“Cô giáo” tật nguyền của trẻ em nghèo

Ngôi nhà nhỏ đơn sơ của gia đình ông Huỳnh Văn Ron ở ấp Ràng, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh luôn có đông trẻ em nghèo đến học tập. Không giống như những lớp học khác, cô giáo và học trò ở đây cũng không có bảng đen, phấn trắng... Các em nhỏ tự kê sách lên chõng tre, bàn ăn để tập viết, tập đánh vần. Còn cô giáo lúc thì ngồi trên xe lăn, lúc thì trên tấm phản cũ lăn qua lăn lại miệt mài hướng dẫn các em nhỏ sửa từng nét chữ viết vụng về, tập đánh vần và làm các bài toán cộng, trừ. Bên cạnh học những con chữ, những lúc nghỉ giải lao, cô giáo và học trò lại quây quần bên nhau trò chuyện thân tình như những người ruột thịt. Câu chuyện mà các em thích nghe cô giáo kể, là những truyện cổ tích và chính câu chuyện về “cô giáo” Huỳnh Thị Thanh Thảo thân thương của lũ trẻ nghèo.

 Chị Huỳnh Thị Thanh Thảo báo cáo điển hình tại Hội Nạn nhân CĐDC TP Hồ Chí Minh. 

Chị Huỳnh Thị Thanh Thảo sinh năm 1988. Lúc Thảo chào đời, bố mẹ Thảo mừng lắm. Thế nhưng, chỉ vài ngày sau đó, các bác sĩ phát hiện, Thảo đã bị dị tật ở chân và tay. Thương con, bố mẹ Thảo đã tìm đến nhiều bệnh viện chữa trị. Song, các bác sĩ kết luận, Thảo đã bị mắc căn bệnh “Xương thủy tinh”, do ảnh hưởng CĐDC đi-ô-xin từ bố. Và nếu có khéo nuôi lắm, Thảo cũng chỉ là người lùn... Sinh con không bình thường, ông Huỳnh Văn Ron khổ tâm vô cùng. Ông Ron nghẹn ngào nói: “Lúc bấy giờ cũng có nhiều người khuyên gửi con vào các trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật, nhưng tôi quyết định nuôi con tại gia đình. Bởi vì, bao năm gian khổ, nhiều lần bí mật vượt qua những cánh rừng trụi lá, địch rình rập ở tỉnh Tây Ninh, là chiến sĩ liên lạc, tôi luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ với mong muốn chiến tranh sớm kết thúc, đất nước được hòa bình, mọi người tự do xây dựng hạnh phúc. Nay điều mong ước đó thành sự thật, dù con bị tật nguyền, song đó cũng là khát khao hạnh phúc của tôi từ trong kháng chiến”. Ôm con về nhà với vài thửa ruộng khô cằn, ông Ron luôn chăm chỉ lao động, nuôi con bằng tất cả tình thương và hy vọng. Thời gian trôi qua nhanh, đến tuổi trưởng thành, nhưng Thảo cũng chỉ cao chừng 60 cm, nặng 25kg, tay và chân ngắn ngủn như chỉ để trang trí cho cơ thể. Nhiều ngày trái gió trở trời, Thảo còn phải đối mặt với những cơn đau hành hạ. Không thể đến trường như bao trẻ khác cùng trang lứa, bố mẹ Thảo đã mua sách, vở và tự dạy con ở nhà. Chị Thảo bày tỏ: “Tình thương yêu của bố mẹ giúp tôi hiểu sâu sắc, mặc dù mình bị khuyết tật, nhưng tâm hồn tôi vẫn còn nguyên vẹn. Tôi phải vượt lên chính số phận không may mắn của mình để không phụ lòng bố mẹ”. Nghĩ là làm, chỉ trong thời gian ngắn, Thảo đã có thể biết đọc, biết viết và làm các bài toán cộng, trừ, nhân chia khá thành thạo. Chị Thảo xúc động: “Được học, được sống trong tình thương yêu của bố mẹ, tất cả đã mở cho tôi một hy vọng mới. Tôi thấy cuộc sống ngày càng ý nghĩa hơn. Thương bố mẹ, tôi tích cực học tập với mong muốn sẽ đóng góp phần nhỏ bé của mình cho xã hội và giảm bớt khó khăn của gia đình”. Nghị lực phi thường đã biến những điều không thể thành có thể, như truyện cổ tích. Say mê học tập, năm 2000, Thảo quyết định đề xuất với bố mẹ cho Thảo mở "Lớp học tình thương miễn phí” để dạy, bồi dưỡng về Toán và Tiếng Việt lớp 1, lớp 2 cho trẻ em nghèo trong xóm, ấp. Lớp học của Thảo mỗi ngày một đông hơn. Để có chất lượng học tập, Thảo cũng xây dựng những nội quy, quy định về lễ phép, thời gian, nội dung học tập cụ thể. Định kỳ, “cô giáo” tổ chức các bài kiểm tra, kịp thời bồi dưỡng các em khắc phục “lỗ hổng” kiến thức. Vừa dạy học, Thảo cũng tích cực tự học. Chị đọc sách, tự làm các bài tập và rèn luyện kỹ năng sư phạm. Từ ngày mở lớp học, Thảo không chỉ nâng cao được kiến thức mà còn giúp chị giao lưu, chia sẻ với mọi người. Tuy nhiên, do đam mê công việc nên cũng nhiều lần “cô giáo” bị bệnh phải nhập viện. Chị Thảo đều kịp thông báo rõ thời gian tạm ngừng lớp học và ghi rõ thời gian sẽ học trở lại.

