Hai hộp cơm miễn phí khơi lửa thiện nguyện

Cơn mưa nặng hạt lúc sáng sớm vẫn không làm gián đoạn mọi hoạt động bếp ăn từ thiện của cô Lý. Vừa làm việc, cô tranh thủ chia sẻ: "Cô bắt đầu nấu cháo từ thiện từ năm 2013, sau này mới nấu thêm cơm chay. Công việc của cô xuất phát từ cái tâm thiện nguyện và cũng là việc nghĩa cô muốn trả ơn cuộc đời đã cho cô cuộc sống yên bình. Thời gian tham gia lực lượng TNXP TP Hồ Chí Minh phục vụ chiến đấu trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, cô trải qua nhiều gian khổ, đối mặt với những căn bệnh nặng, cùng những trận đánh ác liệt với địch và có thời điểm bị thương thập tử nhất sinh. May mắn hơn những đồng đội đã hy sinh, cô được hưởng những giây phút hòa bình hôm nay".

leftcenterrightdel

Cô Nguyễn Thị Lý tự tay chế biến thức ăn cho bữa cơm từ thiện. 

Cô Lý kể, năm 2006, con gái cô bị bệnh, phải nằm Bệnh viện Chợ Rẫy. Một hôm, vì lo lắng, chăm sóc cho con mà cô quên ăn trưa. Đang lúc bụng đói, chợt có hai ni cô đi ngoài hành lang phát cơm chay từ thiện, cô liền xin hai suất. Dù mỗi hộp chỉ có ít cơm, một miếng đậu hũ nhỏ, rau xào nhưng cô cảm thấy ngon ngọt vô cùng, đúng như câu nói “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Lúc đó, cô chợt nghĩ, ý nghĩa cao cả của việc làm từ thiện chính là giúp đỡ người khác lúc gian khổ, khó khăn, chứ không nhất thiết phải làm công việc gì thật to lớn.

Từ đó, ý nghĩ làm từ thiện cứ thường trực trong đầu cô Lý nhưng cô không biết bắt đầu từ đâu và phần thì hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Khoảng cuối năm 2008, trong một lần đi cúng ở Điện thờ Phật mẫu (quận 10), cô Lý gặp một người phụ nữ đang cặm cụi làm việc trong bếp. Hỏi ra, cô biết rằng, tại đây có tổ chức nấu cơm từ thiện cho bệnh nhân và người thân tại Bệnh viện Chợ Rẫy bằng kinh phí và thực phẩm do người dân quyên góp. Không chút nghĩ ngợi, cô nhanh tay vào phụ bếp cùng mọi người ở đó. Tay làm, miệng trò chuyện, mãi đến khuya, cô mới trở về nhà. Đêm ấy, cô Lý nhớ lại chuyện hai hộp cơm chay miễn phí từ mấy năm trước. Nghĩ rằng, bản thân có nhiều thời gian rảnh thì cũng nên phụ giúp công việc từ thiện này. Nói là làm, ngay hôm sau, cô đã đến tham gia góp công, nấu cơm từ thiện tại Điện thờ Phật mẫu để giúp đỡ những người nghèo khổ tại bệnh viện. Cứ như vậy, cô tham gia nấu bếp từ thiện suốt hơn bốn năm, cho đến khi những vết thương trong chiến tranh, đặc biệt là bệnh nhức mỏi xương khớp tái phát nặng, cô đành phải nghỉ.

Vượt qua những cơn đau của bệnh tật, với trái tim thiện nguyện, cô Lý quyết định sẽ nấu cháo từ thiện ngay tại nhà. Biết mẹ con cô Lý có ý định nấu cháo từ thiện, hàng xóm đã quyên góp được gần hai triệu đồng để giúp cô nấu bữa đầu tiên. Cô nhớ lại: “Ngày đầu tiên nấu cháo từ thiện, tôi được ba người hàng xóm phụ nấu với hai nồi cháo. Mỗi nồi 4kg gạo và các nguyên liệu khác gồm nấm rơm, đậu đen và bí đỏ. Nấu xong, tôi mượn xe ba bánh, đưa hơn 200 suất cháo đến địa điểm gần Bệnh viện Chợ Rẫy, phát cho bệnh nhân chỉ trong vòng 30 phút là hết veo. Làm thì mệt nhọc thật đấy, nhưng khi nhìn thấy những khuôn mặt vui vẻ của người nhà bệnh nhân và bệnh nhân ra nhận cháo thì mọi mệt nhọc đều tan biến hết”.

