QĐND - “Một cơn gió bụi vừa tan/Hai triệu sinh linh đã mất/Khí oan tối cả bầu trời/Thây lạnh phơi đầy cỏ đất…”. Những lời trên trong bài “Văn truy điệu đồng bào chết vì nạn đói năm 1945” của GS Vũ Khiêu cứ bảng lảng trong tôi. Chốn tụ linh hai triệu hồn oan của đồng bào chết đói năm 1945 đang được hậu bối chăm sóc như thế nào? Nghĩ đến đây, như có sự xui khiến vô hình, tôi tìm về Nghĩa trang Hợp Thiện (Vĩnh Tuy, Hai Bà Trưng, Hà Nội)…
Lặng thầm làm việc nghĩa
Nghĩa trang Hợp Thiện là nơi Hội Hợp Thiện Vĩnh Tuy do các cụ già trên địa bàn quận Hai Bà Trưng đứng ra tổ chức, thu gom hàng vạn hài cốt của đồng bào chết đói năm 1944-1945 nằm rải rác nhiều nơi về một chỗ. Thời gian dâu bể, sau bao biến cố thăng trầm, giờ đây nghĩa trang xưa chỉ còn lại khu bể xương và bia tưởng niệm, nằm lọt thỏm ở một ngách nhỏ trong ngõ 559, đường Kim Ngưu. Tôi dừng xe, cổng khu tưởng niệm khóa im ỉm. Thấy trên cổng có mảnh giấy ghi số điện thoại của người trông coi, tôi bèn lấy điện thoại gọi thử. Giọng một người đàn ông từ đầu bên kia nhã nhặn: “Anh đợi chút, tôi sang mở cổng liền”.
 |
Ông Tuyến dâng hương tại bia tưởng niệm-công việc đầu tiên trong ngày của người quản trang tự nguyện.
|
Không để tôi phải chờ lâu, chỉ ít phút sau, một người đàn ông dáng đậm chắc, khuôn mặt hiền từ xuất hiện. Ông không hỏi gì, lặng lẽ mở cửa, chỉ vào khu tưởng niệm, nói nhỏ nhẹ: “Đây là nơi hàng vạn vong linh đồng bào chết đói năm Ất Dậu an giấc ngàn thu. Mời chú vào thắp hương”.
Tôi thắp hương xong, rồi quay ra thưa thật với ông là đã từng đến đây, nhưng cũng đã 10 năm rồi. Lần trước tôi đến, phố xá cũng đã vây kín khu nghĩa trang xưa, nhưng chưa sầm uất như bây giờ. Văn bia tưởng niệm các vong, đồng thời cũng là nơi hương khói cho hai triệu đồng bào chết đói năm 1945 ngày càng khang trang, riêng ông thì ngày càng già đi trông thấy. Ông mỉm cười: “Lần trước chú đến, tôi mới nghỉ hưu và chính thức đề đạt nguyện vọng với cơ quan chức năng, bà con dân phố cho tôi được làm công việc quản trang tự nguyện này”.
Hóa ra, ông là cựu chiến binh. Năm 1970, chàng trai Đỗ Văn Tuyến nhập ngũ, làm nhiệm vụ của người lính lái xe trên tuyến lửa Bình Trị Thiên. Năm 1981, ông xin chuyển ngành về Công ty Bánh kẹo Hải Châu, rồi chuyển cả gia đình về khu vực Vĩnh Tuy này. Khu vực Nghĩa trang Hợp Thiện khi đó còn là cánh đồng hoang vu, cỏ dại um tùm. Ông Tuyến và người dân trong khu vực cũng biết đó là nghĩa trang chôn cất đồng bào chết đói năm 1945 chứ cũng không biết cụ thể, càng không biết có một bể xương chứa hàng vạn hài cốt cùng với tấm bia được lớp người đi trước cho xây dựng từ năm 1951 đã bị rêu phong phủ kín. Nhiều hộ gia đình trong khu về đây mua đất xây nhà, khi đào móng lại phát hiện rất nhiều bộ xương cốt. Người có tâm thì lặng lẽ làm lễ, người ẩu đoảng thì cất bốc sơ sài đặt cạnh bể xương. Gặp những trường hợp như vậy, ông Tuyến và nhiều người trong khu phố lại lặng thầm làm việc nghĩa, cất bốc, xếp đặt cẩn thận các bộ hài cốt vào trong bể… Đó là những việc của vài ba chục năm về trước.
Những người kế tiếp nhau dựng khu tưởng niệm
“Công đầu trong việc khôi phục lại khu di tích này phải kể đến nhà sử học Văn Tạo. Tôi đã đi giao lưu trên phát thanh-truyền hình nhiều lần với bác ấy, cũng như là người gắn bó với khu tưởng niệm này, tôi xin khẳng định như vậy”- ông Tuyến bộc bạch.
