QĐND - Những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân, Thầy thuốc nhân dân Phạm Văn Trọng đã dũng cảm, sáng tạo, cứu sống được nhiều thương binh trong các trận đánh ở chiến trường miền Đông Nam Bộ, góp phần giữ vững ý chí chiến đấu của bộ đội. Rời quân ngũ, ông tích cực tham gia công tác xã hội, tổ chức nhiều chương trình tình nguyện khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho đồng đội và người dân nghèo vùng căn cứ cách mạng.

Dũng cảm sáng tạo cứu thương binh

Sau vài lần hẹn, chúng tôi may mắn gặp được Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân, Thầy thuốc nhân dân Phạm Văn Trọng, khi ông vừa hoàn thành đợt khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, tặng quà cho nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin ở huyện Củ Chi (TP Hồ Chí Minh). Ông tâm sự: “Trở lại vùng đất Củ Chi, những ký ức một thời làm chiến sĩ quân y băng mình dưới làn bom đạn cứu chữa thương binh lại sống dậy trong tôi. Chiến tranh ác liệt, việc cứu chữa thương binh có muôn vàn tình huống, nếu chiến sĩ quân y không dũng cảm, sáng tạo, cấp cứu kịp thời, thương binh có thể tử vong, ảnh hưởng đến tâm lý tư tưởng bộ đội”.

Quê ở xã An Tây, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương, tháng 4-1962, mới 16 tuổi, ông đã tình nguyện nhập ngũ vào LLVT tỉnh Bình Dương. Học xong lớp đào tạo y tá ngắn hạn, Phạm Văn Trọng được điều về làm y tá Tiểu đoàn Bộ binh LLVT tỉnh Bình Dương. Ông Trọng nhớ lại: “Cuối tháng 4-1964, trong trận đánh của đơn vị vào căn cứ Lai Khê ở huyện Bến Cát, chiến sĩ Trai bị mảnh lựu đạn văng trúng kheo chân, đứt động mạch chủ, mất máu nhiều, nguy cơ tử vong cao. Tôi cõng được anh Trai ra khỏi trận địa, tiến hành băng bó vết thương theo cách thông thường nhưng không cầm được máu. Suy nghĩ trong giây lát, tôi dùng tay ấn vào trong vết thương xác định vị trí động mạch chủ bị đứt rồi dùng kìm kẹp kẹp kín lại. Thấy có hiệu quả, tôi giữ nguyên những chiếc kìm kẹp trong vết thương rồi băng bó”. Sáng kiến băng bó thương binh bị đứt động mạch chủ của y tá Phạm Văn Trọng ngay sau đó đã được quân y LLVT tỉnh Bình Dương đưa vào chương trình đào tạo y tá và phổ biến kinh nghiệm trong LLVT tỉnh. Từ sáng kiến này, y tá Phạm Văn Trọng và các chiến sĩ quân y LLVT tỉnh đã cứu sống được nhiều thương binh bị đứt động mạch chủ. Trong các trận đánh, mỗi khi gặp những ca bị thương, chảy nhiều máu, anh em lại gọi Phạm Văn Trọng.  “Mỗi lần nghe đồng đội gọi tên mình, tim tôi lại nhói lên. Đồng đội hy sinh xương máu thì mình cũng phải dũng cảm xung phong vào trận địa để cứu thương binh”, ông nói.

Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Phạm Văn Trọng (bên trái, ngoài cùng) cùng đồng nghiệp chào mừng ngày Thầy thuốc Việt Nam.

