QĐND - “… Thầy Quang không chỉ là giáo viên dạy giỏi, có phương pháp sư phạm tốt, chỉn chu, nghiêm túc trong công việc mà còn là người được đồng nghiệp, phụ huynh, học sinh tin yêu, quý mến. Tuy là người khuyết tật nhưng thầy rất đa tài, luôn lạc quan, yêu đời, không tự ti, mặc cảm, say mê “truyền lửa” cho học sinh…”-cô giáo Lê Thị Nguyệt, Hiệu trưởng Trường THPT Triệu Quang Phục, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên nói với chúng tôi như thế.

Tuổi thơ bất hạnh

Hằng ngày, trời nắng cũng như mưa, trên đường lên đơn vị, tôi đều gặp một người ngoài 30 tuổi ngồi trên xe gắn máy 3 bánh qua tuyến đường Hà Nội-Hưng Yên. Anh có kiểu đi xe rất đặc biệt, chân phải duỗi thẳng... khiến tôi tò mò về con người này. Một hôm, tôi quyết định "chặn đường", buộc anh phải dừng lại. Khi nghe tôi giới thiệu, vẫn ngồi trên xe, anh vui vẻ nói: “Em là Phí Văn Quang, sinh năm 1981, nhà ở thôn Hạ, xã Cửu Cao, huyện Văn Giang. Nếu anh có ý định viết bài thì mời anh về Trường THPT Triệu Quang Phục. Khi nào có ý kiến đồng ý của Ban giám hiệu nhà trường thì em mới... tiếp chuyện". 

Ấn tượng với phong cách làm việc rất "nguyên tắc" này, mấy bữa sau, tôi đến Trường THPT Triệu Quang Phục để tìm hiểu về thầy Quang. Thầy giáo Trần Ngọc Văn, Phó hiệu trưởng nhà trường dẫn tôi lên gặp thầy Quang khi anh đang hướng dẫn các em học sinh những kiến thức cơ bản về Toán lớp 11.

Hết giờ lên lớp, trên chiếc ghế đá giữa sân trường, thầy Phí Văn Quang kể cho tôi nghe về số phận của mình: “Mẹ mang thai được 7 tháng đã sinh ra em. Do bị sinh thiếu tháng, nên em chỉ được hơn 1kg. Em được gia đình chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương để điều dưỡng, chữa bệnh suốt 3 tháng liên tục. Hằng ngày, y sĩ, bác sĩ tiêm từ 3 đến 5 mũi vắc-xin các loại đến khi trên người em không còn chỗ nào tiêm được nữa…”.

Xe wave 3 bánh cải tiến là người bạn thân thiết của thầy giáo Phí Văn Quang.

Anh lấy tay sờ lên đầu gối chân phải của mình như thể "nói có sách, mách có chứng", giọng ngậm ngùi: “Bố em là bộ đội. Ngày em chào đời, bố đang làm nhiệm vụ quốc tế tại nước bạn Lào. Một hôm, chú ruột Phí Văn Hà sang nhà chơi, bế em ra chậu để tắm mới phát hiện chân phải của em bị cứng, không gập đầu gối vào được. Lúc đó, mọi người trong gia đình mới tá hỏa, bế em đi chữa ở nhiều bệnh viện và các thầy lang nhưng đều bất lực vì bị teo cơ. Sau nhiều năm chữa trị khắp nơi, bố mẹ có lúc đã “tan gia bại sản” nhưng bệnh của em vẫn giậm chân tại chỗ. Đến tận bây giờ, em cũng không biết vì sao xương bánh chè chân phải của mình lại “mất”… nên không gập được đầu gối?…".