Theo câu chuyện ông kể, vào năm 1996, trong một đêm thao thức, nhà sử học Văn Tạo thấy cần phải làm một điều gì đó để con cháu người Việt ghi lòng, tạc dạ về sự kiện nạn đói năm 1945. Ký ức ông được lần giở, và tấm bia “Nơi an giấc ngàn năm của đồng bào chết vì oanh tạc và nạn đói 1944-1945” mà các cụ già Hội Hợp Thiện Vĩnh Tuy dựng năm 1951 bỗng hiện về trong trí nhớ. Nhà sử học bắt đầu hành trình tìm lại nghĩa trang “cổ tích” giữa lòng Hà Nội.
Lúc này, cánh đồng hoang vu ngày nào đã thành phố phường đông đúc. Rất may là nghĩa trang chưa “biến mất”, dù diện tích của nó đã bị thu hẹp chỉ còn chừng 150m2. Các gia đình ở sát cạnh tấm bia tưởng niệm đã thầm lặng làm nhiệm vụ gom nhặt các tiểu sành, các bộ hài cốt nằm vung vãi xung quanh, quy tập gọn về bể xương (hầm mộ) phía dưới tấm bia tưởng niệm. Nhà sử học Văn Tạo đã viết một bài báo về sự tồn tại của tấm bia và bể xương. Nhờ bài báo của ông, người dân trong nước và bạn bè quốc tế biết và tìm đến.
Những người khác có công tôn tạo Khu tưởng niệm được ông Tuyến nhắc đến là nhóm 3 sinh viên của Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Một ngày giữa năm 2001, ông Tuyến lúc đó là tổ trưởng dân phố, thấy bà con tụ tập xem 3 chàng sinh viên đang đo đo, vẽ vẽ ở khu vực này. Với trách nhiệm của mình, ông đến hỏi thì vỡ lẽ họ đang làm đề tài “Cải tạo không gian tưởng niệm đồng bào chết vì oanh tạc và nạn đói 1944-1945”. Chính đề tài của nhóm sinh viên đã một lần nữa thúc đẩy các cơ quan có trách nhiệm coi trọng hơn nữa công tác trùng tu, tôn tạo. Tấm bia tưởng niệm và khu vực bể xương được quy hoạch, đưa vào danh sách quản lý di tích lịch sử của TP Hà Nội. Nhiều đồng chí lãnh đạo thành phố khi biết chuyện cũng đã tìm đến thắp hương và góp ý vào việc trùng tu.
Năm 2004, việc trùng tu, tôn tạo lần thứ nhất Khu tưởng niệm hoàn thành. Bể xương trở thành bể mộ tập thể lớn nhất cả nước, nơi tụ linh của hàng vạn vong hồn, được xây thành bê tông vững chắc, nổi trên mặt đất hơn 1m, sâu 4m. Tấm bia mà Hội Hợp Thiện Vĩnh Tuy xây từ năm 1951 cũng được tôn tạo vững chắc hơn. Lúc này, Khu tưởng niệm đã thực sự là một địa chỉ giáo dục truyền thống thu hút sự chú ý của xã hội; đặt ra nhu cầu có một người quản trang tự nguyện, có tâm huyết. Là chi ủy viên kiêm tổ trưởng dân phố, ông Tuyến đã xung phong đảm nhận việc này. Năm 2005, ông chính thức nhận sổ hưu, nên càng có thời gian và tâm huyết cho công việc thiện nghĩa này.
Sự bao dung của người Việt qua một tấm lòng
Giở cho tôi xem cuốn sổ ghi cảm tưởng của khách tham quan, ông tự hào cho biết: Rất nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và TP Hà Nội đã đến đây dâng hoa, thắp hương và để lại cảm tưởng. Điều đáng chú ý nhất là từ 10 năm trở lại đây, khách du lịch quốc tế đến đây ngày càng nhiều. Họ đến để tận mắt chứng kiến sự thảm khốc của chiến tranh, của chế độ cai trị thực dân-phát xít đối với các dân tộc thuộc địa. Khách quốc tế đông nhất chính là người Nhật, với đủ các đối tượng, từ người đi du lịch “bụi” đến các đoàn nhà văn, nhà báo, nhà khoa học. Và du khách Nhật thường rỉ tai nhau về người quản trang tự nguyện ở Nghĩa trang Hợp Thiện, rất chu đáo và hiếu khách, luôn tận tình giới thiệu, hướng dẫn mọi khách tham quan mà không phân biệt quốc tịch, tôn giáo, đẳng cấp… Một lần, có một nhà khoa học người Nhật gọi điện cho ông Tuyến khi đã 22 giờ đêm. Ông Tuyến vui vẻ sang mở cổng, bật điện dẫn ông khách nọ đến dâng hương và tham quan tường tận bể xương, văn bia tưởng niệm. Đến khi ra về, ông ta cứ nằng nặc đòi sang thăm nhà ông Tuyến. Dẫu bất ngờ nhưng ông Tuyến cũng không nề hà, mời vị khách sang nhà ông uống nước. Vào nhà ông rồi, vị khách nọ mới bật khóc và nói: “Giờ thì tôi đã tin những gì tôi nghe được về ông. Cảm ơn tấm lòng của ông với các vong hồn chết oan vì nạn đói, do chính sách “nhổ lúa, trồng đay” của người Nhật trước đây. Tôi cảm nhận được sự bao dung, vị tha của người Việt qua việc làm của ông”.
