Cô đỡ "mát tay"…

Nói đến nhân viên y tế, kiêm cô đỡ thôn bản Thào Thị Se, 28 tuổi, nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số ở xã Phố Cáo, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đều rỉ tai nhau: "Cái Se cùng là phụ nữ người 'Mông, nên nó đỡ đẻ mình không còn ngại và xấu hổ đâu. Nó đỡ đẻ mát tay lắm, đứa trẻ nào được nó đỡ sinh ra đều khỏe mạnh, mẹ thì không ốm đau gì. Người già khó tính mấy cũng tin đôi tay nó. Khi sinh nở, dù nhà ở xa, nhưng mời được nó về đỡ là yên tâm”.

Tin việc Thào Thị Se làm, nên nhiều phụ nữ người Mông ở xã Phố Cáo cũng vui cái bụng mà ngồi nghe nó nói chuyện CSSKSS và để nó dạy cho cách chăm sóc sức khỏe cho bản thân tốt hơn.

Phố Cáo là xã vùng cao biên viễn xa xôi cực Bắc của Tổ quốc, nằm cách trung tâm huyện lỵ Đồng Văn (Hà Giang) gần 40km; toàn xã có 19 thôn bản, 100% dân số trong xã đều là người dân tộc thiểu số, trong đó phần lớn là người Mông, cuộc sống còn nghèo khó. Nhà Thào Thị Se ở thôn Chúng Pả A, nhưng năm 2004, sau khi đi học nhân viên y tế thôn bản trở về, Se lại nhận nhiệm vụ phụ trách thôn Sủa Pả. Làm việc nhiệt tình, năng nổ, có uy tín, nên năm 2010, cô lại được huyện chọn đi học thêm lớp cô đỡ thôn bản. Năm 2011, hoàn thành khóa học trở về bản, Thào Thị Se không chỉ tiếp tục làm nhân viên y tế thôn bản tại Sủa Pả A, mà cô còn kiêm thêm nhiệm vụ cô đỡ của 4 bản là Khó Trư, Suối Thầu, Sảng Pả, Chúng Pả, trong đó có 2 thôn xa, giáp biên giới, cách nhà cô cả nửa ngày đường.

Thào Thị Se thường tranh thủ các buổi chợ phiên tập để tuyên truyền vận động phụ nữ cách chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ.  

Thào Thị Se tâm sự: "Từ bao đời nay, người Mông quê mình toàn sinh đẻ nhờ tay các bà đỡ trong bản, hoặc bố, mẹ, thậm chí là chồng giúp đỡ đẻ. Đời nọ truyền đời kia, cái hủ tục cắt rốn bằng dao cắt cỏ bò, cật nứa nhặt ngoài hàng rào; rồi chỉ được đẻ trong xó bếp hoặc nơi góc buồng tối om, trẻ con đẻ ra cả tháng trời không được tắm rửa... Mình được đi học nhân viên y tế thôn bản về, cũng biết dân mình làm như vậy là nguy hiểm quá, nhưng cũng không giúp được gì nhiều cho các sản phụ. Thật may, mình lại được đi học tiếp chương trình cô đỡ 9 tháng trên tỉnh về, nên cái bụng mới có nhiều chữ, cái tay mới giúp được nhiều việc cho phụ nữ trong sinh sản và chăm sóc sức khỏe. Với lại mình là người trong bản, cùng dân tộc, chung ngôn ngữ, phong tục tập quán, nên chị em cũng dễ tin, dễ nghe và dễ làm theo hơn. Mình luôn hứa sẽ không phụ lòng dân bản; cho dù công việc khó khăn, xa xôi đến mấy mình cũng sẽ quyết làm cho đồng bào mình khỏe, phụ nữ dân tộc mình đỡ thiệt thòi".

