Trưởng thôn “cắm sổ đỏ” làm đường nông thôn mới
Tôi đến xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai để tìm hiểu về phong trào xây dựng nông thôn mới. Bí thư Đảng ủy xã Đoàn Văn Xuân đưa tôi xuống thôn Tây Hồ giới thiệu. Phải mất 30 phút chờ đợi sau khi gọi điện, chúng tôi mới gặp được Trưởng thôn Nguyễn Quang Vinh. Ông Vinh vừa từ trên rẫy cà phê xuống, quần áo lấm lem, mồ hôi mướt mải trên trán. Xã Bàu Cạn có hơn 6.000 nhân khẩu với 6 thôn, thì thôn Tây Hồ là thôn điểm hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới. Đến Tây Hồ hôm nay, xe ô tô chạy bon bon trên những con đường được bê tông hóa thẳng tắp, điện thắp sáng đã về đến từng nhà cùng nhiều lợi ích thiết thực khác mà người dân đang được hưởng... Những vạt cà phê, hồ tiêu xanh mướt chạy dọc hai bên đường, có những gia đình làm nông nghiệp mà thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Tất cả giờ đây đã là niềm vui có thực của mỗi người dân thôn Tây Hồ, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của Trưởng thôn Nguyễn Quang Vinh.
Trưởng thôn Nguyễn Quang Vinh (người đứng đội mũ, ngoài cùng bên trái) nói chuyện với bà con xóm phong của người Gia Rai.
Bí thư Đảng ủy Đoàn Văn Xuân kể, chương trình xây dựng nông thôn mới được đưa vào Nghị quyết của Đảng ủy xã từ năm 2011, tuy nhiên do đặc điểm xã thuần nông nên việc triển khai không đơn giản. Sau khi bàn bạc thống nhất, Đảng ủy, UBND xã đã quyết định chọn thôn Tây Hồ là thôn điểm để xây dựng các tiêu chí nông thôn mới. Bên cạnh những lý do “thiên thời, địa lợi” thì yếu tố “nhân hòa” vì có Trưởng thôn Nguyễn Quang Vinh là một điều vô cùng quan trọng. Đặc biệt trong quá trình làm đường nông thôn mới, ngoài nguồn vốn ngân sách, sự đóng góp của nhân dân, các cơ quan tổ chức, hỗ trợ từ Bộ CHQS tỉnh Gia Lai,… ông Vinh còn quyết liệt đến mức đem cắm “sổ đỏ” rẫy cà phê của nhà mình để vay tiền làm đường.
Phong trào xây dựng nông thôn mới những ngày đầu tiên ở thôn Tây Hồ bắt đầu với việc ông Vinh gặp gỡ, bàn bạc với chi bộ thôn, trước hết là triển khai những việc chưa cần đến sự hỗ trợ của Nhà nước như: Khai thông cống rãnh, phát quang hàng rào, chỉnh trang chuồng trại gia súc, gia cầm... Kết quả là thôn đã tổ chức san gạt, rải cấp phối được 2,5km đường thôn, chỉnh trang và xây 60 hàng rào, chuyển 40 chuồng trại gia súc về phía sau nhà để bảo đảm vệ sinh; động viên các hộ ở ngã ba, ngã tư hiến đất mở rộng đường được 30 hộ. Khi có sự hỗ trợ của Nhà nước về xi măng và tiền nhân công, Trưởng thôn Nguyễn Quang Vinh đã mạnh dạn bàn với cấp ủy, chi bộ, các đầu ngành thôn và họp dân để làm thí điểm bê tông hóa con đường chính trong thôn dài 325m. Mức đóng góp được đề ra cho các hộ giáp đường là 4 triệu đồng, mỗi hộ khác 500.000 đồng. Ban đầu chỉ một số hộ cạnh đường ủng hộ, ông Vinh đã phải đến từng nhà vận động, giải thích cho bà con hiểu ý nghĩa của con đường. Cùng lúc đó, tranh thủ sự tham gia hỗ trợ của cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Gia Lai, Trưởng thôn Nguyễn Quang Vinh đã quyết tâm cho “khởi công” làm đường. Với hơn 100 ngày công hỗ trợ của cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh, Nhà nước ủng hộ 40 tấn xi măng, 32 triệu đồng, Xí nghiệp chè Bàu Cạn ủng hộ 10 triệu đồng, cùng với nguồn đóng góp của nhân dân khiến Trưởng thôn Nguyễn Quang Vinh càng có động lực và quyết tâm cao hơn. Ông Đỗ Đức Thái, Bí thư