Rồi điều kỳ diệu đã đến, sau một thời gian điều trị căn bệnh thuyên giảm, sư thầy thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Năm 2014, một người đàn ông nghèo khổ ở Lào Cai đã may mắn duy trì được sự sống của mình nhờ một quả thận của sư thầy Thích Đạo Cảnh hiến tặng.

Đến với cửa Phật nhờ nhân duyên

Giữa tháng Ba, chúng tôi ghé thăm chùa Diên Phúc đúng hôm có đông thợ thuyền đang xây dựng nghi môn. Giữa công trường ngổn ngang, chúng tôi để ý thấy có một vị sư thầy khoác bộ áo nâu thẫm đang chỉ dẫn thợ làm việc. Thấy chúng tôi, bà cụ đang quét lá ở sân chùa lên tiếng: “Các chú hỏi ai, hôm nay thầy trụ trì đi vắng, chỉ có thầy Thích Đạo Cảnh đang trông coi việc xây dựng. Thầy Cảnh đang trong thời gian dưỡng bệnh sau khi hiến một quả thận cứu người nhưng vẫn miệt mài làm việc”.

Nghe giới thiệu của cụ bà, chúng tôi đến làm quen và trò chuyện cùng sư thầy Thích Đạo Cảnh để tìm hiểu về việc hiến thận cứu người của sư thầy. Khi biết ý định của chúng tôi, sư thầy nói: “Nam mô A di đà Phật, cảm ơn thí chủ đã có ý nhưng việc nhà chùa làm là tự nguyện không có gì to tát. Con người sinh ra có nghiệp, tôi còn sức thì phát tâm giúp đời. Ở đời, có nhân có quả, đừng tô vẽ quá lên mà tổn phước”.

Một ngày bình thường của sư thầy Thích Đạo Cảnh tại chùa Diên Phúc. 

Sau đó sư thầy mời tôi vào thư phòng dùng trà và trò chuyện. Căn phòng nhỏ, ấm cúng, thoang thoảng hương trầm, tiếng tụng kinh niệm Phật phát ra từ chiếc đài nhỏ thật thanh tịnh nhẹ nhàng. Rồi sư thầy Thích Đạo Cảnh kể tôi nghe về cuộc đời trầm luân, đến con đường chân tu và cứu người của mình.

Không ai muốn nói nhiều về quãng đời lầm lạc của mình, nhưng thầy Thích Đạo Cảnh thì có suy nghĩ khác: “Những lối đi trong cuộc đời con người có khi gặp điều sai trái, điều quan trọng là mình biết nhận ra, quay đầu trở về với nẻo thiện”.

Qua lời kể của sư thầy Thích Đạo Cảnh chúng tôi được biết, tên thật của sư thầy là Nguyễn Văn Chung (sinh năm 1963). Những năm trước đây, ở xã Nam Viêm, thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc không ai không biết đến gia cảnh đáng thương của cậu bé Chung. Nhà đông anh em, bố mẹ phải lam lũ đủ nghề để nuôi các con khôn lớn, trưởng thành, nhưng cái nghèo vẫn bám riết. Tai họa ập đến, người mẹ bị bệnh nặng, rồi qua đời. Thiếu tình thương yêu của mẹ, lại túng quẫn nên 16 tuổi Chung đã xa gia đình đi bán nước dạo trên những chuyến tàu Vĩnh Phúc-Lào Cai-Hà Nội. Một lần, trên chuyến tàu từ Vĩnh Yên lên Cổ Loa, đang bán nước cho khách, bỗng dưng Chung cảm thấy có một bàn tay như thép túm cổ áo rồi ném Chung xuống đường khi đoàn tàu còn đang lao nhanh. Tỉnh dậy, Chung thấy mình đang nằm trên cánh đồng. Từ đó, Chung bỏ nghề bán nước dạo trên tàu. Năm 1978, Chung lên vùng biên giới Hoàng Liên Sơn để buôn bán. Sau đó theo lời khuyên của bạn, Chung quay về Thái Nguyên làm cai mỏ than. Nhóm của Chung gồm 8 người, chủ yếu đào than vỉa. Không chịu nổi cảnh đêm đến từng nhóm nghiện đến gõ cửa xin tiền, trong một lần đụng chạm đổ máu, Chung chạy thoát thân rồi từ giã nghề phu than thổ phỉ. Năm 1981, cưới vợ còn chưa hết tuần trăng, Chung đã bàn với vợ lên khai thác mỏ vàng ở Na Hang, Chiêm Hóa (Tuyên Quang). Chỉ với chiếc mảng tự chế, bao ngày tháng Chung vắt kiệt sức mình trên bãi vàng. Có vàng, có tiền, Chung tìm đến các thú vui tiêu khiển. Người cai thầu mỏ vàng Na Hang lúc đó là một người phụ nữ gốc Hoa có trong tay 40 cửu. Bà ta vừa mua lại vàng, vừa cung cấp rượu, thịt, cả thuốc phiện cho dân đào vàng.

