Hình ảnh đầu tiên tôi chứng kiến khi đến thăm gia đình là anh đang say sưa lật mở những bộ sưu tập quý của mình về Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trước khi nghỉ hưu, anh là cán bộ Phòng Kế hoạch tổng hợp, Chánh Thanh tra, Chủ tịch Công đoàn cơ sở… Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cu Ba, Đồng Hới. Anh luôn được mọi người quý mến bởi đức tính hiền lành và tinh thần làm việc tận tụy; luôn nhiệt tình giúp đỡ bệnh nhân và gia đình đến khi đến khám, chữa bệnh.

Cựu chiến binh Đào Thông với những bộ sưu tập hình ảnh, tư liệu về Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.               

Hỏi thăm tình hình gia đình anh, tôi rất vui khi được biết, con trai đầu của anh là Đào Giang Sơn, trước đây từng là người năng nổ đi đầu của Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam-Cu Ba, Đồng Hới về hiến máu nhân đạo, với 12 lần tham gia hiến máu. Sau gần 10 năm gặp lại, tôi càng mừng hơn bởi sự cố gắng, trưởng thành của cháu. Từ nhân viên điều dưỡng của Phòng Cấp cứu bệnh viện, nhờ tích cực công tác, học tập nâng cao trình độ, cháu đã tốt nghiệp thạc sĩ điều dưỡng và hiện tiếp tục nối nghiệp cha, công tác tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam-Cu Ba, Đồng Hới.

Thấy tôi quan tâm đến những tập ảnh về Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, anh Đào Thông rất vui giới thiệu và cùng tôi lật mở từng trang. Điều tôi rất khâm phục là với hơn 5.000 bức ảnh về Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhưng không có bức ảnh nào trùng nhau và tất cả đều được anh chú thích rõ ràng theo thứ tự thời gian. Đối với anh, đó là những kỷ vật quý giá mà suốt gần 47 năm qua anh đã miệt mài sưu tầm, cắt dán, lưu giữ, góp phần “kể lại” một cách phong phú, sinh động cuộc đời hoạt động cách mạng đầy cam go, gian khổ, nhưng rất kiên cường, bất khuất, anh dũng và tài ba của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp; đặc biệt là những bức ảnh quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng, Tổng Tư lệnh trong các chiến dịch, trận đánh lớn của Quân đội ta.

Tìm hiểu, tôi được biết, anh sinh tháng 11-1951, tại thôn Sa Động, xã Bảo Ninh-một miền quê nghèo bên bờ sông Nhật Lệ (nay thuộc xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình). Lên 8 tuổi, cậu bé Đào Thông đã mồ côi cha và lên 13 tuổi thì người mẹ của anh cũng về nơi suối vàng. Thương người em thông minh hiếu học, người anh cả của Đào Thông đã làm lụng vất vả nuôi em ăn học. Năm 1968, khi 17 tuổi, Đào Thông thi đỗ và được nhận vào học Trường Y sĩ tỉnh Quảng Bình. Học được một năm, nhà trường cử anh cùng một số đồng nghiệp sang tỉnh Sa-vẳn-na-khệt (Lào) giúp nhân dân nước bạn chống dịch bệnh. Cũng năm đó, anh đau đớn, khóc than khi nghe tin Bác Hồ từ trần. Thời gian đó, anh được người bạn tặng một cuốn sách viết về Bác Hồ, anh trân trọng nâng niu, xem đó là kỷ vật thiêng liêng và cũng từ đó anh bắt đầu kiên trì, đam mê sưu tầm tư liệu, hình ảnh về Bác Hồ.

