QĐND - Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 6 (2014-2015) do Báo Quân đội nhân dân phối hợp với Vụ Báo chí - Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương), Nhà xuất bản Quân đội nhân dân và Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC), thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam phát động khép lại đầy ấn tượng và lắng đọng. Hơn 200 tác phẩm dự thi đã đem đến cho bạn đọc một luồng cảm xúc dạt dào về cuộc sống tươi mới, về sức mạnh của tình yêu thương. Những nhân vật được phản ánh qua các tác phẩm dự thi bình dị thôi mà cao quý biết nhường nào, tưởng như huyền thoại mà hiện hữu giữa đời thường, tưởng như không bao giờ có mà nhiều lắm ở quanh ta…

Lấp lánh vẻ đẹp chân - thiện - mỹ

Cuộc thi năm nay thu hút đông đảo người viết chuyên nghiệp và không chuyên gửi bài về ban tổ chức. Nhiều bài viết được đầu tư công phu cả về thời gian và cách thể hiện. Đặc biệt, có khá nhiều tác giả có hàng chục bài viết gửi về tham gia cuộc thi. Báo Quân đội nhân dân đã lựa chọn, giới thiệu với bạn đọc 107 tác phẩm, phản ánh sinh động những việc làm tốt, cách làm hay, con người giàu lòng nhân ái.

Một trong những điểm nhấn của cuộc thi lần này là các lĩnh vực phản ánh được mở rộng. Qua các tác phẩm dự thi, phát hiện trên toàn quốc hàng trăm tấm gương bình dị đã làm được những việc tốt và cao quý vì đất nước, vì cộng đồng, có tác dụng lan tỏa sâu sắc trong xã hội. Họ là những cán bộ, đảng viên lão thành, cựu chiến binh, thanh niên, sinh viên, tiến sĩ, kỹ sư, nhà doanh nghiệp, chiến sĩ quân đội, công an, nông dân, người lao động… đang ngày đêm âm thầm làm việc, cống hiến, sẵn sàng hy sinh quyền lợi riêng để cuộc sống của cộng đồng ngày càng nhân văn hơn, tốt đẹp hơn. Đó là những tấm gương tiêu biểu của truyền thống yêu nước, của bản sắc văn hóa Việt Nam. Họ đã phát huy truyền thống quên mình, vượt khó, siêng năng, sáng tạo trong chiến đấu, học tập, lao động sản xuất, không ngại hy sinh gian khổ, thương người như thể thương thân, “lá lành đùm lá rách”, “lá rách ít đùm lá rách nhiều”… Những việc làm của họ được đồng đội, láng giềng, những người xung quanh trân trọng, suy tôn và cảm phục. Trong số họ có người chưa phải là đảng viên, nhưng mang trong mình phẩm chất của người cộng sản. Cuộc thi đã phát hiện được nhiều tấm gương cảm động, đáng khâm phục mà việc làm và nhân cách của họ lấp lánh vẻ đẹp chân-thiện-mỹ.

Bí thư kiêm Chủ tịch xã Pờ Dần Xinh thường xuyên cày bừa, chăm lo sản xuất làm gương cho mọi người (nhân vật trong tác phẩm đoạt giải nhì - Người bí thư "đi đầu và đứng đầu" ở ngã ba biên giới, tác giả Hoàng Giang - Công Minh).

Cuộc sống hiện đại với muôn màu muôn vẻ, có lẽ, cái chung nhất của mọi cõi lòng chính là hướng tới điều tốt đẹp cho cả xã hội cũng như từng mái ấm, từng vùng quê, từng con người. Đó là đích đến và cũng là điều tạo nên nét ấn tượng của cuộc thi. “Cái chung” ấy, ta có thể dễ dàng thấy được qua tinh thần “xe chưa qua, nhà không tiếc” trong tác phẩm “Hai cựu chiến binh phá nhà, hiến đất xây dựng nông thôn mới” của tác giả Nguyễn Thị Hương; hình ảnh cô giáo vùng sâu, vùng xa làm ấm lòng học trò trong bài viết “Bữa mỳ trưa tràn đầy tình thương” của tác giả Thiên An; người thương binh giàu lòng nhân ái gần 20 năm cứu chữa nhiều người thoát khỏi bệnh hiểm nghèo trong tác phẩm “Từ người bệnh trở thành “thầy thuốc” của tác giả Nguyễn Mạnh Dũng; “Cựu chiến binh nghèo gần 10 năm đi tìm đồng đội” của tác giả Duy Hiển - Duy Thỉnh; “Ông Tơ” mang hạnh phúc đến với những người khuyết tật" của tác giả Đình Hùng…

Cô giáo Nguyễn Thị Kim Lan chuẩn bị bữa trưa cho học trò (nhân vật trong tác phẩm đoạt giải nhì - Bữa mỳ trưa tràn đầy tình thương, tác giả Thiên An).