 “Bông hoa rừng” âm thầm tỏa hương

Để người Mông tin vào điều gì thì phải rất công phu, nhưng khi bà con tin rồi thì cũng khó thay đổi. Vì vậy, suốt 4 năm qua các ca sinh đẻ trong xã đều do tay Se đỡ. Trung bình, mỗi tháng Thào Thị Se đỡ từ 2 đến 3 ca chuyển dạ được mẹ tròn con vuông. Hơn một trăm hộ gia đình Se được phân công phụ trách theo dõi, chăm sóc sức khỏe, mỗi nhà cách nhau cả nửa quả núi, mỗi bản cách nhau mấy giờ đi bộ, vậy mà từng tên chủ hộ, từng phụ nữ mang thai, Se đều biết rõ, để rồi bất kể ngày đêm, bất cứ lúc nào có người gọi là Thào Thị Se sẵn sàng gửi lại đứa con nhỏ để khoác túi lên đường.

Y sĩ Ly Mí Lử, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Phố Cáo kể: "Đồng bào quê mình còn nhiều hủ tục lạc hậu, ngại ra trạm y tế sinh nở, vì với họ, chuyện sinh nở là kín đáo, giấu giếm, không muốn để người ngoài thấy. Nhiều năm trước, công tác vận động chị em CSSKSS, sinh đẻ có kế hoạch, đến sinh nở ra trạm y tế…chỉ đạt khoảng 20%. Từ ngày có Thào Thị Se đi học cô đỡ thôn bản về, việc CSSKSS của cán bộ, nhân viên trạm y tế đỡ vất vả hơn; tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ sơ sinh hầu như không có. Tỷ lệ cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai và sinh con thứ ba đều giảm hẳn. Phụ nữ mang thai được khám, quản lý thai nghén, uống viên sắt, uống vitamin A; sau khi sinh được CSSKSS, trẻ em được tiêm chủng đầy đủ tăng lên đáng kể. Đến nay, những hoạt động đó gần đạt tỷ lệ 100% rồi".

Không chỉ những phụ nữ mang thai ở 5/19 bản Thào Thị Se được phân công phụ trách, mà hầu như tất cả chị em ở thôn gần, bản xa trong xã đều biết đến và mời cô đỡ Se về giúp sinh nở để mẹ tròn con vuông. Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hương, ở Phòng Nghiệp vụ Y,  Sở Y tế Hà Giang, người phụ trách chương trình đào tạo cô đỡ thôn bản cho toàn tỉnh Hà Giang tâm sự: "Được dự án tài trợ hầu hết các khoản kinh phí cho đào tạo, nhưng công tác chiêu sinh, lựa chọn người địa phương, rồi thuyết phục họ theo học và “bám trụ” với nghề đều gặp khó khăn. Có cô đỡ xuống trường học rồi lại bỏ về. Có cô học xong cũng không làm vì phụ cấp thấp, chỉ hơn 500.000 đồng/tháng, thấp hơn nhiều so với cán bộ đang công tác tại trạm y tế xã. Vậy nên, các cô đỡ hầu như đều quên nghề, muốn bỏ nghề, hoặc hoạt động cầm chừng. Ở xã Phố Cáo cũng vậy, hầu hết các cô được cử đi đào tạo trở về địa phương không chuyên tâm với công việc, chỉ còn cô đỡ Thào Thị Se tâm huyết với nghề. Nếu các cô đỡ đều yêu nghề như Se thì công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số nghèo của tỉnh Hà Giang sẽ tốt hơn nhiều".

Là bà đỡ miễn phí ngay tại nhà sản phụ, chăm chỉ với công tác tư vấn khám thai, khuyên đồng bào lựa chọn các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, hướng dẫn chị em CSSKSS...Se còn đồng thời là một nhân viên y tế thôn bản năng nổ, nhiệt tình trong các hoạt động tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh tại các bản làng, tham gia công tác tiêm chủng, triển khai các chương trình y tế đến từng người dân; rồi theo dõi biến động dân số, ghi chép sổ sách...Thào Thị Se tham gia công việc như một cán bộ y tế xã, công việc nào được giao cô cũng hoàn thành xuất sắc, được nhân dân, chính quyền và trạm y tế xã rất tin tưởng, yêu mến.

