QĐND - Có thể nói như vậy về ông Lê Văn Ý (tên thường gọi là ông Tám), thương binh hạng 1/4, ở ấp Mỹ Sơn Đông, xã Phú Mỹ, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre. Trong kháng chiến, ông là chiến sĩ trên mặt trận chống giặc, cứu nước. Đất nước hòa bình, ông âm thầm làm người chiến sĩ trên mặt trận giáo dục. Ông thường xuyên giúp đỡ các cháu học sinh nghèo từ bút viết, sách vở, tiền học phí với mong ước các em nhỏ đều được đến trường.
Men theo con đường đất gập ghềnh, chạy dọc mé sông Hàm Luông, chúng tôi tìm đến nhà ông Tám từ sáng sớm. Đến nơi đúng lúc ông đang chăm sóc những cây cảnh trong vườn. Ông Tám sống ở ngôi nhà tình thương hướng ra bờ sông Hàm Luông. Chính quyền địa phương phải đến vận động ba lần ông mới chịu nhận căn nhà này, vì theo ông còn rất nhiều gia đình khó khăn cần sự giúp đỡ hơn.
Nhấp ngụm trà, ông Tám nhìn xa xăm ra sông Hàm Luông, bồi hồi kể:
- Tôi mồ côi từ nhỏ. Nhà nghèo lắm nên học mới tới lớp hai, rồi đi làm thuê cuốc mướn kiếm sống. Năm 15 tuổi, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tôi cùng anh và cậu tham gia hoạt động cách mạng tại địa phương như: Làm giao liên, tham gia du kích, quân báo… Ngày 10-4-1966, trong một chuyến đi công tác và chiến đấu, tôi bị thương cụt một chân, một tay, mù một con mắt và nhiều vết thương khác trên người. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, qua giám định y khoa (xác định tỷ lệ thương tật 83%), tôi được xếp loại thương binh hạng 1/4.
Sau chiến tranh, trở về cuộc sống đời thường, thân thể không còn nguyên vẹn, đi đứng khó khăn, các vết thương lại hay đau nhức khi trái gió trở trời nên cuộc sống của ông Tám càng vất vả hơn. Tuy nhiên, với nghị lực của người lính-Bộ đội Cụ Hồ, ông quyết không cam chịu trước số phận, cố gắng vươn lên, vượt qua bệnh tật, dần dần xây dựng cho mình cuộc sống ổn định.
 |
Thương binh Lê Văn Ý và các cháu học sinh nghèo. |
Bản thân vốn thiếu thốn con chữ, nên ông Tám yêu quý việc học lắm. Ông âm thầm làm người chiến sĩ thầm lặng trong sự nghiệp giáo dục. Ông nói:
- Trong thời kháng chiến, Bác Hồ căn dặn ta phải cố gắng học. Người biết nhiều dạy cho người biết ít. Những năm chiến tranh, tôi không được đi học nhiều nên chữ nghĩa ít, nhưng tôi có tiền lương, tôi sẽ giúp đỡ những cháu có hoàn cảnh khó khăn để các cháu được đến trường.
Bạn đọc có bài viết tham gia cuộc thi "Những tấm gương bình dị mà cao quý" xin gửi về: Phòng Biên tập Công tác Đảng, công tác chính trị, Báo Quân đội nhân dân, số 7 Phan Đình Phùng, Hà Nội. Thư điện tử: chinhtribqd@gmail.com; cuocthibinhdimacaoquy@gmail.com; Điện thoại 069.696514; 043.7478610. Bài viết phải có ảnh nhân vật gửi kèm và ghi rõ địa chỉ, điện thoại của tác giả.
|
Nói với chúng tôi về ông Tám, đồng chí Nguyễn Quốc Trạng, Phó chủ tịch UBND xã Phú Mỹ, huyện Mỏ Cày Bắc cho biết:
- Ông Lê Văn Ý là thương binh hạng 1/4 duy nhất trên địa bàn xã. Nhưng ông là một tấm gương tiêu biểu của địa phương trong sự nghiệp giáo dục. Ông đã thầm lặng giúp đỡ rất nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn bước tiếp trên con đường học hành của mình.
Gần 20 năm qua, ông Tám đã giúp đỡ không biết bao nhiêu học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương, nhưng chỉ vài năm gần đây mọi người mới biết đến việc làm của ông. Hồi trước, phụ cấp thương binh còn ít ỏi, để có tiền giúp được nhiều học sinh hơn, ông Tám đã phải làm thêm việc chèo đò đưa khách sang sông, hay móc mương vườn dừa… Với số tiền làm được, ông dành dụm cùng tiền trợ cấp thương binh hằng tháng, âm thầm giúp đỡ 8 em học sinh (từ lúc học tiểu học đến tốt nghiệp THPT và tốt nghiệp đại học) có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không có điều kiện học tập, tiếp tục đến trường, thực hiện ước mơ hoài bão của mình.
Trong số những người ông từng giúp đỡ, hoàn cảnh của Phạm Văn Ẩn ở xã Thạnh Ngãi khiến ông Tám nhớ nhất. Ông kể:
- Hồi đó, nhà thằng Ẩn nghèo lắm. Nhà ở chỉ là cái chòi làm tạm trên đất người khác. Gia đình thì đông anh em, sáng đi học nó chỉ uống nước, trưa ăn cơm độn chuối, độn khoai. Nhưng mà nó được cái ham học lắm, tôi biết được nên dành tiền cho nó đóng tiền học, mua sách, vở. Sau này nó đỗ Trường Đại học Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh.
