Luyện đường kim, giữ làng nghề

Thôn Khoái Nội xưa có tên là Vũ Lăng, cùng với các thôn Quất Động, Tam Xá, Hướng Dương, Hương Giai, được cụ tổ Lê Công Hành truyền dạy nghề thêu. Trải qua mấy trăm năm, nghề thêu vẫn được người dân nơi đây gìn giữ, phát huy.

Gia đình có nghề thêu truyền thống, từ nhỏ, cậu bé Quốc Sự đã được sống trong không gian rực rỡ sắc màu của tranh thêu. Năm 10 tuổi, Quốc Sự đã miệt mài ngồi bên khung thêu dưới sự chỉ dạy của nghệ nhân Nguyễn Văn Tố. Với đức tính cần cù, chịu khó và khả năng thẩm mỹ cao, Quốc Sự đã nắm bắt được các kỹ thuật thêu truyền thống và sử dụng thành thạo trong từng sản phẩm.

leftcenterrightdel
Nghệ nhân Nguyễn Quốc Sự miệt mài thêu chân dung của khách nước ngoài. 

Ông nhớ lại: Vào đầu năm 1972, trong một lần về thăm Hợp tác xã thêu tay Hợp Tiến, Tổng Bí thư Lê Duẩn rất thích những bức tranh thêu thủ công, nhưng thời điểm đó làng chưa có tranh thêu chân dung Bác Hồ. Được đồng chí Tổng Bí thư khích lệ, Quốc Sự trăn trở và nung nấu quyết tâm phải thêu bằng được chân dung Bác Hồ kính yêu. Để thực hiện tâm nguyện đó, anh đã theo học hội họa tại Trường Mỹ nghệ Hà Tây; sau khi tốt nghiệp đã khéo léo kết hợp kiến thức hội họa và kỹ thuật thêu tay truyền thống để thể hiện chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và thật bất ngờ, bức tranh đầu tay thêu chân dung Bác Hồ của Nguyễn Quốc Sự đã thành công ngoài mong đợi. Qua hơn 40 năm, đến nay, bức tranh ấy vẫn được treo trang trọng trong nhà ông, như một kỷ vật để đời.

Chỉ với cây kim nhỏ bé và những sợi chỉ mảnh mai, nghệ nhân Nguyễn Quốc Sự đã làm nên những bức tranh sinh động, rực rỡ sắc màu: Những chú chim đang hót, chiếc lá đang bay, dòng suối róc rách chảy... Nhưng có lẽ chỉ khi ngắm những bức tranh chân dung mới thấy hết được sự tài hoa của bậc lão nghệ nhân. Nhờ được học căn bản về hội họa nên ông hiểu rõ từ kết cấu của khuôn mặt đến sự chuyển động của cơ mặt, do vậy, từng nếp nhăn, khóe mắt, nụ cười… trong tranh thêu của ông đều sống động như thật.

Nhiều người hỏi ông: “Thêu chân dung thì khó nhất là chi tiết nào?”. Nghệ nhân Quốc Sự cho biết: Nhiều người cứ nghĩ thêu mắt, thêu miệng là khó, nhưng cũng không hẳn là thế. Đó chỉ là những điểm nhấn trên gương mặt. Nếu thêu không đúng chỉ một chi tiết, một bộ phận thì sẽ không thể hiện đúng nguyên mẫu được". Chẳng hạn, bức tranh truyền thần "Đức ngài tổ dòng truyền thừa Druc-kpa" được đánh giá là một đỉnh cao của nghệ thuật thêu tay. Khi bức tranh được mang sang triển lãm ở Ấn Độ, Nê-pan, các đệ tử của ngài hết sức ngỡ ngàng và thán phục. Dù ở cách xa cả vạn cây số nhưng bằng sự linh cảm kỳ diệu, nghệ nhân Quốc Sự vẫn làm toát lên được chân tướng, hồn cốt của đức Tổ.

