Trồng rau công nghệ cao

Anh Mai Văn Khẩn thuộc thế hệ "7X", quê ở tỉnh Thanh Hóa, vào Đà Lạt lập nghiệp từ thập niên 90 của thế kỷ trước bằng nghề khai thác khoáng sản. Sau gần một năm hành nghề, anh rẽ sang hướng mới, trồng rau tại làng Thái Phiên dưới chân núi Hòn Bồ (nay là làng hoa Thái Phiên), thuộc phường 12, TP Đà Lạt. Lúc đó, đa số các hộ dân ở đây đều sống bằng nghề trồng hoa, nhưng riêng anh lại ấp ủ nghề trồng rau. Anh khởi nghiệp bằng 2.000m2 đất trồng rau thương phẩm súp lơ, cải và a-ti-sô... Sau khi nghiên cứu thị trường rau ở Đà Lạt, anh thấy xuất hiện một số loại rau mới lạ như: Súp lơ xanh, bí ngồi, xà lách tím… Anh Khẩn tâm sự: “Lúc ấy, những loại rau này hoàn toàn xa lạ với người dân nơi đây nên chỉ tiêu thụ ở một số khách sạn sang trọng ở TP Hồ Chí Minh”. Anh nghĩ đây chính là cơ hội để mình hiện thực hóa ước mơ sản xuất ra những sản phẩm rau, củ, quả mới lạ cho thị trường, hy vọng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nghĩ là làm, anh quyết định thuê 1ha đất để trồng các loại rau và chuyển từ sản xuất rau truyền thống sang rau an toàn. Từ năm 1994 đến 2000 là thời gian anh tìm hiểu kỹ thuật, công nghệ trồng rau và tìm tòi khảo nghiệm hàng trăm giống rau, củ, quả các loại. Nhiều đêm anh mất ngủ vì không biết nên chọn giống nào cho phù hợp với thời tiết, thổ nhưỡng ở chân núi Hòn Bồ. Qua một thời gian dài sàng lọc, anh quyết định chọn giống xà lách tím, súp lơ xanh, bí ngồi... đáp ứng được nhu cầu của khách hàng và cũng hợp với chất đất ở đây. Chính anh là người chọn ra giống xà lách tím của Mỹ để nhân rộng ở Đà Lạt. Lúc đó, nhiều hộ trồng rau ở Đà Lạt đến tìm hiểu đều được anh ân cần hướng dẫn tận tình. Do thuê đất không ổn định, khó tập trung đầu tư sản xuất lâu dài, anh quyết định vay thêm vốn mua 4,2ha đất ở chân núi Hòn Bồ, đầu tư hạ tầng, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất rau. Khi đó có 8 hộ dân sinh sống, đường sá đi lại khó khăn, anh đầu tư hơn 1,4 tỷ đồng để xây dựng đường bê tông cho bà con đi lại và vận chuyển hàng hóa, sản phẩm. Thăm trang trại trồng rau ứng dụng công nghệ cao của anh Khẩn, chúng tôi rất ấn tượng bởi cả một vùng rộng lớn trên sườn đồi và dưới thung lũng đều là những khu vườn bậc thang gồm các dãy nhà kính san sát, trải rộng với đủ loại rau như: Ớt ngọt, cà chua, súp lơ xanh, su hào tím, xà lách các loại… Anh Phạm Anh Tuấn, một cộng sự của anh Khẩn, vừa hướng dẫn nhân viên chăm sóc cà chua vừa nói với chúng tôi: "Anh Mai Văn Khẩn không chỉ giỏi về nghề mà còn có trái tim nhân hậu, hay giúp đỡ mọi người. Không những biết làm giàu cho gia đình mình mà anh còn giúp nhiều xã viên mỗi năm có thu nhập tiền tỷ. Nhiều xã viên, hộ liên kết mua được đất, có nhà lầu, xe hơi. Hằng năm, anh thường nhận những sinh viên chuyên ngành nông nghiệp ở các trường đại học trong cả nước về đây thực tập, giúp đỡ, hướng dẫn, chỉ bảo các em về nghề, những kiến thức, kinh nghiệm thực tế và giới thiệu những công nghệ tiên tiến ứng dụng sản xuất rau công nghệ cao".

leftcenterrightdel
Anh Mai Văn Khẩn (bên phải) trao đổi kinh nghiệm trồng rau công nghệ cao. 

