Thầm lặng gây dựng đội bóng nơi miền quê nghèo
Thôn Nghiêm Xá là vùng thuần nông, người dân quanh năm chỉ trông vào mấy sào ruộng, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn. Các gia đình tranh thủ những lúc nông nhàn đi làm thuê kiếm sống nên chẳng mấy ai nghĩ đến việc cho con em mình luyện tập thể thao, tham gia đá bóng. Ông Kiểm thấu hiểu những vất vả, nhọc nhằn của người dân quê và càng thương những đứa trẻ trong làng. Chúng cũng có những ước mơ, nhu cầu được vui chơi, giải trí, nhưng gia đình lại nghèo khó... Với tấm lòng yêu thương con trẻ, ông Kiểm “tự phong" cho mình chức huấn luyện viên để truyền dạy bóng đá cho lũ trẻ nghèo, qua đó khơi dậy phong trào thể dục-thể thao sôi nổi ở địa phương.
Một buổi luyện tập của các cháu trong CLB bóng đá nữ trẻ xã Nghiêm Xuyên dưới sự hướng dẫn của ông Kiểm.
Ngay từ khi mới nhập ngũ, chàng trai Dương Khắc Kiểm đã thể hiện rõ năng khiếu bóng đá. Đơn vị sơ tán lên Đa Phúc, Vĩnh Phúc (nay thuộc huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội), bộ đội tận dụng bãi đất trống đầu thôn Xuân Dục, xã Tân Minh làm nơi vui chơi thể thao. Khi ấy, Binh nhì Dương Khắc Kiểm là chiến sĩ vệ binh, nhưng với năng khiếu thể thao, anh được cử làm đội trưởng đội bóng đá của đơn vị. Sau đó, do yêu cầu chiến trường, anh chuyển về Tiểu đoàn 51, Binh trạm 31, Đoàn 559, trực tiếp lái xe trên những cung đường Trường Sơn. Năm 1972, Dương Khắc Kiểm bị thương và được xuất ngũ về địa phương. Gia cảnh hết sức khó khăn, anh quyết định ra Hà Nội kiếm sống. Tuy lao động nặng nhọc, nhưng anh vẫn dành dụm chút tiền ít ỏi kiếm được để mua báo, cập nhật tin tức thể thao. Mong muốn khơi dậy phong trào thể dục-thể thao ở quê nhà cứ lớn dần trong Dương Khắc Kiểm. Cho đến năm 1986, ông Kiểm gặp người bạn là ông Dương Văn Kình, Trưởng Chi nhánh Điện lực huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây (trước đây), từng thi đấu cho đội bóng đá Thể Công. Nghe ông Kiểm đề đạt nguyện vọng thành lập đội bóng, vốn là người cùng quê và sẵn có tình yêu bóng đá, ông Kình ủng hộ ngay.
Hằng tuần, ông Kiểm vẫn lên Hà Nội lao động và dành dụm tiền công, ra phố Hàng Da mua bóng hơi. Cuối tuần, ông mang trái bóng về quê cho lũ trẻ trong xóm cùng chơi ở sân hợp tác xã. Bóng rách, ông tận dụng, khâu vá phục vụ bọn trẻ cho đến khi không còn chơi được nữa, ông lại dành tiền mua trái bóng mới.
Công việc của ông cứ lặng lẽ như vậy cho đến năm 1993, khi thôn Nghiêm Xá tổ chức hội làng truyền thống đầu xuân. Được Trưởng thôn Nguyễn Văn Minh gợi ý, ông Kiểm liền đề xuất thành lập đội bóng đá tham gia thi đấu giải hội làng. Ông đã trực tiếp lựa chọn 60 nữ thanh niên, thiếu niên tuổi từ 13 đến 25, chia làm hai đội lấy tên là Thanh Xuân và Tuổi Trẻ tham gia luyện tập gấp rút. Địa phương chưa có sân vận động, ông đề nghị nhân dân góp sức san khu vực ruộng bãi làm sân bóng. Đúng ngày hội làng, trận bóng diễn ra với sự cổ vũ của hàng nghìn người, ai cũng phấn khởi. Riêng với ông Kiểm thì niềm vui còn nhân lên gấp bội, bởi được sự ủng hộ nhiệt tình của bà con và chính quyền địa phương, từ đây các cháu nhỏ ở quê ông đã có một sân chơi bóng đá riêng.