Tháng 2-1970, sau khi giúp dập xong dịch bệnh bên nước bạn, anh cùng đồng đội trở về trường cũ tiếp tục học tập. Tháng 8-1971, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, anh lên đường nhập ngũ và vào chiến đấu tại chiến trường thuộc huyện Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên-Huế hiện nay). Anh cùng đồng đội chiến đấu rất dũng cảm, tiêu diệt nhiều sinh lực địch và được tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”; tháng 4-1974, anh được kết nạp Đảng tại chiến trường. Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một mối, tháng 8-1976, anh xuất ngũ về nhận công tác tại Sở Y tế tỉnh Quảng Bình; từ năm 1981, anh được điều chuyển về công tác tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam-Cu Ba, Đồng Hới cho đến năm 2011 thì về nghỉ hưu tại quê nhà.

Trong thời gian công tác, mặc dù bận rộn với công việc chuyên môn, nhưng anh vẫn dành thời gian sưu tầm, hoàn thiện những bộ sưu tập của mình về Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Anh kể:

 - Năm 1973, trong lúc đang ở chiến trường đánh giặc ác liệt, đơn vị chúng tôi bất ngờ và vui mừng khi được nhận món quà của Đại tướng từ miền Bắc gửi vào Nam cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Mỗi chúng tôi được nhận quà là một điếu thuốc lá Điện Biên, một chiếc kẹo Hồng Hà, một phong bì có hình ảnh Chiến thắng Điện Biên Phủ, cùng chữ ký của Đại tướng. Nhận được món quà đó, cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị như được tiếp thêm sức mạnh, chiến đấu dũng cảm hơn, lập được nhiều chiến công và được Đại tướng khen ngợi. Đến nay, tôi vẫn lưu giữ chiếc bì thư đó; đồng thời sưu tầm thêm nhiều tư liệu và hình ảnh về Đại tướng. 

Năm 2006, qua hàng chục năm sưu tầm, lưu giữ tư liệu, hình ảnh, anh Đào Thông bắt đầu đóng thành từng tập bộ sưu tập về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh với bốn tập dày hàng trăm trang, lưu giữ hơn 3.000 tư liệu, hình ảnh của Người. Có những bức ảnh rất quý hiếm, như hình ảnh Bác Hồ vẫy tay chào trong một hội nghị, phía sau Bác là Thủ tướng Phạm Văn Đồng cùng nhiều đồng chí lãnh đạo khác. Bức ảnh được in trên giấy nứa, cũng là bức ảnh đầu tiên về Bác Hồ mà anh sưu tầm được. Anh vui vẻ đưa cho chúng tôi xem bộ sưu tập ghi dấu những nơi Bác Hồ từng đến, những cuộc gặp gỡ của Bác với các nguyên thủ quốc gia trên thế giới, về những chuyến Bác đi thăm, làm việc ở nhiều vùng, miền của đất nước; cả những hình ảnh Bác huấn luyện võ thuật cho các chiến sĩ, hoặc ra đồng cùng bà con nông dân…

Biết anh có bộ sưu tập rất dày công và nhiều tư liệu về cuộc đời hoạt động của Bác Hồ, nên có cô giáo trường tiểu học ở gần nhà, sau khi giảng bài về viên gạch hồng mà Bác dùng để sưởi ấm suốt mùa đông giá lạnh trong quá trình bôn ba ở nước ngoài tìm đường cứu nước, đã dẫn các em đến nhà cựu chiến binh Đào Thông đề nghị được xem bộ sưu tập. Tại đây, cựu chiến binh Đào Thông đã lật giở trong bộ sưu tập của mình bài viết và hình ảnh về viên gạch hồng mà Bác đã dùng để sưởi ấm trong mùa đông, làm các em học sinh càng thêm khâm phục, kính trọng Bác Hồ kính yêu, thêm hiểu những gian nan, vất vả mà Người đã trải qua trong những năm hoạt động cách mạng ở nước ngoài.