Tuy đã đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật thêu tay, nhưng trong ông vẫn luôn đau đáu một điều: Làm thế nào để nhiều người biết đến nghề thêu tay truyền thống và làm sao gìn giữ, quảng bá rộng rãi hình ảnh, sản phẩm của làng nghề. Ông tâm sự: "Lớp nghệ nhân xưa giờ chỉ còn mấy người. Nếu không gìn giữ và phát triển làng nghề, sau này nghề tổ bị mai một thì quả là có lỗi với các bậc tiền nhân". Chính vì vậy, ông Sự quyết tâm khôi phục lại các xưởng thêu truyền thống. Ý tưởng đó của ông nhận được sự đồng thuận của gia đình và chính quyền địa phương. Trước hết, ông cho cả 10 người con, từ trai, gái, dâu, rể tham gia vào các xưởng thêu tay truyền thống. Sau đó, ông báo cáo chính quyền địa phương tổ chức hội làng nghề thêu tay truyền thống để tập hợp các nghệ nhân, liên kết sản xuất tranh thêu tay, qua đó phát triển làng nghề ra khắp các địa phương trong và ngoài huyện Thường Tín.

Ông còn đặt hai phòng tranh tại 21B Lý Quốc Sư, quận Hoàn Kiếm và 107B Nguyễn Thái Học, quận Ba Đình, TP Hà Nội, cũng nhằm quảng bá sản phẩm tới du khách trong và ngoài nước. Năm 2008, ông sang Nhật Bản dự triển lãm tại Ta-ca-si-ma-y-a (một trung tâm thương mại lớn của thành phố Y-ô-cô-ha-ma). Tại đây, dưới bàn tay tài hoa của mình, nghệ nhân Nguyễn Quốc Sự đã khiến người Nhật thực sự ngưỡng mộ về nghệ thuật thêu tay truyền thống Việt Nam. Đài Truyền hình NHK (Nhật Bản) đã có riêng một chương trình về ông và cơ sở thêu tay Quốc Sự. Nhờ những đóng góp không nhỏ của nghệ nhân Nguyễn Quốc Sự, làng nghề thêu Khoái Nội ngày càng phát triển, trở thành điểm du lịch - văn hóa được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến.

Nặng lòng với nghề, thắm đượm tình quê

Đã hơn 60 năm gắn bó với nghề thêu, nghệ nhân Nguyễn Quốc Sự chứng kiến biết bao buồn vui, thăng trầm của nghề tổ cha ông để lại. Với ông, quê nhà là mạch nguồn khơi dòng cảm xúc sáng tạo và tôi luyện cho đôi bàn tay tài hoa của ông trở nên thuần thục, điệu nghệ. Ngoài thời gian sáng tác, nghệ nhân Quốc Sự còn mở lớp truyền dạy nghề thêu cho người dân trong và ngoài huyện Thường Tín. Ai yêu mến, gắn bó với nghề đều được ông tận tình chỉ dạy miễn phí. Đến nay, hơn 300 người là học trò của ông đã phát huy tài năng với những sản phẩm thêu tay. Nhiều người ở nơi xa đến, ông còn tạo điều kiện giúp đỡ về nơi ăn ở, chỉ bảo tận tình, mong họ học được nghề, thành nghề để kiếm kế mưu sinh. Điển hình như hai anh em Trương Văn Chung và Trương Văn Ba, gia đình đông anh em, sống trong cảnh bần hàn, không có công ăn việc làm, cả năm chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng. Khi đến nhà ông, hai người mang mấy chục cân thóc mới gặt đến mong ông chỉ dạy để kiếm nghề mưu sinh. Thương hai học trò nghèo, ông nhận vào lớp học, còn thóc thì trả về để họ nuôi vợ con. Khi học xong, hai anh em xin ở lại theo ông làm nghề và sau này trở thành những thợ thêu có tay nghề cao.

