QĐND Online - Đến Làng Hữu nghị Việt Nam (xã Vân Canh, huyện Hoài Ðức, Hà Nội), chứng kiến các em bị nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin ăn mặc gọn gàng, chơi đùa trong các khu nhà sạch sẽ…. ít ai biết rằng, đằng sau đó là bàn tay chăm sóc tận tình của những người mẹ đặc biệt nơi đây. Chỉ khi đến và chứng kiến cuộc sống của các em, chúng tôi mới phần nào hiểu được nỗi vất vả, sự hy sinh thầm lặng của các mẹ.

Ở đây, các mẹ phải giao tiếp với các em nhỏ bằng những… ngôn ngữ “đặc biệt”. Tại Làng Hữu nghị Việt Nam, hiện có 6 nhà chăm sóc, nuôi dưỡng các em nhỏ, mỗi nhà có từ 20-22 em với 2 mẹ thay nhau chăm sóc. Mẹ Lê Thị Bích Hợp (53 tuổi, ở Vân Canh, Hoài Đức), đang phụ trách nhà T3 có 20 em nhỏ. 10 năm công tác ở làng, mẹ Hợp vẫn nhớ như in những ngày đầu tiếp xúc, chăm sóc các em. Thoạt đầu, nhìn những đứa trẻ thường sống trong đau đớn, vật vã, nửa đêm lên còn la hét ầm ĩ, đập đầu vào tường, có em lại ngơ ngơ ngác ngác cả ngày… mẹ Hợp thấy bất lực và nghĩ mình không thể tiếp tục công việc. Thế nhưng, nhờ tình thương dành cho những mảnh đời bất hạnh, mẹ Hợp đã vượt qua những khó khăn ban đầu và gắn bó lâu dài với làng.

Mẹ Lê Thị Bích Hợp đang đưa các em đến lớp đi học.

Mẹ Hợp cho biết: “Trong nhà, có những em bị thiểu năng trí tuệ, có em vừa câm vừa điếc, em thì khiếm thính, em không đi lại được, không kiểm soát được hành vi của mình, những người mẹ như chúng tôi phải đặc biệt quan tâm, gần gũi với từng em để hiểu rõ từng thói quen, tính tình, sở thích của mỗi em thì mới có thể chăm sóc, dạy bảo, an ủi các em trở lại bình thường”.

Chị Trần Thị Ban, phụ trách nhà T6 có 21 em gái. Vào làng được 9 năm, những vất vả, khó khăn dường như được in trên khuôn mặt của chị. Chị Ban cho biết: “Nhiều cháu bị thiểu năng trí tuệ, tật nguyền mà tình cảm lắm! Những lúc nhận được cái ôm âu yếm hay nghe những câu nói ngô nghê của các em, chúng tôi cảm động vô cùng! Đó cũng chính là niềm an ủi, là động lực để chúng tôi tiếp tục công việc của mình”.

Cũng chính nhờ tình yêu thương đối với các em nên mẹ Ban tình nguyện sẽ đồng hành cùng các em ở đây đến khi nào không thể. Mẹ bảo: “Tất cả các em đều là con, cháu của các cựu chiến binh từng hiến trọn tuổi thanh xuân vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Giờ đây, mình có sức khỏe nên sẽ cố gắng hết sức, chỉ mong chăm sóc, nuôi dưỡng các cháu được khỏe mạnh”.

Mẹ Công Thị Thúy phụ trách nhà T6 có 22 em, trong đó có 19 em gái và 3 em trai. Mẹ mới vào làng được một năm nhưng chừng ấy thời gian cũng đủ cho mẹ hiểu được những khó khăn, nhọc nhằn khi chăm sóc các em. Tất cả việc nhà, mẹ đều giao lại cho chồng và các con. Trong nhà mẹ Thúy có em Đặng Thị Nụ (sinh năm 1999, quê ở Thường Tín, Hà Nội) bị câm, điếc, mù và thiểu năng trí tuệ. Năm nay đã 15 tuổi, nhưng em vẫn không thể tự làm được việc gì, tất cả đều nhờ sự giúp đỡ của các mẹ. Mẹ Thúy cho biết: “Nụ có hoàn cảnh đặc biệt, bố mất sớm, mẹ bỏ nhà đi, ông bà già yếu không ai chăm sóc nên đã nhờ làng nuôi dưỡng lâu dài. Em không thể tự đi lại được, thường chỉ ngồi một chỗ, lại “hoa chân múa tay” suốt ngày. Khổ nhất là khi đi vệ sinh, các mẹ phải rất kiên trì thì mới làm được”.

Mẹ Công Thị Thúy đang chăm sóc cho em Nụ.

Mẹ Thúy cho biết thêm: Trong nhà T6 còn có em Trần Thị Nguyệt Thương (sinh năm 2002, ở Nam Định), bố mẹ mất sớm nên em được đưa vào đây. Ban ngày Thương bình thường, nhưng cứ đến khoảng 9-10 giờ đêm thì Thương lại nói lảm nhảm một mình. Ban đêm, Thương dậy 2 đến 3 lần đập đầu liên hồi vào giường. Các mẹ lại phải lót gối cho em đập. Còn em Bùi Ngọc Tú (16 tuổi, quê ở Vĩnh Phúc) bị thiểu năng trí tuệ, tự kỷ, hay đứng ở xó cửa hoặc ngồi gầm bàn la hét. Em thích ngồi một mình, đi đâu không ngồi chung với ai trừ các mẹ. Khi không ưng điều gì, Tú sẽ đánh trả, thậm chí đánh, chửi lại cả các mẹ. Còn em Phạm Văn Mạnh (sinh năm 2007, quê ở Nam Định) lại khác, bị câm, điếc. Theo mẹ Thúy, Mạnh là em thông minh, nhanh nhạy, sống tình cảm, nhưng khi ngủ, Mạnh thường bị mộng du, ảo tưởng nên hay đi lung tung. Để tránh trường hợp Mạnh bị ngã cầu thang, các mẹ phải khóa trái cửa phòng em mỗi khi đêm xuống.

Ở Làng Hữu nghị Việt Nam, các mẹ không chỉ nhớ rõ họ tên, quê quán, tuổi, gia cảnh của từng em mà các mẹ còn biết mỗi em một tính cách, đứa hay cáu, đứa hay la hét, đứa ưa nịnh, đứa không thích nói xấu mình… nên phải thực sự kiên nhẫn, tâm huyết và có lòng thương yêu thực sự vì các mẹ nghĩ, chỉ có như vậy, các mẹ mới chăm sóc các em được tốt nhất. Sự hy sinh cao cả, thầm lặng của các mẹ rất đáng tự hào nhưng hiện nay chế độ cho các mẹ nơi đây còn khá thấp. Với thu nhập bình quân ở mức 2,5 triệu đồng/tháng và không có thêm bất cứ khoản trợ cấp nào khác khi khối lượng công việc khá nhiều và vất vả, các mẹ thậm chí không đủ trang trải cho cuộc sống hằng ngày của mình. Dù với đồng lương thu nhập ít ỏi như vậy, nhưng khi được hỏi, liệu các mẹ có ý định từ bỏ công việc của mình đang làm, các mẹ đều cho hay, họ quyết tâm gắn bó với công việc đầy gian nan, khó khăn này. Bởi lẽ, với những người mẹ đặc biệt ấy, được nhìn thấy các em khỏe mạnh mỗi ngày đã là hạnh phúc !

Bài và ảnh: VŨ MINH