận động các mạnh thường quân, nên phần thưởng cho các em cũng hạn hẹp”.
Thương các cháu thiếu thốn, nên khi phần hỗ trợ của các mạnh thường quân không đủ để cho các cháu đi tham quan các khu di tích lịch sử, ông Năm trích một phần tiền của gia đình để giúp thêm. Ngoài thời gian dạy lịch sử, ông còn tham gia các hoạt động từ thiện, như: Xây cầu, làm đường, xây nhà tình thương... Đến nay, đã có tổng cộng 15 căn nhà tình thương được hoàn thành do ông quyên góp và vận động người dân hỗ trợ.
Tạm biệt lớp học nhỏ của “thầy giáo” CCB, tôi ra về mà vẫn nghe văng vẳng những lời ca, tiếng hát của lũ trẻ, với giai điệu tự hào của một thời hoa lửa. Câu chuyện về ông Năm và “lớp học đặc biệt” đã cho tôi thêm niềm tin vào thế hệ trẻ-tương lai của đất nước, sẽ tiếp nối truyền thống cha anh, viết tiếp trang sử hào hùng trong thời kỳ mới.
Bài và ảnh: THÚY AN