Chi bộ thôn Tây Hồ chia sẻ, trước đây, con đường chính của thôn là đường đất, mùa mưa thì lầy lội, mùa khô bụi bay mù mịt, nhân dân gặp rất nhiều khó khăn khi đi lại và vận chuyển nông sản. Cấp ủy, chi bộ đã tổ chức họp, kêu gọi nhân dân đóng góp tài chính cùng ngân sách Nhà nước để bê tông hóa, thế nhưng vào mùa giáp hạt, bà con chưa có tiền. Trước tình thế đó, Trưởng thôn Nguyễn Quang Vinh đã mạnh dạn bàn với cấp ủy, đem thế chấp chính “sổ đỏ” mảnh rẫy 2ha cà phê của gia đình mình cho ngân hàng để vay tiền làm đường. Lý do là mới làm lần đầu, nên các đại lý vật liệu xây dựng đã đòi ông Vinh phải ứng tiền trả ngay chứ không cho mua chịu. Tranh luận với họ không được, trưởng thôn “nóng máu lên” chạy thẳng từ cửa hàng về nhà gặp vợ nói chuyện “cắm sổ đỏ”. Ban đầu vợ ông, bà Kim Thị Sang (người Khơ-me) không đồng tình. Ông Vinh tâm sự: “Tất nhiên chẳng bà vợ nào tự dưng lại gật đầu ngay khi chồng mình đòi đem thế chấp tài sản riêng để đi làm việc chung. Nhưng tôi cũng phải phân tích, nói phải, trái và khẳng định hiệu quả công việc với bà ấy. Ở với nhau mấy chục năm, biết tính tôi, biết cách tôi làm việc, thế là vợ tôi cũng đồng ý”. Lần đó, ông Vinh vay ngân hàng được 120 triệu đồng để mua vật liệu. Ông thống nhất là “ứng trước” tiền để làm đường. Bà con sẽ trả lãi ngân hàng và đến mùa thu hoạch nông sản thì thanh toán khoản nợ. Không chỉ vậy, vào các đợt cao trào, ông Vinh còn động viên tinh thần cán bộ, chiến sĩ, bà con nhân dân tham gia làm đường. Con đường đã hoàn thành như dự kiến. Ngay sau đó, ông Vinh công khai quyết toán cho từng hộ và biểu dương các cá nhân tích cực, đồng thời xây dựng mô hình tiêu biểu, nhất là cụ thể về giá thành để hình thành phong trào làm đường bê tông ở các xóm. Năm 2014, thôn Tây Hồ làm được 7 đoạn đường bê tông với chiều dài 2.551m. Năm 2015, ông Nguyễn Quang Vinh đã đăng ký làm thêm 1.145m đường, đến cuối năm đã hoàn thành tổng chiều dài gần 4km đường bê tông, đồng thời hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới sớm nhất xã Bàu Cạn.
Suýt trượt đại biểu HĐND xã vì… dân quý
Trong căn nhà đơn sơ của Trưởng thôn Nguyễn Quang Vinh treo đủ loại bằng khen, giấy khen của các cơ quan, từ Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội, rồi tỉnh, huyện, xã... Nhiều cấp khen nhưng hầu như chỉ một nội dung: Nông dân giỏi. Đặc biệt tháng 12-2015, ông còn nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong Phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới" giai đoạn 2011-2015, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Sinh năm 1960 tại Thanh Hóa trong một gia đình đông anh em, năm 1984, chàng thanh niên Nguyễn Quang Vinh rời quê vào làm công nhân cho Nông trường chè Bàu Cạn (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai), rồi từ đó sinh cơ lập nghiệp ở đây. Chỉ là một anh nông dân nhưng từ khi xã Bàu Cạn thành lập năm 1998 đến nay có 4 kỳ bầu cử đại biểu HĐND, tới nay ông Vinh đã tham gia 3 khóa. Kỳ bầu cử vừa rồi suýt nữa ông... trượt đại biểu HĐND xã mà lý do nghe thật như đùa. Chuyện rằng, dân trong thôn sợ ông trúng cử sẽ chuyển lên xã làm cán bộ không ở lại với họ, thế là người nọ bảo người kia đừng bỏ phiếu cho ông, để ông ở lại làm trưởng thôn của mình. Cán bộ xã nghe tin phải tổ chức về thôn phân tích, nói rõ tình hình nên bà con mới hiểu và lại tích cực bầu cho ông (phiếu cao chỉ sau Chủ tịch UBND xã).