Nhiều nhà khoa học Nhật Bản sang Việt Nam nghiên cứu về nạn đói năm 1945, khi về nước in sách đã gửi tặng ông Tuyến. Dẫu không biết tiếng Nhật, ông Tuyến vẫn cất giữ những cuốn sách trên một cách trân trọng. Mỗi khi có các bạn trẻ đến tham quan, ông lại lôi những cuốn sách ra kể chuyện. “Chuyện quá khứ giữa nước ta và Nhật Bản đã khép lại, quan hệ giữa hai nước bây giờ đang tốt đẹp, nhưng tôi muốn thế hệ trẻ không được quên quá khứ. Trước đây, khách trong nước đến dâng hương phần lớn là người già, rồi tăng ni, phật tử chứ ít bạn trẻ. Điều đặc biệt đáng mừng là mấy năm trở lại đây, số bạn trẻ đến tham quan, tìm hiểu sự kiện lịch sử ngày càng nhiều. Vợ con, hàng xóm qua đây càng hiểu hơn ý nghĩa trong việc tự nguyện làm quản trang của tôi”-ông Tuyến tâm sự.
Ngày mới nghỉ hưu, nhiều bạn bè, hàng xóm đã rất ngạc nhiên khi thấy ông Tuyến xin thôi làm tổ trưởng dân phố để toàn tâm, toàn ý chăm sóc nghĩa trang. Có người thì xì xào: “Tự nguyện xung phong đi trông "các vong", chắc ông này phải cứng vía lắm”. Ông Tuyến bỏ ngoài tai những lời xì xào không tốt, giải thích ngắn gọn với vợ con: “Bây giờ các con trưởng thành cả, việc nhà thì một tay bà lo được, cho tôi dành thời gian làm việc nghĩa, chứ để khu tưởng niệm lùi xùi quá, tôi thấy lòng không yên”. Từ đó, ngày nào cũng vậy, cứ 8 giờ sáng, người cựu chiến binh ấy lại sang quét dọn, lau chùi, hướng dẫn khách đến tham quan. Ông treo số điện thoại ở cổng, để khi không có mặt ở đó, khách có thể gọi bất kỳ lúc nào. Đôi lúc, có việc đi khỏi nhà, ông để lại điện thoại, nhờ vợ, nhờ con sang mở cổng giúp. Cả nhà ông giờ đều thuộc nhiều chuyện lịch sử về nạn đói năm 1945, ai cũng có thể trở thành một hướng dẫn viên tự nguyện cho khách tham quan.
Thấy tôi chăm chú xem những tấm giấy khen mà các cấp chính quyền thuộc TP Hà Nội tặng ông vì đã có thành tích trông coi, tôn tạo, trùng tu, phát huy giá trị công trình tưởng niệm nạn nhân chết đói năm 1944-1945, ông nói khe khẽ như vừa tâm sự, vừa tự nói với mình: Nhiều vị khách Nhật Bản sang đây bảo tôi, Đài tưởng niệm nạn nhân chết vì bom nguyên tử của Mỹ xây ở Nhật to lớn, hoành tráng lắm. Còn bia tưởng niệm 2 triệu đồng bào ta chết vì nạn đói năm 1945 có vẻ hơi khiêm tốn. Tôi nghĩ, tưởng niệm cốt ở tấm lòng, cốt là rút ra bài học gì trong ứng xử với người đang sống, chứ to đến mấy thì cũng chỉ là gỗ đá vô tri thôi, chú nhỉ?
Đúng vậy! Tôi chợt nghĩ về tấm lòng của biết bao người Việt Nam cũng như bạn bè trên thế giới, trong khúc lặng của tâm hồn vẫn luôn hướng về bái vọng 2 triệu oan hồn đồng bào chết bởi chiến tranh và nạn đói năm 1945.
Mà ông Tuyến là một tấm lòng như thế !
Bài và ảnh: NGỤY QUỐC TUẤN ANH