QĐND - Không chỉ là giáo viên dạy giỏi, tâm huyết với nghề, cô Ngô Hồng Vân, giáo viên Trường Tiểu học Đông Tảo (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) còn được đồng nghiệp, học trò và người dân địa phương gọi bằng cái tên thân mật: Cô Vân “thư viện”. Trong căn nhà nhỏ cấp bốn rộng chừng 40m2, khi bước vào, ai cũng ngạc nhiên thán phục khi bắt gặp chiếc tủ gỗ kê sát tường chứa hơn 2000 đầu sách, báo các loại được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp, khoa học... 

Từ sở thích đến... đam mê

Có mẹ là giáo viên trường làng, sau mỗi lần đi dạy hay mang sách báo, tài liệu về nhà nghiên cứu nên ngay từ khi còn nhỏ, cô bé Vân (sinh năm 1976 tại thôn Yên Vĩnh, xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu) đã rất tò mò với kệ sách của mẹ. Ban đầu là xem tranh, ảnh minh họa, sau đó, những con chữ cứ ngấm dần vào cô bé. Tranh thủ lúc rảnh, bé Vân lại vào “đọc trộm” sách của mẹ, lần lượt hết truyện, sách thường thức, rồi sách văn học... Chỉ một thời gian, bé Vân đã “ngốn” hết tủ sách của mẹ. Không “nhịn” được niềm ham mê đọc, cô bé bắt đầu lân la sang nhà hàng xóm, đồng nghiệp của mẹ, thấy ai có sách là mượn về đọc vào mọi lúc, mọi nơi có thể. Lớn lên chút nữa, khi đã dành dụm được những đồng tiền đầu tiên, Vân liền nghĩ ngay đến việc mua sách về để đọc và sưu tầm, coi đó như một thú vui của mình. Niềm đam mê sách của cô gái Ngô Hồng Vân càng được nhân lên khi năm 1994, cô tốt nghiệp hệ Sư phạm Tiểu học tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1 và được điều về nhận công tác tại Trường Tiểu học Đông Tảo. Tháng lương đầu tiên của được 120.000 đồng, cô dành toàn bộ để mua sách, còn các tháng sau trở đi, mỗi lần lĩnh lương, cô đều để dành một phần tiền để mua sách. Đến giờ, tròn 20 năm kể từ ngày nhận tháng lương đầu tiên, cô giáo Ngô Thị Hồng Vân vẫn giữ thói quen ấy mỗi tháng.

Cô giáo Vân sắp xếp lại những cuốn sách trong thư viện của mình.

 “Con kiến tha lâu cũng đầy tổ”, từ số lượng ít ỏi ban đầu, đến nay, số đầu sách trong tủ của cô giáo Vân đã lên tới hơn 2000 đầu sách các loại. Không chỉ có sách nghiên cứu, tham khảo, thư viện của cô còn có nhiều loại truyện, báo khác nhau, phục vụ cho nhu cầu của đông đảo các em học sinh và người dân địa phương. Do căn phòng khá chật nên cô phải thiết kế giá sách bám sát tường chung quanh nhà mới để đủ sách. Là giáo viên, tính lại tỉ mỉ, thích bài trí nên cô đã dành thời gian sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng, phân loại số sách theo từng chủ đề khác nhau: Sách về tự nhiên, xã hội; sách khoa học; sách giải trí... Đặc biệt, khi đọc được những bài báo hay, có tính giáo dục cao, cô đều cắt lại những trang hữu ích, sắp xếp, phân loại theo từng chủ đề, sau đó đóng quyển. Những cuốn sách do cô giáo Vân sưu tầm và đóng gáy cẩn thận đã trở thành cẩm nang hữu ích cho các học sinh và phụ huynh. Nhiều cuốn dù mới được đóng, nhưng do lượng người mượn thường xuyên, liên tục nên đã cũ nhanh, bị sờn.      

Lòng tốt của “cô thủ thư”

Từ chỗ mua sách về đọc, sau đó “nâng cấp” thành “thư viện” gia đình, đến nay, tủ sách của cô giáo Vân đã trở thành tài sản chung của cả cộng đồng dân cư trên địa bàn. “Lúc đầu, mình sưu tầm để thỏa niềm đam mê đọc sách, sau đó muốn lưu trữ cho các thành viên trong gia đình tìm hiểu, trau dồi kinh nghiệm. Nhưng, khi sách nhiều quá, mình lại nghĩ, nếu chỉ để phục vụ gia đình đọc thì rất lãng phí. Vậy là mình cải tạo, nâng cấp tủ sách như một thư viện mi-ni để phục vụ cộng đồng”-chị Vân vừa sắp xếp lại các đầu sách theo đúng thứ tự, vừa tâm sự về sự ra đời của “thư viện cô giáo Vân”.

