QĐND - Những ngày cuối năm 2014, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức chương trình "Ấn tượng KH&CN Việt Nam năm 2014" bình chọn và công bố 9 sự kiện tiêu biểu năm 2014 trong các lĩnh vực: Cơ khí, y dược, nông nghiệp, công nghệ thông tin… Xếp số 1 là kết quả bình chọn cho công trình: Hạ thủy giàn xử lý công nghệ HRD.

Giàn xử lý công nghệ HRD nằm trong dự án phát triển mỏ Heera, Ấn Độ, ở mực nước sâu trung bình 50m của chủ đầu tư Oil and Natural Gas Corporation Limited (ONGC).

Các kỹ sư: Nguyễn Anh Dũng, Nguyễn Quốc, Tổng giám đốc Phan Thanh Tùng và Ngô Văn Thắng (từ trái sang).

Kết cấu giàn xử lý công nghệ HRD bao gồm ba phần chính là: Chân đế (jackpot), cầu dẫn (link bridge) và khối thượng tầng (topside). Trong đó, khối thượng tầng nặng 8.400 tấn là phần lớn và phức tạp nhất của dự án hoàn toàn do Tổng công ty Dịch vụ và Kỹ thuật Dầu khí (PTSC), thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam thực hiện. Dự án có quy mô lớn này được thực hiện trong thời gian ngắn (17 tháng) và đã hoàn thành đúng tiến độ với chất lượng cạnh tranh, đội ngũ thực hiện đã tự động hóa hoàn toàn trong việc kiểm soát thi công, kiểm soát thiết kế. 

Thời điểm ấy, các phương tiện thông tin đại chúng đã loan tin rộng rãi sự kiện đặc biệt này.

Dò tìm khắp lượt, chỉ thấy mấy dòng vắn tắt là Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đã trao tặng Huân chương Lao động hạng nhất và các huân chương, huy chương cao quý khác cho tập thể, các cá nhân Công ty TNHH MTV Dịch vụ Cơ khí Hàng hải PTSC (PTSC M&C), đơn vị thực hiện thầu dự án.

Và thế là cuối năm Giáp Ngọ, chúng tôi về PTSC M&C khi dự án HRD đã đạt được mốc ba triệu giờ làm việc an toàn và vừa bàn giao cho đối tác Ấn Độ.

Tổng giám đốc PTSC Phan Thanh Tùng giới thiệu tôi với kỹ sư Nguyễn Anh Dũng, Trưởng phòng kỹ thuật M&C. Chàng trai người Hà Nội với cái đầu húi khá mốt trông vẻ hơi lãng tử này đang phụ trách hơn 200 kỹ sư các loại chuyên ngành cơ khí hàng hải. Tổng giám đốc PTSC nói thêm, đây là một trong những kỹ sư mà nếu phải thuê người nước ngoài có trình độ tương đồng, chúng tôi phải trả lương không dưới 25 nghìn USD/tháng.

Trò chuyện với Nguyễn Anh Dũng, tôi được biết, trúng thầu công trình HRD không phải ngon ăn mà là khá "hóc"! "Hóc" đây không phải bộ phận thiết kế chỉ có 6 người do kỹ sư Đỗ Nam Long phụ trách lênh đênh trên biển sang Ấn Độ hành nghề mà mọi công việc do nhà thầu chính đều hết sức chậm, từ thiết kế, cung cấp vật tư. Vậy nên anh em phải ôm tất việc quản lý thiết kế, đánh giá kỹ thuật mua sắm vật tư, thiết kế thi công nâng hạ khối thượng tầng và hạ thủy. 

 "Hóc" đầu tiên là chủ đầu tư nhờ các kỹ sư PTSC M&C Việt Nam giúp cho việc kiểm soát thiết kế, kiểm tra thiết kế chi tiết mặc dù lĩnh vực đó không nằm trong phạm vi công việc của công ty.

Hóa ra hệ thống cơ khí dầu khí của một công ty dầu khí lớn của Ấn Độ cũng chưa phải chỉn chu và không có khiếm khuyết? Các kỹ sư Việt Nam đã phát hiện và xử lý hơn 200 lỗi thiết kế bất hợp lý trong mô hình 3D bị va chạm giữa kết cấu, điện và đường ống; xử lý hơn 100 lỗi thiết kế đấu nối của nhà thầu thiết kế. Nhà thầu thiết kế không có kinh nghiệm để thiết kế hệ thống điều hòa và thông gió do không gian trên giàn khoan rất hẹp. Để hỗ trợ nhà thầu chính AFCONS, các kỹ sư thiết kế của PTSC M&C đã làm ngày làm đêm, đưa ra một mô hình 3D hoàn hảo cho hệ thống này giúp giảm thiểu rất nhiều rủi ro trong công tác mua sắm, thi công và chạy thử.

