Không ngại việc khó

Năm 2013, khu vực xã Sơn Kim 1 và Sơn Kim 2, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) thuộc địa bàn Đồn Biên phòng CKQT Cầu Treo quản lý có một số đối tượng, trong đó có cả người dân địa phương sử dụng súng tự chế đi săn bắn thú rừng, động vật hoang dã, ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị địa bàn. Đảng ủy, chỉ huy Đồn Biên phòng CKQT Cầu Treo giao nhiệm vụ cho đồng chí Phan Văn Thông (lúc đó là Thiếu tá QNCN, Phó đội trưởng Đội VĐQC) cùng cán bộ, chiến sĩ trong Đội VĐQC phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn tuyên truyền, vận động nhân dân tự giác giao nộp vũ khí.

Đây là nhiệm vụ rất phức tạp và khó khăn, do người dân khu vực biên giới trình độ dân trí chưa cao, nên không tránh khỏi việc bà con có suy nghĩ mang nộp súng, vật liệu nổ thì sẽ bị bắt, phạt tù... Do vậy, anh Thông xác định việc tuyên truyền, vận động phải hết sức khéo léo. Sau khi xác định được một số đối tượng đang tàng trữ vũ khí tự chế, anh Thông trực tiếp đến tuyên truyền, vận động người dân tự giác giao nộp cho đồn biên phòng.

leftcenterrightdel
 Trung tá QNCN Phan Văn Thông hướng dẫn thành viên CLB Tình thương chăm sóc bò sinh sản.

Lần đầu đi vận động vào đầu tháng 6-2013, anh Thông đến thôn Thượng Kim, xã Sơn Kim 2. Hôm đó trời vừa mưa rào, đường núi khó đi, vượt qua con dốc dài đã thấm mệt, nhưng khi tới đầu thôn, anh Thông bất ngờ vì có một người đàn ông to cao, mặc quần áo dân tộc Mán, đứng trên mỏm đá, hướng khẩu súng kíp tự chế đã lên đạn thẳng về phía anh. Đó là anh Vi Văn Thắng, nhà ở đầu thôn. Anh Thắng nói với anh Thông: “Mày đến thu súng, bắt tao đi tù. Tao bắn chết mày”!

Đứng trước một người đang có thái độ hằn học, súng đã lên đạn, dù bản lĩnh đến mấy vẫn có những tác động về tâm lý và anh Thông cũng không là ngoại lệ. Anh cố gắng trấn tĩnh rồi nói lớn: “Nộp súng còn được tặng giấy khen, mang tiền về cho vợ con”. Câu nói đó của anh Thông không những vận động được anh Thắng giao nộp 2 khẩu súng kíp, mà còn động viên anh Đỗ Văn Việt, ở thôn Kim Cương 2, xã Sơn Kim 1; anh Nguyễn Văn Thức, ở thôn Kim Cương 1, xã Sơn Kim 1 cùng giao nộp súng.

Cũng từ buổi đầu đầy nguy hiểm ấy, chỉ sau 3 tháng, anh Thông và cán bộ, nhân viên Đội VĐQC đã giúp Đồn Biên phòng CKQT Cầu Treo thu gom được hơn 100 khẩu súng các loại, 47kg thuốc nổ, gần 100kg pháo nổ, mìn; hàng trăm viên đạn...

Trước đó, vào năm 2011, anh Thông đã trực tiếp vận động được 35 hộ dân xã Sơn Kim 1 và Sơn Kim 2 thực hiện tốt chủ trương giải phóng mặt bằng thuộc Dự án Khu công nghiệp Đại Kim.

Chuyện là vào cuối năm 2010, dự án chính thức khởi động. Trong 350 hộ dân thuộc diện phải di dời, có 35 hộ không đồng tình với chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng của địa phương. Lúc đó trên cương vị Phó đội trưởng Đội VĐQC, anh Thông đã tham mưu cho địa phương và trực tiếp đi tuyên truyền vận động bà con di chuyển ra nơi ở mới, bàn giao mặt bằng để các nhà máy trong khu công nghiệp được khởi công theo kế hoạch.

