Công trình ra đời từ thực tế cuộc sống

Năm 1987, sau khi tốt nghiệp bác sĩ nội trú chuyên ngành ngoại khoa, Trần Ngọc Lương được điều về công tác tại Khoa Ngoại, Bệnh viện Bạch Mai với chuyên môn phẫu thuật ổ bụng. Năm 1996, ông được cử sang Pháp học mổ nội soi ổ bụng từ các chuyên gia hàng đầu thế giới, trong đó có Giáo sư Vankemmel. Những năm ở Pháp, ông không chỉ học mổ nội soi ổ bụng, mà còn xin theo học Giáo sư Proye mổ tuyến giáp (mổ mở). Tốt nghiệp khóa học, ông lại trở về làm việc tại Bệnh viện Bạch Mai. Năm 2001, ông được điều động sang làm việc tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương với nhiệm vụ xây dựng Khoa Ngoại. Đầu năm 2002, Khoa Ngoại-Bệnh viện Nội tiết Trung ương đi vào hoạt động, bác sĩ Trần Ngọc Lương bắt đầu mổ tuyến giáp bằng những kỹ thuật truyền thống. Với sự mày mò sáng tạo, ông đã cho ra đời kỹ thuật riêng về mổ mở cải tiến rất nhiều so với kỹ thuật mổ mở truyền thống mà ông đã được học ở Pháp.

leftcenterrightdel

PGS, TS Trần Ngọc Lương. 

Qua trao đổi với PGS, TS Trần Ngọc Lương, chúng tôi được biết, theo số liệu thống kê, ở nước ta có khoảng 7 đến 10% dân số bị bướu cổ (gồm: Ung thư tuyến giáp, Basedow, bệnh bướu nhân, viêm tuyến giáp…). Trong đó tỷ lệ phụ nữ bị mắc các bệnh liên quan đến tuyến giáp chiếm 70%. Rất đông bệnh nhân muốn điều trị khỏi bệnh phải phẫu thuật tuyến giáp. Thế nhưng, nếu mổ mở theo kiểu truyền thống sẽ để lại vết sẹo dài ở cổ, nhất là những bệnh nhân có cơ địa sẹo lồi trông rất mất thẩm mỹ. Chính vì vậy, không ít người sợ sẹo mà không đi mổ. Chỉ đến khi bệnh quá nặng mới đến khám, điều trị thì bệnh tình đã diễn biến phức tạp. Từ thực tế cuộc sống đã khiến PGS, TS Trần Ngọc Lương băn khoăn, trăn trở, tìm phương án tốt nhất để vừa chữa được bệnh, vừa không để lại sẹo nơi cổ bệnh nhân.

Sau một thời gian nghiên cứu, tìm hiểu, ông biết có một giáo sư ở I-ta-li-a đã tiến hành mổ nội soi trợ giúp bằng vết rạch nhỏ ở cổ người bệnh. Phương pháp này vẫn để lại sẹo trên bệnh nhân (tuy chỉ từ 1 đến 2cm). Còn ở Hàn Quốc, các bác sĩ ở quốc gia này đã tiến hành mổ nội soi tuyến giáp bằng rô-bốt. Còn kỹ thuật mổ nội soi tuyến giáp bằng khung nâng, treo mà các bác sĩ Nhật Bản tiến hành lại rất khó làm và không thuận lợi khi mổ. Điểm đáng chú ý là các phương pháp trên giá thành rất cao, khoảng 7.000 đến 10.000 USD/ca.

Từ nhu cầu phẫu thuật tuyến giáp ở Việt Nam cùng với vốn kiến thức, kinh nghiệm, PGS, TS Trần Ngọc Lương đã sáng tạo ra cách mổ nội soi tuyến giáp “Trần Ngọc Lương” và năm 2003, ông  thực hiện thành công ca phẫu thuật nội soi tuyến giáp đầu tiên.

Theo PGS, TS Trần Ngọc Lương, thời gian đầu ông chỉ dám chọn bệnh nhân có đường kính bướu cổ từ 2 đến 3cm. Kết quả đạt được khá mỹ mãn, thay vì bệnh nhân “phải chịu” vết sẹo dài đến 8cm ở cổ, phẫu thuật bằng phương pháp nội soi giúp vết sẹo chỉ còn nhỏ khoảng 1cm ở vùng nách và ngực. Thời gian nằm viện rút xuống chỉ còn 2-3 ngày thay vì 7 ngày như trước đây, bệnh nhân không phải chịu cảnh nuốt, thở khó khăn như trước nữa.

PGS, TS Trần Ngọc Lương khẳng định: “Kỹ thuật mổ nội soi tuyến giáp của Bệnh viện Nội tiết Trung ương có các ưu điểm sau: Đơn giản, nhanh, an toàn, hiệu quả và giá rẻ. Đơn giản là vì các bác sĩ khi tiến hành phẫu thuật có thể sử dụng cụ mổ nội soi thông thường mà bệnh viện tuyến tỉnh nào cũng có; thậm chí tại một số bệnh viện tuyến huyện cũng được trang bị. Còn nhanh là vì khi tiến hành phẫn thuật, các bác sĩ chỉ cần tạo 3 lỗ nhỏ ở vùng nách của bệnh nhân, vào tuyến giáp bằng đường bên, không cần phải cắt bất cứ cơ nào. Sau đó đưa thiết bị mổ nội soi vào, bơm CO2 tạo môi trường mổ. Do vậy, mỗi ca phẫu thuật chỉ kéo dài từ 20 đến 30 phút (trừ những ca khó có thể khoảng 40-50 phút). An toàn vì theo đường riêng này có thể tìm và tách tuyến cận giáp trạng cũng như dây thần kinh thanh quản quặt ngược (dây thần kinh nói) một cách dễ dàng. Quan trọng hơn khi tiến hành mổ nội soi bệnh nhân không bị mất máu nhiều, vết mổ nhanh lành. Cho đến nay, kỹ thuật này có thể áp dụng hiệu quả cho tất cả các bệnh lý tuyến giáp khi cần mổ, kể cả ung thư khi chưa có di căn xa, đồng thời chi phí cho phẫu thuật chỉ hết 300 đến 400 USD/ca.

