Người có “duyên” với cây chuối

Sau thời “buôn thúng, bán bưng” cóp nhặt được số vốn ít ỏi cộng với niềm đam mê trồng trọt, Phạm Năng Thành chuyển sang trồng cam, bưởi, buôn bán các loại cây giống. Thế nhưng, cây cam, cây bưởi vợ chồng anh đổ bao công sức trồng, chăm bón chỉ thu hoạch 1-2 năm thì bị bệnh chết hàng loạt. Thất bại, trắng tay, sau 4 năm gắn bó với cây cam, cây bưởi, anh quyết định chuyển sang nghề trồng chuối. Những khó khăn ngày đầu không làm anh nản lòng. Phạm Năng Thành nghĩ nếu chỉ trồng chuối theo kiểu truyền thống thì kết quả sẽ không cao, lại bấp bênh. Anh tìm đến Viện nghiên cứu Rau quả thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) mua giống chuối được sản xuất từ công nghệ nuôi cấy mô về trồng. Kết quả, giống chuối nuôi cấy mô cho quả đạt năng suất,  bảo đảm chất lượng. Phạm Năng Thành dường như có “duyên” với cây chuối từ đây, anh bảo vậy.

Chuối của Phạm Năng Thành đã trồng cho quả không chỉ đẹp về hình thức mà còn thơm, ngon. Mười năm trước, anh chỉ có vỏn vẹn một cái chòi nhỏ, nay đã có xưởng thu mua và xuất khẩu chuối. Lợi nhuận từ việc trồng chuối, anh tích cóp thuê và mua đất. Đến nay, anh đã có trong tay 30ha đất trồng chuối, mỗi năm thu hoạch 1.500-2.000 tấn quả. Nắm bắt được nhu cầu chuối của thị trường trong nước lẫn nước ngoài đồng thời giúp đỡ người dân trồng chuối, Phạm Năng Thành tổ chức thu mua chuối từ các địa phương để tiêu thụ trong nước, đồng thời xuất khẩu ra các nước qua doanh nghiệp trung gian. Hiện nay, anh có 4 đại lý chuyên thu mua chuối đặt ở các tỉnh.

Phạm Năng Thành (người bên phải) giới thiệu với khách tham quan cách trồng, chăm sóc chuối. Ảnh: NGUYỄN KIỂM

 

Để có quả chuối xuất khẩu đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế, Phạm Năng Thành phải mất mười năm học hỏi kinh nghiệm từ chính việc tìm kiếm thông tin trên mạng và qua việc thử nghiệm và chăm bón thực tế. Anh cho biết, lúc đầu thấy anh tưới nước cho chuối, nhiều người bảo anh hâm, làm gì phải tốn công nhọc sức bởi xưa nay trồng chuối bón phân thì có chứ mấy ai tính đến việc tưới nước cho chuối bao giờ. Kết quả, những cây chuối của Phạm Năng Thành nhờ được chăm bón, tưới đủ nước nên cho năng suất cao. Từ đó, một số người quanh vùng đã đến học tập anh cách trồng chuối. Để việc tưới tiêu, chăm sóc chuối đạt hiệu quả tốt nhất, giảm chi phí công lao động, anh cũng đã đầu tư hệ thống tưới nước vòi xoay tự động do chính anh thiết kế. Cách làm này không chỉ giúp Phạm Năng Thành tiết kiệm được chi phí đầu tư ban đầu mà còn giúp cho cây chuối phát triển tốt, tiết kiệm được nhân công lao động. Đến nay, trong tổng số 30ha trồng chuối, anh đã đầu tư hệ thống tưới nước vòi xoay được 10ha.

Rót chén trà mời chúng tôi, Phạm Năng Thành tâm sự: "Muốn cây chuối ra quả bảo đảm chất lượng, yêu cầu xuất khẩu thì giống cây chiếm tới 50%, kinh nghiệm chăm sóc theo đúng quy trình và thu hoạch chuối đúng thời điểm chiếm 30-40%, phần còn lại phụ thuộc vào thời tiết". Bởi vậy mà chuối do Phạm Năng Thành trồng không chỉ đạt yêu cầu về xuất khẩu mà còn luôn được giá, nhất là khi thu hoạch vào những thời điểm thị trường khan hàng chuối nhất, như vào mùa Đông hoặc Tết Nguyên đán. Để bảo đảm về giá cả, anh cũng phải nghiên cứu rất kỹ về thị trường, trồng, thu hoạch vào thời gian từ tháng 12 cho đến tháng 3 hằng năm, khi nhu cầu thị trường tăng cao. Việc lựa chọn thời điểm thu hoạch chuối vào những thời điểm này không chỉ tránh cung nhiều hơn cầu ở thị trường trong nước mà còn giúp cây chuối “tránh” được bão gió, thiên tai. Chia sẻ về kinh nghiệm trồng chuối, anh cho biết thêm, việc xen canh giữa cây mới và cây cũ cũng sẽ giúp tiết kiệm đất, thời gian cho lứa cây mới, bảo đảm chất lượng sản phẩm của cây trồng. Như vậy, mỗi năm anh sẽ đưa giống mới hoàn toàn vào trồng khoảng 30-50% diện tích. Diện tích còn lại anh sử dụng những cây chuối con từ vụ trước (chỉ dùng chuối giống đến F1, từ giống chuối nuôi cấy mô chỉ sử dụng thêm cây con cho 1 vụ trồng). Với cây chuối, anh tính toán tận thu giá trị, ngoài quả thì hoa chuối, lá chuối, thân cây chuối sau khi hết mùa vụ đem bán cũng mang lại một khoản lợi nhuận đáng kể. Hoa chuối bán được 5.000 đồng/hoa, lá chuối 5.000 đồng/kg (lá dùng để gói bánh), riêng thân cây chuối có thể dùng làm thức ăn để chăn nuôi bò.