Là người xuất thân từ nghèo khó, lại phải lăn lộn bao năm với nghề, nên ông Sự luôn cảm thông và trân trọng những người yêu mến, gắn bó với nghề thêu. Ông tâm niệm: "Cuộc đời này còn nhiều người khốn khó, giúp họ làm ra đồng tiền bát gạo bằng nghề tổ thì càng quý. Đây cũng là tâm nguyện của cả đời tôi để đền đáp ân nghĩa đối với tổ tiên và quê hương".

Để dạy được một thợ thêu, lão nghệ nhân phải lao tâm khổ tứ, thậm chí tốn kém không ít về vật chất. Người học đều được ông cấp vải, khung, chỉ miễn phí. Để nhanh biết việc, sớm thành nghề, nhiều khi ông cho thợ thêu thực hành trực tiếp trên sản phẩm. Học trò nhiều lúc sơ ý làm ố, rách, hay thêu sai một lỗi nhỏ là đành phải bỏ cả bộ hàng đi. Tuy vậy, ông không hề nản lòng mà vẫn bền bỉ như “con tằm trọn đời nhả tơ”, dệt nên những ước mơ của người dân quê nghèo. Trong ông luôn đau đáu một điều: "Khi tôi về với tổ tiên thì cũng không mang nghề đi được. Còn sống được ngày nào, tôi phải truyền lại nghề cùng những kinh nghiệm quý cho con cháu, bạn bè, người dân. Có như vậy nghề tổ mới được lưu truyền mãi về sau". Và người nghệ nhân già luôn rộng cửa đón mọi người đến học nghề. Khi họ học xong, ông lại nhận vào làm việc tại nhà. Ai ở xa, ông cho mang hàng về thêu tại địa phương. Hiện nay, gia đình ông có 5 xưởng thêu tay truyền thống, thu hút khoảng 200 lao động làm việc.

Với tấm lòng và tâm huyết của nghệ nhân Nguyễn Quốc Sự, nhiều lớp thợ thêu đã trưởng thành, hằng ngày miệt mài ngồi bên khung tranh. Những sản phẩm từ đôi bàn tay người lao động nơi đây đã tỏa đi nhiều quốc gia như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Pháp; các nước Đông Nam Á… Dù trên thị trường hiện nay có nhiều dòng tranh, nhưng thương hiệu "tranh thêu Quốc Sự" vẫn rất được khách hàng ưa chuộng, bởi các sản phẩm thực sự là những tác phẩm nghệ thuật. Ông luôn nhắc nhở người thợ thêu phải làm ra những sản phẩm có giá trị, chất lượng cao, như vậy mới chiều lòng được khách hàng.

Được hỏi về những đóng góp của nghệ nhân Nguyễn Quốc Sự, ông Trương Văn Thông, Bí thư Đảng ủy xã Thắng Lợi, phấn khởi nói: "Với tài năng và tâm huyết của mình, nghệ nhân Nguyễn Quốc Sự đã gìn giữ và phát triển thành công nghề truyền thống của quê hương. Ông còn có nhiều đóng góp cho các hoạt động tình nghĩa, an sinh xã hội của địa phương, đặc biệt là giúp đỡ những người nghèo có công ăn việc làm, ổn định đời sống, góp phần làm cho quê hương ngày thêm giàu đẹp, xứng danh “đất trăm nghề".

Trên tường nhà của ông Sự treo rất nhiều bằng khen, giấy khen, chứng nhận “gương người tốt, việc tốt”, nhưng với ông, giá trị nhất, quý nhất vẫn là bức chân dung Bác Hồ do chính tay ông thêu hơn 40 năm trước, Bằng chứng nhận Giải thưởng sáng tạo khoa học kỹ thuật trẻ toàn Liên bang Xô-viết (năm 1980), danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú (năm 2013)... Đó thực sự là những dấu ấn đáng ghi nhớ trong nghiệp cầm kim cũng như tài đức, tâm sức của ông.

Bài và ảnh: VŨ DUY