Bảy lần độc hành xuyên Việt làm từ thiện

Nghệ sĩ Quang Đạt - tên thật là Nguyễn Đức Đạt, sinh năm 1962, quê gốc ở Đà Nẵng, gia đình cư trú tại ngã ba 46, Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận nhưng lại làm việc ở TP Hồ Chí Minh. Tôi không biết phải gọi anh là gì cho hợp bởi công việc của anh là: Đạo diễn, diễn viên, cố vấn võ thuật, họa sĩ thiết kế… cho hơn 100 bộ phim lớn, nhỏ khác nhau, đa phần là phim nhựa. Anh đã tham gia một số bộ phim nổi tiếng, gặt hái nhiều thành công như: Đồng tiền xương máu, Cảnh sát hình sự, Người đàn bà không hóa đá, Cô gái đất đỏ… Có lẽ không gì hợp hơn với anh là hai từ nghệ sĩ - nghệ sĩ của những kỷ lục giúp đời.

leftcenterrightdel
Phút trải lòng của nghệ sĩ Quang Đạt. 
Là một người quen thuộc với những thước phim trường khốc liệt, anh càng thấu hiểu nỗi đau, mất mát mà chiến tranh mang lại. Bởi vậy, năm 2006, gác lại công việc thường ngày, anh lên đường thực hiện hành trình xuyên Việt: “Vì nạn nhân chất độc màu da cam”.

Trên chiếc Lambretta hoài cổ, nghệ sĩ Quang Đạt đã du hành khắp các tỉnh, thành phố kêu gọi quyên góp được hàng trăm triệu đồng ủng hộ cho Hội Nạn nhân chất độc da cam, chuyển tới tay những người có hoàn cảnh khó khăn.

Năm 2008, giữa lúc hoàn cảnh gia đình vẫn còn bao khó khăn, lo toan, bộn bề cuộc sống, nhưng được sự ủng hộ của người vợ tảo tần, thủy chung, Quang Đạt lại lên đường thực hiện hành trình xuyên Việt lần hai: “Vì tuổi thơ Việt Nam”. Thông điệp của chương trình là quan tâm, bảo vệ các em-những mầm non tương lai của đất nước. Hơn một tháng rong ruổi khắp dải đất hình chữ S, anh đã quyên góp được hơn 300 triệu đồng mua áo ấm tặng trẻ em nghèo.

Khi cả nước đang thực hiện đội mũ bảo hiểm tham gia giao thông trên tất cả mọi tuyến đường, nghệ sĩ Quang Đạt đã thực hiện hành trình xuyên Việt lần ba để tuyên truyền người dân tự giác chấp hành Luật Giao thông đường bộ. Trong hành trình từ Hà Nội tới mũi Cà Mau, anh đã mang theo 9 chiếc mũ bảo hiểm, xin chữ ký của hơn 2.000 cảnh sát giao thông các tỉnh.

Điều ấn tượng đặc biệt với mọi người khi gặp Quang Đạt là hình xăm hình ảnh Bác Hồ trên vầng trán cao, rộng. Khi được hỏi về hình xăm đặc biệt đó, anh trả lời: “Bác Hồ là hình ảnh đẹp nhất, là tấm gương sáng nhất cho mọi người noi theo. Vì vậy tôi xăm hình Bác lên trán để mỗi khi soi gương thấy Bác là nhắc nhở mình bất cứ việc gì cũng phải suy nghĩ chín chắn, đúng đắn rồi hãy làm”.

Cũng bởi trong tim luôn đặt hình ảnh Bác Hồ là thần tượng, là tấm gương sáng nên năm 2011 anh thực hiện hành trình: “Rước Bác vào Nam” nhân dịp kỷ niệm 121 năm Ngày sinh vị lãnh tụ vĩ đại. Anh phối hợp cùng cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An bắt đầu cuộc hành trình rước bức tượng bán thân Bác cao 60cm, nặng hơn 70kg được nghệ nhân Hoàng Mẫn ở Đà Nẵng tạc bằng đá non nước nguyên khối từ ngày 19-5-2010. Phương tiện để thực hiện cuộc hành trình là chiếc Vespa màu trắng có vẽ hình làng Sen quê Bác, Trường Quốc học Huế, Trường Dục Thanh, Bến Nhà Rồng và nhà lưu niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc. Đó cũng chính là lộ trình mà Quang Đạt sẽ dừng chân ở các nơi đã từng gắn bó với cuộc đời hoạt động của Bác Hồ. Kết thúc hành trình theo chân Bác, bức tượng Bác được tặng lại cho Nhà lưu niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc.

