Vượt lên số phận
Vượt chặng đường gần 50km trong cái rét cắt da cắt thịt, tôi đến nhà cô giáo Kiều Thị Ánh Thuyết, sinh năm 1980, ở thôn Ngọc Bật, xã Cao Phong, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc. Từ đầu làng hỏi thăm nhà cô giáo Thuyết, nhiều người dân đều biết và nhiệt tình chỉ đường. Ngôi nhà cấp bốn đã cũ của gia đình cô nằm sâu trong ngõ hẻm, nhưng cảm giác ấm áp lạ thường. Là ngày nghỉ nên nhà có nhiều trẻ nhỏ đến học, ngồi hàng lối chỉnh tề. Trước mắt tôi làngười phụ nữ rất thấp có khuôn mặt già hơn tuổi. Thấy khách đến nhà, cô Thuyết nhanh nhẹn nhờ mẹ pha trà mời khách. Cho học sinh nghỉ giải lao trong ít phút, tiếp chúng tôi bên ấm chè xanh nóng hổi, cô giáo Thuyết bùi ngùi kể về cuộc đời mình và cơ duyên đến với nghề dạy học.
Xuất thân trong một gia đình có 8 anh chị em, các anh chị và em đều khỏe mạnh, phát triển bình thường; riêng chỉ có Thuyết đến năm lên 10 tuổi cơ thể không phát triển thêm chiều cao và có những biểu hiện khác thường. Gia đình không ngại tốn tiền của, công sức đưa Thuyết đi các bệnh viện gần xa chữa chạy, nhưng đều không tìm ra căn nguyên và phương pháp chữa trị hiệu quả. Kể từ đó đến nay, chiều cao của cô vẫn “giậm chân tại chỗ”. Càng học lên lớp cao Thuyết càng khó khăn khi tham gia các hoạt động ngoại khóa. Mỗi năm thêm tuổi mới, nỗi lo bệnh tật cũnglớn dần lên trong cô. Gần 20 tuổi, gia đình lại đưa cô đi khám bệnh thì phát hiện toàn bộ tuyến tụy và hóc môn sinh trưởng trong cơ thể cô không phát triển được. Cô và gia đình thất vọng vì bỗng dưng cô trở thành người khuyết tật.
Cô giáo Ánh Thuyết trong giờ dạy học miễn phí tại nhà.
Mặc dù vậy, Thuyết rất ham học và học giỏi. Mỗi bài giảng của thầy cô là niềm vui của Thuyết mỗi ngày. Ngay từ các lớp trung học cơ sở và trung học phổ thông, cô đã tự ý thức được rằng chỉ có học tập mới đem lại cho mình niềm vui và tiếp cận được với xã hội. Cô tự nhủ sẽ quyết tâm trở thành người “tàn nhưng không phế” nên đã vượt qua nhiều trở ngại về sức khỏe, gian khổ vì đường xa... để đến trường. Sự vất vả như càng tiếp thêm cho cô nghị lực vươn lên giành thành tích cao trong học tập. Mặc dù con gái ở làng ít người theo học cấp 3, Ánh Thuyết vẫn quyết tâm theo học đến cùng. Cô mơ ước đời mình được gắn bó với sách. Rồi cô quyết định thi và đỗ vào Trường Trung cấp Văn hóa-Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phúc, chuyên ngành thư viện. Ánh Thuyết rời vùng quê trung du Cao Phong lên TP Vĩnh Yên học tập, mang theo nỗi lo của cả gia đình... Cô sinh viên khuyết tật đã vượt qua rất nhiều khó khăn gian khổ, phấn đấu để đi đến đích cuối cùng. Năm 2005, tốt nghiệp ra trường, Ánh Thuyết mang hồ sơ đi xin việc ở nhiều nơi, nhưng thời buổi công ăn việc làm khó khăn đến đâu cô cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu từ chối.
Đam mê dạy chữ, rèn người
Trở về gia đình sau mấy năm miệt mài đèn sách, Ánh Thuyết luôn suy tư trăn trở. Mỗi ngày qua đi là một ngày lãng phí khi không làm được việc gì có ích; cuộc đời chẳng lẽ trở thành vô dụng? Rồi cô nghĩ, với điều kiện sức khỏe, bệnh tật của mình thế này thì thật khó trong đi lại, làm công việc khác nên mình ham mê cái gì thì làm cái đó, cốt là có ích cho gia đình và xã hội. Thấy các cháu con của anh chị và hàng xóm học hành chểnh mảng, thứ bảy, chủ nhật hoặc dịp nghỉ hè, các em thường mải chơi, nghịch ngợm, lại không có người quản lý; có cháu thuộc diện “ngồi nhầm lớp” vì kiến thức bị mất gốc; năm 2006, Ánh Thuyết bàn với bố mẹ và được sự nhất trí ủng hộ của cả gia đình, cô đã tổ chức dạy học, kèm cặp các cháu học tập miễn phí tại nhà. Lúc mới đầu chỉ có 8 cháu theo học; ở nhiều lứa tuổi khác nhau, từ lớp 1 đến lớp 5.
Ban đầu cô nhờ người nhà đi mua 10 chiếc bàn, ghế nhựa bằng tiền trợ cấp xã hội hằng tháng mà cô tiết kiệm được và sự ủng hộ của gia đình, bà con trong xóm. Lớp học không bảng đen, phấn trắng, không bục giảng. Cả cô và trò đều là người trong xóm, trong làng. Cô Thuyết dạy chủ yếu là Văn và Toán. Cách dạy học của cô cũng không giống như ở nhà trường mà cô kèm cặp, uốn nắn từng ly từng tí cho từng cháu. Cô giao bài tập cho các cháu tự giải, các bạn khác cùng nghe, sai thì cùng sửa. Có cháu ngại không đứng lên trước lớp học thì cô đem bài của cháu đó ra để phân tích, giảng giải chỗ đúng, chỗ sai.