 

Chính sự đa dạng, phong phú của nhân vật và lĩnh vực được phản ánh đã tạo nên tính đặc sắc của Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 6 này. Qua những tấm gương “người tốt, việc tốt” trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội được thể hiện trong các tác phẩm, dưới ngòi bút sinh động của các tác giả, đã mang đến cho người đọc một cái nhìn, cách cảm nhận khá toàn diện về truyền thống, đạo lý tốt đẹp từ ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Và, những điểm sáng trong nhân cách, tấm lòng nhân ái được khám phá qua cuộc thi như một lát cắt đạo lý của dân tộc ở thế kỷ XXI, khiến mỗi người đọc được đều như thấy lòng mình trong sáng hơn, hướng thiện hơn.       

Cựu chiến binh Lê Xuân Thực cùng vợ thu hái thuốc nam tại vườn dược liệu của gia đình (nhân vật trong tác phẩm đoạt giải ba - Từ người bệnh trở thành "thầy thuốc", tác giả Nguyễn Mạnh Dũng).

  
Lắng đọng và lan tỏa

Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 6 đã giới thiệu 107 tấm gương “người tốt, việc tốt” trên khắp mọi miền đất nước, trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Bằng cách làm khác nhau, song họ đều chung một mục đích cống hiến sức lực của mình vào công cuộc xây dựng đất nước ta "ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn", nhân ái hơn. Họ chính là những tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ, là nhân tố điển hình trong phong trào thi đua yêu nước. Không chỉ phát hiện, tôn vinh, cuộc thi còn nhằm mục đích tạo sức lan tỏa mạnh mẽ và nhân rộng những tấm gương điển hình trong toàn xã hội.

Trong bài viết “Hai cựu chiến binh phá nhà, hiến đất xây dựng nông thôn mới”, tác giả Nguyễn Thị Hương đã phản ánh sinh động sức hiệu triệu, lan tỏa của việc làm tốt. Gương ông Hóa, ông Lân cùng nhiều cán bộ, đảng viên khác hiến đất đã cổ vũ, động viên người dân các xóm thuộc xã Nam Nghĩa lần lượt làm theo. Nam Nghĩa trở thành xã đi tiên phong trong phong trào hiến đất làm đường của huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Toàn xã chỉ có hơn 1.000 hộ, mà có hơn 800 hộ tự nguyện hiến đất, góp vốn xây dựng các hạng mục công trình nông thôn mới. Với hơn 800 hộ hiến đất, xã có gần 100.000m2 đất để làm đường và xây dựng các công trình phúc lợi; người dân tự nguyện phá dỡ hơn 2.000m bờ rào xây, 10 chuồng bò, 28 cổng xây... với tổng trị giá gần 700 triệu đồng. Nhiều gia đình đã phá cả nhà ở để phục vụ quy hoạch lại đường nông thôn. Ông Nguyễn Hữu Thanh, Phó bí thư Đảng ủy xã Nam Nghĩa khẳng định: “Nếu không có những tấm gương đi đầu, như vợ chồng ông Hóa, ông Lân và nhiều hộ nữa, thì việc xây dựng nông thôn mới của Nam Nghĩa chúng tôi còn rất khó khăn”.

Vợ chồng CCB Trần Bá Lân (nhân vật trong tác phẩm đoạt giải nhất - Hai cựu chiến binh phá nhà, hiến đất xây dựng nông thôn mới, tác giả Nguyễn Thị Hương).

Ở nhiều tác phẩm dự thi khác cũng cho thấy, việc làm tốt, cách làm hay đã được những người xung quanh nhiệt tình ủng hộ, học tập, noi theo, làm theo. Tuy kết quả của những việc “làm theo” ấy ở mức độ khác nhau, song bước đầu đã chứng minh được tính hiệu triệu, lan tỏa sâu sắc trong cộng đồng.