Hành trình theo chân Bác của nghệ sĩ Quang Đạt hoàn toàn tự phát do ý nguyện cá nhân của ông. Để có kinh phí cho chuyến đi này, Quang Đạt đã vay mượn được 10 triệu đồng. Trên hành trình anh nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của các "mạnh thường quân" và anh đều ghi chép cẩn thận vào sổ vàng. Khi tới tỉnh Đồng Tháp, toàn bộ số tiền thu được đều được tặng lại cho quỹ khuyến học của tỉnh.

Sau lần đó, Quang Đạt lại dốc hết những đồng lương nghệ sĩ, lên đường thực hiện hành trình xuyên Việt: “Về với Mẹ Việt Nam anh hùng”.

Hành trình lần này Quang Đạt là sứ giả của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam. Trong ba năm 2012, 2013, 2014, nghệ sĩ Quang Đạt đã rong ruổi khắp từ Bắc chí Nam, từ đồng bằng, trung du tới miền núi trên chiếc Vespa có hơn 800 chữ ký của các phóng viên, nhà báo nổi tiếng cả nước để thực hiện hành trình. Chiếc áo nghĩa tình do chính tay anh vẽ hình ảnh Bà mẹ Việt Nam anh hùng 3 miền Bắc, Trung, Nam có 21 chữ ký của các nghệ sĩ nổi tiếng như: NSƯT Nguyễn Vinh Sơn, NSND Đào Bá Sơn, NSƯT Thùy Liên, NSND Hồng Vân, NS Lê Tuấn Anh… để đấu giá quyên góp tiền tặng quà cho các mẹ. Kết thúc cuộc hành trình trong ba năm, anh đấu giá, kêu gọi quyên góp được tổng cộng 604 triệu đồng, trao tận tay 247 Bà mẹ Việt Nam anh hùng trên cả nước.

Gia tài của người nghệ sĩ nghèo

Nhấp ngụm cà phê nóng, đôi mắt ưu tư nhìn xa xăm, anh cười buồn: “Mang tiếng là nghệ sĩ, là kỷ lục gia, nhiều người tưởng Quang Đạt giàu lắm đấy. Nhưng chỉ giàu cái… tiếng thôi”. Anh đưa cho tôi xem quyết định kết nạp là hội viên Hội Điện ảnh Việt Nam mà ánh mắt đầy tự hào. Chiếc huy chương kỷ lục gia 7 lần xuyên Việt làm từ thiện bằng xe cổ (Vespa và Lambretta) luôn đeo trước ngực. Trong suốt các hành trình anh nhận được hơn 100 giấy khen của các tỉnh, thành phố, bằng khen của UNESCO, giấy chứng nhận cho những việc làm cao đẹp của mình. Ước nguyện của một người làm nghệ thuật như anh đã phần nào thành hiện thực khi Bảo tàng Điện ảnh do chính anh làm chủ nhiệm, dày công sưu tập đã được cấp giấy phép công nhận. Trong căn nhà điện ảnh đó, có những thứ mà khi được anh giới thiệu, một nhà báo đã phải thốt lên: “Anh là người giàu nhất Việt Nam, nghèo rớt mồng tơi”.

Quả thực, bảo tàng của anh treo hơn 100 huy chương vì sự nghiệp điện ảnh, sự nghiệp báo chí, sự nghiệp văn học, nghệ thuật, hơn 3.000 tấm ảnh về hoạt động điện ảnh thời chiến khu. Các loại máy quay phim cổ, máy chiếu, máy chụp hình các thời kỳ cùng những tư liệu về điện ảnh được anh sưu tập và gìn giữ cẩn thận.

