Vượt lên số phận nghiệt ngã
Cách thành phố Hà Nội chừng 70km, không khó khăn chúng tôi đã tìm được nhà chị Phạm Thị Lý và tình cờ “được dự” một buổi dạy học của chị. Một lớp học rất đặc biệt, khi cô giáo bị liệt hai chân, ngồi một chỗ, viết lên chiếc bảng cầm tay những dòng chữ xinh xắn, như đặt cả tâm hồn mình vào từng nét chữ ấy để dạy cho học trò và gửi gắm “cái tình” của “người mẹ hiền” trong đó. Bên dưới lớp học là hơn chục học sinh nhỏ quây xung quanh cô giáo, chăm chú đọc dõng dạc từng chữ trong bài học. Cùng chúng tôi ngắm nhìn lớp học tại gia đình rộng chưa đầy 20m2, chị Lý tâm sự về cuộc đời khó khăn, cũng như nghị lực phi thường của mình.
Cô giáo Phạm Thị Lý và các học sinh nhỏ của mình.
Là con út trong gia đình có 3 chị em, ngay từ khi cắp sách đến trường, Phạm Thị Lý luôn là học sinh giỏi các cấp và ấp ủ giấc mơ trở thành cô giáo, nhưng số phận nghiệt ngã bất ngờ ập đến với chị. Năm 2002, khi chuẩn bị tốt nghiệp trung học phổ thông thì bệnh tim bẩm sinh của chị tái phát, phải nhập viện cấp cứu. Trải qua ca phẫu thuật tim, chị bị ảnh hưởng di chứng, hai chân teo lại không đi được và trở thành người khuyết tật vĩnh viễn.
Hơn một tháng nằm viện, nhìn ra xung quanh chỉ có bốn bức tường, lại nghĩ đến ước mơ của mình còn đang dang dở ... nước mắt chị ứa ra. Thấy chị bệnh tật đau yếu lại chán nản như vậy, cha mẹ và gia đình đã không quản ngày đêm chăm sóc, tìm thuốc thang khắp nơi để cứu chữa và động viên tinh thần để cố gắng thắp lên những tia hy vọng, dù là nhỏ nhất với chị. Thấu hiểu nỗi vất vả của cha mẹ, Phạm Thị Lý tự động viên mình “không được gục ngã, dù còn chút sức lực cũng cố gắng đóng góp cho xã hội và gia đình”.
Hằng ngày, cứ mỗi khi đỡ mệt, chị lại mang những cuốn sách yêu thích ra đọc và giải những bài toán cấp 3 mà mình đang học dở. Thấy em ham học và có năng khiếu sư phạm, chị họ của Phạm Thị Lý đã gửi cô con gái thứ hai của mình là cháu Trịnh Quỳnh Anh (đang học lớp 1) nhờ cô Lý dạy kèm giúp. Nhờ gia đình động viên, chị đã quyết định dạy kèm cho cô cháu gái và cũng chính từ đây chị đã “thắp lên niềm hy vọng của cuộc đời mình” để viết tiếp ước mơ.
Chị Lý chia sẻ: “Giáo viên bình thường dạy theo kiến thức hiện nay đã là rất khó, phải thường xuyên chịu khó học hỏi, nâng cao trình độ của bản thân. Học để làm thầy dạy chữ, dạy người càng khó hơn”. Thời gian đầu, chị phải vừa dạy, vừa học lại những nội dung cơ bản của cấp 1 để trang bị cho bé Quỳnh Anh những kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa. Dưới sự hướng dẫn, kèm cặp của chị Lý, bé Quỳnh Anh tiến bộ rõ rệt, nhất là hai môn văn và toán, kết thúc năm học là một trong những học sinh học giỏi nhất lớp.
Niềm vui, hạnh phúc bình dị
Nghe tin chị Lý dạy học, người dân trong làng không ai tin nổi, nhiều người còn bàn ra tán vào, cho rằng “đã bị liệt như vậy thì dạy sao nổi?”. Thế nhưng, thật bất ngờ, lớp học đầu tiên do chị kèm cặp, dạy dỗ, các em học sinh đều đạt khá và giỏi qua từng học kỳ và từng năm học, được các thầy, cô giáo ở trường đánh giá cao. Nhiều gia đình khâm phục và tìm đến tận nơi, được mục sở thị lớp học của chị thì ai nấy đều thán phục. Tiếng lành đồn xa, bà con trong xóm và anh chị em trong gia đình đã quyết định gửi gắm con em mình nhờ chị kèm cặp, giúp đỡ. Ai nhờ chị cũng giúp. Chị Lý tâm sự: “Tôi bị bệnh tật như vậy không làm gì được, nên giúp được gì cho ai thì đều cố gắng hết sức mình”. Cứ thế, hơn 10 năm qua, căn nhà nhỏ bé của gia đình chị đã trở thành một lớp học thu hút khá nhiều học sinh trong vùng, chủ yếu là con em các gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.