Chắt chiu từng đồng, sống không phải chỉ vì bản thân nên chuyện ăn uống kham khổ, quần áo mặc chỗ vá chỗ khâu, chẳng cái nào lành lặn, nhưng ông lão thương binh không quan tâm. Thức ăn hằng ngày của ông thường là mớ rau cải trời, nắm rau má hái trong vườn luộc chấm với nước mắm hoặc nấu canh. Nhìn bữa cơm của người thương binh ngoài 70 tuổi, chúng tôi không khỏi chạnh lòng, còn ông thì cười xòa:
- Đi chợ mua đồ ăn chừng 20.000 đồng là tôi đặt vấn đề dừng lại rồi, không muốn mua thêm nữa. Nhưng nếu mấy đứa cháu nó không có tiền mua gì đó lo cho việc học là tôi không cần đắn đo, suy nghĩ, tôi sẵn sàng giúp ngay. Lúc đó, thấy vui và thoải mái lắm.
Hôm chúng tôi đến, cũng đúng lúc Nguyễn Thị Ngọc Ngân ở ấp Kinh Gẫy, xã Phú Mỹ vừa đi thi đại học ở TP Hồ Chí Minh về. Ngân ghé nhà ông Tám để báo với ông kết quả chuyến đi thi của mình; và không ngừng cảm ơn “ông Bụt” thương binh.
Đầu năm 2013, nghe Đài Phát thanh huyện Mỏ Cày Bắc kể về tấm gương em Ngọc Ngân mồ côi, học giỏi nhưng nhà nghèo. Nghe xong câu chuyện, ông Tám xách nón lá đi bộ đến tận nhà và hứa mỗi tháng giúp 200.000 đồng cho em Ngọc Ngân đóng học phí ôn thi đại học. Từ hôm đó, đều đặn mỗi tháng ông lại đi bộ đến nhà Ngọc Ngân đưa tiền cho em đóng học phí.
Mỗi một học sinh nghèo được ông Tám giúp đỡ, ông xem như mình đang nuôi “tờ vé số”. Người ta mua vé số để kiếm chút may mắn, nhưng với ông Tám thì những tờ vé số mà ông “nuôi”, tờ nào cũng trúng.
- Đợt đó tôi trúng hết nhé. Trúng thưởng là 5 đứa cháu tốt nghiệp THPT. Hai tấm trúng lô kha khá, gần độc đắc, cả hai đều ở huyện Mỏ Cày Bắc, đó là Phạm Văn Ẩn ở ấp Chợ Cũ, xã Thạnh Ngãi và Bùi Minh Long ở ấp Mỹ Sơn Đông, xã Phú Mỹ. Đặc biệt, tôi trúng độc đắc là Nguyễn Văn Tài ở ấp Lân Đông, xã Phú Sơn, huyện Chợ Lách- Ông nói với ánh mắt vui mừng khi nhắc đến “lứa” học sinh đầu tiên được mình giúp đỡ.
Và những em học sinh ông giúp hiện đã có công ăn việc làm ổn định. Ví như anh Phạm Văn Ẩn là kỹ sư công tác trong ngành xây dựng tỉnh Long An; anh Bùi Minh Long hiện là Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Việt Á huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương; anh Nguyễn Văn Tài sau khi tốt nghiệp Đại học Cần Thơ năm 2009, được giữ lại trường làm giảng viên và hiện đang tu nghiệp thạc sĩ tại Hàn Quốc.
Bà Lê Thị Chính, bà ngoại của anh Nguyễn Văn Tài nói với chúng tôi:
- Tôi có 3 đứa cháu ngoại được anh Tám giúp đỡ ăn học khi gia đình còn khó khăn. Sau này chúng nó có công ăn việc làm ổn định, đã đến đền đáp ơn anh Tám, nhưng anh không chịu. Anh bảo, đem tiền đó về giúp đỡ các em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn hoàn thành ước mơ trên con đường học hành, chứ anh không hề mong muốn nhận cho riêng mình.
Chính sự hy sinh, giúp đỡ hết mình mà nhiều anh chị, nhiều em học sinh được ông Tám giúp đỡ dù không phải con cháu ruột rà vẫn gọi ông là “cậu”, là “ông nội”, “ông ngoại”. Thời điểm hiện tại, ông Tám đang chu cấp tiền học phí, sách vở cho “lớp thứ hai” sau khi 8 người ở "lớp đầu tiên" trưởng thành. “Thế hệ thứ hai” này có 9 người, lớn nhất vừa thi xong đại học, còn nhỏ nhất chỉ mới học mẫu giáo. Niềm vui của ông là sau mỗi học kỳ các cháu đem giấy khen đến khoe với ông. Kể tới đây, đôi mắt ông đầy hân hoan:
- Tụi nhỏ là những luồng gió mát thổi qua mỗi khi tôi buồn, làm vơi đi sự cô đơn của tuổi già...
Bài và ảnh: TRẦN THỊ THU HIỀN