QĐND - Hơn 20 năm đi tìm đồng đội, bao nhiêu lần con trăng mọc rồi lặn và cũng bấy nhiêu lần cây rừng thay lá, người lính già, người thương binh sắp bước sang tuổi “xưa nay hiếm” Vũ Hồng Sáu đã đi qua hàng trăm bản làng, bước lên hàng trăm ngọn núi, lội qua không biết bao nhiêu con sông, con suối để tìm kiếm, quy tập và đưa về các nghĩa trang 74 bộ hài cốt liệt sĩ; đánh dấu hàng trăm số mộ và tên liệt sĩ ở các nghĩa trang gửi về thông báo cho các địa phương và gia đình thân nhân liệt sĩ.

Một thời cống hiến

Mùa khô Tây Nguyên nắng gió hanh hao khắc nghiệt. Khi những bông hoa dã quỳ nở rộ trên những triền đồi, cũng là lúc cựu chiến binh Vũ Hồng Sáu bắt đầu những chuyến đi lặng thầm trên khắp các chiến trường cũ để tìm kiếm, quy tập và đưa hài cốt đồng đội về với người thân. 

Ông Vũ Hồng Sáu kiểm tra, đối chiếu lại tọa độ để chuẩn bị cho hành trình đi tìm đồng đội.

Chúng tôi đến thăm gia đình cựu chiến binh Vũ Hồng Sáu ở số 74 phố Tô Vĩnh Diện (phường Hoa Lư, TP Plei-cu, tỉnh Gia Lai) vào một chiều cuối năm 2014. Trong căn nhà ấm áp, vợ chồng già-một thời từng là đồng chí, đồng đội-vẫn dành cho nhau những cử chỉ âu yếm dù đã bước sang tuổi xưa nay hiếm. Nắm chặt tay chúng tôi, ông Sáu mở đầu câu chuyện:

 - Tôi sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Gia Hòa, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Đầu năm 1968, khi vừa tròn 20 tuổi, tôi làm đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ và được biên chế vào Đại đội 10, Tiểu đoàn 2, Bộ tư lệnh 306 Đặc công. 

Sau ba tháng huấn luyện, ông cùng đồng đội lên đường vào Nam chiến đấu. Đến tháng 9-1968,  ông nhận lệnh sang đất nước Cam-pu-chia, giúp bạn xây dựng lực lượng, củng cố chính quyền cơ sở và tham gia giải phóng 3 tỉnh: Prếch Vi-hia, Ra-ta-na-ki-ri, Mun-đun-ki-ri. Chiến trường khốc liệt, nhưng ở cương vị nào, địa phương nào, ông cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Hai năm sau, ông vinh dự được kết nạp Đảng. Cuối năm 1970, hoàn thành nhiệm vụ quốc tế, người lính tình nguyện Vũ Hồng Sáu trở về nước và được điều đến nhận nhiệm vụ ở Trung đoàn 25, Mặt trận Tây Nguyên, sau đó về công tác tại Trung đoàn 733, Sư đoàn 315, Quân khu 5. Thời gian này, ông cùng đơn vị chiến đấu chủ yếu ở vùng biên giới Gia Lai, Kon Tum, tiếp giáp với nước bạn Cam-pu-chia và Lào. Năm 1987, ông về làm Phó tham mưu trưởng, Trưởng ban Tác chiến Bộ CHQS tỉnh Gia Lai-Kon Tum (cũ) và nghỉ hưu tháng 6-1993 với quân hàm thượng tá. Nhắc lại những kỷ niệm trong quân ngũ, ông Sáu chia sẻ:

- Trong cuộc đời quân ngũ, tôi may mắn có thời gian trở thành chiến sĩ của Binh chủng Đặc công, chiến đấu nhiều nơi, tham gia nhiều trận chiến quyết liệt. Đặc biệt, tôi vinh dự được sang Cam-pu-chia để cùng với đồng đội giúp đỡ chính quyền, nhân dân nước bạn anh em chống lại kẻ thù chung. Thời gian tham gia làm nhiệm vụ ở nước bạn để lại trong tôi nhiều kỷ niệm không bao giờ quên. Chính trong khoảng thời gian này, tôi đã tìm thấy một nửa của đời mình, nữ tình báo H’Yan Niê-Phạm Thị Kim Nhung. 

Vì đồng đội thân yêu

Đến nay, trên 20 năm lặng lẽ đi tìm đồng đội ở khắp các chiến trường, có những lúc ông Sáu cũng muốn nghỉ ngơi vì tuổi cao, sức khỏe hạn chế. Song, hình ảnh đồng đội đã anh dũng hy sinh vẫn còn nằm đâu đó dưới những tầng đất lạnh; niềm mong mỏi đau đáu của thân nhân liệt sĩ mong đón các anh về đã thôi thúc ông đứng dậy, bỏ qua những cơn đau của vết thương cũ để bước tiếp. Dẫu vậy, công việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ vốn chẳng dễ dàng khi thời gian đã trôi qua khá lâu, địa hình có nhiều thay đổi, rừng rậm, đồi núi, sông suối… Đó là chưa kể, những chuyến độc hành ấy ông đã bao phen phải đối diện với hiểm nguy bom đạn còn sót lại dưới lòng đất. Nhưng bằng kinh nghiệm của người lính đặc công, cùng việc nắm chắc địa hình, sử dụng thành thạo la bàn và khả năng đọc bản đồ một cách chính xác, hơn 20 năm qua, ông Sáu đã đi qua không biết bao nhiêu bản làng, đồi núi, sông suối trên địa bàn biên giới tỉnh Gia Lai, Kon Tum và vùng Đông Bắc nước bạn Cam-pu-chia để tìm kiếm hài cốt đồng đội. Trong cuộc hành trình gian lao vất vả đó, ông đã phát hiện, đưa 74 hài cốt liệt sĩ về yên nghỉ cùng đồng đội tại nghĩa trang; ghi chép, đánh dấu số mộ, danh tính của hàng trăm liệt sĩ ở các nghĩa trang gửi về thông báo cho các địa phương và gia đình thân nhân liệt sĩ.