“Cứ làm tốt không phải lo đầu ra”

Thời gian qua, mặc dù thị trường có nhiều biến động, đặc biệt dư luận không khỏi hoang mang trước thông tin về vụ việc chuối được ngâm qua hoá chất độc hại. Thế nhưng, sản lượng xuất khẩu chuối của Phạm Năng Thành vẫn được bảođảm kể cả tiêu thụ nội địa. Phạm Năng Thành luôn tự nhủ: “Muốn thành công cần phải có tâm, vừa không làm hại đến sức khoẻ con người, vừa bảo đảm uy tín của mình, lại có khả năng phát triển thị trường chuối cho chính doanh nghiệp trong tương lai. Cứ làm tốt không phải lo đầu ra”. Cũng vì có tâm, có nhiệt huyết mà anh Thành không ngừng cải tiến chất lượng giống, áp dụng khoa học kỹ thuật để theo kịp thế giới, đáp ứng nhu cầu khó khăn của thị trường. Sản phẩm chuối của Phạm Năng Thành không chỉ có mặt tại hệ thống siêu thị BigC trên khắp cả nước mà đã vươn tới các nước như Ma-lay-xi-a, Xin-ga-po, A-rập Xê-út, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Nga... 

Mỗi năm, lượng chuối anh Thành đem ra thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước khoảng 7.000 đến 8.000 tấn. Ngoài nguồn chuối tự sản xuất, phần lớn anh thu mua của bà con nông dân ở các địa phương khu vực miền Bắc và miền Trung. Để khuyến khích người dân trồng và chăm sóc chuối bảo đảm yêu cầu, phục vụ xuất khẩu, ngoài việc hướng dẫn tạo điều kiện về giống, vốn, anh còn thu mua thường cao hơn ngoài thị trường. Thời điểm hiện tại giá chuối trên thị trường 2.000 đồng/kg, anh thu mua với giá từ 3.500- 3.700 đồng/kg. Bên cạnh đó anh đã tạo việc làm cho khoảng 20-30 lao động địa phương chăm sóc cây chuối hàng ngày. Mùa thu hoạch số lượng lao động sẽ tăng lên 70 người mỗi ngày.

Anh Thành cho biết: "Chính những đòi khỏi khắt khe từ các bạn hàng khó tính đã trở thành động lực để tôi trồng chuối đạt chất lượng cao hơn. Dẫu giá cả thị trường lên xuống, nhiều lần thu mua không đem lại lợi nhuận, nhưng tôi vẫn thu mua chuối của người dân để bảo đảm họ có thu nhập, công việc ổn định, tạo uy tín với khách hàng, đồng thời giúp người dân có đầu ra cho sản phẩm".

Ước mơ xây dựng thương hiệu chuối của mình

Hiện việc xuất khẩu chuối của Phạm Năng Thành vẫn qua một doanh nghiệp trung gian nên chuối của anh chưa được xuất khẩu với đúng tên và logo thương hiệu của mình. Đây là điều khiến anh rất trăn trở, băn khoăn. Anh đang thực hiện việc xây dựng thương hiệu với sản phẩm chuối tiêu hồng VietGAP 3T của trang trại Thuận-Tâm-Thành (VietGAP-Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn Việt Nam, chữ 3T là Thuận-Tâm-Thành). Trong tương lai, sản phẩm chuối xuất khẩu sẽ có tên, thương hiệu do anh xây dựng để đi ra thế giới; điều đó vừa khẳng định nguồn gốc của sản phẩm, vừa giúp bà con nhân dân học tập theo các quy trình trồng chuối để thu về năng suất và lợi nhuận cao hơn. Để góp phần hiện thực hóa điều này, Phạm Năng Thành sẽ tiếp tục đầu tư để tăng quy mô sản xuất với đầy đủ máy móc, dây chuyền sơ chế, đóng gói chuối bảo đảm đúng tiêu chuẩn của các nước xuất khẩu. Việc đầu tư này góp phần tăng năng suất lao động, bảođảm thuận tiện trong khâu vận chuyển, xuất khẩu, cũng như đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Khi đó, khách hàng trên thị trường quốc tế sẽ biết đến sản phẩm chuối của Việt Nam, của Phạm Năng Thành- " Vua chuối" khẳng định.

Không chỉ làm giàu cho mình, Phạm Năng Thành còn góp phần làm giàu trên chính quê hương mình, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động trong xã. Với thành tích trên anh đã đạt được rất nhiều chứng nhận, bằng khen tiêu biểu như: Đại biểu duy nhất của Hưng Yên nhận danh hiệu nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2014 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao tặng, Bằng khen hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, mô hình kinh tế trang trại, thương hiệu phát triển bền vững, được tặng Bảng vàng chữ “Tín” cho doanh nhân vì sự nghiệp phát triển kinh tế… cùng rất nhiều bằng khen, giấy chứng nhận về sự đóng góp và thành tích nổi bật của mình. 

 

PHẠM HƯNG