Chị Phạm Thị Hồng, ở xóm 9, xã Hồng Sơn là một trong 3 hộ gia đình hiến hơn 80m2 đất, cho biết: “Gia đình tôi chỉ có ít ruộng, trong khi lại đông con ăn học, hơn nữa, chúng tôi đã hiến đất một lần rồi, nếu hiến đất nữa thì không biết lấy gì làm ăn để nuôi con? Gia đình tôi cũng đã nói rõ cho ông Cúc hiểu, vậy mà ông ấy bảo: “Mong gia đình hiến đất để làm đường, còn ruộng không có thì lấy ruộng của nhà tôi mà làm!”. Ông nói thế thì mình làm sao nỡ”.
Trước đây, đường vào Xóm 9 (còn gọi là xóm Núi) rất khó khăn, trời mưa thì lụt lội, trời nắng thì bụi mù mịt, 80 hộ dân sống rải rác, thưa thớt. Mùa màng lay lắt, cây lúa rẫy cùng những nương sắn bạc màu, ngô, lạc luôn mất mùa trong khô hạn, lương thực từng hộ dân thiếu trầm trọng, những cánh rừng dần trơ trụi bởi người ta chặt phá để đốt than, nung vôi… Không đành lòng để người dân trong xóm phải chịu những khắc nghiệt ấy, ông Cúc cùng cấp ủy, ban cán sự xóm, đề xuất với chính quyền địa phương củng cố, xây dựng hệ thống thủy lợi. Nhờ đó, Xóm 9 do ông làm xóm trưởng đã có hồ, đập và hệ thống tưới tiêu ổn định.
Ông Cúc với hàng chục tấm bằng khen, giấy khen của các cấp.
Mương tưới tiêu đã có, việc làm nông nghiệp của bà con Xóm 9 xã Hồng Sơn cũng đỡ vất vả phần nào, thế nhưng xóm vẫn còn nghèo lắm. Trở về sau những ngày làm việc mệt mỏi, ban đêm, ông Cúc lại trăn trở, suy nghĩ, làm thế nào để phát triển kinh tế địa phương. Ông đã đi nhiều nơi để tham khảo cách làm giàu, trở về xóm mình, ông mày mò tự đưa giống cây mướp đắng về trồng và nhân rộng ra cho bà con lối xóm. Nhờ sự chủ động và mạnh dạn của ông, cây mướp đắng đã trở thành cây “xóa đói, giảm nghèo” của nhiều hộ gia đình trong xóm và trong xã.
Từ sự nỗ lực, dám nghĩ, dám làm của ông, Xóm 9 xã Hồng Sơn đã từng bước khởi sắc cùng quê hương. Dù kinh qua nhiều nhiệm kỳ làm xóm trưởng, bí thư chi bộ, nhưng ông luôn được người dân tín nhiệm cao. Chính sự nỗ lực, gần gũi với dân, ông được xem như “cánh chim đầu đàn” của xóm để chèo lái, đưa người dân trong xóm vượt khó đi lên. Những đồi núi ngổn ngang cây bị chặt phá, dẫn đến hoang hóa, nay đã được tái sinh; người ra đồng, kẻ lên nương nhộn nhịp để thu hoạch nông sản. Giữa mùa hè mà nơi đồi núi này rất xanh mát nhờ những vườn cây ăn quả sai trĩu, những khu rừng được tái sinh.
Là một cựu chiến binh, ông Cúc luôn tiên phong, gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ được giao, sống trung thực, thẳng thắn, gần gũi với dân. Những lời khuyên của ông luôn được người dân trong xóm tin tưởng, ủng hộ và làm theo. Hiện tại, việc nuôi trâu, bò, dê, lợn, gia cầm và nuôi trồng thủy sản đã trở thành thế mạnh ở đây. Trồng mướp đắng, bí xanh, cây xả và hành tăm đang được nhân rộng. Có những hộ trồng rừng sau 5 năm đã cho nguồn thu 70 triệu đồng/ha; mướp đắng mỗi năm 2 vụ, cho nguồn thu 7-8 triệu đồng/sào, cùng đàn trâu, bò, lợn gà, cho nguồn thu hàng chục triệu đồng mỗi năm.
Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, ông Cúc cùng chi bộ, các đoàn thể đã vận động bà con góp tiền xây dựng nhà văn hóa, hiến đất làm đường bê tông liên xã. Chia sẻ với chúng tôi, ông bảo: “Là một người lính Cụ Hồ, trước hết tôi phải gương mẫu, phải gần dân, hiểu dân để biết người dân cần gì; đặc biệt là phải lấy dân làm gốc, luôn đặt lợi ích của dân lên lợi ích của bản thân. Còn sống được ngày nào, tôi còn cống hiến”.
Hơn 10 năm qua, ông Cúc luôn được người dân trong xóm tín nhiệm bầu làm xóm trưởng, còn cấp trên luôn tin tưởng giao ông đảm nhận nhiều “việc lớn”. Bao năm làm xóm trưởng, cũng là bấy nhiêu năm ông được tặng nhiều giấy khen, bằng khen của huyện, của tỉnh và Trung ương. Những phần thưởng ấy, ông treo trang trọng trong nhà, như một lời hứa để bản thân luôn phấn đấu và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ Đảng giao, nhân dân tín nhiệm.
Bài, ảnh: THÚY HẰNG