Ông Vinh làm trưởng thôn từ năm 2011 đến nay, “cai quản” 790 nhân khẩu, trong đó có cả một xóm phong của người Gia Rai (người bị bệnh phong) mấy chục con người, nhưng đi đâu ai cũng quý, làm gì cũng thuận. Không chỉ vậy, trong 3 nhiệm kỳ tham gia HĐND xã, 2 nhiệm kỳ trưởng thôn, ông đã đứng mũi chịu sào lo toan từ việc lớn đến việc nhỏ. Ông tâm sự rất thật: “Tôi đến Tây Nguyên đã hơn 30 năm rồi, xác định đây là quê hương thứ hai của gia đình mình cho nên phải tích cực lao động, sản xuất gây dựng cuộc sống. Còn đối với chương trình xây dựng nông thôn mới, tôi hiểu rằng điện, đường, trường, trạm thì cả cộng đồng phải đóng góp mới hoàn thành chứ không ai một mình đứng ra làm được. Nhân dân trong thôn khi đã hiểu thì rất tích cực tham gia. Mỗi con đường, thôn có cách huy động nhân dân đóng góp khác nhau, có kế hoạch làm đường khác nhau. Trong quá trình làm, thôn đã phát huy tinh thần dân chủ ở cơ sở, thực hiện “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Sau khi làm xong từng con đường, thôn đều công khai chi phí nên nhân dân đồng tình ủng hộ. Còn đối với 14 đảng viên trong thôn, tôi "lý luận" với họ rằng, đảng viên học tập Bác Hồ, nông dân học tập đảng viên, chính vì vậy làm đường nông thôn mới, đảng viên phải đóng trước, phải đóng góp công sức gấp đôi để nhân dân theo.
Bây giờ ở tuổi 56, nhưng ông Vinh vẫn giữ thói quen lao động suốt mấy chục năm qua, hằng ngày xoay trần với cao su, cà phê, hồ tiêu, lúa, bò, cá... để vươn lên làm giàu chân chính. Với 4ha rẫy, ông trồng cà phê, hồ tiêu, lúa nước, bắp (ngô), mì (sắn)… và thả 3 ao cá, nuôi 15 con bò, mỗi năm thu nhập từ nông nghiệp trừ chi phí đều đạt khoảng 150 triệu đồng. Ông Vinh có 6 người con, anh con trai cả 30 tuổi đã vào TP Hồ Chí Minh lập nghiệp, xây dựng gia đình. Ba cô con gái của ông cũng đã lấy chồng và sinh sống tại TP Plei-cu. Cô con gái thứ năm đang học lớp 12 và cậu con trai út năm nay học lớp 11. Chia tay tôi, Trưởng thôn Nguyễn Quang Vinh còn nói thêm: “Tôi đã dành cả cuộc đời cho Tây Nguyên, đổi mồ hôi và những năm tháng tuổi trẻ để bóp từng nắm đất thành gạo, thành cơm nuôi các con trưởng thành. Tôi không mong các con mình thành ông nọ, bà kia, chỉ dạy các con hãy sống yêu thương nhau để trở thành người tử tế đóng góp cho xã hội. Còn đối với quá trình xây dựng nông thôn mới, tôi rút ra bài học cần thiết là phải có "thiên thời, địa lợi, nhân hòa". "Thiên thời" là lúc mưa thuận gió hòa, bà con chưa vào mùa vụ; "địa lợi" là căn cứ vào vị trí, địa thế từng con đường mà phân bổ đóng góp; "nhân hòa" là khi ý Đảng với lòng dân đồng tình, thông suốt. Khi đó thì việc gì khó mấy cũng thành công”.
Bài và ảnh: TRƯỜNG GIANG