Quá trình dạy học, cô phát hiện có cháu học lớp 4 mà bảng cửu chương chưa thuộc, chữ viết sai chính tả cơ bản nên cô phải dạy các cháu lại từ đầu. Không chỉ dạy chữ, cô còn truyền cho các cháu nghị lực vượt khó, ham học, dạy các cháu từ cách ăn mặc, đi đứng, nói năng, chào hỏi... Có cháu từ chỗ mải chơi đã ham học, thích học và kết quả học tập, rèn luyện có những chuyển biến rõ rệt. Vào các ngày nghỉ, dù trời mưa rét, nhưng các cháu vẫn đến học đông đủ. Hôm nào nhà trường cho nghỉ học đột xuất, các cháu lại rủ nhau đến nhà cô để học. Nhiều cháu nhờ cô Thuyết dạy dỗ mà trở lên chăm ngoan, học giỏi.
Tiếng lành đồn xa, nhiều phụ huynh và học sinh ở các thôn khác, xã khác cũng đến nhờ cô dạy học, kèm cặp thêm. Nhất là trong dịp nghỉ hè, số lượng các cháu đến xin học rất đông. Nhưng vì nhà chật cùng với cách dạy học kèm cho từng học sinh thì không thể nhận nhiều cháu được. Hiện nay, lớp học của cô Thuyết có 19 học sinh. Thấy cô Thuyết dạy học hiệu quả mà lại không lấy tiền, nhiều phụ huynh “mượn cớ” ngày lễ, Tết hoặc ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 để tặng quà, biếu cô tiền, nhưng cô kiên quyết không nhận của bất kỳ một gia đình nào. Đã có những gia đình cho cả hai con đến nhờ cô Thuyết dạy bảo.
Trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Nga, ở thôn Thục, xã Cao Phong có hai con trai là Khổng Xuân Bắc và Khổng Xuân Thiện, được cô Thuyết dạy dỗ, cho biết: “Hai cháu nhà tôi mải chơi, cô giáo chủ nhiệm ở trường thường gọi điện thông báo về sự chểnh mảng học tập của các cháu. Vợ chồng tôi đều làm nông, bận bịu tối ngày, hơn nữa, chúng tôi cũng không đủ trình độ để kèm các cháu. Từ ngày nhờ cô Thuyết kèm cặp, các cháu tiến bộ trông thấy, nhất là môn Toán, môn Văn. Ý thức trong học tập của các cháu có chuyển biến rõ rệt. Cô giáo chủ nhiệm lớp không phải gọi điện nhắc nhở như trước nữa. Chúng tôi mong cô Thuyết khỏe mạnh để tiếp tục dạy học cho nhiều cháu ở vùng quê này trở thành học sinh giỏi, chăm ngoan, sau này trở thành người có ích cho gia đình, xã hội".
"Cô Kiều Thị Ánh Thuyết là người khuyết tật, được hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng của Nhà nước và là người giàu nghị lực, giàu lòng nhân ái. Đã cả chục năm nay cô dạy học miễn phí cho hàng trăm học sinh trong và ngoài xã, nhiều cháu đã học tập tiến bộ, thi đỗ các trường cao đẳng, đại học. Cô Thuyết là tấm gương sáng để thanh niên và học sinh học tập noi theo”-ông Khổng Văn Cơ, Bí thư Đảng ủy xã Cao Phong trao đổi với chúng tôi như vậy.
Ông Khổng Bình Dương, Trưởng thôn Ngọc Bật thì khẳng định: Cô Thuyết tổ chức dạy học miễn phí cho học sinh trong thôn, trong xã đã nhiều năm nay. Số lượng học sinh đến xin học ngày một đông hơn, nhưng vì phòng học diện tích có hạn nên cô chỉ nhận khoảng 20 học sinh. Việc làm của cô Thuyết rất hiệu quả, ý nghĩa và rất đáng trân trọng.
Thấm thoát đã 10 năm cô Thuyết tham gia dạy học miễn phí. Cô không nhớ mình đã dạy bao nhiêu học sinh và có bao nhiêu em đã đỗ đạt, trưởng thành. Cô chỉ biết rằng cứ ngày nghỉ cuối tuần hay dịp nghỉ hè, nghỉ lễ, các cháu nhỏ trong thôn, trong xã lại đến chật nhà cô, vừa học vừa chơi. Ngoài những giờ học tập nghiêm túc, cô còn kể cho các cháu nghe nhiều câu chuyện hay, mang tính giáo dục cao. Được nghe tiếng trẻ thơ vui đùa hay mỗi lần nghe điện thoại của phụ huynh học sinh cảm ơn vì sự tiến bộ của các cháu, cô Thuyết thêm vui vì mình thực sự là người có ích.
Chia tay cô giáo Ánh Thuyết ra về, trong lòng tôi trào dâng một niềm vui khó tả. Một cô giáo làng tuy vóc dáng, sức khỏe không bình thường, nhưng tấm lòng của cô dành cho các em nhỏ miền quê trung du nghèo với mong muốn các em học hành chăm ngoan tiến bộ, trở thành người có ích cho gia đình, xã hội… thì không phải ai cũng có được và làm được như vậy!
Bài và ảnh: ĐÀO DUY TUẤN