Suốt 2 tháng, không kể ngày hay đêm, anh đến từng hộ gia đình chưa chấp hành quy định giải phóng mặt bằng vận động, giải thích về chủ trương của cấp trên, về cái lợi khi địa phương có khu công nghiệp với nhiều nhà máy như: May mặc, lắp ráp xe máy điện, điện lạnh, điện công nghiệp… sẽ thu hút nhiều lao động địa phương, góp phần phát triển kinh tế vùng biên. Vì cái chung, mỗi gia đình hãy hy sinh một chút quyền lợi riêng tư. Anh Thông cũng tư vấn cho các gia đình mô hình phát triển kinh tế khi ra nơi ở mới phù hợp với phong tục, tập quán. “Mưa dầm thấm lâu”, cuối cùng bà con cũng nghe ra, tự nguyện bàn giao mặt bằng đúng tiến độ dự án. Thành công đó được cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận, đánh giá cao.

Khơi dậy cái thiện, tận tình làm việc nghĩa

Đầu tháng 8-2016, Trung tá QNCN Phan Văn Thông đại diện Ban Quản lý Câu lạc bộ (CLB) Tình thương đến thôn Khe 5, xã Sơn Kim 1 để nhận lại con bò mẹ từ gia đình anh Hoàng Văn Tuấn-một thành viên của CLB. Năm 2014 anh Tuấn tiếp nhận con bò mẹ từ gia đình anh Nguyễn Văn Xuân, ở thôn Kim Cương 1, xã Sơn Kim 1 để nuôi sinh sản. Đến nay, con bê đã tròn 6 tháng tuổi, anh Tuấn bàn giao lại con bò mẹ cho CLB; tiếp đó, CLB sẽ xét để luân chuyển con bò mẹ đó cho thành viên khác. Đây là hoạt động trong mô hình “Ngân hàng bò” của Đồn Biên phòng CKQT Cầu Treo thực hiện tại CLB. "Ngân hàng bò" được thành lập từ năm 2013 với 13 con bò cái, đến nay đã sinh sản được 17 con bê.

Ngoài công tác quản lý CLB Tình thương, anh Thông còn trực tiếp tư vấn cách chăn nuôi, phối giống, chăm sóc bê con cho các hộ gia đình trong CLB. Anh cũng thường xuyên phối hợp với cán bộ khuyến nông, khuyến lâm của xã Sơn Kim 1 và xã Sơn Kim 2 đến từng gia đình thành viên CLB hướng dẫn thực hiện các mô hình phát triển kinh tế. Đến nay, đã có 34 mô hình kinh tế đạt hiệu quả cao, trong đó 17 mô hình nuôi lợn siêu nạc cho thu nhập từ 400 đến 700 triệu đồng/năm/hộ gia đình, góp phần để 100% gia đình thành viên CLB Tình thương thoát nghèo, trở thành hộ khá, hộ giàu của địa phương.

Để CLB Tình thương có được thành quả như hôm nay, các thành viên CLB luôn nhắc tới công sức của Trung tá QNCN Phan Văn Thông. Ngược dòng thời gian, cuối năm 2009, trên địa bàn biên giới huyện Hương Sơn, khu vực Đồn Biên phòng CKQT Cầu Treo quản lý xuất hiện nhiều tệ nạn như: Nghiện hút, tiêm chích ma túy, buôn bán nhỏ lẻ chất ma túy; nhiều người bị nhiễm HIV. Tháng 5-2010, Đảng ủy, chỉ huy Đồn Biên phòng CKQT Cầu Treo giao nhiệm vụ cho đồng chí Phan Văn Thông tiếp cận các đối tượng có HIV, sau đó tham mưu cho Đảng ủy, chỉ huy đồn và chính quyền địa phương thành lập CLB Tình thương.