Vào thời điểm đó, chưa địa phương nào ở tỉnh Hà Tây có đội bóng đá nữ. Ấy vậy mà tại làng Nghiêm Xá nhỏ bé lại có một đội bóng nữ, tổ chức thi đấu khá đều đặn. Sau thành công đó, cán bộ Trung tâm Thể dục-thể thao tỉnh Hà Tây về tìm hiểu và nhận đội bóng đá nữ này làm đại diện cho tỉnh. Tiếp đó, đội được tỉnh chọn đi giao lưu với đội bóng đá nữ tỉnh Hòa Bình. Năm 1996, đội lại đại diện cho tỉnh Hà Tây tham gia Hội khỏe Phù Đổng và giành giải nhì khu vực miền Bắc.
Từ đó đến nay, phong trào bóng đá của địa phương ngày càng phát triển. Bà con trong làng, ngoài xã thầm cảm ơn ông Kiểm vì đã đem bóng đá về làng quê và truyền tình yêu bóng đá cho người dân. Ngày nào trên sân vận động cũng vang tiếng hò reo, mọi người phấn khởi khi được tham gia luyện tập miễn phí. Ông Hoàng Xuân Hữu, Chủ tịch UBND xã Nghiêm Xuyên, cho biết: "Có được thành công như hôm nay là nhờ sự đóng góp không biết mệt mỏi của người cựu chiến binh già Dương Khắc Kiểm hết lòng với quê hương, với những đứa trẻ ở miền quê nghèo. Chính ông Kiểm đã đưa phong trào thể dục-thể thao của địa phương phát triển, góp phần đào tạo những tài năng bóng đá cho địa phương và đất nước".
Sâu nặng tình yêu thương, nghĩa thầy trò
Suốt hàng chục năm, ông Kiểm luôn trăn trở làm sao đào tạo các thế hệ học trò nhằm phát triển phong trào thể thao và cao hơn là các em được tham gia các giải thi đấu của quốc gia, quốc tế. Ông đã đặt trọn niềm tin vào những đứa trẻ nhà quê, vốn quen lam lũ từ bé. Được hỏi vì sao ông lại chọn đào tạo các cầu thủ bóng đá nữ, ông cười vui, nói: "Phụ nữ nước mình giỏi lắm. Trước đây chị em vừa đánh giặc vừa đi cày còn làm được, thì tại sao không đá bóng được? Việc gì khó, cứ kiên trì sẽ thành công".
Bắt tay vào công việc, ông cũng gặp không ít khó khăn, vì các gia đình còn nghèo, cần người lao động hơn là đi đá bóng. Thêm vào đó, một số người có định kiến: "Con gái ai lại đi đá bóng, cứ huỳnh huỵch dãi nắng dầm mưa, có mà… ế chồng". Khi ấy, ông phải đến từng nhà vận động các gia đình dành một tiếng buổi chiều cho các cháu ra sân để ông chỉ dạy. Cứ thế, cháu nọ bảo cháu kia dần dần thành đội bóng. Tiếp đến là khó khăn về cơ sở vật chất. Do địa phương còn nghèo, nên cũng chẳng có kinh phí hỗ trợ. Toàn bộ trang bị luyện tập, từ bóng, lưới, cờ, còi… đều do ông tự sắm. Nhiều buổi tập, ông còn dành tiền mua nước cho các cháu uống.
Ban đầu, nhiều người không hiểu, bảo ông là "vác tù và hàng tổng". Mặc ai nói ra nói vào, ông vẫn kiên trì huấn luyện cho lũ trẻ và coi đó là niềm vui tuổi già. Vợ ông-bà Nguyễn Thị Chiến, từng là thanh niên xung phong, tâm sự: "Cả cuộc đời ông ấy vất vả, nhưng khi ở bên những đứa trẻ, thấy ông vui và khỏe ra, nên gia đình cũng động viên để ông làm việc có ích". Về phần mình, bà Chiến cũng chu toàn việc nhà và cứ chiều chiều lại phụ giúp ông sắp xếp đồ đạc vào chiếc hòm tôn để đưa ra sân bóng.
Chỉ với những vật dụng hết sức giản đơn, nhưng lớp học của ông Kiểm lại đạt kết quả cao nhờ sự hiểu biết, lòng kiên trì, ý chí quyết tâm của thầy và trò. Ông Kiểm cũng tự trang bị cho mình những kiến thức về chuyên môn qua ti vi, tài liệu, sách báo. Rồi ông được ngành văn hóa-thể thao địa phương cho đi tập huấn. Những kiến thức đó dần được tích lũy, trở thành kinh nghiệm quý để ông truyền dạy cho các học trò. Quá trình luyện tập, ông rất nghiêm túc. Khi các “cầu thủ nhí” có vi phạm, ông cho dừng luyện tập ngay, chỉ ra khuyết điểm, rút kinh nghiệm rồi mới cho tập tiếp...