Đào tạo hàng trăm bác sĩ trong và ngoài nước

Không còn bị ám ảnh phải mang vết sẹo ở cổ là niềm vui, niềm mơ ước vô bờ của bệnh nhân, đặc biệt là với phụ nữ. Kỹ thuật này đến nay đã trở thành niềm tự hào của nền y học Việt Nam; phương pháp này đã giúp giảm tối đa chi phí, và mang lại hiệu quả cao. Kỹ thuật mổ nội soi tuyến giáp của PGS, TS Trần Ngọc Lương nổi tiếng đến mức, khi bệnh nhân người Việt sang Xin-ga-po để mổ tuyến giáp, bác sĩ tại đây tư vấn nên về Việt Nam gặp “Dr Trần Ngọc Lương”, vì chính ông dạy họ phương pháp đó. Hàng trăm giáo sư, bác sĩ đến từ các nước như: Ô-xtrây-li-a, Xin-ga-po, Ấn Độ, Ma-lai-xi-a, A rập Xê-út, Pa-ki-xtan, Ô-man, Bồ Đào Nha, Thái Lan, In-đô-nê-xi-a... cũng đến Bệnh viện Nội tiết Trung ương học kỹ thuật mổ này. Chia sẻ với chúng tôi, PGS, TS Trần Ngọc Lương cho biết, ngay từ đầu năm 2017, lịch chuyển giao kỹ thuật này cho các cơ sở trong nước cũng như nước ngoài đã “kín” đến tận tháng 10. Hiện đang có đoàn bác sĩ từ Xin-ga-po sang đây học kỹ thuật này.

leftcenterrightdel
PGS. TS Trần Ngọc Lương khám bệnh, trao đổi và hướng dẫn khám chẩm đoán bệnh cho bác sỹ ở bệnh viện Bungalow, Ấn Độ. Ảnh do nhân vật cung cấp. 
Sở dĩ kỹ thuật của PGS, TS Trần Ngọc Lương “đắt hàng” bởi tính ưu việt là bảo đảm thẩm mỹ, nhanh chóng bình phục cho bệnh nhân, giá thành rất rẻ. Được biết, để cắt một thùy tuyến giáp tại Bệnh viện Elisabeth - Xin-ga-po phải chi phí từ 6.000 đến 10.000USD, thời gian phẫu thuật nhanh nhất trong vòng 2 tiếng đồng hồ. Còn tại Hàn Quốc, phẫu thuật tuyến giáp bằng rô-bốt cũng tương tự, trong khi đó, kỹ thuật mổ của PGS, TS Trần Ngọc Lương không cần đến những thiết bị phức tạp, chỉ tốn khoảng 300USD và tiến hành trong khoảng 20-30 phút mà vẫn an toàn, hiệu quả và thẩm mỹ. Ba ngày sau, bệnh nhân có thể ra viện, sinh hoạt bình thường. Đặc biệt hơn, kỹ thuật mổ nội soi “Dr Trần Ngọc Lương” có thể áp dụng cho tất cả các ca bệnh lý tuyến giáp, như: Bướu nhân, ung thư…

PGS, TS Trần Ngọc Lương chia sẻ, cho tới thời điểm hiện nay ông và các cộng sự đã tiến hành mổ thành công cho hơn 5.000 ca bướu cổ bằng nội soi. Tính từ năm 2009 đến nay, đã có hàng trăm bác sĩ, chuyên gia nhiều nước trên thế giới đến Việt Nam học hỏi kỹ thuật mổ đầy tính ưu việt này. Ở trong nước, các bệnh viện: Chợ Rẫy, Hoàn Mỹ Cửu Long Cần Thơ, Đa khoa Cần Thơ, Việt Tiệp Hải Phòng, Đa khoa Nghệ An, Bệnh viện Quân y 103, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108... cũng đã cử bác sĩ đến học và triển khai thành công phương pháp phẫu thuật này.

Công trình “Ứng dụng phẫu thuật nội soi điều trị một số bệnh lý tuyến giáp” của PGS, TS Trần Ngọc Lương đã đoạt giải nhất trong lễ trao giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2014 chuyên nghành y dược.

Mặc dù là “cha đẻ” của kỹ thuật mổ nội soi tuyến giáp, nhưng PGS, TS Trần Ngọc Lương vẫn khiêm tốn cho rằng, đây là công trình tập thể. Rồi ông khẳng định, không còn xa nữa, các bệnh viện Nội tiết ở các tỉnh, thành phố trong cả nước sẽ tiến hành phẫu thuật được theo phương pháp này.

Được biết, từ nhiều năm nay, cứ đều đặn 6 giờ sáng, PGS, TS Trần Ngọc Lương đã rời nhà đến bệnh viện. Từ đầu năm 2016, PGS, TS Trần Ngọc Lương được giao trọng trách Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương, công việc quản lý, công việc chuyên môn “ngập đầu”, nhưng lịch giảng dạy của ông vẫn không ngừng tăng lên. Với ông, đây vừa là trọng trách, vừa là niềm vui vì được cống hiến và đem lại niềm vui cho người bệnh.

VIỆT PHƯƠNG – LÊ HIỀN