Trong số 6 giải nhất có Dự án “Hoàn thiện công nghệ và sản xuất thử nghiệm lốp máy bay bơm hơi không có săm cho máy bay L-39” do Đại tá, TS Nguyễn Hữu Đoàn, Phó viện trưởng Viện Kỹ thuật Phòng không-Không quân (Quân chủng Phòng không-Không quân) làm chủ nhiệm. Đây là kết quả của quá trình lao động, sáng tạo không mệt mỏi của anh và các đồng nghiệp trong suốt nhiều năm qua. Thành công của dự án đã khẳng định năng lực của đội ngũ kỹ sư Viện Kỹ thuật Phòng không-Không quân trong việc nghiên cứu, chế tạo các sản phẩm lốp máy quân sự phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh của đất nước.

Đại tá, TS Nguyễn Hữu Đoàn.  

Đại tá, TS Nguyễn Hữu Đoàn sinh năm 1964, tại Ba Đình, Hà Nội. Anh nguyên là học viên chuyên ngành Máy bay động cơ của Trường Sĩ quan Không quân, từng có thời gian công tác tại Trung đoàn 917, Trung đoàn 918 và phục vụ tại nước bạn Cam-pu-chia. Từ năm 1987 đến 1992, anh theo học tại Học viện Giucopski (Liên Xô); từ năm 1994 đến 1998, là nghiên cứu sinh tại Liên bang Nga. Về nước, anh được cấp trên điều động về Viện Kỹ thuật Phòng không-Không quân và gắn bó với đơn vị từ đó đến nay. Là người được đào tạo rất cơ bản ở trong nước và nước ngoài, đồng thời lại được thử thách, tôi rèn từ thực tế nên Đại tá, TS Nguyễn Hữu Đoàn có kiến thức nền vững chắc để vận dụng lý thuyết vào thực tiễn một cách hiệu quả nhất. Từ khi được biên chế về Phòng Nghiên cứu máy bay động cơ, anh đã cùng với các đồng nghiệp bắt tay thực hiện thành công nhiều nhiệm vụ, dự án, đề tài có giá trị. Nổi bật là đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước “Nghiên cứu, chế tạo lốp máy bay bơm hơi không có săm cho máy bay L-39” do anh làm chủ nhiệm đã nghiệm thu với kết quả loại A vào năm 2010. Từ năm 2012 đến 2014, đề tài này đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cho mở dự án cấp Nhà nước “Hoàn thiện công nghệ và sản xuất thử nghiệm lốp máy bay bơm hơi không có săm cho máy bay L-39”. Tháng 3-2015, dự án đã được nghiệm thu cấp Nhà nước.

Trao đổi với chúng tôi về dự án này, Đại tá, TS Nguyễn Hữu Đoàn cho biết, cơ sở để anh và các đồng nghiệp tin dự án này thành công là bởi trước đó, công nghệ chế tạo lốp máy bay bơm hơi có săm đã được Viện Kỹ thuật Phòng không-Không quân hợp tác với Công ty Cổ phần Cao su Sao Vàng nghiên cứu thành công, chuyển sang sản xuất hàng loạt cung cấp cho Quân chủng Phòng không-Không quân sử dụng hiệu quả. Do vậy, trong dự án này, các anh chỉ tập trung giải quyết một số tồn tại sau đề tài nghiên cứu, như: Thiết kế và triển khai dây chuyền công nghệ chế tạo lốp máy bay L-39; hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất lốp máy bay L-39 trên dây chuyền công nghệ của dự án; hoàn thiện đơn pha chế và công nghệ chế tạo các hỗn hợp cao su thành phần của lốp; hoàn thiện tiêu chuẩn, phương pháp và quy trình đánh giá chất lượng lốp xuất xưởng…

Sản phẩm lốp máy bay không săm do Viện Kỹ thuật Phòng không-Không quân phối hợp với Công ty Cổ phần Cao su Sao Vàng sản xuất đã được ứng dụng hiệu quả tại Trung đoàn 910 (Trường Sĩ quan Không quân). 

Trên thực tế, để nhập dây chuyền và nhận chuyển giao công nghệ sản xuất lốp máy bay từ nước ngoài phải mất khoảng 20 triệu USD (tương đương hơn 400 tỷ đồng). Song, nếu dựa vào dây chuyền sản xuất lốp ô tô đã có, chúng ta có thể sử dụng chung một số thiết bị cơ bản, như: Thiết bị cán luyện, cán tráng, quấn vòng tanh, thành hình, thiết bị lưu hóa… Để sản xuất được lốp máy bay, chúng ta chỉ cần đầu tư thêm các thiết bị chuyên dùng, như: Trống thành hình lốp, khuôn lốp, màng lưu hóa, vành ổn định sau lưu hóa và các thiết bị kiểm tra chất lượng lốp như thiết bị ép tĩnh, chạy lý trình, thử độ bám vành, độ đâm thủng, độ bất cân bằng, thiết bị thử độ bền chịu phá nổ… Các thiết bị này cũng chỉ chiếm khoảng 5-10% tổng đầu tư đồng bộ dây chuyền sản xuất lốp máy bay. Trước đó, Dự án sản xuất thử nghiệm lốp có săm của máy bay MiG-21 và Su-22 cũng thực hiện theo phương án này và đã thành công tốt đẹp.