Chiến đấu ở chiến trường gần 5 năm, ông được cấp trên chọn đi học lớp trung cấp quân y ngắn hạn tại Quân khu Sài Gòn-Gia Định. Tháng 6-1968, tốt nghiệp lớp trung cấp quân y, ông được bổ nhiệm làm Đại đội trưởng Đại đội Quân y (Trung đoàn 268, Quân khu Sài Gòn-Gia Định). Thời điểm này, để kìm chân địch tại ven đô, hạn chế sự đánh phá của chúng ra các tỉnh miền Đông Nam Bộ và căn cứ kháng chiến Trung ương Cục miền Nam, Trung đoàn 268 được giao nhiệm vụ bám trụ chiến đấu tại địa bàn huyện Củ Chi. Trung đoàn phối hợp với lực lượng du kích và nhân dân địa phương nổi dậy tổ chức các trận đánh gây nhiều thiệt hại cho địch. Thắng lợi từ các trận đánh đi liền với tỷ lệ cán bộ, chiến sĩ bị thương tăng cao. Việc cứu chữa thương binh đặt ra cấp bách. Trong điều kiện thiếu thốn về trang bị, thuốc men, có thời điểm ông phải đứng phẫu thuật suốt nhiều ngày đêm, đôi chân bị phù tấy, nhưng khi nhìn thấy đồng đội đau đớn vì vết thương, ông lại tâm niệm mình phải luôn cố gắng hoàn thành thật tốt nhiệm vụ. Mỗi khi tiếp nhận thương binh, ông phải xác định nhanh mức độ thương tật để có biện pháp cứu chữa phù hợp. Bị địch kìm kẹp vây hãm dài ngày, lương thực, thuốc men cũng cạn, để chăm sóc thương binh, ông đã cùng các chiến sĩ quân y đêm đêm đi kiếm rau rừng, vượt qua vòng kiểm soát của địch ra ngoài nhận gạo, thuốc tiếp tế của cấp trên và nhận hỗ trợ, giúp đỡ của nhân dân.

Bên cạnh việc chăm sóc, cứu chữa thương binh tận tình, ông còn luôn chắc tay súng bảo vệ thương binh. Mỗi trận đánh, đội phẫu luôn được ông tổ chức cơ động bám sát hoạt động tác chiến của bộ đội, kịp thời phẫu thuật trong mọi tình huống. 2 giờ sáng 29-4-1969, địch càn quét đánh phá địa bàn xã Phước Hiệp (huyện Củ Chi), anh Hoàng, cán bộ đại đội thuộc Trung đoàn 268, bị viên đạn AR15 bắn trúng bụng, thủng ruột, nếu không được phẫu thuật kịp thời có thể tử vong. Đúng lúc đó, địch lại đang càn quét. Ông và đồng chí y tá liền cõng thương binh đến một nhà dân, mượn chiếc giường xập xệ để làm giường bệnh phẫu thuật. Van banh mổ thiếu, ông táo bạo dùng kìm lớn banh bụng để phẫu thuật. Ca phẫu thuật đang tiến hành thì trên bầu trời máy bay địch kéo đến quần thảo ném bom, còn dưới mặt đất, tiếng xe tăng gầm rú mỗi lúc một lớn. Một mảnh đạn văng trúng giường phẫu thuật. Chiếc giường rung lên. Ông bình tĩnh nói với mọi người trong đội phẫu: “Hãy quay lưng về hướng địch, lấy thân mình làm lá chắn đạn để tiếp tục phẫu thuật”. Khâu xong mũi cuối cùng, ca phẫu thuật vừa hoàn thành, cũng là lúc địch càn tới, ông và một y tá vội cáng thương binh chạy vòng tránh đến vị trí an toàn, bám kịp đội hình đơn vị cơ động đến trảng cỏ ở xã Đôn Thuận (huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh). Lúc này, ông thấy bên sườn phải nhói đau, vạt áo dính ướt, máu ra nhiều, biết mình bị thương, ông nói đồng đội cõng thương binh rồi tự mình băng bó vết thương. Ngay sau đó, anh Thạch Nên, Đại đội trưởng Đại đội 2 (Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 268) bị một viên đạn bắn trúng làm gãy xương đùi. Vết thương nặng đau đớn, anh Thạch Nên liên tiếp kêu: “Trọng ơi… Trọng ơi!”. Thương đồng đội, lúc này nẹp để cố định xương gãy đã hết, không còn cách nào khác, ông đành lấy một mảnh xương của đồng đội đã bị lìa, làm nẹp cố định xương rồi băng vết thương cho anh Thạch Nên.