Phấn khởi với bộ sưu tập quý của mình, cựu chiến binh Đào Thông tiếp tục giới thiệu với tôi tư liệu, ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Anh cho biết: “Những người lính Cụ Hồ như chúng tôi từng trải qua bom, đạn chiến tranh, càng thấu hiểu và quý trọng những tình cảm mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp dành cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và cán bộ, nhân dân. Do vậy, tôi luôn nghĩ mình phải cố gắng sưu tầm, để lại cho thế hệ hôm nay và mai sau những tư liệu, hình ảnh sống động, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc”. Trong hơn 2.000 bức ảnh về Đại tướng trong bộ sưu tập, anh Thông đặc biệt tâm đắc với các bức ảnh: Đại tướng được Bác Hồ giao nhiệm vụ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam; bức ảnh Đại tướng cưỡi ngựa đi Chiến dịch Biên giới Thu-Đông 1950; bức ảnh Đại tướng và Anh hùng Lao động Phạm Thị Nghèng cùng các cháu thiếu nhi Quảng Bình...

Để có được hơn 5.000 bức ảnh, bài viết về Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cựu chiến binh Đào Thông đã trải qua một quá trình tìm tòi, sưu tập rất công phu. Có những lần sau khi nghe Đài Tiếng nói Việt Nam đọc bản tin, bài viết về Bác Hồ, anh đã đến các thư viện tìm kiếm trong hàng nghìn tờ báo lưu giữ để có được bài viết, hình ảnh mà anh mong muốn. Nhiều lần, với chiếc xe đạp cà tàng, anh đã đạp xe hơn 40km từ thị xã Đồng Hới về huyện Lệ Thủy-quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp để thăm nhà lưu niệm và sưu tầm thêm một số hình ảnh là tư liệu quý của gia đình Đại tướng…

Hiện nay, mặc dù đã 65 tuổi, nhưng cựu chiến binh Đào Thông vẫn hăng hái tham gia các công việc của địa phương trên các cương vị: Chi hội trưởng Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh của thôn; Tổ phó Tổ thúc đẩy cộng đồng phát triển nông thôn mới thôn Sa Động, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy xã Bảo Ninh... Công việc nào anh cũng hăng hái tham gia và hoàn thành tốt, được cấp ủy, chính quyền, bà con thôn xóm và đồng nghiệp tin yêu. Khi còn công tác, anh tích cực tham gia các cuộc thi do tỉnh Quảng Bình và Trung ương phát động và đạt nhiều giải thưởng. Từ khi về nghỉ hưu ở địa phương, anh vẫn tích cực tham và đạt giải tại các cuộc thi: “Tìm hiểu pháp luật về biên giới quốc gia” năm 2012; “Tìm hiểu pháp luật về an toàn giao thông” năm 2013 của tỉnh Quảng Bình. Thấy anh đảm đương nhiều công việc, có người khuyên anh nên nghỉ ngơi, cho tuổi già thư thái, nhưng anh chỉ cười mà rằng: “Tôi chưa thể nghỉ được, vì như thế là chưa làm tròn bổn phận của một cựu chiến binh-Bộ đội Cụ Hồ. Chính những phẩm chất và đức hy sinh vì nước, vì dân của Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã truyền cho tôi bầu nhiệt huyết cách mạng. Những bộ sưu tập của tôi cũng góp phần giúp con trai mình luôn có chí tiến thủ vươn lên và cháu được thành đạt như hiện nay”.

Nghe anh tâm sự, tôi càng thêm hiểu về lòng tôn kính vô bờ, về tâm huyết của anh đối với công việc sưu tầm tư liệu về Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, mà suốt gần 47 năm qua anh luôn say sưa, miệt mài “như con ong cần mẫn mang mật ngọt cho đời”. Chia tay anh, tôi thấy lòng mình thêm ấm áp và mong rằng, anh sẽ tiếp tục phát huy phẩm chất, truyền thống của Bộ đội Cụ Hồ, đồng thời những bộ sưu tập quý của anh về Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ luôn sống mãi với thời gian, phát huy hiệu quả hơn nữa trong giáo dục truyền thống cho các tầng lớp nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Bài và ảnh: TRẦN VĂN BÌNH