QĐND Online - Nắng như có thể rán mỡ, chị vẫn ngồi bên bể nước, chải đi chải lại những bộ quân phục cũ kỹ. Dở hơi… Hàng xóm bảo chị thế. Chị cười…trách quả tim trót yêu ông xã gàn dở nhiều quá. Làm nhiều thành quen, giờ chị đã thích thú và nguyện “hâm” cùng ông chồng đến cuối cuộc đời. Chị là Phạm Thị Vân Anh, người vợ tảo tần của thầy giáo Phạm Văn Điệp ở thôn An Nhân, xã Hoàng Đông, huyện Duy Tiên (Hà Nam).

Nói về chồng chị, anh có nhiều cái biệt danh lạ đời: Điệp kỷ vật, Điệp gàn dở, Thầy giáo lạ đời… Lần đầu gặp, nghe anh nói về những biệt danh ấy, chị phì cười rồi sinh lòng muốn khám phá… Chúng tôi cũng thế, khi được nghe Tùng Anh, cán bộ tỉnh đoàn Hà Nam giới thiệu về thầy Điệp cùng gần một nghìn kỷ vật anh sưu tầm thì cũng bị hớp hồn bởi con người đặc biệt này.

Có anh Hà, nhân viên Ban Tuyên huấn, Bộ CHQS tỉnh Hà Nam làm tài xế, cung đường đến nhà thầy giáo Điệp của tôi thuận lợi hơn rất nhiều. Từ đường Quốc lộ 1, đoạn đầu xã Hoàng Đông, anh cho xe rẽ trái về thôn An Nhân, chúng tôi chỉ còn mỗi việc hỏi cổng nhà thầy Điệp kỷ vật. Thấy hai anh bộ đội, phơi lưng dưới nắng hè, ngỏ ý hỏi thầy Điệp, cô gái đầu xóm nở nụ cười và tận tình chỉ đến tận nhà. Căn nhà nhỏ chừng 30m2 của vợ chồng thầy nổi bật ở xóm An Nhân này, đầu cổng những gốc tre, trên tường có những bức tranh, tất cả đều được đắp bằng xi măng, do chính thầy tự làm. Mọi người nói, cặp vợ chồng này nhiều hoa tay, có khiếu nghệ thuật nên cái cách họ trang trí ở cổng hay trong nhà đều thật đẹp. Vào cổng, chúng tôi được Vân Anh - vợ thầy Điệp - ra đón, anh không có ở nhà do bận với những tiết dạy ở trường. Đon đả pha chè mời khách, chị ngồi nói chuyện với chúng tôi vài câu, rồi xin phép ra với công việc giặt quân phục, để chúng tôi tự nhiên nhìn ngắm những kỷ vật bày trí khắp nhà. Nhìn chị cặm cụi, tỉ mẩn với những bộ quân phục đã ngả màu, chúng tôi hiểu đây là một “thợ giặt lành nghề”.

Đang trưa nắng oi bức, inh tai bởi những tiếng còi xe, vào đến nhà anh chị, anh Hà phải thốt lên: “Chúng ta như lạc vào một thế giới khác”. Không khác sao được, giữa cuộc sống hối hả, được thả lòng vào một không gian “hoài niệm”, cái tâm lắng lại thấy thật nhẹ nhàng. Gian nhà của anh chị không treo biển “hiện vật cấm sờ” nên chúng tôi mạnh dạn “nghịch” những khẩu súng RPĐ, đuôi bom từ trường, những bi-đông nước… Càng thích thú với những kỷ vật, chúng tôi càng nôn nóng muốn được gặp, được hỏi chuyện với “ông chủ” của bảo tàng này.

 
 Thầy giáo Điệp bên những kỷ vật trong “bảo tàng gia đình".

Đợi mãi, đến hơn 11 giờ trưa thì "thầy Điệp kỷ vật" mới về. Dào ôi! trẻ, anh trẻ quá so với hình dung ban đầu của chúng tôi. Lúc đầu gặp vợ anh, tôi đã bấm bụng nghĩ, tính anh này nghệ sĩ có khác, lấy vợ thế này chắc phải kém hơn chục tuổi. Cũng tại Tùng Anh giới thiệu, anh đã có đôi chục năm sưu tầm kỷ vật, chúng tôi mới hình dung anh tuổi ngoài bốn mươi, với mắt đăm chiêu, tóc hơi dài, nhìn hơi bụi bặm… Hỏi ra, thầy Điệp mà chúng tôi gặp sinh năm 1985, nhìn anh còn trẻ hơn cái tuổi ấy chứ. Để vội chiếc cặp sách vào gian buồng trong, anh ra gặp chúng tôi. Nhìn theo bước chân của anh, tôi chợt nảy ra suy nghĩ thú vị, sáng ngủ dậy, mở mắt ra là nhìn thấy những kỷ vật mình dày công sưu tầm, sướng nhất là anh rồi!

Hướng ánh mắt nhìn vào những chồng thư đã ngả ố vàng, tôi hỏi anh:  

- Anh đã đọc hết những lá thư kia chưa?

- Cũng hết rồi. Đây đều là những bức thư do cựu chiến binh gửi tặng. Trong thư có chữ nhòe, chỗ thì mối mọt ăn mất, nhưng những dòng đọc được thì xúc động lắm. Nhất là những bức thư tiền tuyến gửi về hậu phương, mỗi lần đọc lại tôi đều thấy rưng rưng.