Trong những năm tháng chiến tranh, ông đã thực hiện hàng nghìn ca phẫu thuật trong tình huống cấp bách, hiểm nguy, khó khăn, gian khổ để cứu sống, chăm sóc thương binh. Với những thành tích xuất sắc, ngày 6-11-1978, ông được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, niềm vui hòa bình không bao lâu, từ năm 1979-1987, ông lại có mặt ở các chiến trường trên đất bạn Cam-pu-chia thực hiện nhiệm vụ quốc tế. Không chỉ cứu chữa thương binh, ông còn tích cực giúp bạn xây dựng y tế cơ sở, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Từ năm 1988-1990, ông được đào tạo chuyên khoa cấp I, cấp II tại Học viện Quân y. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, có nhiều sáng tạo trong nghiên cứu y học, từ năm 1991-2008, ông lần lượt được bổ nhiệm Phó giám đốc, Giám đốc Bệnh viện 7A (Quân khu 7), Chủ nhiệm Quân y Quân khu 7, Phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Rời quân ngũ từ năm 2009 đến nay, ông là Trưởng đoàn Thầy thuốc tình nguyện Cơ quan phía Nam của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

Nghĩa tình sâu nặng

Đến Cơ quan đại diện phía Nam của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện cảm động về CCB, bác sĩ Phạm Văn Trọng. Mới đây, ông đã tổ chức thực hiện đợt khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho nhân dân tỉnh Công-pông-chàm (Cam-pu-chia). Mọi người xúc động chứng kiến một ông già Cam-pu-chia ôm chầm lấy CCB Phạm Văn Trọng như anh em ruột thịt lâu ngày gặp lại. Đó là ông Trâng-lưu, được ông phẫu thuật trong thời gian làm nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn Cam-pu-chia. Trung tuần tháng 7-1982, thực hiện nhiệm vụ tại tỉnh Công-pông-chàm, ông Trọng nhận được tin bệnh nhân Trâng-lưu ở huyện Mi-mốt bị sỏi thận nặng, đau vùng thắt lưng dữ dội. Ngay đêm ấy, ông và tổ quân y vượt rừng kịp thời khám nghiệm, phẫu thuật an toàn. Đến khám bệnh cho nhân dân tỉnh Công-pông-chàm lần này, ông Trâng-lưu bị đau xương khớp, chóng mặt, CCB Phạm Văn Trọng khám bệnh cấp thuốc, dặn dò tỉ mỉ, làm ông Trâng-lưu rất cảm động! Không chỉ những câu chuyện tình nghĩa với nhân dân Cam-pu-chia, CCB Phạm Văn Trọng còn để lại nhiều dấu ấn, tình cảm sâu nặng với người dân nghèo vùng sâu, vùng căn cứ cách mạng, nạn nhân chất độc da cam ở các tỉnh, thành phố phía Nam, nhân dân vùng lũ lụt mà chúng tôi không thể kể hết được. Bởi vậy, ngôi nhà nhỏ của thầy thuốc Phạm Văn Trọng ở đường Lê Hồng Phong, phường 12, quận 10, TP Hồ Chí Minh thường xuyên vắng chủ vì những chuyến đi khám bệnh từ thiện dày đặc. Ông tâm sự: “Mỗi đợt khám bệnh cho người dân vùng sâu, vùng căn cứ cách mạng, tôi không chỉ có niềm vui thực hiện nghề thầy thuốc mà còn được chứng kiến sự đổi thay cuộc sống của đồng đội và bà con”. Trong kháng chiến, nhiều đồng đội đã hy sinh xương máu, mang thương tật suốt đời. Nay, với trình độ y thuật vững, dụng cụ y tế ngày càng hiện đại, ông càng có điều kiện tốt để khám bệnh cho đồng đội, người dân nghèo, gia đình chính sách, góp phần xoa dịu nỗi đau của các thương binh, gia đình liệt sĩ, tỏa sáng phẩm chất người thầy thuốc. Suốt đời tận tâm cống hiến không mệt mỏi vì thương binh, bệnh binh và người bệnh, năm 2010, bác sĩ Phạm Văn Trọng vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Thầy thuốc Nhân dân”.

Bài và ảnh: NGUYỄN DUY HIỂN