Rồi việc các kỹ sư PTSC M&C đã có sáng kiến giúp giảm thiểu hàng trăm giờ công thiết kế đẩy nhanh tiến độ dự án. Cả việc kiểm soát thiết kế để mua sắm vật tư, đánh giá kỹ thuật, tìm giải pháp bảo đảm đầy đủ các thiết bị cần thiết để thi công theo đúng tiến độ.

Với cách làm việc chuyên nghiệp, có kinh nghiệm, các kỹ sư ngay trên thực địa HRD đã làm cho chủ đầu tư từ nghi ngại ban đầu đã hoàn toàn tin tưởng. Chính họ sau này đã bộc bạch rằng, bản thân chủ đầu tư cũng học hỏi được không ít điều bổ ích từ các kỹ sư Việt Nam.

Tôi đã may mắn được gặp một người từng lăn lộn suốt 17 tháng khi thì ở Ấn Độ lúc tại Vũng Tàu để cùng đồng đội làm nên huyền thoại HRD. Đó là Ngô Văn Thắng. Anh năm nay mới 27 tuổi, tốt nghiệp Đại học Xây dựng chuyên ngành Xây dựng công trình biển. Năm 2010, Văn Thắng về làm ở M&C. Phải thế nào thì cậu kỹ sư vừa ra trường ấy mới được lựa chọn vào tham gia một công trình thủy được coi là lớn, hóc búa ở Việt Nam, đó là dự án Biển Đông I. Dự án trọng điểm quốc gia này có ý nghĩa lớn không chỉ về kinh tế mà còn về chủ quyền, an ninh quốc phòng. Dự án có khối lượng thi công chế tạo hơn 35.000 tấn. Đây cũng là dự án có giàn công nghệ trung tâm đầu tiên được thi công chế tạo tại Việt Nam và hạ thủy bằng đường trượt có tổng tải trọng hạ thủy lên đến 14.500 tấn, lớn nhất từ trước đến nay.

Ở dự án này, Văn Thắng được giao nhiệm vụ tính toán, thiết kế thi công, nâng hạ và hạ thủy thiết bị. Là kỹ sư trẻ, mới ra trường chưa được bao lâu, nhưng chỉ qua dự án đầu tiên, anh đã trưởng thành vượt bậc và đến dự án thứ hai là HRD đã một mình hoàn toàn kiểm soát công nghệ hạ thủy có tính chất phức tạp hơn so với dự án Biển Đông I.

PTSC M&C hiện có hơn 120 kỹ sư Việt Nam chuyên về thiết kế chi tiết và hơn 100 kỹ sư chuyên về thiết kế thi công, tính toán hạ thủy, vận tải, lắp đặt ngoài khơi v.v.. được đào tạo bài bản trong và ngoài nước, có kinh nghiệm và chuyên môn giỏi ở các lĩnh vực thiết kế công nghệ, kết cấu, cơ khí, đường ống, bồn bể, điện, điều khiển tự động. Công ty đã xây dựng và duy trì được hệ thống đối tác, nhà thầu thiết kế trong nước và khu vực, qua đó có thể sử dụng nguồn lực và hỗ trợ lẫn nhau trong việc đào tạo, phát triển năng lực và chia sẻ công việc khi cần thiết. 

Đó là phần thiết kế thi công nâng hạ khối thượng tầng (KTT) 8.200 tấn, một hạng mục hết sức khó khăn, phức tạp. Chỉ một công việc hạ thủy nhưng có tới 8 bên tham gia. Ngoài PTSC M&C còn có Mammoet; Dockwise; Technip India; HydroPack; MWS; ONGC; Technip Vietnam với nhiều công việc thực hiện cùng lúc (kéo trượt, bơm nước dằn; kích nâng sà lan; kích nâng điều khiển phân tải của KTT lên dầm hạ thủy; kiểm soát thủy triều…). Tất cả các tính toán, thiết kế liên quan, đầu mối kỹ thuật, quản lý giao diện… dồn lên vai một kỹ sư kết cấu xây dựng Việt Nam Ngô Văn Thắng. Và anh đã không phụ lòng tin của mọi người!

