Lúc đầu gọi điện để hẹn gặp, ông từ chối thẳng thừng với lý do lên báo nhiều lại mang tiếng là khoe khoang! Thế nhưng vừa nhắc đến giống nhãn chín muộn, muốn đến gặp để học hỏi cách trồng, cách chăm sóc, ông liền hào hứng đồng ý ngay. Ông là Triệu Tiến Ích, ở thôn Lại Dụ, xã An Thượng, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội. Người cựu chiến binh (CCB) là Chủ tịch Hội Sản xuất và kinh doanh nhãn chín muộn huyện Hoài Đức này có mô hình kinh tế trang trại hiệu quả, đã giúp nhiều hộ dân khác trong vùng làm giàu. Ông vinh dự trở thành 1 trong 10 công dân ưu tú của Thủ đô năm 2015, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng Bằng khen "Nông dân tiêu biểu"... Ông Triệu Tiến Ích trong vườn giống nhãn chín muộn.
Khởi nghiệp từ cây nhãn chín muộn
Với bản chất cần cù, chịu khó và bản lĩnh Bộ đội Cụ Hồ không ngại khó, ngại khổ, sau khi rời quân ngũ về quê, Triệu Tiến Ích nhiều đêm mất ngủ, trăn trở phải làm gì đó để phát triển kinh tế gia đình, làm giàu trên mảnh đất quê hương. Việc đầu tiên mà ông Ích làm là vay 600 triệu đồng để làm trang trại. Tuy nhiên, do chưa nắm vững về kỹ thuật nên ngay vụ đầu tiên, vợ chồng ông đã lỗ hơn 300 triệu đồng tiền cây, con giống. Giấc mơ làm giàu mặc dù gặp không ít khó khăn, thử thách, nhưng ông luôn tự nhủ không thể đầu hàng hay bỏ cuộc.
Sau thất bại đầu tiên đó, Triệu Tiến Ích khăn gói rong ruổi khắp các tỉnh, thành phố để học hỏi kinh nghiệm làm ăn, lựa chọn hướng đi cho mình. Sau những tháng ngày lang bạt khắp nơi, cuối cùng ông nhận ra giống nhãn chín muộn vừa cho chất lượng quả ngon, lại không lo “đụng hàng”, ế thừa như nhãn chính vụ. Triệu Tiến Ích mày mò, tham khảo sách báo rồi bắt tay làm giống. Thất bại. Không nản, ông tiếp tục miệt mài đọc sách nghiên cứu, tìm cách nhân giống nhãn quý. Ông Ích kể, lúc đầu chưa có kinh nghiệm, ông chẳng biết làm thế nào để cây ra hoa đậu quả đồng loạt. Cũng có cây ra hoa nhưng tỷ lệ đậu quả rất thấp, hoặc cũng có khi cây đậu quả rồi lại rụng. Dù rất tốn công, tốn của nhưng ông Ích không nản chí, tiếp tục nghiên cứu chiết ghép, gặp gỡ các chuyên gia để học hỏi kiến thức, đồng thời kết hợp với kinh nghiệm trong dân gian để thực hiện ý tưởng của mình. Nghe tin địa phương mở lớp tập huấn về cây trồng, ông đăng ký đi học ngay. Sau đó, ông còn lặn lội sang tận Thái Lan để học hỏi thêm kinh nghiệm.
Và trời đã không phụ công người, ông Ích đã sản xuất, chiết ghép thành công 7 giống nhãn chín muộn, từ HT-M1 đến HT-M7, trong đó có hai giống HT-M1 và HT-M2 đã được cấp có thẩm quyền công nhận đang phát triển đại trà, cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng từ nhiều năm qua. Giải thích về thương hiệu giống nhãn từ HT-M1 đến HT-M7, ông Ích cho hay: HT có nghĩa là Hà Tây, M có nghĩa là muộn (khi ông nghiên cứu, chiết ghép thành công giống nhãn chín muộn, Hà Tây vẫn chưa sáp nhập với Hà Nội).
