Hơn 14.000 lá thư gửi từ trái tim

Dù đi rất nhiều nơi nhưng thông tin bà Tuyết tìm được, theo cảm nhận của bà, vẫn còn quá ít so với con số liệt sĩ chưa xác định được mộ phần. Bà Tuyết kể: “Có đến các nghĩa trang liệt sĩ mới thấy xót xa, nhiều đồng chí mình quê tận ngoài Bắc, hy sinh đã hơn 50 năm nhưng đến nay vẫn chưa có thân nhân tới nhận. Những năm trước sức tôi còn khỏe, kinh tế gia đình cũng tạm ổn nên chẳng vướng bận gì. Tôi lặn lội tới nhiều đơn vị tìm kiếm thêm thông tin, nhờ các ban liên lạc truyền thống giới thiệu đồng đội cũ biết về liệt sĩ để đối chiếu, hỏi chi tiết địa chỉ, thời gian, hoàn cảnh hy sinh… Về nhà, tôi tổng hợp lại, viết thư gửi tới gia đình hoặc địa phương thông báo tin tức liên quan đến liệt sĩ”. Thời gian đầu bà tốn quá nhiều công sức mà kết quả không mấy khả quan. Dù vậy, bà Tuyết vẫn không nản chí ngay cả khi gia đình bà sa sút sau những biến cố đau thương. Chồng bà, một đại tá quân đội nghỉ hưu, qua đời do bạo bệnh, rồi lại đến người con trai thứ hai cũng ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ. Nỗi đau tiếp nối liên miên tưởng chừng người phụ nữ ấy phải bỏ dở mọi dự tính. Thế nhưng, lời hứa với liệt sĩ cứ văng vẳng bên tai, bà lại nén đau thương, thu xếp công việc gia đình, cứ vài ngày bán hột vịt lộn và bán chè đậu đen ở đầu hẻm tích cóp được ít tiền cộng với lương hưu là bà lại lên đường đi tìm thông tin về liệt sĩ. Đến khi hết tiền chi tiêu dọc đường bà mới chịu về nhà, tiếp tục bán hột vịt lộn và chè đậu đen dành dụm cho chuyến đi mới. Những ngày ở nhà, tối đến, bà ngồi bệt bên chiếc bàn nhỏ, quấn chăn vào hai bàn chân để khỏi bị muỗi đốt rồi tỉ mỉ viết thư, chắp nối những dòng thông tin hữu ích gửi tới gia đình các liệt sĩ…

Bà Mai Thị Tuyết trò chuyện với cán bộ Hội Cựu chiến binh phường Trường Thọ về công việc của mình. 

Với tay lấy tập danh sách liệt sĩ do ông Nguyễn Sỹ Hồ, người sáng lập website “Người đưa đò” mới chuyển đến, bà Tuyết vui mừng kể: “Biết việc tôi làm hoàn toàn vì tình nghĩa, năm 2014, ông Hồ đã gửi cho tôi khá nhiều thông tin mà ông sưu tầm, tích lũy được, in thành từng cột, mục rõ ràng. Nhờ đó, tôi có thêm nhiều thông tin mới thực sự bổ ích cho công việc của mình. Kết hợp bản danh sách ông Hồ gửi với những gì tôi đã tìm kiếm, thu thập, ghi chép được trong hơn chục năm đi thực địa, tôi tiếp tục viết thư gửi về tận gia đình liệt sĩ nếu có tên, địa chỉ rõ ràng; trường hợp địa chỉ không tin cậy, tôi gửi thư về xã để báo tin. Cho tới nay, hơn 14.000 lá thư đã được gửi đi khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước”.