Lục tìm trong chiếc túi vải đã sờn, ông Vũ Hồng Sáu lôi ra chiếc la bàn và tấm bản đồ cùng một số giấy tờ ghi danh sách liệt sĩ, giấy báo tử, thư cảm ơn của các gia đình liệt sĩ… tất cả đã cũ kỹ, xỉn màu. Ông chia sẻ:

- Suốt những năm qua, nhờ vào tấm bản đồ và chiếc la bàn này mà tôi đã tìm được rất nhiều vị trí an táng liệt sĩ. Mới đây nhất, người nhà của một số liệt sĩ đã liên lạc với tôi để đưa hài cốt các anh về an táng tại quê nhà, như: Liệt sĩ Nguyễn Văn Sơn, Trung úy, Đại đội trưởng Đại đội 4, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 25, quê ở Hà Nội; liệt sĩ Trần Kình, Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 631, Mặt trận Tây Nguyên, quê ở Ninh Bình; liệt sĩ Phan Thanh Huệ, Chính trị viên Đại đội 4, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 25, quê ở Hải Dương; liệt sĩ Lê Xuân Trang, Trung đoàn phó, Tham mưu trưởng Trung đoàn 733, Sư đoàn 315, quê ở thị xã Ninh Bình. Đây là bốn liệt sĩ cùng đơn vị, cùng chiến đấu với tôi. Tôi đã trực tiếp an táng các đồng đội. Khi đó, tôi hứa với các đồng đội là đất nước thống nhất, sẽ báo cho gia đình và đưa các anh về quê yên nghỉ. Thực hiện được lời hứa với đồng đội, tôi thấy lòng mình thanh thản lạ…

Điều đáng quý ở thương binh Vũ Hồng Sáu không chỉ là việc âm thầm, lặng lẽ đi tìm hài cốt đồng đội mà ông muốn làm đến tận cùng việc nghĩa. Bởi ông tin rằng, các liệt sĩ cũng mong mỏi được trở về quê hương và người thân của họ ở đâu đó cũng đang lặn lội đi tìm. Vì vậy, sau khi tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, ông Sáu lại khăn gói tìm về các đơn vị của liệt sĩ đã từng chiến đấu trước đây để tra cứu địa chỉ thân nhân. Có những lúc thư gửi đi bị trả lại vì có sự thay đổi, chia tách địa giới hành chính nên không còn địa chỉ cũ, nhưng ông vẫn kiên trì hồi đáp, thậm chí liên lạc nhờ chính quyền địa phương hỗ trợ… Có lẽ vì vậy mà có hài cốt được cất bốc về nghĩa trang liệt sĩ huyện, nhưng hơn 10 năm sau người thân của liệt sĩ mới biết tin và tìm đến xin đưa về quê nhà như trường hợp liệt sĩ Phan Thanh Huệ. Liệt sĩ Phan Thanh Huệ được ông Sáu phát hiện và cất bốc tại khu vực núi Chikara (xã Ia Pếch, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai), rồi được ông đưa về an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Ia Grai. Hơn mười năm sau, gia đình mới có điều kiện vào xin đưa về an táng tại quê nhà (xã Hợp Tiến, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương).

Trò chuyện với chúng tôi về kinh nghiệm đi tìm hài cốt liệt sĩ, ông Vũ Hồng Sáu bộc bạch:

- Trước khi đi tìm, phải làm tốt công tác chuẩn bị, từ tâm lý của vợ con, đến thu thập các tài liệu liên quan như danh sách liệt sĩ tham gia trận đánh nào, ở đâu; giấy báo tử của gia đình (nếu ghi KT là của Tây Nguyên)… Căn cứ vào giấy báo tử để phán đoán liệt sĩ đã từng chiến đấu ở vùng nào, qua đó xác định vị trí cụ thể. Khi lấy được tọa độ, dùng la bàn và dựa vào nhân dân để tìm kiếm hài cốt các liệt sĩ. Nếu đào được hài cốt mà có dép râu Trung Quốc, cúc áo 4 lỗ, hoặc bao đựng ống nhòm Liên Xô thì chắc chắn là cán bộ, chiến sĩ của mình.

Kể đến đây, tôi thấy khóe mắt ông ngấn đỏ. Người thương binh, người cựu chiến binh thực sự xúc động. Lặng đi hồi lâu, ông Sáu nói tiếp:

- Chiến tranh, hy sinh mất mát nhiều. Những đồng đội cùng chung chiến hào, mình biết nơi ngã xuống, biết vị trí an táng mà không đưa anh em về thì lòng không yên, tâm lúc nào cũng trĩu nặng.

Dẫu tuổi ngày một cao, vết thương trong người lúc trở trời, trái gió lại sưng đau, khả năng đi lại không còn nhanh nhẹn, nhưng ông Vũ Hồng Sáu vẫn tâm niệm: Còn sức thì còn đi tìm để đưa các anh về với gia đình, với quê hương. 

Bài và ảnh: QUANG DŨNG – PHƯƠNG DUNG