Lái chiếc “xế hộp” đưa tôi đi thăm vườn nhãn giống, ông tâm sự: "Làm gì cũng cần học hỏi, đặc biệt là niềm đam mê. Với tôi, cây nhãn muộn không chỉ là niềm đam mê mà còn là duyên nợ". Và bây giờ thì tôi đã hiểu vì sao khi nhắc đến cây nhãn chín muộn, bao giờ giọng ông cũng rất hào hứng. "Trồng nhãn chín muộn phải chăm sóc tỉ mỉ, nếu không cẩn thận thì cây nhãn sẽ không có quả hoặc năng suất quả sẽ bị sụt giảm. Sau khi thu hoạch phải chăm sóc chu đáo để cây có “sức khỏe”, cho quả tốt vào năm sau. Khi cây đã phục hồi tốt vào cuối tháng 10 âm lịch hằng năm, lại phải dùng dao khoanh vỏ để hãm, không cho cây tiếp tục ra thêm lộc. Nếu cắt mạnh chạm vào phần gỗ thì cành và cây có thể bị chết hoặc chậm phát triển. Còn nếu không khoanh vỏ thì cây phát triển xanh tốt nhưng không ra hoa vào vụ sau"-ông Ích chia sẻ kinh nghiệm với tôi như vậy.
Sau khi làm chủ được cây nhãn chín muộn, ông đấu thầu khu đồi hoang hóa với diện tích gần 3ha của xã An Thượng, trồng hơn 800 cây nhãn chín muộn, đồng thời nhân giống nhãn chín muộn cung cấp ra thị trường. Hiện mỗi năm gia đình ông Ích cung cấp cho thị trường 6-7 vạn cây nhãn giống chín muộn và hơn 20-30 tấn quả. Sự cần mẫn liên tục trong 5 năm đã mang lại thành quả đầu tiên. Năm 2002-2003, với nguồn thu từ nhãn, bưởi, cá sấu, ông Ích đã trả hết nợ. Kể từ đó, ông càng vững tin hơn ở mô hình trang trại khép kín của mình.
Ba nguyên tắc mà ông Ích luôn suy nghĩ trăn trở từ ngày đầu và quyết tâm thực hiện, đó là: Luôn luôn tìm hiểu nhu cầu thị trường; những loại cây trồng, con nuôi phải là những thứ thị trường cần; đồng thời đa dạng hóa con vật nuôi nhằm hạn chế rủi ro, không những mình nuôi thành công mà bà con địa phương cũng nuôi thành công. Ông chủ trang trại dễ tính này sẵn sàng giải thích tỉ mỉ, cặn kẽ bất cứ thắc mắc nào của những người đến học hỏi kinh nghiệm.
Ông Ích còn giúp đỡ miễn phí cho nông dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây nhãn chín muộn, đồng thời là người khởi xướng và đứng ra thành lập Hội Sản xuất, kinh doanh nhãn chín muộn huyện Hoài Đức. Không những thế, nhãn hiệu tập thể “Nhãn chín muộn Hoài Đức” đã xuất khẩu gần 1 tấn sang thị trường Mỹ để thăm dò. Nếu thành công sẽ mở ra triển vọng cho sản phẩm nhãn chín muộn Hoài Đức.
Đối với thị trường trong nước, giống nhãn chín muộn được xác định là 1 trong 4 cây ăn quả đặc sản của Thủ đô và đang được thành phố tập trung phát triển, mở rộng. So với các giống nhãn chính vụ, nhãn chín muộn có nhiều ưu điểm như: Cây ra hoa muộn hơn, ít bị ảnh hưởng bởi thời tiết nên dễ đậu quả, thời gian thu hoạch chậm hơn từ 1 tháng đến 1 tháng rưỡi. Đặc điểm của nhãn chín muộn là quả to, màu vàng sáng, mỏng vỏ, cùi dày, ăn giòn thơm, dễ tiêu thụ với giá bán ổn định. Diện tích giống cây này ngày một tăng, song được trồng nhiều trên địa bàn huyện Hoài Đức tại các xã: An Thượng, Đông La, Song Phương và một số xã ven sông Đáy, với diện tích khoảng 100ha. Mỗi héc-ta nhãn chín muộn cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/vụ.
