Thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Trời cuối năm, nắng vàng hanh trải khắp vùng cao Minh Long. Khi mặt trời lên quá đỉnh đầu, ông Thị vừa đi cắt tóc về. Nghe tiếng xe máy quen thuộc dừng ở cổng nhà, bà Hường vội rót nước để sẵn cho ông. Cơm canh nóng hổi bà đã nấu xong, chỉ chờ ông về cùng ăn. Cứ thế, mỗi ngày trôi qua, tình yêu ông bà dành cho nhau, từng cử chỉ nhỏ quan tâm, chăm sóc, hỏi han vẫn vẹn nguyên theo năm tháng, dù mái tóc nay đã bạc trắng, nước da nhuốm đồi mồi. Tình yêu cũng chính là sợi chỉ đỏ gắn kết họ cùng chung niềm tin đi qua những tháng ngày thăng trầm của đất nước, chờ đến ngày chiến thắng.
Ông Thị, bà Hường vui vẻ đầm ấm bên các cháu.
Dáng người thanh mảnh, cách nói chuyện nhẹ nhàng, bà Hường kể: “Ngày còn bé thơ mới biết đi lẫm chẫm, tôi đã mồ côi mẹ. Những năm tháng chiến tranh, cuộc sống vùng cao khó khăn đủ bề. Không có vải, cha lên nương, ra đồng phải dùng dây rừng bện lại để địu tôi sau lưng”. Bà Hường vừa nói đến đó, ông Thị liền tiếp lời: “Nghèo khó, thiếu ăn thiếu mặc đến mức như vậy, nhưng lúc ấy cha con bà ấy vẫn sẵn sàng nhường manh chiếu duy nhất cho một thanh niên quê ở Tư Nghĩa lên Minh Long đào củ mài trên rừng, không may qua đời. Sau này người nhà của họ lên tìm gặp, có ý bù đắp tấm chân tình của cha con bà Hường, nhưng hai cha con bà nhất mực từ chối. Còn tôi thì mồ côi cha lúc còn trong bụng mẹ, vì thương nhau cùng hoàn cảnh nghèo khổ, cảm mến tấm lòng nhân ái cho nên gia đình hai bên giao ước với nhau”.
Thương nhau trong chiến tranh, hai ông bà cùng lập cơ sở cách mạng, hoạt động bí mật. Năm 1957, địch bắt ông Võ Loan, là chiến sĩ hoạt động cách mạng bí mật do Đảng phân công ở lại xã Long Sơn để gây dựng cơ sở. Sau đó vì bị lộ giấy tờ, địch phát hiện trong danh sách có tên của ông Thị, bà Hường liền bố trí vây ráp. Bà Hường thoát được lên núi, tiếp tục hoạt động cách mạng. Còn ông Thị bị bắt, một năm sau mới được thả về. Sau đó, ông Thị đi bộ đội ở đơn vị 299 đóng quân ở xã Long Môn, huyện Minh Long.
Năm 1962, ông Thị được nghỉ phép về quê, các đồng chí trong Ban Thường vụ huyện Minh Long biết chuyện ông bà hẹn ước, nhưng hai người vì nhiệm vụ chung mà quên chuyện riêng. Một đồng chí đi mượn hai cái khăn tay, mượn thêm một con gà trống choai. Nói đám cưới chứ thật ra chỉ là buổi lễ ra mắt giản dị, ông bà trao nhau nắm cơm, miếng thịt gà, cái khăn tay, vậy là thành vợ thành chồng. Rồi cuộc chiến cứ cuốn hai người đi mải miết...
Năm 1965, ông Thị bị thương vào chân. Vết thương rất nặng. Bác sĩ bảo phải mổ cắt mới cứu được phần chân còn lại của ông, ấy vậy mà bà Hường không chịu. Tôi hỏi, sao lúc đó bà gan vậy, dám cãi lời bác sĩ trong khi bệnh nhân khác phải cưa chân mới giữ được tính mạng? Bà Hường cười móm mém trả lời, lúc đó chỉ nghĩ ông còn trẻ, cưa chân rồi sau này làm sao băng rừng lội suối, chân chống nạng đi công tác chừng nào mới tới nên bà không đồng ý. Ấy vậy mà ông Thị không phải cưa chân, cái chân ông hồi phục như một điều kỳ diệu. Ông Thị giơ chân ra còn hai vết sẹo to đùng: “Nhờ bà ấy mà tôi giữ được!”.