Kể với tôi những câu chuyện về hành trình kiếm tìm thông tin cung cấp cho gia đình liệt sĩ, giọng nói của bà vô cùng hào hứng, ánh mắt như sáng lên, nhất là với những trường hợp tìm được hài cốt, mộ phần chính xác. “Làm việc nghĩa mình như khỏe ra, bệnh tật cũng mau lành, chóng khỏi” - bà Tuyết cười xởi lởi. Chẳng là, khoảng giữa năm 2014, bà phải vào viện mổ tay, vừa xong ca mổ được mấy ngày, tay đang còn băng bó bà đã xin xuất viện về nhà. Mặc cho tay cầm đũa ăn cơm còn gượng gạo bà đã lại cầm bút viết thư trong khi vết mổ chưa khô. Thấy vậy, con cháu bà xót ruột cản ngăn. Bà liền phân trần, mẹ làm việc nghĩa, các con đừng lo! Một chút đau này có thấm gì so với nỗi đau của hàng vạn bà mẹ liệt sĩ đang ngày đêm mong ngóng tin con…

Chút buồn và những niềm vui

Chỉ khoảng 3 giờ đồng hồ trò chuyện với bà, tiếng điện thoại gọi đến báo tin về kết quả tìm kiếm mộ phần, hài cốt liệt sĩ hoặc nhờ bà hướng dẫn, chỉ đường tới khu vực chôn cất liệt sĩ hay nơi thân nhân họ hy sinh… liên tục làm ngắt quãng câu chuyện giữa chúng tôi. Dường như bà đã quá quen với những cuộc điện thoại như thế nên thái độ của bà rất niềm nở, chia sẻ niềm vui và hướng dẫn cặn kẽ để gia đình họ đỡ tốn tiền của, công sức đi lại. Bà Tuyết kể: Mỗi ngày tôi nhận không dưới 50 cuộc điện thoại bất kể thời gian nào. Vài ngày lại có thân nhân liệt sĩ tìm đến tận nhà nhờ giúp đỡ. Có hôm 4 giờ sáng họ đã tới gõ cửa nhà tôi. Nhiều lần như vậy, con trai tôi lo lắng, bảo: “Mẹ cứ thế này sức đâu chịu nổi. Giữa con và liệt sĩ, mẹ chọn ai?”. Tôi phân tích cho con, phải biết ơn những người đã hy sinh cho mẹ con mình được sống, rồi quả quyết: “Mẹ chọn liệt sĩ”.

Bà không đắn đo khi trả lời con trai như vậy, bởi trong suốt những năm chiến tranh bà đã chứng kiến bao đau thương mất mát của dân tộc, chứng kiến nỗi đau của những người mẹ, người vợ khắc khoải, mỏi mòn mong ngóng chồng, con. Bà cũng không trách các con mình, bởi họ đâu sống ở cái thời của bà và hơn hết thảy là tình thương các con dành cho mẹ. “Nhiều người hỏi tôi rằng, bà làm như thế có kết quả gì không? Họ có đến cảm ơn bà không? Tôi chỉ cười trừ, bởi kết quả hay không chỉ tôi và gia đình liệt sĩ hiểu được. Tôi cũng chỉ cần vậy, không quan tâm đến người khác nghĩ gì” - bà Tuyết nói với chúng tôi mà như tự động viên chính mình. Rồi bà kể về trường hợp của Thiếu tướng, GS, TS Nguyễn Quý Khoát, Phó giám đốc Học viện An ninh nhân dân, quê ở Quỳnh Côi (Thái Bình), nhờ lá thư của bà, gia đình ông đã tìm thấy mộ phần người anh là liệt sĩ Nguyễn Quý Khánh, hy sinh tại Đức Hòa (Long An), đưa về quê cuối năm 2014. Mới đây, gặp lại ân nhân của gia đình, Thiếu tướng Nguyễn Quý Khoát đã xúc động rơi nước mắt. Ông chia sẻ: “Làm thầy trong ngành an ninh nên tôi rất cẩn thận khi tiếp nhận thông tin từ chị Tuyết. Tôi đã nhờ đồng đội, học trò trong Nam xác minh nhân thân và những việc chị làm. Thông tin phản hồi, chị Tuyết là một cựu du kích từng lập nhiều chiến công, một cán bộ của Đảng, hiện là tổ trưởng khu phố rất được chính quyền và nhân dân tín nhiệm. Việc làm nghĩa cử của chị xuất phát từ cái tâm trong sáng, không hề vụ lợi, đã giúp cho nhiều gia đình liệt sĩ tìm được thân nhân. Vậy là tôi yên tâm liên hệ với chị, nhờ chị tư vấn thêm địa điểm diễn ra trận đánh mà anh tôi hy sinh. Từ những thông tin quý giá đó, gia đình tôi quyết định vào Long An, phối hợp với đồng đội và chính quyền địa phương xác định chính xác phần mộ liệt sĩ Nguyễn Quý Khánh sau hơn 40 năm bặt vô âm tín. Với gia đình tôi, chị Tuyết trở thành ân nhân giúp chúng tôi hoàn thành tâm nguyện day dứt suốt mấy chục năm trời”.