Người đầu tiên anh Thông gặp gỡ, trao đổi, vận động tham gia CLB là anh Phạm Quang Vinh, ở thôn Khe 5, xã Sơn Kim 1. Dù đã được trang bị kiến thức về HIV, về cơ chế lây nhiễm…, nhưng trước lúc gặp anh Vinh, người cán bộ biên phòng vẫn không khỏi hồi hộp. Tuy nhiên, anh quyết tâm thực hiện cho bằng được. Anh bắt tay anh Vinh rất chặt, nói chuyện chân tình, cởi mở, khiến anh Vinh cảm động trước tình cảm của người cán bộ biên phòng, đã gần gũi, không xa lánh kỳ thị những người mang bệnh và nhất trí tham gia sinh hoạt cộng đồng, cùng những người có HIV giúp nhau ổn định cuộc sống.

Cũng từ cách vận động, cảm hóa bằng tấm lòng chân thật, chỉ sau một tháng, anh Thông đã giúp đồn biên phòng và chính quyền xã Sơn Kim 1 thành lập CLB Tình thương với 15 thành viên có HIV. Một số người chưa từ bỏ được ma túy cũng được CLB dang tay đón nhận và giúp đỡ cai nghiện thành công; đến nay CLB đã có gần 50 thành viên. Cùng với tham mưu cho chỉ huy đồn, cấp ủy, chính quyền địa phương tạo công ăn việc làm có thu nhập cho thành viên CLB, anh Thông còn tham mưu cho chỉ huy đồn biên phòng kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ, giúp đỡ kinh phí xây dựng trụ sở CLB, giúp các thành viên thực hiện các mô hình phát triển kinh tế, tham gia các hoạt động xã hội, góp phần giảm bớt gánh nặng cho địa phương, tạo động lực để các thành viên CLB lạc quan, đoàn kết, gắn bó yêu thương, động viên nhau vượt qua khó khăn.

Cùng với phụ trách quản lý hoạt động của CLB Tình thương, năm 2014 Trung tá QNCN Phan Văn Thông được Đảng ủy Đồn Biên phòng và Đảng ủy xã Sơn Kim 1 phân công tham gia sinh hoạt Đảng tại thôn Kim Cương 2. Anh đã tham mưu giúp cấp ủy, chi bộ thôn tranh thủ những người có uy tín trong dòng họ để thực hiện công tác vận động người dân xây dựng nông thôn mới. Anh cùng chi bộ tuyên truyền, vận động và đề nghị tổ chức đảng cấp trên kết nạp 17 quần chúng ưu tú vào Đảng (trong đó có 8 đảng viên là giáo dân, 9 đảng viên là người dân tộc thiểu số)… Với những đóng góp tích cực, hiệu quả của người Đội trưởng Đội VĐQC, thôn Kim Cương 2 từ yếu kém trở thành “điểm sáng” ở vùng giáo dân. Cùng với đó, từ năm 2013 đến nay, Trung tá QNCN Phan Văn Thông đã tham mưu cho Đảng ủy, chỉ huy đồn biên phòng phối hợp với Mặt trận Tổ quốc xã Sơn Kim 1 và xã Sơn Kim 2, huy động nguồn kinh phí xã hội hóa gần 3 tỷ đồng xây dựng 45 nhà tình nghĩa tặng các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn.

Với những thành tích đã đạt được, 6 năm liên tục (2010-2015) Trung tá QNCN Phan Văn Thông được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua, cùng hơn 20 bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành trong và ngoài quân đội; được cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương ghi nhận, đánh giá cao. Đồng chí Trần Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Sơn Kim 1 khẳng định: Sự nhiệt tình, trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, dám vượt qua khó khăn vì bà con vùng biên của người cán bộ biên phòng Phan Văn Thông đã góp phần rất lớn để địa phương giữ vững ổn định về chính trị, nhân dân yên tâm phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng, xây dựng xã Sơn Kim 1 trở thành xã biên giới đầu tiên trong cả nước “về đích” nông thôn mới.

Bài và ảnh: MINH ĐĂNG