Bên cạnh đó, trong số nguyên vật liệu đầu vào để sản xuất lốp máy bay thì cao su thiên nhiên chiếm thị phần cao nhất (đến 60%) và nguyên liệu này đều có tại Việt Nam. Còn các vật tư, hóa chất khác, như: Than đen chống mài mòn, ZnO, a-xít stearic, chất phòng lão, chất xúc tiến và trợ công nghệ, chất làm mềm… đều có thể nhập trực tiếp từ các công ty nước ngoài hoặc mua của các công ty thương mại trong nước. Mặt khác, do việc kết hợp với dây chuyền công nghệ lốp ô tô nên chi phí đầu tư cho thiết bị không quá lớn, đồng thời nhờ sử dụng chung thiết bị nên việc cung cấp năng lượng điện, nước, khấu hao thiết bị cho một sản phẩm cũng ít hơn. Đó còn chưa kể đến giá nhân công ở nước ta cũng rẻ hơn so với nước ngoài từ 3 đến 5 lần; chi phí cho vận chuyển thấp hơn rất nhiều so với nhập ngoại…

Sau 3 năm miệt mài nghiên cứu, Dự án “Hoàn thiện công nghệ và sản xuất thử nghiệm lốp máy bay bơm hơi không có săm cho máy bay L-39” đã thành công tốt đẹp. Với 4 đợt sản xuất thử nghiệm thành công, dự án đã cho ra đời 800 lốp máy bay L-39, trong đó có 600 lốp sau và 200 lốp trước. Đại tá, TS Nguyễn Hữu Đoàn khẳng định, quá trình sản xuất từ khâu pha chế, cán luyện, chế tạo bán thành phẩm đến khâu thành hình và lưu hóa lốp đều được cán bộ kỹ thuật của dự án giám sát chặt chẽ và kiểm tra từng khâu. Tiêu chuẩn chất lượng lốp máy bay đạt tương đương lốp do nước ngoài sản xuất. Số lốp này đã được đưa vào khai thác, sử dụng tại Trung đoàn 910, Trường Sĩ quan Không quân và được đánh giá đạt kết quả tốt, bảo đảm an toàn bay. So với giá nhập ngoại lốp máy bay L-39, giá lốp hiện tại của dự án rẻ hơn 30%. Như vậy, theo nhu cầu cung cấp lốp máy bay hằng năm, nếu sản xuất trong nước theo công nghệ này có thể làm lợi được 2-2,5 tỷ đồng/năm cho Quân chủng Phòng không-Không quân và Bộ Quốc phòng.

Hiện nay, dây chuyền và công nghệ chế tạo lốp máy bay bơm hơi không săm L-39 đã được xây dựng và triển khai; quy trình công nghệ hoàn thiện đã được áp dụng tại Công ty Cổ phần Cao su Sao Vàng. Nó sẽ được tiếp tục ứng dụng để sản xuất theo đặt hàng hằng năm của Quân chủng Phòng không-Không quân và Bộ Quốc phòng. Khi cần thiết, dây chuyền và công nghệ này có thể được chuyển giao cho các xí nghiệp quốc phòng. Bên cạnh đó, sản phẩm của dự án đã được thương mại hóa, có thể bán trong nước và nếu tìm được thị trường có khả năng xuất khẩu, có khả năng cạnh tranh với thị trường khu vực và thế giới về chất lượng, giá cả. Đối với kinh tế, xã hội và môi trường, quốc phòng, an ninh, dự án đã tạo ra một ngành nghề mới là sản xuất lốp máy bay, khi được triển khai hết công suất sẽ tạo thêm công ăn việc làm cho công nhân Việt Nam, mang lại lợi ích về kinh tế. Đối với quốc phòng, nó chủ động, kịp thời cung cấp thêm một loại phụ tùng thay thế rất cần thiết và khan hiếm cho máy bay huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.

Để đến được thành công của dự án này, Đại tá, TS Nguyễn Hữu Đoàn và các đồng nghiệp đã phải đi một chặng đường rất dài, tốn rất nhiều thời gian, công sức, tiền của. Những tưởng anh sẽ nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng sau khi dự án này kết thúc thì anh lại phấn khởi “bật mí” cho chúng tôi biết dự định mới-đó là tiếp tục với đề tài nghiên cứu, chế tạo lốp máy bay bơm hơi không có săm cho máy bay Su-30. Đó mới đúng là bản chất thật của những người say mê nghiên cứu khoa học như anh-luôn khát khao cháy bỏng được tìm tòi, sáng tạo, cống hiến sức lực, trí tuệ của mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bài và ảnh: NGUYỄN THÀNH TRUNG