Tiếng lành đồn xa, các nhà hảo tâm tìm đến

Một thời gian sau, qua truyền miệng, một số bạn bè, đồng đội cựu TNXP, cũng như những nhà hảo tâm biết đến việc cô làm, đã đến góp công, góp tiền, nguyên liệu (gạo, muối, dầu ăn…) thêm vào cho nồi cháo. Tiền trợ cấp thương binh hằng tháng, cô cũng góp phần nấu cơm, cháo từ thiện. Khi nguồn kinh phí có được nhiều hơn, cô Lý đã nấu thêm cơm chay từ thiện. Hiện nay, cứ chủ nhật hằng tuần, gia đình cô cùng hơn 10 bạn trẻ (hầu hết là sinh viên các trường đại học, cao đẳng tại TP Hồ Chí Minh) lại nấu 400 phần cháo, 400 phần cơm chay từ thiện, với tổng kinh phí khoảng 3 triệu đồng. Trong gia đình thân thương ấy, có người gọi cô Lý bằng cô, người gọi bằng “má Lý”. Nhiều người dù đã tốt nghiệp ra trường vẫn quay lại cùng tham gia hỗ trợ cô trong công việc nấu cơm, cháo từ thiện. Bạn Ông Ngọc Mẫn Nhi (ngụ quận 6) liên tục từ hai năm nay, tuần nào cũng đến giúp cô Lý. Nhi chia sẻ: “Tôi tham gia nấu cơm, cháo cùng “má Lý” từ lúc còn là sinh viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP Hồ Chí Minh. Mỗi lần phát suất cơm, suất cháo, niềm vui, lời cảm ơn của người bệnh càng làm chúng tôi thêm xúc động và hứa quyết tâm cùng “má Lý” duy trì tốt bếp ăn từ thiện này. Những trải nghiệm từ việc nấu cơm, cháo từ thiện là hành trang quý để tôi và các bạn bước vào cuộc sống tốt hơn”. Còn với anh kỹ sư kỹ thuật hàng không tương lai Nguyễn Văn Trọng, công việc này trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống bởi ý nghĩa nhân văn thiết thực của từng suất cơm, suất cháo từ thiện. Không những vậy, Trọng còn đảm nhiệm vai trò nấu món chính, là “trợ thủ” đắc lực của cô Lý. Trọng cho biết, bản thân sẽ tham gia cùng cô Lý cho đến khi không còn sinh sống ở TP Hồ Chí Minh và sẽ vận động mọi người hỗ trợ cho phần việc ý nghĩa này.

leftcenterrightdel
 

Các sinh viên tham gia cùng cô Lý trong việc nấu cơm, cháo từ thiện.

Để bắt đầu cho việc thiện, cô Lý cùng con gái thức dậy từ 3 giờ sáng để đến chợ đầu mối Thủ Đức cách nhà gần 20km, chọn mua thực phẩm tươi ngon mà giá cả phải chăng. Dù là cơm chay nhưng món ăn cũng đa dạng từ canh, đồ xào, món mặn và luôn thay đổi theo từng tuần. Tuy vậy, nguồn kinh phí cho nồi cơm, nồi cháo của cô cũng không ổn định bởi các mạnh thường quân quyên góp không thường xuyên, và những người tham gia nấu cháo cùng gia đình cô hầu hết là sinh viên nên số tiền đóng góp cũng có giới hạn. Những tháng được hỗ trợ nhiều thì cô giữ lại một ít để bù cho những tháng được hỗ trợ ít hơn. Mọi đóng góp của các cá nhân, đơn vị, cũng như kinh phí nấu cơm và nấu cháo hằng tuần đều được cô ghi chép vào sổ và công khai với tất cả mọi người tham gia.

Cô Lý cho biết cũng có thời gian thiếu kinh phí ủng hộ, nếu cứ nấu gần 800 phần cơm, cháo thì không đủ. Cô nghĩ rằng, việc nghĩa ở đời không phải đo lường bằng số lượng, mà chính là cái tâm của con người. “Được mọi người hỗ trợ bao nhiêu, tôi nấu cơm, cháo từ thiện bấy nhiêu. Thậm chí, có thể chỉ nấu được cháo trắng cũng phải làm. Đối với người bệnh hoàn cảnh khó khăn ở các tỉnh về thành phố điều trị bệnh, suất cháo, suất cơm ấy rất quý. Có thời điểm gặp nhiều khó khăn, nhưng chính bản lĩnh, ý chí của người đội viên TNXP đã giúp tôi mạnh mẽ vượt qua, làm tốt công việc của mình”-cô Lý tâm sự.

Gắn bó với cô Nguyễn Thị Lý là cô Nguyễn Thị Cẩm Hồng, một người đồng đội TNXP. Bằng số tiền nhuận bút ít ỏi khi tham gia viết tin, bài cho Bản tin TNXP Thành phố và Bản tin Cựu TNXP Việt Nam, cô Hồng đóng góp hết cho việc nấu cơm, cháo từ thiện. Không những vậy, cô Hồng còn kêu gọi bạn bè, đồng đội TNXP cùng chung tay góp sức, cùng gia đình cô Lý duy trì nồi cháo, nồi cơm kể từ ngày khởi xướng đến nay. Cô Cẩm Hồng chia sẻ: “Một người bình thường làm từ thiện đã là đáng quý, còn với chị Lý lại là một thương binh, nữ cựu TNXP thì lại càng đáng trân trọng hơn nữa. Chị Lý nấu cơm, cháo từ thiện khi chính hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn. Chị cũng không đi vận động ai, chủ yếu là “tiếng lành đồn xa”, các nhà hảo tâm tìm đến hỗ trợ. Chị Lý làm việc nghĩa không phải vì danh, mà vì tấm lòng thiện nguyện thì những người khỏe mạnh như chúng ta càng nên chung tay góp sức”.

Bất kể nắng hay mưa, những phần cơm, bát cháo từ thiện của cô Lý vẫn chuyển đến tay những bệnh nhân hoàn cảnh khó khăn. Ngày trước, cô Lý đích thân phát cơm, cháo cho bệnh nhân nhưng bây giờ, có các sinh viên đảm đương phần việc này giúp cô. Trả lời về mong muốn của bản thân, cô chỉ mỉm cười: “Tôi hy vọng bản thân luôn khỏe mạnh để có thể tự tay nấu cơm, nấu cháo, duy trì công việc thiện nguyện của mình”.

Bài và ảnh: HỒNG GIANG