Dưới sân trường rợp bóng cây, Phí Văn Quang kể với tôi về tuổi thơ của mình: “Khi biết bản thân bị khuyết tật, em buồn lắm! Nhưng được bố mẹ và mọi người trong gia đình động viên nên em cũng dần nguôi ngoai và cho đó là số mệnh. Năm 1987 đến tuổi tới trường, nhưng vì sức khỏe yếu, thân hình em loắt choắt, nhỏ thó, sợ các bạn bắt nạt nên bố mẹ định để em lui lại một năm cho cứng cáp. Song thấy em tiếp thu bài nhanh, được cô giáo Lai là chủ nhiệm lớp ngày ấy động viên nên bố mẹ đã đồng ý để em tiếp tục đi học…”.

Hằng ngày, mọi người dân đi đường đều thấy cậu bé nặng nhọc nhấc chân tập tễnh, “chấm phẩy” trên con đường hơn 1km từ nhà đến trường. Nhắc lại những năm học tiểu học, giọng Quang có phần run run: “Đến tận bây giờ, mỗi lần em đi qua đoạn đường ấy, nỗi sợ hãi ám ảnh lại hiện về. Bọn trẻ hư thậm chí còn hát cả bài vè chế nhạo, ném gạch, dọa đánh… nên có lần em sợ quá, nói với bố mẹ dẫn đi đường vòng để tránh những “kẻ xấu” trêu chọc mình…”.

Biến ước mơ thành hiện thực

Suốt những năm học THCS, Phí Văn Quang đều đạt danh hiệu Học sinh tiên tiến. Năm 1995 đã đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đời cậu học sinh khuyết tật này. Em đã thi đỗ vào Trường THPT Văn Giang (huyện Văn Giang) với điểm cao nhất trong số học sinh của xã Cửu Cao. Sau đó, Phí Văn Quang tiếp tục đăng ký và thi đỗ vào lớp chọn 10A1 của nhà trường. Quang luôn tự răn mình “không biết thì hỏi, chưa giỏi phải học”.

Cô giáo Phí Thị Nho, chị gái đồng thời là giáo viên dạy Toán cùng trường với Quang kể: “Năm 1999, bố mẹ em vừa mừng vừa lo khi nhận được giấy báo hai chị em đều thi đỗ vào Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). Lúc đầu, em tự nguyện ở nhà cùng bố mẹ kiếm tiền lo cho em trai học đại học. Nghe thấy thế, bố mẹ em đã khóc và bắt hai chị em cùng học đại học. Trong suốt thời gian đi học, bố mẹ vô cùng vất vả để có tiền lo cho chúng em…”.

Điều may mắn đến với hai chị em Nho-Quang là cả hai cùng học một lớp A1C (Toán Cơ tin) K44, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên. Hằng ngày, Quang được chị gái chăm lo tận tình, chu đáo, từ bữa ăn, nước uống, đi lại… đến việc chở về quê. Nhắc lại thời học đại học, ánh mắt Quang sáng lên: “Hằng tháng, hai chị em chi tiêu hết sức tiết kiệm, ăn uống kham khổ mong cho qua ngày. Thế mà, trong 3 năm học, hai chị em mất 3 chiếc xe đạp. Thấy hoàn cảnh khó khăn, mỗi lần mất xe đạp, các bạn sinh viên cùng lớp lại quyên góp, giúp đỡ tiền để mua cho. Cuối tuần, chị Nho lại kẽo kẹt đạp xe về quê để bán hàng rau, được đồng lãi nào là mẹ cho để lo chuyện học hành của hai chị em”.

Thầy giáo Phí Văn Quang “truyền lửa” cho học sinh Trường THPT Triệu Quang Phục.

Đúng là “có công mài sắt, có ngày nên kim”, tháng 6-2003, chàng sinh viên khuyết tật đứng trên bục cùng chị gái nhận bằng tốt nghiệp cử nhân khoa Toán. Tháng 7 năm đó, thầy giáo Lương Hòa Thụ, Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám (huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên) đã nhận hai chị em vào dạy hợp đồng. Một năm sau, Phí Thị Nho được cấp trên điều về công tác tại Trường THPT Triệu Quang Phục, còn Phí Văn Quang quyết tâm ở lại trường để thi đỗ công chức và anh đã biến ước mơ thành hiện thực. Tháng 8-2006, niềm vui lại đến với anh, thầy Trần Xuân Đông, lúc đó là Hiệu trưởng Trường THPT Triệu Quang Phục đã nhận anh về dạy môn Toán lớp 11”.