"Mong làm nhiều việc tốt và học thêm nữa..."

Khác với đa số phụ nữ người Mông có chồng đang sinh sống tại các bản làng heo hút, quanh năm chỉ biết cày cuốc nương rẫy, lo cho cuộc sống gia đình, Thào Thị Se lại đau đáu: "Mình có một con lên 6 tuổi, chồng cũng đi học xa, nhưng mình vẫn muốn phấn đấu làm việc thật tốt để được tiếp tục đi học lên cao, lấy kiến thức trung cấp, phấn đấu tốt thì còn học lên bác sĩ...Như thế, khi tuyên truyền cho bà con mới không sợ hết cái chữ trong bụng, mới yên tâm phục vụ bà con lâu dài".

Hiện tại, Thào Thị Se mới chỉ học hết chương trình văn hóa lớp 9, vậy nên, để gắn bó lâu dài với nghề, Se đã quyết tâm đăng ký học chương trình bổ túc văn hóa tại huyện Yên Minh, cách nhà 20km. Hằng ngày, cô đều phải dậy từ hai giờ sáng để làm công việc gia đình trước khi xuống huyện học cái chữ. Buổi trưa cô lại về bản để tiếp tục làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Thào Thị Se khoe: "Tháng 6-2015, mình đã thi tốt nghiệp chương trình trung học phổ thông rồi. Thời gian tới mình sẽ xin đi học trung cấp nữ hộ sinh. Phụ nữ vùng cao không có nghề phụ gì ngoài làm nương rẫy, nên để có tiền đi học tiếp cũng vất vả lắm. Biết thế, nhưng mình vẫn quyết tâm học lấy cái chữ về. Lúc học thì mình vất vả, học xong về có trình độ rồi phục vụ đồng bào mình sẽ tốt hơn, nói bà con sẽ tin hơn. Ông, bà nội, ngoại mình tuy nghèo, nhưng đều bảo, dù bán hết trâu, bò để cho mình học chữ thì cũng đồng ý, chỉ sợ mình không có quyết tâm học cái chữ thôi. Phụ nữ người Mông có gia đình rồi là sợ học cái chữ lắm đấy. Còn mình thì..."- Se cười.

Nhà Se cũng còn tềnh toàng lắm, trên gác bếp ngô cũng đã gần hết, nhưng Se vẫn sẵn sàng bỏ công việc nương rẫy nhà mình để khoác chiếc túi với đầy đủ dụng cụ y tế thôn bản, thoăn thoắt vượt qua các mỏm núi đá tai mèo đến với từng hộ gia đình. Đón Se, các chị phụ nữ bản địa nghèo bụng mang dạ chửa mừng lắm, còn các chị phụ nữ đã "mẹ tròn con vuông" nhờ bàn tay cô đỡ Thào Thị Se thì cứ ríu rít hỏi chuyện thực hiện CSSKSS và kế hoạch hóa gia đình. Thế mới thấy công tác chăm sóc sức khỏe ở vùng biên ải heo hút này cần lắm những con người cần cù, tâm huyết, ham học như cô gái Thào Thị Se nơi cao nguyên đá này.

Ghi nhận nỗ lực không ngừng nghỉ của “bông hoa rừng” Thào Thị Se, liên tiếp từ năm 2011 đến nay, UBND huyện Đồng Văn liên tục tặng cô Giấy khen. Đặc biệt, trong Lễ tôn vinh người thầy thuốc nhân dịp Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2-2016 tại tỉnh Hà Giang, Se là cô đỡ đồng thời cũng là nhân viên y tế tiêu biểu duy nhất trong tỉnh được mời về gặp mặt, biểu dương.

Bài và ảnh: KIM HUỆ