QĐND - Sau khi bài báo “Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Thanh Hóa: Những mảnh đời cần giúp đỡ” đăng trên Báo Quân đội nhân dân ngày 24-3-2015, tòa soạn nhận được nhiều thông tin phản hồi tích cực từ phía bạn đọc trong cả nước, trong đó không ít bạn đọc bày tỏ mong muốn được biết thêm về đội ngũ cán bộ, nhân viên của trung tâm. Báo Quân đội nhân dân xin được giới thiệu về họ, những con người bao năm qua âm thầm chịu đựng khó khăn, vất vả để chăm sóc cho những mảnh đời bất hạnh.

Vượt lên áp lực công việc

Ngày 26-2-1964, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Thanh Hóa chính thức được thành lập. Nhiệm vụ ban đầu của trung tâm là đón nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng chính sách, sau này được giao thêm nhiệm vụ nuôi dưỡng 9 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Với đặc điểm như vậy, đội ngũ cán bộ, nhân viên trung tâm luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ trên giao. Khi 9 mẹ qua đời, vào năm 2007, trung tâm tiếp tục được giao nhiệm vụ nuôi dưỡng, chăm sóc những bệnh nhân HIV/AIDS không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi trong tỉnh. Vài năm sau, nhiệm vụ của trung tâm được thay đổi sang tiếp nhận, chăm sóc, chữa trị cho những bệnh nhân bị khuyết tật về thần kinh. 

Nhân viên Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Thanh Hóa chăm sóc, giúp đỡ bệnh nhân từ những công việc nhỏ.

Được biết, khi mới thành lập, cơ sở vật chất của trung tâm rất khiêm tốn, chỉ là vài dãy nhà cấp 4 bằng tre, nứa lợp lá cọ. Đến năm 1990, trung tâm được đầu tư nâng cấp về cơ sở vật chất đủ để tiếp nhận 250 bệnh nhân. Đến năm 2001, trung tâm có 300 bệnh nhân, rồi năm 2007 có thêm một dãy nhà đủ chỗ ở cho 350 bệnh nhân. Quy mô như vậy nhưng thực tế trung tâm đang phải chăm sóc cho 579 bệnh nhân, vì thế bệnh nhân phải ở chật chội, thậm chí phải ở ghép 2 người/giường. Về chế độ, chính sách, từ năm 2010 đến nay, mỗi bệnh nhân chỉ được nhận 3,2 triệu đồng/năm, được dùng trang trải tất cả từ tiền quần áo, thuốc men... Định mức này những năm trước vốn đã là rất khó khăn, trong điều kiện giá cả thị trường biến động như hiện nay thì khó khăn càng tăng thêm. Với những bệnh nhân đang điều trị tại trung tâm, ngoài việc chữa trị bằng thuốc và liệu pháp tâm lý, yêu cầu về dinh dưỡng cũng rất quan trọng. Vậy nên với mức 30.000 đồng/người/ngày như hiện nay, đội ngũ cán bộ, nhân viên trung tâm phải tăng gia, sản xuất để có thêm nguồn thực phẩm tại chỗ bổ sung đủ dinh dưỡng cho khẩu phần ăn của bệnh nhân. 

Khối lượng công việc bộn bề nhưng số cán bộ, nhân viên của trung tâm lại rất ít. Nghị định số 68/2008/NĐ-CP của Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục thành lập, tổ chức, hoạt động và giải thể cơ sở bảo trợ xã hội, tại điểm d, Điều 13 “Định mức cán bộ, nhân viên”, quy định rõ: Người tâm thần nặng (kích động, sa sút giai đoạn cuối): 1 nhân viên chăm sóc 2 đối tượng; người tâm thần đã thuyên giảm: 1 nhân viên chăm sóc 3 đến 4 đối tượng; người tâm thần đã phục hồi: 1 nhân viên chăm sóc 8 đến 10 đối tượng. Còn tại mục 2 của điều này quy định: Cán bộ, nhân viên làm công tác dinh dưỡng bao gồm tiếp phẩm, nấu ăn: 1 nhân viên phục vụ 20 đối tượng... Thế nhưng, tính đến thời điểm hiện nay tổng số cán bộ, viên chức và lao động hợp đồng của trung tâm mới chỉ có 127 người, trong đó 60 biên chế, 44 hợp đồng có lương và 22 người hợp đồng chưa có quỹ lương với mức hưởng chỉ là 1.725.000 đồng/tháng. 