Để đảm bảo việc học tập của học sinh đạt hiệu quả, chị Lý phân chia ra các đối tượng: Các cháu đang học lớp 1, lớp 2 thì tập viết chữ; lớp 3, 4 và lớp 5 thì tập làm toán. Tùy học lực của các cháu mà chị cho bài tập khác nhau và còn truyền đạt, giáo dục cho các cháu kiến thức về cuộc sống, xã hội, kỹ năng sống và bài học làm người qua những câu chuyện, trang sách. Lớp học của chị hoàn toàn miễn phí; cứ cháu nào muốn đến học là chị đều nhiệt tình giúp đỡ. Nhiều gia đình đã đưa con em đến nhờ chị giúp, hầu hết là các cháu trong xã, huyện và cả các huyện khác của tỉnh Hưng Yên.
Mỗi khóa, chị nhận dạy từ 30 đến 35 cháu và không lấy tiền học phí. Chị xúc động chia sẻ: "Cuộc đời mình khổ cực rồi, nên giờ chỉ muốn làm điều gì đó có ích cho xã hội, để mọi người xung quanh mình có nhiều niềm vui, thế là hạnh phúc lắm rồi!”. Nhiều hôm trở trời, bệnh tật lại hành hạ khiến toàn thân chị đau nhức, có lần phải đi viện để điều trị, nhưng sợ học sinh mất buổi học chị lại gắng gượng “xin về để dạy, không để mất buổi học của các cháu”. Khi được hỏi về kinh nghiệm dạy học, chị Lý cho biết: “Bản thân không trải qua bất kỳ lớp đào tạo nghiệp vụ sư phạm nào, nên ban đầu cũng gặp rất nhiều khó khăn, bỡ ngỡ, nhưng vì đây là niềm đam mê, nên mình luôn cố tìm ra các phương pháp dạy học dễ hiểu, gần gũi và phù hợp nhất cho học sinh của mình. Tôi làm vì ước mơ của mình, không vụ lợi, chỉ cần nhìn thấy các cháu tiến bộ là mình vui rồi”.
Chị Lý tâm sự, xã hội ngày càng phát triển, kiến thức và tài liệu sách giáo khoa thay đổi nên chị luôn phải đọc và học hỏi qua sách vở và lên mạng tìm kiếm tài liệu. Cũng may trong nhà có chị gái của chị là chị Phạm Phương Nga, giáo viên Trường Tiểu học Phan Đình Phùng (huyện Mỹ Hào, Hưng Yên) giúp đỡ về kiến thức chuyên môn và tài liệu dạy học.
Cứ thế, hơn 10 năm qua, lớp học của cô Lý đã giúp cho hơn 120 học sinh nghèo trong vùng học tập tiến bộ. Có những cháu nhiều năm liền đạt học sinh giỏi của Trường Tiểu học Thị trấn Yên Mỹ như: Đỗ Thiện Lương, Phạm Khánh Ly, Phạm Kiều Anh… Điều đặc biệt trong lớp học này là các cháu học sinh đều gọi chị bằng cái tên rất gần gũi, thân thương: “Mẹ Lý”. Chị Nguyễn Thị Phàn, là hàng xóm và cũng là phụ huynh của hai học sinh đang gửi nhờ chị Lý dạy dỗ, chia sẻ: “Cô Lý rất tốt và là một tấm gương sáng về nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Cô giúp rất nhiều cho người dân trong vùng, nhưng không yêu cầu, đòi hỏi gì. Nhờ những bài giảng của cô mà con chúng tôi thêm tiến bộ. Cô không chỉ dạy cho bọn trẻ kiến thức mà còn dạy những bài học đạo đức, lẽ sống, nhân cách”.
Chúng tôi ra về khi lớp học của “mẹ Lý” lại rộn vang tiếng cười đùa của trẻ thơ. Chị lại bắt đầu công việc quen thuộc và là niềm vui, hạnh phúc của mình bấy lâu. Chị gửi hồn mình vào từng bài giảng với mong muốn giản dị, mà cao đẹp là chắp cánh ước mơ cho học trò nghèo.
Bài và ảnh: ĐÀO DUY HIỆP