Đã mấy chục năm gắn bó với nghề huấn luyện bóng đá, ông chứng kiến biết bao chuyện buồn vui của các học trò. Như cháu Phạm Diệu Linh, hoàn cảnh gia đình éo le, sống với bà ngoại từ nhỏ. Thương cháu, bà Tuyết-bà ngoại Linh nhờ ông Kiểm cho cháu tham gia lớp học bóng đá. Nhìn đứa bé gầy còm, nhếch nhác, ông Kiểm rất thương. Ông nhận vào lớp học và hằng ngày, sau giờ luyện tập, ông đưa cháu Linh về nhà cho ăn uống. Nhờ sự chỉ bảo tận tình của ông Kiểm và sự cố gắng của bản thân, Phạm Diệu Linh đã được nhận vào Đội tuyển bóng đá nữ Hà Nội, có tiền trợ cấp gửi về cho bà.
Từ lớp học của ông Kiểm đã có nhiều "cô bé nhà quê" trở thành cầu thủ tài danh, nhiều năm liền tham gia Đội tuyển bóng đá nữ quốc gia như: Dương Khánh Ly, Nguyễn Thị Thành, Nguyễn Thị Nga, Nguyễn Kiều Diễm… Tiêu biểu trong số học trò của ông có thủ môn Đỗ Thu Trang. Năm 2005, Thu Trang nhận danh hiệu Thủ môn xuất sắc nhất Giải bóng đá nữ vô địch quốc gia. Mỗi lần gặp lại cô học trò Thu Trang, ông Kiểm không quên những ngày tháng cơ cực, khi bố mẹ cháu chia tay, Trang ở với ông bà nội. Chiều chiều, Trang vừa đi cắt rau cho lợn, vừa nghé vào xem đá bóng, rồi lân la xin ông vào học. Nhiều hôm đá bóng về sợ ông bà mắng, em phải đợi khô quần áo mới dám mang rau về nhà. Nhờ công rèn cặp của thầy Kiểm mà Thu Trang dần trưởng thành và đã bước ra đấu trường quốc tế, tham gia các sự kiện thể thao lớn, như: SEA Games 22, Asian Cup 2003, Tiger Cup 2004, ASIAD 16… và mang vinh quang về cho thể thao nước nhà.
Tính đến nay, ông Kiểm đã truyền dạy bóng đá cho khoảng 250 học trò, trong đó có khoảng 50 học trò tiêu biểu tham gia đội tuyển bóng đá nữ quốc gia và thành phố Hà Nội. Hiện tại, ông vẫn mở lớp truyền dạy miễn phí cho các cháu nhỏ ở khắp các xã của huyện Thường Tín. Những cháu có năng khiếu, kết quả học tập tốt và có nguyện vọng đi theo đá bóng chuyên nghiệp, được ông chuyển lên đầu quân cho đội hình Hà Nội 1 (đội tuyển) và Hà Nội 2 (đội trẻ) để có điều kiện phát triển.
Bước sang tuổi 71, ông Kiểm vẫn miệt mài truyền dạy cho các cháu không chỉ kiến thức bóng đá, mà còn cả kinh nghiệm sống, nhất là nghị lực vượt khó vươn lên. Các học trò coi lớp học như ngôi nhà thứ hai của mình, còn ông Kiểm là người thầy, người ông đáng kính. Nhớ công ơn dạy dỗ, nhiều cầu thủ thành danh thường xuyên về thăm thầy và hỗ trợ cho lớp đàn em, còn người dân thôn Nghiêm Xá thì coi lớp học của ông Kiểm là nơi cứu giúp, nâng đỡ nhiều trẻ em nghèo khó vươn lên. Dù nhận được nhiều bằng khen, giấy chứng nhận “Người tốt, việc tốt”, nhưng ông Kiểm vẫn luôn khiêm tốn nói rằng: "Yêu nước phải thể hiện bằng hành động cụ thể. Dù việc lớn hay nhỏ, nếu có ích cho quê hương, đất nước thì khó khăn mấy tôi cũng quyết tâm làm".
Bài và ảnh: VŨ DUY - NGUYỄN LỢI