Tất cả vì tình thương đối với người bệnh

Đó là tâm sự của các cán bộ, nhân viên đang công tác tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Thanh Hóa. Dù khó khăn luôn thường trực, nhưng họ đã biết vượt qua để làm tốt nhiệm vụ theo chức trách của mình. Trao đổi với chúng tôi, chị Cao Thị Lý, Phó trưởng phòng Tổ chức-Tài chính, cho biết: “Ở trung tâm này có tới 60% số chị em phụ nữ có con nhỏ. Hằng ngày, các chị phải dậy sớm đưa con đi học, để 7 giờ sáng phải có mặt tại trung tâm làm việc. Còn chiều đến lại phải đón con muộn. Cũng may, các thầy, các cô ở các trường mà chị em gửi con đều thông cảm...”. 

Đang nói, giọng chị như nghẹn lại. Tôi quay sang nhìn thì thấy mắt chị ngấn lệ. Một cán bộ của trung tâm cho tôi biết, chị Lý cũng trong số những chị em có con nhỏ. Nhưng chị lại ở xa trung tâm tới 7km, thế mà hôm nào cũng hoàn thành việc đưa, đón con và không hề muộn, hay bớt xén giờ làm việc... 

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Trung, Phó giám đốc trung tâm giới thiệu với tôi chị Phạm Thị Thúy, nhân viên làm việc tại Khoa 3. Qua trao đổi, tôi được biết, chị Thúy hiện là nhân viên hợp đồng (hợp đồng không quỹ lương) ở trung tâm. Mỗi tháng, thu nhập của chị là 1,725 triệu đồng. Số tiền này quả là ít ỏi để lo cuộc sống gia đình, trong khi đứa con một tuổi rưỡi của chị vẫn phải gửi người trông giúp. Cũng may, chồng chị đang công tác tại khu công nghiệp Nghi Sơn (Nghệ An) có mức lương cũng tạm ổn nên cuộc sống gia đình đỡ khó khăn. 

Cùng hoàn cảnh với chị Thúy còn có chị Đặng Thị Hồng, nhưng gia đình chị khó khăn hơn vì chồng chị làm công nhân xây dựng tự do, lúc có việc, lúc không. Chúng tôi gặng hỏi mãi, chị Hồng mới cho biết: “Mặc dù hai con của vợ chồng tôi còn nhỏ (đứa lớn 2 tuổi, đứa nhỏ 7 tháng tuổi), nhưng tôi nghĩ mình vẫn còn may mắn hơn rất nhiều người, vì mình còn khỏe mạnh, còn có chồng, có con, còn được sự thương yêu, đùm bọc của bố mẹ, anh chị em. Còn hầu hết số bệnh nhân đang điều trị tại trung tâm gần như bị bỏ rơi, không mấy khi được người thân quan tâm. Từ suy nghĩ ấy nên nhiều khi bị bệnh nhân đánh vô cớ nhưng chúng tôi không hề giận, mà chỉ thấy thương. Vì chỉ những lúc lên cơn, họ mới có những hành động thiếu suy nghĩ, còn bình thường rất hiền, thậm chí còn nhút nhát nữa...”. Đó là lý do các chị sẵn sàng vượt lên tất cả khó khăn trong cuộc sống gia đình để gắn bó với trung tâm, ngày đêm chăm sóc những bệnh nhân khuyết tật về trí tuệ.

Bác sĩ Ngô Duy Dương, Trưởng khoa Tâm thần 3, giải thích thêm với chúng tôi: “Bình thường, những bệnh nhân ở đây không có gì đáng sợ. Thế nhưng, với những người bị khuyết tật về thần kinh thì ranh giới giữa cái thiện và cái ác rất mong manh. Họ có thể lên cơn bất cứ lúc nào. Ngay cả tôi cũng nhiều lần bị bệnh nhân hành hung, gây thương tích. Chính vì vậy, cán bộ, nhân viên ở trung tâm luôn quán triệt tư tưởng, khi tiếp xúc với người bệnh, phải gần gũi, thân thiện tránh tạo ra kích động, nhưng phải luôn cảnh giác, có dự phòng để phòng tránh. Khi trực ca đêm, khi đi kiểm tra phòng bệnh nhân phải đi từ 2-3 người để bảo vệ cho nhau”.