Thêm một minh chứng sinh động cho sức lan tỏa của cuộc thi, là nhiều cá nhân, tổ chức sau khi đọc các tác phẩm dự thi đã liên hệ với ban tổ chức để kết nối với nhân vật trong bài viết, cùng chung tay làm việc thiện. Một số người đã học hỏi các mô hình, cách làm hiệu quả qua các tác phẩm dự thi để áp dụng sáng tạo, phù hợp với thực tiễn gia đình, địa phương nơi cư trú. Nhiều bạn đọc gọi điện, viết thư bày tỏ sự cảm kích với những việc làm cao quý của các nhân vật được phản ánh trong bài viết, mong cuộc thi được duy trì thường xuyên để tuyên truyền nhiều hơn nữa những “bông hoa việc tốt”. Không ít tác giả không chuyên, tuy chưa một lần cầm bút viết báo nhưng đã nhiệt tình phản ánh tấm gương người tốt ở ngay bên cạnh mình, với những con chữ tuy còn vụng về nhưng đậm chất nhân văn. Có bạn đọc gọi điện về tòa soạn Báo Quân đội nhân dân, giới thiệu “những tấm gương bình dị mà cao quý” để “nhờ” phóng viên đến tìm hiểu và viết bài… Tất cả những việc làm ấy đã phản ánh phần nào hiệu ứng lan tỏa, ý nghĩa nhân văn của Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” với việc tôn vinh cái đẹp, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, hướng đến mục tiêu làm cho “cả xã hội ta là một rừng hoa đẹp” như lời Bác Hồ đã nói.

Sau hai vòng chấm sơ khảo và chung khảo, Hội đồng giám khảo đã lựa chọn 15 tác phẩm xuất sắc nhất để ban tổ chức trao giải, gồm: 1 giải nhất; 2 giải nhì; 3 giải ba; 9 giải khuyến khích và 1 giải tập thể.

Giải nhất được trao cho tác phẩm Hai cựu chiến binh phá nhà, hiến đất xây dựng nông thôn mới, tác giả Nguyễn Thị Hương (Nguyễn Hồng Hải). 2 giải nhì, gồm: Bữa mỳ trưa tràn đầy tình thương, tác giả Thiên An; Người bí thư “đi đầu và đứng đầu” ở ngã ba biên giới, tác giả Hoàng Giang, Công Minh (Hoàng Trường Giang, Nguyễn Văn Minh). 3 giải ba, gồm: Những người tạo nên thương hiệu dầu khí Việt Nam, tác giả Xuân Ba; Từ người bệnh trở thành “thầy thuốc”, tác giả Nguyễn Mạnh Dũng; Ông chủ rừng nơi cửa biển, tác giả Nguyễn Xuân Diệu. 9 giải khuyến khích, gồm: “Ông tơ” mang hạnh phúc đến với những người khuyết tật, tác giả Đình Hùng; Mang nước ngọt ra Trường Sa bằng... trí tuệ, tác giả Hoàng Hà, Văn Duyên; Chuyện cảm động về một tiến sĩ binh nhì, tác giả Phan Huyền; “Ông bụt” giữa đời thường, tác giả Trần Thị Thu Hiền; Tấm lòng người cựu chiến binh với Trường Sa, tác giả Mè Thắng, Xuân Cường; Niềm tự hào của ngành y học dự phòng Việt Nam, tác giả Thu Hương; Chiến lược phát triển luôn gắn với lợi ích cộng đồng, tác giả Tuyết Hương, Thanh Trúc (Nguyễn Sĩ Bình, Nguyễn Huỳnh Thanh Trúc); Cựu chiến binh nghèo gần 10 năm đi tìm đồng đội, tác giả Duy Hiển, Duy Thỉnh; “Thầy” Trường nghị lực phi thường, tác giả Nguyễn Chí Hòa. Giải tập thể được trao cho đoàn viên, thanh niên Học viện An ninh nhân dân (Bộ Công an)-đơn vị có nhiều tác phẩm tham gia Cuộc thi và có hình thức quảng bá hiệu quả về cuộc thi.

 

 

Lễ tổng kết, trao giải Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý", lần thứ 6 (2014-2015) được tổ chức vào hồi 20 giờ, ngày 9-6-2015, tại Nhà hát Bến Thành (số 6, Mạc Đĩnh Chi, phường Bến Nghé, quận 1, TP Hồ Chí Minh). Tại lễ tổng kết và trao giải, Báo Quân đội nhân dân phối hợp với Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank) tổ chức chương trình giao lưu-nghệ thuật với chủ đề "Trọn đời theo Bác", nhằm tôn vinh những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, nhân rộng những gương “người tốt, việc tốt”, những kinh nghiệm hay, cách làm hiệu quả trong phong trào thi đua yêu nước của các tấm gương bình dị mà cao quý đã được đăng tải trên Báo Quân đội nhân dân... Chương trình được truyền hình trực tiếp trên Kênh VTV2, Đài Truyền hình Việt Nam; phát thanh trực tiếp trên Hệ Thời sự-Chính trị tổng hợp (VOV1), Đài Tiếng nói Việt Nam; được ghi hình và phát sóng trên Kênh Quốc phòng Việt Nam (QPVN).

ĐÀO HỒNG