Bà làm công việc ấy một cách tự nguyện, bền bỉ, bằng trái tim và tấm lòng nhân ái, sẻ chia với nỗi đau của những người vợ, người mẹ có chồng, con đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường. Cái được lớn nhất của bà chính là niềm tin và nụ cười mãn nguyện của thân nhân liệt sĩ khi đón chồng, con họ “trở về”. Bà là Mai Thị Tuyết, 70 tuổi, ngụ tại quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh.
Bà Tuyết xem lại địa chỉ một lá thư trước lúc gửi đi.
Xã đội trưởng được Bác Hồ khen thưởng
Gặp bà, tôi bị cuốn hút ngay bởi khuôn mặt phúc hậu, giọng nói ấm áp, đặc biệt là tấm lòng của bà đối với liệt sĩ và thân nhân của họ. Hễ nhắc đến một trường hợp cụ thể nào đó trong hành trình tìm kiếm thông tin về liệt sĩ là bà lại khóc. Những giọt nước mắt chảy ra từ trái tim đồng cảm, sâu nặng nghĩa tình. Tôi cố hình dung ra, một con người giàu tình cảm tưởng chừng yếu đuối ấy, vậy mà trong những năm chiến tranh bà đã từng là xã đội trưởng nổi danh kiên cường, dũng cảm với thành tích chỉ huy trung đội nữ du kích bắn rơi máy bay địch, cứu kho muối của hợp tác xã, chữa cháy nhà người khác mà quên… chữa cháy nhà mình, được Bác Hồ tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba và tấm Huy hiệu của Người. Bà còn là nữ chỉ huy du kích đầu tiên của xã Hải Chính, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Hà (nay huyện Hải Hậu thuộc tỉnh Nam Định), có thành tích xây dựng và phát triển lực lượng nữ du kích thiện xạ tại vùng Công giáo toàn tòng mà trước đó chưa ai làm được. Với những thành tích ấy, bà được đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân nhưng bà tự nguyện xin rút, bởi “thành tích là của chung, mình nhận rồi sẽ rất khó làm việc, nhất là ở xứ đạo toàn tòng”. Bà Mai Thị Tuyết nhớ lại: “Tôi tham gia du kích xã từ năm 1960, chưa đầy hai năm sau tôi được giao nhiệm vụ xã đội phó. Năm 1966, giặc đánh phá ác liệt ra các địa phương miền Bắc. Đúng ngày 27-2 năm đó, khi trung đội du kích chúng tôi đang luyện tập bắn máy bay bay thấp bằng súng trường bảo vệ bờ biển thì có thông báo máy bay địch đang hướng về cửa biển Hải Chính. Lập tức, cả trung đội dàn đội hình chiến đấu. Tốp máy bay địch nhao xuống cắt bom, tôi hạ lệnh cả trung đội đồng loạt nổ súng. Bị bắn bất ngờ, chúng quay đầu tháo chạy ra biển. Ít phút sau, đài quan sát phòng không thông báo, một chiếc trong tốp máy bay của địch vừa tháo chạy đã bị bốc cháy. Ngay sau đó, chúng tôi nhanh chóng cơ động chữa cháy kho muối của hợp tác xã và nhà cửa của những hộ dân xung quanh. Nhà tôi cũng nằm trong tọa độ giội bom của máy bay địch, nhưng nhiệm vụ cứu dân, cứu kho muối không cho phép tôi suy tính, tiếp tục chỉ huy đơn vị dập lửa, bảo vệ tài sản Nhà nước, tính mạng của nhân dân. Hoàn thành nhiệm vụ, tôi chạy về nhà thì toàn bộ tài sản của gia đình đã bị thiêu rụi… Cũng may, mọi người đã kịp chạy tới nơi ẩn náu”.
Lần ấy, bà bị thương một bên mắt, ảnh hưởng đến thị lực khiến sau này bà phải nghỉ hưu sớm. Chiến công của bà được Báo Nam Hà viết bài khen ngợi, khi ấy bà vừa được bổ nhiệm làm Xã đội trưởng. Bác Hồ đọc được bài báo đã chỉ đạo Văn phòng Chủ tịch nước kiểm tra, xác minh thông tin báo cáo để Bác khen thưởng. Tự tay Bác ký quyết định tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba cho Xã đội trưởng Mai Thị Tuyết và gửi tặng bà tấm Huy hiệu Bác Hồ.
21 tuổi, nữ xã đội trưởng tiêu biểu Mai Thị Tuyết tham dự Đại hội Quyết thắng của Quân khu 3, năm 1967. Ảnh do nhân vật cung cấp.
Sau thành tích đó, bà còn cứu sống một chiến sĩ hải quân khi tàu bị nạn. Theo trí nhớ của bà, vào một sớm mùa hè, bà vừa đi kiểm tra từng vị trí canh gác dọc tuyến bờ biển, trên đường trở về thì nghe tiếng bì bõm rất gần. Bà chạy lại, phát hiện ra một thanh niên đang cố sức nhoai vào bờ. “Ai? Đứng lại không tôi bắn”, cùng với đó là tiếng kéo quy lát khẩu súng trường. Người thanh niên trả lời giọng yếu ớt: “Tôi, lính hải quân vừa bị tàu địch truy đuổi. Cứu tôi với!”. Chợt nhớ tới thông báo của cấp trên sẵn sàng ứng cứu tàu hải quân của ta đang gặp nạn trên biển, không chần chừ Xã đội trưởng Tuyết nhảy ào xuống nước dìu người thanh niên vào bờ. Bà Tuyết hồi tưởng: “Toàn thân anh ấy bê bết máu, kiệt sức do nhiều vết thương thâm tái. Bộ quân phục chiến sĩ hải quân rách tướp. Trong hơi thở yếu ớt, anh nói đứt quãng, rồi lịm đi: “Còn đồng chí chính trị viên phó của tàu… và chiến sĩ trinh sát nữa. Cứu…”. Tôi cõng anh chạy về đội để cấp cứu, rồi cử một tổ tìm kiếm gần bờ. Nhưng mãi mấy ngày sau chúng tôi mới tìm được thi thể hai đồng chí hải quân dạt vào doi cát”.