Hàng chục nghìn lá thư gửi đi, bà đã nhận không biết bao nhiêu lời cảm ơn qua điện thoại. Chỉ thế thôi cũng đủ làm bà vui. Đó chính là nguồn động lực tinh thần thôi thúc bà tiếp tục dâng hiến cho đời. Tuy nhiên, cũng có không ít trường hợp, sau khi hoàn thành tâm nguyện, tìm thấy mộ phần người thân đã không hề báo lại cho bà. Mãi đến khi bà xin được số điện thoại của địa phương, hỏi thăm tình hình thì mới biết, gia đình họ đã theo thông tin mà bà cung cấp, tới tận nơi tìm kiếm, đưa hài cốt liệt sĩ về an táng tại nghĩa trang quê nhà. Nghe vậy bà thở phào nhẹ nhõm vì việc mình làm càng thêm ý nghĩa.

Suốt hơn 10 năm làm việc thiện, chuyện tương tự như thế bà gặp cũng nhiều. Ấy là những lần thư đi không thấy hồi âm dù bà đã gửi “quá tam ba bận”. Lý giải nguyên nhân, bà bảo, có thể do việc tách, nhập địa giới hành chính nên địa chỉ sai lệch giữa trước đây và hiện nay; cũng có thể do gia đình liệt sĩ đã chuyển đi nơi khác hoặc không còn ai… Tuy nhiên, cũng có trường hợp chính quyền địa phương thờ ơ với những thông tin do bà cung cấp. Bằng chứng là, có một chị lao công ở văn phòng UBND xã nọ nhặt được lá thư bà gửi bị vứt vào sọt rác. Thấy thông tin liên quan đến liệt sĩ ở gần nhà mình nên chị này cầm về đưa cho gia đình liệt sĩ để liên hệ với bà Tuyết. Cuộc điện thoại lúc nửa đêm vỡ òa trong tiếng khóc và niềm hy vọng của người con bao năm đi tìm hài cốt cha khiến bà Tuyết thao thức suốt đêm, chạnh lòng thương cảm. “Đó mới chỉ là chút buồn về trách nhiệm và tình người. Tôi còn bị nhiều kẻ đe dọa bởi làm mất miếng cơm, manh áo của chúng. Có ngày tôi nhận được 4-5 cuộc gọi, tin nhắn với nội dung hăm dọa, ngăn cấm tôi gửi thư về cho gia đình liệt sĩ. Lại có tin nhắn năn nỉ tôi thương cho vợ con họ đang nheo nhóc vì những lá thư tôi gửi về sẽ làm cho họ khó kiếm cơm từ những trò lừa bịp…” - bà Tuyết giãi bày. “Sự đe dọa của kẻ xấu có làm bà lo sợ?” - Tôi hỏi như để sẻ chia với bà. “Tôi sợ gì chứ, mình làm việc nghĩa bằng tiền túi của mình, không tơ hào, vụ lợi, được chính quyền và nhân dân ủng hộ cơ mà. Dẫu chúng có giết tôi thì hơn 14.000 lá thư đã được gửi đi, nhất định sẽ đến tay gia đình liệt sĩ. Vậy thì có chết tôi cũng mãn nguyện rồi”…

Rời căn nhà đơn sơ của bà Mai Thị Tuyết, tôi thấy lòng chộn rộn niềm vui. Bên tai tôi văng vẳng câu nói của Phó bí thư Thường trực quận ủy Thủ Đức Ngô Thành Lợi: Bà Tuyết là một tấm gương tiêu biểu vì cộng đồng. Những nghĩa cử cao đẹp của bà tỏa sáng giữa đời thường, xứng đáng được chúng ta học tập, tôn vinh.

Trời chiều đã ngả, thành phố lác đác lên đèn. Trong sắc màu của phố phường rực rỡ, phía xa xa ngôi sao chiều chợt hiện sáng long lanh…

Bài và ảnh: HOÀNG THÀNH