Sư thầy Thích Đạo Cảnh nhớ lại: “Một lần nghe tin con gái ốm nặng, tôi về thăm con. Khi đó bố tôi móc túi quần của con trai nhưng không có một đồng nào, mà chỉ thấy toàn thuốc phiện. Quá đau xót, ngay đêm hôm đó ông họp tất cả thành viên gia đình và thảo sẵn một lá đơn, có ảnh của tôi, có dấu xác nhận của xã. Nội dung là ông nhờ 6 người lên mỏ vàng để đòi người về, nếu tôi không chịu về thì đánh què chân, rồi trói mang về, có chết thì chết ở quê chứ không chết ở bãi vàng. Để thoát khỏi bãi vàng, tôi phải mất một tuần đi làm quần quật và nhờ anh em bạn bè giúp đỡ mới trả đủ số nợ 7 triệu đồng. Rất may, tôi trở về gia đình an toàn. Khi trở về quê nhà, được mọi người giới thiệu tới trại cai nghiện của huyện, nhưng tôi từ chối và quyết tâm tự cai tại nhà”.

Đang kể chuyện, sư thầy dừng lại vì xúc động: “Vợ con khổ vì tôi nhiều lắm. Những đứa con của tôi bị mang tiếng về một người cha nghiện ngập, vợ tôi thì cắn răng bươn chải, bán hết đồ đạc, bán cả đất đai để kiếm tiền cho tôi cai. Đỉnh điểm là cả nhà tôi lên ở trên bãi sắn ở quê vợ để sống qua ngày”.

Nhờ tình thương của gia đình, nhất là của vợ nên Chung đã đoạn tuyệt được với thuốc phiện. Để làm lại cuộc đời, Chung lặng lẽ bỏ nhà ra đi. Khi đó gia đình đã thông báo tìm người mất tích trên báo.

“Tôi đến với cửa Phật như một cái duyên. Trước đây, tôi luôn cho rằng một người quá khứ lầm lỗi như tôi thì phật pháp nào dám nhận. Vậy mà, cơ duyên đã đến… Năm 2006, khi đang tình nguyện chấp tác xây dựng chùa Non Nước ở Sóc Sơn, thì tôi nghe tin nhà Tam Bảo của Tịnh Thất ở Tam Đảo, Vĩnh Phúc bị cháy thiệt hại nặng. Tôi xin phép đến chấp tế xây dựng, kiến thiết lại cho nhà chùa. Trong thời gian này, nghe tiếng tụng kinh niệm Phật, lòng tôi thanh thản vô cùng, rồi tôi phát nguyện ăn chay, xin phép sư trụ trì sáng chiều thỉnh chuông. Sau một năm, khi đã học xong các giới luật, đủ các nhân duyên thì tôi được phép xuất gia. Năm 2007, tôi về tu tại chùa Diên Phúc, Hà Nội. Đến lúc này thì gia đình mới biết tôi đã xuất gia lên chùa”-sư thầy Thích Đạo Cảnh tâm sự.

Hiến tạng cứu người

Một người lầm lỡ hoàn lương, một người có lòng tự trọng đã ăn năn hối lỗi, xuất gia mong làm lại cuộc đời, nhưng “án tử” vẫn gọi tên nhà tu hành. Đó là dịp tháng 9-2012, khi đang chấp tác tại chùa Ba Vàng (Quảng Ninh), thì sư thầy Thích Đạo Cảnh bị ốm nặng. Đến Bệnh viện Việt-Đức (Hà Nội) khám, điều trị, sư thầy được các bác sĩ thông báo đã bị ung thư gan giai đoạn 2.

“Nghe hung tin, tôi day dứt lắm, mình đã đi tu nhưng sao vẫn gặp nghiệp chướng. Mới đầu do bệnh tật và ái thân nên tôi suy sụp, sụt mất 8kg. Thầy trụ trì chùa Ba Vàng cùng các phật tử ở Hạ Long còn động viên cho tôi đi xạ trị ở Trung Quốc, nhưng tôi một mực từ chối. Tâm nguyện của tôi là được trở về chùa Diên Phúc niệm Phật để hướng về Tây Phương”-thầy Thích Đạo Cảnh tâm sự.