Cha mẹ của những đứa trẻ mồ côi
Ngày ấy, mỗi lần đi công tác, bà Hường vai mang ba lô, địu con phía trước ngực men theo lối mòn trong rừng đi từ bản làng này đến bản làng khác. Từ quê nhà ở thôn Diên Sơn, xã Long Sơn đến trung tâm huyện Minh Long họp hành, bà đi từ lúc con gà chưa cất tiếng gáy đến khi mặt trời lên nhìn rõ đỉnh núi mới tới nơi. Trước khi đi, bà dặn mấy đứa con lớn ở nhà, hũ gạo để chỗ này, muối để chỗ kia, con ở nhà tự nấu cơm. Cơm không đủ ăn, nấu một lon gạo phải độn cả rổ củ mì. Vậy mà nhớ lại tình cảnh mồ côi lúc nhỏ của mình, ông Thị và bà Hường đã cùng nhau nhận nuôi các trẻ mồ côi ở địa phương để san sẻ tình thương và bù đắp những thiếu thốn của các cháu. Hai ông bà có 6 người con, cộng với 8 người con nuôi. Con đông, ông bà nuôi nấng khó khăn vất vả. “Có cơm ăn cơm, có củ ăn củ. Có gì ăn nấy thôi, thương đều như nhau”, ông Thị nhớ lại những ngày ấy.
Tuổi cao nhưng ông Thị còn rất minh mẫn. Ông kể rành mạch tên những người con nuôi, nào là Đinh Rèn, Đinh Núp, Đinh Thị Trùn, Đinh Mô, Đinh Thị Xoa, Đinh Thị Dút, Đinh Băng, Đinh Thị Bía. Đến nay, ai cũng đã trưởng thành, lập gia đình và ra ở riêng. Những năm trước, ông Thị và bà Hường còn ở tại thôn Diên Sơn, còn bây giờ ông bà đã chuyển lên ở thị trấn Minh Long để con cháu tiện bề chăm sóc. Mỗi dịp Tết, các con tập trung về nhà ông bà hay khi con cái bận việc lại nhờ gửi cháu chắt đến chơi với ông bà. Căn nhà rộn ràng hẳn lên...
Dù ở giai đoạn nào, qua nhiều nhiệm vụ, vị trí công tác từ cấp xã đến cấp huyện, nay đã già yếu, ông Thị và bà Hường vẫn luôn gương mẫu chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Ông bà còn tuyên truyền, vận động bà con xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, biết yêu thương, tương trợ, giúp đỡ nhau, vận động con cháu chăm lo học tập, không lấy vợ, lấy chồng sớm... Ông Thị và bà Hường còn là người tiên phong trong việc xóa bỏ các tập tục lạc hậu, xây dựng tinh thần đoàn kết trong đồng bào. “Nhiều năm trước, theo tập tục của đồng bào thì lúa mới và lúa cũ không được trộn chung với nhau. Rồi bà con hễ bắt đầu hoặc vừa làm xong cái gì cũng cúng, mất thời gian, công sức, tốn kém tiền bạc. Tôi tiên phong tự bỏ các lễ cúng không cần thiết đó, dần dà bà con thấy mình không cúng bái nhưng vẫn khỏe mạnh, nên bắt chước theo...”, bà Hường cho hay.
Với những cống hiến, đóng góp không ngừng, ông bà vinh dự được nhận nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp trao tặng. Trong đó, gia đình ông bà từng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là gia đình văn hóa tiêu biểu cấp toàn quốc. Mới đây, ông Thị vừa nhận Bằng khen do UBND tỉnh Quảng Ngãi tặng vì thành tích là cựu chiến binh tiêu biểu có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Bài và ảnh: AN TRÂN