Liên kết tạo ra chuỗi sản phẩm

Hơn 20 năm làm nghề trồng rau, có nhiều kinh nghiệm thương trường, anh trăn trở với những khó khăn của bà con như trồng rau nhỏ lẻ, làm ăn manh mún và khi bán đều bị thương lái ép giá. Để giúp bà con nghèo có thêm thu nhập và sống được bằng nghề, anh quyết định mở rộng mô hình liên kết sản xuất. Năm 2010 đánh dấu sự phát triển bằng việc anh liên kết với 13 hộ dân hình thành chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với tên gọi "Tổ hợp tác rau-củ-quả phường 12". Tổ hợp tác đi vào hoạt động được 2 năm, mang lại hiệu quả cao, các sản phẩm rau, củ, quả làm ra đều được tiêu thụ hết. Số hộ tham gia ngày một nhiều. Anh thành lập Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Tân Tiến, gồm 15 thành viên, do anh làm Chủ nhiệm. Đầu năm 2016, HTX tiến hành đại hội gồm 20 thành viên. Anh được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX. Hiện nay, diện tích sản xuất rau của các thành viên trong HTX đã mở rộng lên đến 26ha. Ngoài 20 xã viên có đất sản xuất được HTX đầu tư vốn sản xuất và bao tiêu đầu ra, HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Tân Tiến còn liên kết với 46 hộ nông dân để hình thành chuỗi sản xuất rau an toàn. Đây là những hộ nghèo, có đất nhưng thiếu vốn sản xuất, được anh Khẩn cho ứng trước toàn bộ chi phí đầu vào, chỉ tập trung bỏ công chăm sóc, khi bán sản phẩm mới thanh toán cho HTX. Theo xã viên Mai Văn Khang: “Tham gia HTX, chúng tôi được tư vấn, hỗ trợ về quy trình kỹ thuật chăm sóc nên năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng lên, HTX cũng bao tiêu toàn bộ sản phẩm, không còn lo lắng về đầu ra. Các hộ xã viên hiện nay thu nhập ít nhất cũng từ 500 triệu đến hơn 1 tỷ đồng/năm, cá biệt một số hộ xã viên có thu nhập từ 1 đến 2,5 tỷ đồng/năm".

Hiện nay, anh Khẩn thường xuyên cùng với những cán bộ kỹ thuật tập huấn, hướng dẫn các thành viên, hộ liên kết về kỹ thuật chăm sóc, bón phân, chọn giống rau. Đặc biệt, HTX đã xây dựng quy trình quản lý sản xuất theo tiêu chuẩn rau an toàn VietGAP, GlobalGAP và được các cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận. Để thực hiện chiến lược xuất khẩu rau, anh Khẩn đang tiến hành đàm phán với các nhà đầu tư Nhật Bản để sản xuất rau theo tiêu chuẩn JAS của Bộ Nông nghiệp Nhật Bản. Các đối tác Nhật Bản cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Đây là hướng đi mới, đòi hỏi nguồn vốn lớn và rất cần sự vào cuộc của nhà đầu tư, Nhà nước, nhà khoa học và nhà nông. Những phần việc quan trọng như xây dựng kế hoạch sản xuất, chọn giống, thương thảo và ký kết hợp đồng tìm đầu ra cho sản phẩm đều do anh Khẩn đảm nhiệm. Đầu tháng 12-2016, anh vừa ký kết hợp đồng liên kết sản xuất cung cấp rau an toàn với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hà Nội. Với hơn 120ha đất chuyên canh sản xuất rau sạch, HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Tân Tiến đã trở thành một trong những HTX lớn nhất của tỉnh Lâm Đồng. Nhờ xây dựng chuỗi liên kết và ứng dụng đồng bộ các giải pháp về giống, công nghệ cao, quy trình sản xuất tiên tiến nên sản lượng rau của HTX ngày càng tăng. Tại văn phòng và cũng là nơi tập kết, đóng gói sản phẩm sau thu hoạch, trung bình HTX đóng gói từ 6-7 tấn rau/ngày, lúc cao điểm lên đến 15 tấn rau/ngày. Anh Khẩn chia sẻ: Các sản phẩm rau của xã viên và hộ liên kết sản xuất ra đều được tiêu thụ hết. Năm 2016, sản lượng rau, củ, quả các loại mà HTX của anh cung cấp cho thị trường ước đạt 1.500 tấn với doanh thu hơn 20 tỷ đồng. Các sản phẩm của HTX đều được đóng gói, ghi rõ nguồn gốc và xuất xứ để người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc dễ dàng. Mọi sản phẩm đều được sản xuất theo một quy trình khép kín từ khâu ươm cây con đến khâu đóng gói, xử lý sau thu hoạch và được thực hiện trong điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện nay, các sản phẩm của HTX được phân phối cho những thương hiệu lớn như: Metro, KFC, các chợ đầu mối và nhiều khách sạn, nhà hàng cao cấp trong cả nước.

Từ một người đi làm thuê, bằng sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, anh Mai Văn Khẩn đã trở thành một trong những người đi tiên phong xây dựng mô hình HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất mang lại hiệu quả, giúp các xã viên và các hộ liên kết sản xuất có thu nhập ổn định. Đây chính là nhân tố tạo sự lan tỏa trong sản xuất rau an toàn, tạo ra nguồn lực không nhỏ trong thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững ở tỉnh Lâm Đồng.

Bài và ảnh: TRẦN HUY BÌNH - HUY VÕ