QĐND Online - Nhiều năm nay, cô Nguyễn Thị Kim Lan (giáo viên môn Ngữ văn, Trường THCS Phú Thịnh, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) đã tiếp sức cho học sinh đến trường bằng cách phục vụ bữa trưa cho các em. Không có đủ điều kiện để nấu cơm, cô Lan đã thay thế bữa ăn bằng mì tôm. Nhờ đó, những học trò nghèo có nhà ở xa trường đã được “ấm bụng” mỗi khi phải ở lại trường học buổi chiều.

Ấm tình bát mì trưa

Trường THCS Phú Thịnh là một trường thuộc huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Đồng Nai. Phần lớn học sinh từ đi học bằng xe đạp đến trường. Do khoảng cách từ nhà đên trường rất xa, vì vậy những ngày phải ở lại trường để học phụ đạo hoặc bồi dưỡng học sinh giỏi, các em học sinh không về mà ở lại trường.

Một số em chuẩn bị theo phần cơm trưa nhưng thức ăn kèm theo chỉ là một ít muối vừng, một số em được cha mẹ cho tiền đủ để mua một gói mì tôm ăn dằn bụng. Nhiều em nhà nghèo đến nỗi không có gì để ăn, đành phải chịu đựng cơn đói dày vò cái dạ dày háu ăn để học buổi chiều…

Cô và trò cùng chuẩn bị bữa trưa.

Nhà cô Nguyễn Thị Kim Lan chỉ cách trường mấy chục mét. Vì vậy, cô thường xuyên đón chào những “vị khách đặc biệt”:  Những em mang cơm với muối vừng thì sang nhà cô xin canh để bữa trưa bớt khô khan; những em mua mì tôm thì sang nhà cô Lan xin nước sôi để pha mì… Khi biết được những trò không có gì ăn thì cô Lan gọi sang, cho ăn cơm cùng với gia đình.

“Tiếng lành đồn xa”, càng ngày, căn nhà của cô Lan càng đón nhận thêm nhiều “vị khách đặc biệt”. Xót xa trước hoàn cảnh của các học trò nhỏ, thương các em lắm nhưng vì số lượng học trò này đông quá nên hai vợ chồng cô Lan không “kham” nổi. Thế là cô Lan nảy ra ý định tài trợ bữa trưa bằng mì tôm cho học trò. Ý tưởng này của cô Lan lập tức được người chồng, cũng là đồng nghiệp của cô, ủng hộ nhiệt tình.

Nghĩ là làm, cô Lan đã đi chợ mua sắm thêm mấy chục đôi đũa và mấy chục cái tô cho “bếp mì tôm” của mình. Vợ chồng cô Lan sang bên trường lấy mấy bộ bàn ghế cũ về kê bên hông nhà để làm bàn ăn cho học trò. Kể từ đó, những học trò nghèo ở lại trường buổi trưa không còn phải chịu cảnh đói ăn nữa. Công việc nấu mì cho học sinh cũng đã được vợ chồng cô Lan duy trì đều đặn suốt 3 năm nay…

Lấy tiền quà vặt mua rau phụ cô

Sau tiếng trống tan trường, các học sinh nhanh chóng tập trung tại nhà cô Lan để chuẩn bị cho bữa ăn trưa của mình. Tại đây, mấy chục gói mì đã được sắp sẵn, tô, đũa và rau ăn mì cũng đã sẵn sàng. Các em tự giác lấy rau và xé mì tôm cho vào tô, vừa làm vừa cười đùa rôm rả. Một em tinh nghịch chỉ sang cậu bạn đang gắp rau vào tô cho các bạn và giới thiệu với chúng tôi: “Cô ơi, bạn này là tổ trưởng tổ mì nè”. “Tổ trưởng tổ mì” là một cậu bé khôi ngô, nhanh nhẹn. Em là một trong những học trò đến “nhà ăn” sớm nhất và rất nhiệt tình làm việc.

Đa số các em chỉ cần một gói mì là đủ nhưng cũng có em phải dùng hai gói mới đủ “đô”. Em Nguyễn Văn Hoài Nam, học sinh lớp 6 cho biết: “Con phải ăn hai gói mới đủ. Cô Lan bảo ai ăn bao nhiêu thì tự giác lấy, con thấy ăn mì ở đây ngon hơn vì có thêm rau, ở nhà con toàn ăn cơm nguội trước khi đi học thôi”.