Lạc quan và say mê cống hiến

Cũng như nhiều người khuyết tật về chân, khó khăn nhất là việc tự đi lại. Sau khi về công tác tại Trường THPT Triệu Quang Phục, Phí Văn Quang bàn với bố mẹ lên Hà Nội tìm mua xe gắn máy 3 bánh cải tiến. Thầy giáo Quang nhớ lại: “Mùa hè năm 2006, em cùng người bạn thân lên Hà Nội để tìm mua xe gắn máy. Đi đến nơi sửa chữa xe nào hai anh em cũng hỏi, nhưng mãi đến chiều về Hà Đông mới tìm thấy một cơ sở sửa xe gắn máy bán đúng phương tiện cần tìm. Gom góp mãi cũng mua được chiếc xe gắn máy cải tiến với giá 16 triệu đồng, từ đó đến nay vẫn chạy tốt”.

Cô giáo Đào Thị Thúy, Chủ tịch Công đoàn Trường THPT Triệu Quang Phục “khoe” với tôi về người đồng nghiệp: “Thầy giáo Phí Văn Quang có trình độ chuyên môn vững chắc, lối sống trung thực, chất phác, hòa nhã, gần gũi với mọi người. Mặc dù chân phải bị cứng nhưng thầy vẫn tích cực tham gia các hoạt động phong trào của nhà trường, nhất là chơi bóng bàn, cờ vua và thổi sáo không kém gì nghệ sĩ. Thầy giáo Phí Văn Quang thực sự là tấm gương sáng vượt khó vươn lên để mọi người học tập và noi theo”.

Khi được hỏi về mối nhân duyên, chị An Thị Huyền (vợ thầy Quang) bẽn lẽn: “Anh trai em là An Văn Long, hiện đang dạy Toán ở Trường THPT Trần Hưng Đạo (huyện Tiên Lữ) cùng học đại học với anh Quang. Khi anh Quang chuyển trường, mỗi khi đi chấm thi tốt nghiệp THCS hay thi vào THPT ở huyện Tiên Lữ là anh Long lại đưa, đón anh Quang về nhà ăn, nghỉ. Bố mẹ em coi anh ấy như con trai trong nhà. Năm 2006, em đi thi đại học cũng về nhà bố mẹ anh Quang ở… và tình yêu của chúng em nảy nở, lớn dần lên lúc nào không biết. Đầu năm 2014, em và anh Quang nên nghĩa vợ chồng...”.

Hồi học đại học, được người bạn trọ dạy thổi sáo, do có năng khiếu cảm thụ âm nhạc cộng với niềm đam mê nên Phí Văn Quang học rất nhanh. Đến nay, anh có thể thổi được bất cứ bản nhạc nào chỉ cần nghe qua một lần. “Gần như ngày nào chồng em cũng chơi bóng bàn đến lúc mệt mới nghỉ. Hằng ngày, mỗi lúc cho con gái ăn, anh ấy lại lấy sáo ra thổi. Bây giờ cả em và cháu đều “nghiện” tiếng sáo”-chị Huyền tự hào về chồng.

Cô giáo Lê Thị Nguyệt, Hiệu trưởng Trường THPT Triệu Quang Phục cho biết thêm: "Tôi phát hiện thầy Phí Văn Quang rất say mê với môn Toán. Từ năm học 2013-2014 đến nay, chúng tôi đã quyết định giao cho thầy dạy Toán lớp 12 và phụ trách lớp “mũi nhọn” của nhà trường".

Bài và ảnh: NGUYỄN KIÊN THÁI