Trở về chùa Diên Phúc, sư thầy Thích Đạo Cảnh đã tự ngồi một mình trong phòng kín, suốt 10 ngày trời chỉ uống nước lọc, niệm Phật. Rồi thầy bình tâm trở lại, thấy cuộc đời vẫn chưa kết thúc.

Sư thầy Thích Đạo Cảnh tâm sự: Sách kinh kệ có một câu chuyện rằng: Có một chú tiểu nghiệp nặng, trước khi chết thầy trụ trì cho về thăm nhà, khi trở về chú tiểu đi qua một dòng nước, thấy đàn kiến không qua được, chú tiểu đã cởi chiếc áo cho đàn kiến bò lên rồi rủ xuống bãi cỏ xanh bên kia dòng nước. Đức Phật cảm kích tấm lòng và ban cho chú tiểu sự sống. Chính vì vậy, trước đức Phật, tôi phát tâm nguyện rằng, nếu sau này thoát khỏi án tử, thì sẽ hiến tặng nội tạng của mình cho khoa học, trước là để trả nghiệp, sau là cứu người”.

Như một cơ duyên, sau một năm chữa trị, tu tập, sư thầy thấy trong người đã khỏe khoắn. Để thực hiện lời hứa trước đức Phật, sư thầy khăn gói lên Hà Nội, tìm đến Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện Việt-Đức để xin hiến tạng. Khi biết sự tình bệnh tật của vị sư thầy, các bác sĩ đã khuyên thầy đi xét nghiệm lại. Tại Bệnh viện Quân y 103, sư thầy không tin nổi vào đôi tai mình, khi được các bác sĩ thông báo, căn bệnh ung thư ác tính trước đây đã chuyển thành u lành, không nguy hiểm tới tính mạng. “Từ giây phút đó, tôi chỉ nghĩ đến chuyện giúp đời để tán nghiệp chướng, mà việc đầu tiên là sẽ hiến tặng một phần nội tạng của mình”-thầy Thích Đạo Cảnh tâm sự.

Tháng 2-2014, sư thầy Thích Đạo Cảnh làm đơn cam đoan và xin hiến một quả thận tại Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện Việt-Đức. Khi biết tin có một người đàn ông xin được ghép thận của mình, sư thầy mừng lắm. Người đàn ông may mắn đó là ông Hà Cao Sơn, 60 tuổi, ở khu công nhân quặng A-pa-tít, Lào Cai. Ông Sơn bị suy thận nặng, mỗi tuần phải lọc máu 3 lần, gia đình nghèo khổ. Tháng 8-2014, sau nhiều lần đi thử máu, làm các xét nghiệm, ca ghép thận đã thành công. Ông Hà Cao Sơn nói điện thoại với chúng tôi trong niềm vui sướng: “Tôi bị suy thận và điều trị đã gần 10 năm trời, có phúc nên mới được gặp thầy Cảnh. Nhà tôi nhiều lần muốn cảm ơn, nhưng thầy đều từ chối. Thầy chỉ nói nên làm phước để tránh nghiệp chướng”.

Không chỉ hiến thận, thầy Cảnh còn có 5 lá đơn xin hiến tạng đã gửi lên Bệnh viện Việt-Đức. Sư thầy Thích Đạo Cảnh kể: “Năm 2014, khi chiếc máy bay quân sự rơi ở Hòa Lạc, thầy xin hiến da cho 2 phi công, nhưng tâm nguyện của tôi chưa được thực hiện thì các anh ấy đã qua đời. Năm 2015, tôi tình nguyện hiến một con mắt, song các bác sĩ Bệnh viện Việt-Đức cho biết, chỉ được hiến mắt khi người đã mất. Thế là tôi thảo đơn xin tình nguyện hiến toàn bộ nội tạng của mình cho nền y học khi mình qua đời, còn chút thân thể thì xin được hỏa táng và tro rải xuống sông Hồng. Tâm nguyện cả cuộc đời còn lại tôi chỉ có vậy, đó là trả nghiệp giúp đời”.

Cả nước hiện có 15 cơ sở y tế đủ điều kiện thực hiện các kỹ thuật ghép tạng. Khó khăn nhất hiện nay là sự khan hiếm nguồn tạng hiến. Thực tế nhu cầu người chờ ghép hiện đang ở mức rất cao. Cả nước có khoảng 6.000 người bị suy thận mạn tính cần được ghép. Tại một số bệnh viện lớn ở Hà Nội, hơn 1.500 người có chỉ định ghép gan, hàng trăm người chờ được ghép tim, phổi...

Bài và ảnh: PHẠM KIÊN