Thời gian đầu, độc giả của thư viện cô Vân chỉ là các em học sinh, những người hàng xóm thân thiết hay qua nhà chơi. Sau đó, tiếng lành đồn xa, lượng bạn đọc tìm đến ngày càng đông. Để tránh thất thoát, nhầm lẫn, cô cẩn thận lập cuốn sổ theo dõi, ghi chép đầy đủ thông tin về người mượn, tên các đầu sách, ngày mượn, ngày trả. Cô còn nghĩ ra cách đóng dấu ký hiệu riêng của mình trên mỗi cuốn sách. Có nhiều lúc, để đáp ứng nhu cầu của bạn đọc, cô không ngần ngại dành thời gian lên tận Hà Nội, tìm đến những địa chỉ bán sách cũ để tìm kiếm, mua về, vừa tiết kiệm giá thành, lại có nguồn sách phong phú cho thư viện của mình. “Nhiều thứ cũ thì không còn giá trị, nhưng riêng sách, càng cũ càng quý nhà báo ạ!”-cô giáo Vân lấy tay vuốt lại cuốn sách cũ kinh điển rồi cười vui tâm sự với tôi. Do được bảo quản, sắp xếp gọn gàng, bạn đọc nâng niu nên nhiều cuốn sách dù có tuổi đời vài chục năm nhưng vẫn không bị rách, mất trang, quăn mép. 

Ngồi chơi trong thư viện cô giáo Vân một lát, tôi thấy thỉnh thoảng lại có người đến mượn sách để tra cứu thông tin hoặc mượn về tham khảo. Những người tìm đến thư viện của cô, từ các bác nông dân đến mượn những cuốn sách về khoa học kỹ thuật, hướng dẫn cách trồng trọt, chăn nuôi, các loại sách y học; nhiều nhất là các em tuổi mới lớn tìm đọc các loại sách hướng dẫn kỹ năng sống, giáo dục đạo đức và sách tham khảo phục vụ học tập, còn bạn bè, đồng nghiệp hay mượn từ điển, sách văn học, các loại sách phục vụ giảng dạy... “Nhà chật nhưng lòng không chật”, với suy nghĩ ấy, cô giáo Vân đã mua sắm bàn, ghế phục vụ các đối tượng muốn đọc sách tại chỗ. Với các bạn đọc mới, tuổi còn nhỏ, cô ân cần hướng dẫn kỹ năng đọc sách, tìm kiếm thông tin hiệu quả, khai thác giá trị của từng cuốn sách. Được hướng dẫn tận tình, các độc giả trẻ tuổi càng đam mê, yêu quý sách hơn, coi thư viện của cô giáo Vân như địa điểm thân quen mỗi khi rảnh rỗi. Thư viện nhỏ nhắn trong ngôi nhà chật hẹp của cô giáo rộng lòng với cộng đồng đã góp phần khơi dậy phong trào đọc sách của nhiều người dân vùng nông thôn. Có những người trước còn lười, ngại đọc sách, giờ đây đã trở thành khách quen của thư viện. 

Ngày 19-3-2014, cô giáo Ngô Hồng Vân vinh dự được Thư viện tỉnh Hưng Yên mời dự Hội nghị tổng kết công tác thư viện 3 năm (2011-2013). Cô được thư viện tỉnh đánh giá là một trong ba cá nhân tiêu biểu nhất của tỉnh và cũng là người trẻ tuổi nhất, hiện vẫn đang công tác nhưng lại tâm huyết, say mê sưu tầm, lưu trữ sách, báo. Được mời phát biểu kinh nghiệm tại hội nghị, cô đã dốc lòng mình nói về ý nghĩa, vai trò của sách, báo đối với tri thức của nhân loại. Đồng thời, chia sẻ những khó khăn ban đầu khi chị xây dựng thư viện tại nhà, trong đó, không ít những ý kiến xì xào, bàn tán, thậm chí là châm chọc. Tuy nhiên, thấy thư viện hoạt động hiệu quả, giờ đây, những người vốn cho chị là “rỗi hơi” nay đã nhìn chị với ánh mắt ngưỡng mộ, nể phục, tin yêu. 

Trước khi chúng tôi ra về, chị Vân giọng bùi ngùi, tâm sự: “Sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin đã khiến con người dần tránh xa với sách, báo giấy. Hiện tượng lười, ngại đọc sách ngày càng phổ biến và xuất hiện ở tất cả các thành phần, lứa tuổi, nhất là ở giới trẻ, các em học sinh, lứa tuổi cần đến sách nhất. Nhìn các em học sinh nông thôn mới lớn, mặc nguyên cả đồng phục nhà trường chìm đắm trong các trò chơi trực tuyến ở quán internet mà mình buồn và lo quá!”. 

Tôi chia sẻ suy nghĩ của cô Vân “thư viện” rồi chào ra về. Vừa đi, tôi vừa ước: Giá mà có nhiều hơn những người đam mê sách như cô giáo Ngô Hồng Vân, có nhiều hơn những thư viện mi ni như thư viện của cô Vân ở các vùng nông thôn thì hay biết mấy?!..

VĂN CHIỂN – MAI DIÊN