Các em nhỏ và nhiều phụ huynh ở ấp Ràng (xã Trung Lập Thượng) kể, không chỉ dạy các em con chữ mà chị còn truyền lửa cho các em về nghị lực vượt khó, đức tính tỉ mỉ, cẩn thận, chăm chỉ, siêng năng, lòng thương yêu, hiếu thảo với bố mẹ, mọi người... Năm 2003, được Hội Nạn nhân CĐDC đi-ô-xin huyện Củ Chi cho vay 5 triệu đồng, Thảo không chi tiêu mà dùng số tiền đó để mở quầy tạp hóa kinh doanh tại gia đình. Số tiền lãi, bên cạnh trang trải cuộc sống của mình, Thảo còn tiết kiệm tiền để mua sách, vở tặng học trò có hoàn cảnh khó khăn. Việc làm nhỏ ý nghĩa của chị đã được các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước quan tâm biết đến. Năm 2009, chị Elizabeth Van Merter - một đạo diễn phim người Mỹ và một số nhà hảo tâm đã hỗ trợ, giúp Thảo xây dựng được thư viện sách mi-ni tại gia đình. Các sách mà chị lựa chọn là những truyện cổ tích, sách giáo khoa phục vụ nhu cầu học tập, giải trí của học trò. Đến nay, thư viện của chị đã có hơn 3.000 đầu sách. Để thư viện hoạt động hiệu quả, chị cũng thiết kế dữ liệu lưu trữ trên máy tính và xây dựng nội dung, nội quy hoạt động nhằm phục vụ tốt bạn đọc. Có thêm thư viện, "Lớp học tình thương miễn phí” của chị ngày càng đông. Có nhiều tài liệu, sách, báo, Thảo cũng có điều kiện đọc, tìm hiểu nâng cao kiến thức. Chị tích cực tham gia các hoạt động xã hội, các cuộc thi, như: “Nét bút tri ân”, “Kể chuyện sách hè”… do các cấp tổ chức. Những năm qua, chị đã đoạt 10 giải cao tại các cuộc thi và nhiều lần được các cấp của thành phố tuyên dương. Nói về tương lai của mình, chị Thảo xúc động nói: “Thời gian qua, có những nạn nhân CĐDC không may mắc phải căn bệnh như tôi cũng đã bị mất sớm. Phía trước còn nhiều nghiệt ngã, tôi cũng không biết mình sẽ sống được bao lâu nữa, nhưng tôi nguyện đóng góp một phần nhỏ bé để chia sẻ với những trẻ em nghèo có cuộc sống ý nghĩa hơn…”.