Một chàng trai vàng khác của M&C được Trưởng phòng Nguyễn Anh Dũng nhiệt tình giới thiệu với chúng tôi là Nguyễn Quốc. Anh khởi nghiệp ở PTSC cuối năm 2011, nhưng ngay lập tức đã tạo được ấn tượng vì có kiến thức chuyên môn sâu, lập luận sắc bén khiến nhiều nhà chuyên sản xuất, cung cấp thiết bị động (máy bơm; máy nén) cũng phải thừa nhận, nhiều kỹ sư của họ làm hàng chục năm cho công ty nhưng không hiểu sâu như anh. Do đó, chỉ trong vài năm, Nguyễn Quốc đã tham gia nhiều dự án: Biển Đông 1, Sư Tử Trắng, Hải Sư Trắng Đen, Thái Bình Hàm Rồng, Sư Tử Vàng Tây Nam, Maharaja Lela South (Bru-nây) và là một trong những tấm gương điển hình, tiêu biểu của Phòng Thiết kế và công ty.

Mảnh dẻ nhưng rắn rỏi, Nguyễn Quốc ít nói về mình quá… Mà chàng kỹ sư này nghe trưởng phòng giới thiệu có lắm cái "hot" ngay từ khi đang ngồi ghế Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh. Từng đoạt Huy chương Vàng cho sinh viên tốt nghiệp đầu khóa, bằng giỏi, lớp kỹ sư tài năng-sinh viên giỏi toàn diện nên mới được chọn cử đi thực tập tốt nghiệp tại Hàn Quốc…

Tôi biết những ca phỏng vấn hay khai thác nhân vật dạng như Nguyễn Quốc là phải một chút "ba cùng" thì mới có được điều mình cần. Sinh năm 1988, ra trường cuối năm 2011. Bố mẹ làm nông. Từ một cậu bé nông dân quê ở Diên Khánh, Khánh Hòa đến một kỹ sư chế tạo máy, chuyên môn chững chạc tại một Trung tâm kỹ thuật Dầu khí nổi tiếng của quốc gia, hai năm liền là Chiến sĩ thi đua cơ sở… là cả một câu chuyện dài thú vị...

Lúc chuẩn bị rời trụ sở, khi chỉ còn lại tôi với Trưởng phòng Nguyễn Anh Dũng, anh chần chừ điều gì đó rồi nói tôi nán lại một chút. Kỹ sư Dũng cười, có một chuyện ngoài dự án HRD suýt quên chưa kịp nói… Đó là việc kỹ sư Nguyễn Quốc đã làm đầu mối kịp thời giải quyết một sự cố tránh được nguy cơ phải đóng giàn khoan dẫn đến việc thiệt hại hàng triệu USD…

Qua câu chuyện của kỹ sư Dũng, có thể mường tượng thế này: Cụm máy nén được lắp đặt trên tàu Ruby II FPSO nhằm mục đích cấp khí ép vỉa và điều khiển đến các giàn khoan Ruby B, Pearl và Topaz của PCVL. Kể từ khi đưa vào vận hành tháng 11-2010, máy nén đã xảy ra nhiều sự cố như gãy kết cấu đỡ, hư hỏng hệ thống làm mát dầu, vỡ xéc-măng… buộc phải nhiều lần tắt máy, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình khai thác, sản xuất.

PTSC đã thuê Công ty Sixtee gồm các chuyên gia nước ngoài để phân tích đánh giá, tìm nguyên nhân. Nhưng dò dẫm mãi vẫn chưa tìm ra bệnh. Do yêu cầu sản xuất, PTSC đã yêu cầu Nguyễn Quốc và một nhóm kỹ sư nghiên cứu của Phòng Thiết kế vào cuộc. Sau một thời gian bắt tay vào việc, kỹ sư Nguyễn Quốc đã chủ động đưa ra 4 bước để xử lý. Và kết quả cuối cùng, mới chỉ thực hiện quy trình bước 1 đã khắc phục được sự cố và không xảy ra trục trặc nào từ đầu năm 2014 đến nay!

Tạm biệt những chàng trai vàng của M&C của PTSC, chợt nhớ thêm PTSC có những con người, thiết bị được coi như thứ vưu vật của quốc gia vậy? 

Bây giờ, với sự kiện HRD, M&C và PTSC như khẳng định thêm năng lực, vai trò tổng thầu xây lắp cho các dự án dầu khí trên bờ, ngoài khơi, đáp ứng được các nhu cầu kỹ thuật dầu khí chất lượng cao trong nước, vững bước vươn ra khu vực và trên trường quốc tế.

Bài và ảnh: XUÂN BA