Đến mô hình phát triển kinh tế tổng hợp
Người CCB Triệu Tiến Ích không chỉ làm giàu, nổi danh với giống nhãn chín muộn, ông còn đa dạng trong các lĩnh vực đưa vào áp dụng như: Sản xuất các loại hoa, phong lan, cây cảnh, cây công trình có giá trị mỹ thuật, giá trị kinh tế cao; sản xuất và nhận tư vấn, thiết kế hệ thống cây cảnh, cây công trình cho các khu chung cư, biệt thự, ngoại thất, nhà vườn; sản xuất và cung cấp các sản phẩm gà sạch như: Gà lai Đông Tảo và gà ta thả vườn, lợn rừng giống và thương phẩm, các loại thủy đặc sản như: Cá sấu, trê phi, trắm, chép, trôi các loại... nuôi theo quy trình sạch, bảo đảm chất lượng vệ sinh thực phẩm. Cùng với việc sản xuất các loại nông, thủy sản sạch, trang trại của ông Ích còn đảm nhận phần dịch vụ chế biến, nấu nướng phục vụ tại chỗ cũng như tận nơi khi khách có nhu cầu.
Mô hình trang trại tổng hợp ở thôn Lại Dụ do ông làm chủ trong 10 năm trở lại đây rất hiệu quả, có ảnh hưởng lớn đối với kinh tế-xã hội trong vùng. Nhiều nông dân trong vùng và các tỉnh được ông hướng dẫn tận tình về trồng, ươm, chiết, ghép, chăm sóc và đưa sản phẩm ra thị trường, góp phần giúp họ thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Trang trại tổng hợp của ông Ích còn cung cấp các loại giống tốt, giống có xuất xứ, nguồn gốc cây đầu dòng. Đặc biệt, các loại giống nhãn chín muộn của trang trại đã mang lại thu nhập cho bà con gấp 6-7 lần so với trồng lúa và các loại cây ăn quả khác. Nhiều cơ quan, đơn vị đã đến tham quan, như: UBND TP Hà Nội, Viện Nghiên cứu rau quả...; nhiều tỉnh, thành phố đã đến làm việc và học tập...
Không chỉ lo làm giàu cho bản thân, ông Ích còn làm tốt công tác an sinh xã hội với địa phương như đóng góp kinh phí xây dựng các công trình phúc lợi; tích cực ủng hộ các đợt phát động: Vì biển đảo, Tết vì người nghèo, ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, đồng bào bão lụt... của địa phương.
Với tổng thu nhập bình quân hằng năm ước đạt hơn 2,1 tỷ đồng, mức tăng trưởng bình quân đạt 20%/năm, trang trại của ông Ích đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 15-30 lao động, thu nhập 3-4 triệu đồng/tháng, được hưởng các chế độ bảo hiểm, các chế độ khác tùy thuộc vào ý thức của người lao động.
Với những việc làm và thành tích xuất sắc đã đạt được trong 5 năm qua, ông Triệu Tiến Ích đã được tặng thưởng: Bằng khen của Trung ương Hội Làm vườn Việt Nam; Cúp vàng "Sản phẩm, Dịch vụ xuất sắc" do Trung ương Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trao tặng; Cúp vàng "Công nghệ Xanh" của Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) trao tặng; Bảng vàng "Doanh nhân Hiền Tài" do Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam trao tặng; Bảng vàng doanh nghiệp văn hóa UNESCO Thế giới giao tặng; Bằng khen của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bằng khen của UBND TP Hà Nội và nhiều phần thưởng cao quý khác. Đặc biệt, năm 2014 thương hiệu nhãn chín muộn được bình chọn là Sản phẩm hàng đầu Việt Nam, được Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam vinh danh danh hiệu "Doanh nhân thời đại Hồ Chí Minh".
Bài và ảnh: NGUYỄN KIỂM