Nhìn các học trò ăn ngon lành, Cô Lan phân trần: “Hôm nay các em được ăn sớm vì sáng nay tôi không có tiết dạy nên ở nhà chuẩn bị sẵn. Bình thường tôi và trò tan trường cùng lúc, vì vậy các em thường phải ăn muộn hơn. Hiện nay, mỗi tuần tôi phục vụ 4 bữa mì trưa cho các em, đây là những buổi các em phải ở lại học buổi chiều”.

Nhìn về cậu bé là “tổ trưởng tổ mì”, cô Lan trìu mến kể: “Gắn bó với các em lâu dần nên tính tình, hoàn cảnh trò nào ra sao, mình đều biết hết. Như em Trương Quốc Vũ chẳng hạn, nhà em nghèo lắm nhưng rất biết chia sẻ với mọi người xung quanh. Những trò khác đến đây thường chỉ lo làm cho phần mình thôi nhưng Vũ thì luôn làm giúp các bạn và bao giờ cũng nhường phần bạn trước. Hôm nào được bố mẹ cho mấy ngàn dằn túi là em lại để dành mua rau, mua giá phụ cho cô. Mình rất vui vì em biết nghĩ đến người khác nhưng phải dặn em là không được mua đồ phụ cô nữa. Thấy em nhiệt tình nên mình nói đùa là cho em làm tổ trưởng tổ mì. Vậy mà từ đó các bạn cũng gọi em là tổ trưởng luôn”.

Chia sẻ gánh nặng với phụ huynh

Ba chị em gái Như Ý, Mỹ Như và Mỹ Xuyên cùng học tại Trường THCS Phú Thịnh.  Lúc trước, 3 chị em Ý thường sang xã ăn vào buổi trưa. Ăn bao nhiêu thì bên căng tin họ ghi lại đó, đến tháng anh trai của Ý lĩnh lương thì trả tiền này. Anh trai Ý làm dân quân tự vệ nên tiền lương cũng thấp.

Đã hai năm nay, ba chị em gái Như Ý, Mỹ Như và Mỹ Xuyên không còn ăn cơm ở căng tin xã nữa mà chuyển sang ăn mì tôm ở nhà cô Lan. Được ăn mì ở đây đã giúp cho ba chị em tiết kiệm ít nhiều tiền cho gia đình. Từ khi các em chuyển qua ăn mì ở nhà cô Lan thì anh trai của các em mới dành dụm được tiền lương đem về đưa cho mẹ.

Như Ý kể: “Đối với chúng em, cô Lan giống như người mẹ thứ hai bởi vì cô rất thân thiện. Những lúc ăn xong, chúng em cũng muốn phụ rửa bát đũa nhưng cô không đồng ý”.

Còn cô Lan thì tâm sự: “Các em đều nghèo. Tôi cũng muốn có bữa cơm hoàn chỉnh cho các em, nhưng số lượng học sinh nhiều nên không thể lo hết. Vợ chồng tôi còn phải nuôi hai con ăn học nữa. Tôi thấy việc mình làm cũng không có gì to tát nên không dám xin người khác hỗ trợ, cứ tự mình làm thôi. Nếu có ai biết được việc mình làm mà ủng hộ thì đó là điều đáng quý. Tôi may mắn vì có người chồng ủng hộ tôi hết lòng”.

Thầy Đỗ Thành Nhơn, chồng cô Lan vui vẻ chia sẻ: “Ở đây nhiều học trò nghèo, giúp các em được bao nhiêu thì mình vui bấy nhiêu. Mình không phụ vợ rửa chén, pha mì nhưng phụ vợ tiền mua mì tôm. Lương mình giao hết cho vợ, muốn mua bao nhiêu mì thì mua”.

Ăn cùng học sinh để tăng thêm tình cảm

Những hôm trường tổ chức học phụ đạo, trung bình có khoảng 30 học trò đến nhà cô Lan ăn mì tôm. Tuy nhiên, vào những dịp như thi học kỳ hay khi trường tổ chức các ngày lễ thì số lượng học sinh đến ăn tăng đột biến. Vào những dịp ấy, các em ngồi tràn ra khắp sân để ăn mì.

Thỉnh thoảng, cô Lan lại không ăn cơm trưa cùng gia đình để ăn mì với học trò. “Những lúc như vậy, tôi thấy các em vui và hào hứng hơn ngày thường. Vì vậy, nhiều hôm tôi sắp xếp ăn trưa cùng các em, tình cảm cô trò cũng vì vậy mà gắn bó hơn”, cô Lan chia sẻ.


Bài và ảnh: THIÊN AN