Người mang trái tim “Thiện - nguyện - đêm”

Cùng chung số phận không may mắn, anh Quách Văn Phil mặc dù bị tật nguyền do CĐDC đi-ô-xin, song những năm qua, anh đã vận động thành lập nhóm “Thiện - nguyện - đêm” giúp người cơ nhỡ. Theo đó, Phil và nhóm bạn tình nguyện làm việc thêm vào ban đêm để có tiền giúp đỡ những trẻ em tật nguyền, người cơ nhỡ không còn người thân nương tựa có được những bữa cơm từ thiện và tấm áo để mặc... Anh Phil bày tỏ: “Vượt qua chặng đường dài hờn tủi của mình, là người khuyết tật, nhìn vào đôi mắt các em có số phận không may mắn, tôi hiểu được ánh mắt khát khao mong muốn sự chia sẻ, giúp đỡ của mọi người đối với các em. Do vậy, tôi muốn làm một việc thiện để bày tỏ lòng biết ơn đối với những người đã giúp đỡ tôi trưởng thành được như ngày hôm nay”.

Anh Quách Văn Phil (ngoài cùng, bên phải). 

Anh Quách Văn Phil, sinh năm 1990, ngụ ấp An Phước, xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh trong một gia đình nghèo, không có phương tiện sản xuất. Bố Phil là bộ đội xuất ngũ, còn mẹ làm nội trợ. Lúc sinh ra, Phil bị teo hai cơ chân không đi được. Mọi việc đi lại sinh hoạt, Phil đều phải nhờ vào sự giúp đỡ của người thân. Nhà nghèo, có lần ốm đau không có tiền chữa bệnh, Phil rất buồn chán nên đã có lúc định buông xuôi số phận. Thế nhưng những lúc khó khăn, Phil đã được mọi người động viên, chia sẻ, giúp đỡ. Phil tâm sự: “Tôi luôn nhớ đến câu nói của thầy giáo, cô giáo và các cô, các chú yêu thương đã dặn dò, dù không may mắn nhưng mình hãy cố gắng học tập để tìm được một công việc phù hợp vừa có thu nhập nuôi sống bản thân, vừa có thể phụ giúp một phần nào cho gia đình và xã hội”. Nghĩ thế, Phil xóa bỏ mọi mặc cảm, nỗ lực học tập rèn luyện và luôn dành nhiều điểm cao. Tốt nghiệp cao đẳng khoa công nghệ thông tin chuyên ngành quản trị mạng, Phil may mắn được nhận vào làm việc tại Trung tâm sửa chữa điện thoại chuyên về phần mềm tại huyện Cần Giờ. Công việc phù hợp, tuy lương ít nhưng Phil rất hạnh phúc, vì Phil được hòa nhập với cuộc sống. Dù đóng góp nhỏ bé, nhưng Phil luôn ấm lòng vì đã kịp chia sẻ, giúp đỡ những trẻ em khuyết tật, người cơ nhỡ.

Không thể kể hết, viết hết sự chịu đựng, đức hy sinh, tự tin, nghị lực của chị Huỳnh Thị Thanh Thảo và anh Quách Văn Phil đã vượt lên chính mình, hòa vào cuộc sống có ích cho mình, gia đình và xã hội. Nói về tấm gương của chị Thảo và anh Phil, Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC TP Hồ Chí Minh tâm đắc: “Nghị lực phi thường vượt lên nỗi đau “da cam” của chị Thảo và anh Phil là một trong những tấm gương điển hình tiên tiến trong Phong trào thi đua “Vì nạn nhân CĐDC đi-ô-xin” của Hội Nạn nhân CĐDC Thành phố, được nhiều trẻ em học tập noi theo. Qua đó, chúng tôi cũng quy tụ nhiều tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ các nạn nhân CĐDC đi-ô-xin của thành phố nói chung và Việt Nam nói riêng”.

Bài và ảnh: NGUYỄN DUY HIỂN