Chị Nguyễn Thị Lĩnh, người đã hơn 30 năm “làm bạn” với bệnh nhân khuyết tật về thần kinh tâm sự: “Trước khi về công tác tại trung tâm, tôi đã có thời gian là chiến sĩ thông tin thuộc Sư đoàn 363, Quân chủng Phòng không-Không quân. Với chiến sĩ thông tin, trực đêm trực hôm là chuyện thường ngày. Thế mà năm 1989, khi về công tác tại trung tâm và một vài năm tiếp theo tôi lại sợ phải trực đêm. Thân nữ, đêm hôm phải đi kiểm tra phòng bệnh của những bệnh nhân nam bị bệnh tâm thần, thực sự nhiều lúc tôi không tránh khỏi nỗi sợ hãi. Nhất là tôi và một số đồng nghiệp đã từng bị bệnh nhân hành hung, thậm chí xé quần, xé áo nhiều lần. Thế nhưng, cứ nghĩ đến những người bệnh, trong đó có không ít những người là đồng chí, đồng đội, cũng đã có những năm tháng trong quân ngũ như mình, nay bị ốm đau, bệnh tật, tôi lại tự động viên mình vượt qua tất cả để hoàn thành nhiệm vụ. Với chúng tôi, không có gì vui hơn khi chứng kiến bệnh nhân của mình từng ngày có những biến chuyển tích cực về tâm sinh lý. Vui lắm các anh ạ! Những lúc ấy, chúng tôi quên hết những vất vả thường nhật”.

Và điều mong ước giản dị

Theo Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Công Hùng, hơn 50 năm phấn đấu, xây dựng và trưởng thành, với sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền, các cơ quan, ban, ngành ở địa phương và sự nỗ lực của các thế hệ cán bộ, nhân viên, trung tâm đã hoàn thành tốt nhiệm vụ trên giao. Năm 2014 là năm có ý nghĩa quan trọng đối với toàn thể cán bộ, công nhân viên chức và lao động hợp đồng của trung tâm. Đó là sự kiện trung tâm đón nhận Huân chương Lao động hạng nhất (lần thứ hai). Cán bộ, nhân viên trung tâm tiếp tục đoàn kết và quyết tâm giữ vững danh hiệu là một trong những đơn vị dẫn đầu trong ngành lao động-thương binh và xã hội của tỉnh Thanh Hóa và thực sự là mái ấm của 579 mảnh đời bất hạnh. 

Ông Nguyễn Công Hùng cho biết thêm: "Nhiệm vụ của trung tâm rất nặng nề, hiện nay đội ngũ cán bộ, nhân viên, lao động hợp đồng của trung tâm đều làm việc quá tải. Chính vì vậy, chúng tôi mong các cơ quan chức năng quan tâm bổ sung đủ biên chế cho trung tâm. Nếu khó khăn quá, thì cho ký hợp đồng có quỹ lương, chứ để như hiện tại thì người lao động quá thiệt thòi. Bên cạnh đó, cần quan tâm đầu tư nâng cấp về cơ sở vật chất, đáp ứng đủ chỗ ăn ở cho bệnh nhân và xe ô tô để chở bệnh nhân đi điều trị ở tuyến trên, hay xe đạp tay, cơ sở vật lý trị liệu... Nếu được hỗ trợ vốn thì vô cùng quý, nếu không thì tạo điều kiện cho trung tâm vay vốn với lãi suất thấp để tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống cán bộ, nhân viên và bệnh nhân…”.

Tâm sự của Giám đốc trung tâm như gửi gắm nỗi niềm của đội ngũ cán bộ, nhân viên, lao động của trung tâm-những người đang ngày đêm thầm lặng, miệt mài với công việc mang nặng ý nghĩa nhân văn ấy.

Bài và ảnh: VIÊT PHƯƠNG - LÊ HIỀN