Người chiến sĩ mà bà cứu sống tên là Hồ Minh Lộc, quê ở Quảng Bình. Bà chỉ nhớ vỏn vẹn có thế, bởi khoảng chục ngày sau Bộ tư lệnh Hải quân đã cử người đến cảm ơn và đưa Lộc về tuyến sau điều trị. Từ đó đến nay, bà không nhận được thông tin gì về Lộc.
Lời hứa nặng tựa Thái Sơn
Kết thúc chiến tranh, bà theo chồng vào Nam, công tác ở Hội Phụ nữ tỉnh Đồng Nai, rồi về Trường Cán bộ Phụ nữ Trung ương 2. Năm 1984, vết thương cũ tái phát, thị lực giảm hẳn, bà ra Bắc điều trị nhưng bệnh tình không thuyên giảm nên phải nghỉ hưu sớm, về lo việc nội trợ gia đình. Bẵng đi một thời gian dài, năm 2002 bà Tuyết về quê, tranh thủ đi thăm họ hàng, bạn bè thuở trước. Đến nhà một người bạn cũ, thấy ông chống nạng ra chào. Bà hỏi thăm sức khỏe, người đó trả lời có vẻ móc máy: “Cảm ơn, nhờ phúc của bà, tôi vẫn khỏe”. Thì ra, đó là một trong số những thanh niên ngày ấy từng được bà động viên lên đường nhập ngũ rồi bị thương trong một trận chiến đấu không cân sức. Hôm đó bà đi thăm rất nhiều gia đình khác trong xã và chợt nhận ra, sao quá ít người trở về sau cuộc chiến? Những lứa thanh niên mà trên cương vị xã đội trưởng bà từng đến nhà vận động họ thực hiện nghĩa vụ quân sự và tiễn chân họ lên đường tòng quân, nay phần lớn đã vĩnh viễn nằm lại ngoài mặt trận. Nhiều gia đình cho đến tận bây giờ vẫn chỉ biết tin con, em mình hy sinh trên chiến trường miền Nam mà không rõ địa danh cụ thể. Có một mẹ liệt sĩ khi biết bà từ miền Nam mới về đã đến tận nhà, níu tay bà, hỏi: “Miền Nam có xa không, cho tôi theo vào tìm hài cốt con trai tôi với! Nó hy sinh ở mặt trận phía Nam bà ạ”. Nghe vậy bà Tuyết bật khóc, tim bà như thắt lại… Thế rồi, bà ra nghĩa trang liệt sĩ thắp hương trên những ngôi mộ đồng đội. Bà lẩm nhẩm khấn vái và tự nhủ lòng mình: “Tôi sẽ đi tìm các anh, nhất định sẽ giúp gia đình đưa các anh trở về quê mẹ”. Lời hứa trước anh linh người đã khuất như có sức nặng vô hình thôi thúc bà bắt tay ngay vào công việc. Nhưng bắt đầu từ đâu? Tìm như thế nào? Bao gia đình liệt sĩ đang khổ đau, uất hận vì những trò lừa đảo, mê tín dị đoan của những kẻ vô lương tâm trục lợi từ liệt sĩ… Những câu hỏi nặng trĩu cứ đeo bám trong tâm trí bà. Và rồi, bà đã lựa chọn cho mình một phương pháp riêng, tìm bằng công sức, bằng tấm lòng thành kính, trân trọng đối với các liệt sĩ và sự sẻ chia với thân nhân của họ. Hành trang để bà lên đường chỉ đơn giản là nhiệt huyết, niềm tin và ý chí quyết tâm mãnh liệt. Bà Tuyết giãi bày: “Ban đầu tôi chỉ ý định tìm liệt sĩ là người cùng xã thôi, sau đó tôi gặp được những phần mộ của liệt sĩ cùng huyện, thấy không đành lòng nên mở rộng tìm cả liệt sĩ cùng huyện, rồi cùng tỉnh. Càng đi, tôi càng choáng ngợp bởi con số liệt sĩ chưa được đưa về quê hương, chưa tìm thấy hài cốt, mộ phần trên cả nước còn nhiều quá! Từ đó, tôi thay đổi ý định, sẽ tìm kiếm, cung cấp thông tin khi có bất cứ manh mối nào về các liệt sĩ”.
Sự thay đổi ấy đã khiến bà suốt mười mấy năm nay vẫn mải miết đi tìm và cung cấp thông tin cho thân nhân liệt sĩ. Chuyến đi đầu tiên của bà bắt đầu năm 2003. Bà tới các nghĩa trang liệt sĩ tìm kiếm, ghi chép thông tin trên từng ngôi mộ chưa có người nhận; gặp gỡ các cựu chiến binh để hỏi thăm; đến cơ quan chính sách các đơn vị bộ đội, phòng (sở) lao động-thương binh-xã hội địa phương… xin cung cấp thông tin. Đôi chân bà đã đặt tới hầu khắp các tỉnh, thành phố phía Nam để có được những thông tin cần thiết, tin cậy với tâm nguyện hoàn thành lời hứa với người đã khuất… ( Còn nữa)
Bài, ảnh: HOÀNG THÀNH