Nhắc tới bộ sưu tập của mình, Quang Đạt tự hào hơn cả là bộ sưu tập những chữ ký của các chính trị gia, nghệ sĩ, nhà báo, CSGT… mà anh đã vất vả để có được. Chiếc xe Lambretta có chữ ký của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, có hơn 400 chữ ký của các văn nghệ sĩ nổi tiếng như: NS Trịnh Công Sơn, đạo diễn Khương Mễ, NSND Đào Bá Sơn, diễn viên Nguyễn Chánh Tín, Lê Tuấn Anh…, đạo diễn nước ngoài: Philip Noyce, Michael Caine (phim Người Mỹ trầm lặng).

Chiếc Vespa mà anh thực hiện hành trình tri ân Bà mẹ Việt Nam anh hùng có hơn 800 chữ ký của các phóng viên, nhà báo trên cả nước. Cũng là các nhà báo nổi tiếng đã ký tặng lên cây bút bằng gỗ cao 1,3m, nặng 6kg tổng cộng 99 chữ ký. Một bức tranh lớn mà anh tâm đắc là do 99 họa sĩ vẽ về cuộc đời sinh, lão, bệnh, tử. Lá cờ Tổ quốc được Quang Đạt treo trang trọng có 99 chữ ký của các võ sư cả nước trong cuộc đời làm cố vấn võ thuật của mình. Trong hành trình xuyên Việt “Vì an toàn giao thông”, Quang Đạt đã bổ sung vào bộ sưu tập 9 chiếc mũ bảo hiểm có hơn 2.000 chữ ký của cảnh sát giao thông trên khắp mọi miền Tổ quốc anh đi qua.

Những kỷ lục có thể bị xô đổ bởi… chính mình

Mang danh nghệ sĩ mà anh chỉ xài chiếc điện thoại trắng đen, lắm khi đang gọi tự động tắt làm nhiều người hiểu lầm là “chảnh”. Có lần anh đi xe đạp đến đoàn làm phim, có người nói với anh Đạt rằng: “Tôi cấm anh đi xe đạp đến đây. Như thế là bôi nhọ đoàn làm phim”.

Khi được hỏi tại sao anh lại đi một mình và không nhận một nhà tài trợ nào cho những hành trình ý nghĩa đó, Quang Đạt khẳng khái: “Anh chưa tìm được một người cùng chí hướng, bỏ ra hàng tháng trời để đi làm công việc mà không mang lại lợi nhuận gì cho họ. Và anh cũng không muốn có sự PR, quảng cáo, kiếm lời nào trong công việc từ thiện của mình”.

Kể về những kỷ niệm của mình, Quang Đạt nhấp ngụm cà phê rồi tâm sự bằng giọng nghẹn ngào hạnh phúc: “Tới nhà trao quà cho các mẹ, nhiều mẹ cứ ôm tôi vào lòng mà khóc rồi gọi tên người con đã hy sinh làm tôi cũng khóc theo. Được các mẹ coi như con trai là niềm hạnh phúc lớn nhất của đời tôi”. Cũng chính vì tình cảm ấy mà anh đang tiếp tục thực hiện tiếp hành trình xuyên Việt “Hưởng ứng công tác phòng cháy, chữa cháy” vào năm 2017. Anh sẽ kêu gọi sự chấp hành tốt công tác phòng cháy, chữa cháy từ mọi người và quyên góp trên những bước đường độc hành để ủng hộ cho những gia đình khó khăn, mất mát do chính hỏa hoạn gây ra.

Nhìn ánh mắt của người nghệ sĩ nghèo ánh lên những tia hy vọng và hạnh phúc, tôi nhận thấy một tâm hồn thanh cao giữa bon chen, tấp nập của cuộc đời. Anh làm cho mọi người, cho tôi cảm thấy trân trọng và thêm yêu cuộc sống này.

PHONG VIỆT – VĂN CHIỂN