Chợt anh im lặng, chúng tôi cũng không nói gì, đưa tay nhẹ nhàng cầm những lá thư mà lòng lại nghĩ về thời chiến tranh ác liệt. Đến cuối chồng thư, anh chỉ cho chúng tôi quyển sách chiến sĩ cần biết, do bác Trần Thế Mô, ở xóm 1, xã Nhật Tân, Hà Nam từng tham gia chiến đấu tại cánh đồng Chum Xiêng Khoảng gửi tặng. Anh giới thiệu, đây là cuốn sách gối đầu giường của các chiến sĩ thời bấy giờ, dạy cách sử dụng vũ khí, cách sinh tồn khi rơi vào những tình huống xấu. Anh nói như anh là người trực tiếp đọc và áp dụng cuốn sách ấy thời chiến vậy.

Anh cười và chia sẻ với chúng tôi: Những kỷ vật tôi treo ở đây chỉ là một số ít thôi… nếu trưng bày hết thì chắc phải mấy gian nhà như thế này nữa. Quay sang hai kỷ vật có kích thước to nhất, chiếm trọn một phần sáu diện tích nền nhà, anh giới thiệu cho chúng tôi đó là hai nắp capô máy bay Mic21, anh sưu tầm tận Quảng Trị.

- Sao anh lại biết có kỷ vật ở tận Quảng Trị? Tôi hỏi.

- Tôi đã đam mê sưu tầm kỷ vật đã 20 năm rồi. Ban đầu chỉ quanh làng, quanh xã, rồi dần dà mở rộng ra huyện, tỉnh, rồi các tỉnh ngoài. Đi đến đâu, tôi cũng để địa chỉ, hễ ai thấy có cổ vật gọi điện là tôi lần tìm đến ngay. Hai capô máy bay Mic 21 này tôi phải thuê xe chở từ trong đó ra đấy. Chuyến đấy đi không có tiền, tôi phải mượn tiền của đồng nghiệp, dồn mãi được hơn hai triệu. Trên đường vận chuyển về, các anh công an giao thông còn chặn lại, thấy capô cộng với mấy vỏ bom bắt dừng lại. Tôi giới thiệu mình là người sưu tầm, đưa ảnh cho các anh ấy xem, các anh ấy mới cho đi. Có một anh còn cho tôi thêm 50 nghìn đồng để uống nước dọc đường nữa đấy.

- Sống vì cái đam mê nhiều khi mệt nhưng mà vui anh nhỉ?

- Đam mê mà đồng chí. Ban đầu gia đình tôi không đồng ý đâu, hàng xóm cũng nghi ngờ xem tôi có bị... khùng không đấy! Bằng tuổi, người ta có thời gian là lo làm kinh tế, còn tôi lại “ham chơi”. Nhiều khi bố mẹ tôi còn sợ cái nhà này nổ tung lúc nào không biết. Tôi chỉ sưu tầm những kỷ vật không gây cháy nổ thôi. Chứ đụng đến chất nổ tôi không biết lại gây nguy hiểm nữa.

 
 Những hiện vật được trưng bày tại  nhà thầy giáo Điệp.

Chỉ tay về đuôi bom từ trường MK82 phía góc nhà, anh kể, anh sưu tầm ở cầu Yên Lệnh. Người ta hút cát, phát hiện ra, có người quen gần đó gọi điện cho tôi. Nghe được thông tin, tôi chẳng kịp ăn uống, phi xe một mạch đến nơi. Hôm ấy bão to, tôi phải xuống xe dắt bộ mấy cây, cả người, xe, kỷ vật chút nữa xuống sông cả...

Nhưng như thế đã thuận, với mỗi cựu chiến binh, những kỷ vật gìn giữ từ cuộc chiến luôn là một phần cuộc sống của họ. Việc giao cho người khác kỷ vật gắn với một thời chiến đấu của mình gần như không thể. Có khi, tôi phải đến nhà các bác cả chục lần thuyết phục mới được. Mỗi lần được gặp các cựu chiến binh, được nghe những câu chuyện thời chiến, có bom đạn khốc liệt, có tình đồng chí, đồng đội chân tình, ấm áp, tôi lấy đó là một niềm vinh dự lớn của đời mình.


Nghe anh chia sẻ về những lần đi, những gốc tích của kỷ vật, chúng tôi hình dung ra bóng dáng một một hướng dẫn viên lâu năm của một bảo tàng lớn. Tôi ngộ ra một điều, ngoài hàng nghìn kỷ vật anh trưng bày, trong anh còn có một kho báu trong tâm hồn được tạo nên bởi những câu chuyện có thật, chân chất, mộc mạc của những người lính từng vào sinh ra tử ở chiến trường. Giờ đây, mỗi dịp cuối tuần, gian nhà nhỏ của vợ chồng anh chị lại là nơi để nhiều cựu chiến binh, các bạn trẻ, các em học sinh tìm đến để tham quan, để được hiểu hơn về chiến tranh. Nhiều kỷ vật được anh lưu giữ, trong số đó, cũng có khi anh xin phép cựu chiến binh rồi gửi tặng lại Bảo tàng Hà Nội. Lặng lẽ, hai vợ chồng anh cùng tìm kiếm, lưu giữ những kỷ vật thời chiến, dù kinh tế không lấy gì làm dư giả.

Chúng tôi, khi nói lời chào ra về, vừa luyến lưu vừa cảm phục về những việc làm của anh chị. Việc làm của anh chị khiến cho những kỷ vật kia không nằm im, biến mất dần theo thời gian, mà tạo hồn để những kỷ vật ấy biết nói, giáo dục cho thế hệ mai sau về chiến tranh và giá trị của hòa bình ngày hôm nay.

TRẦN NGỌC