Hướng tới kỷ niệm 57 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (3-3), những ngày cuối tháng 2-2016, đoàn Cựu chiến binh Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình về thăm chiến trường xưa. Một trong những địa chỉ đoàn đến trong cuộc hành trình ý nghĩa này là Đồn Biên phòng Làng Ho và bà con dân bản trên địa bàn. Trong đoàn hành quân về nguồn có cựu chiến binh Nguyễn Duy Thực, nguyên đội trưởng trinh sát Đồn Biên phòng Làng Ho. Rời quân ngũ đã hơn 20 năm, nhưng mỗi lần gặp lại, bà con dân bản Chút Mút vẫn trìu mến gọi anh là “Bộ đội Thực”, với tình cảm vẹn nguyên như ngày anh còn khoác áo lính…

Cựu chiến binh Nguyễn Duy Thực tặng gạo cho bà con bản Chút Mút. 
Ký ức người lính biên phòng

Nguyễn Duy Thực nhập ngũ vào lực lượng Công an vũ trang Quảng Bình năm 1984, sau khi học xong Khóa 18 trinh sát của Trường Sĩ quan Biên phòng, anh được điều về công tác tại Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Bình. Khi cấp trên phân công lên công tác ở biên giới, Trung úy Nguyễn Duy Thực hăm hở khoác ba lô lên đường. Miền tây Quảng Bình bây giờ đường sá tương đối thuận lợi, nhờ hệ thống giao thông đã được nâng cấp, còn thời điểm anh Thực lên biên giới nhận công tác tại Đồn Biên phòng Làng Ho, đường đi chẳng khác gì đường giao liên thuở chiến tranh, chỉ là những lối mòn đầy lau lách. Lóc cóc đạp xe đến ga Mỹ Đức thì trời đã nhá nhem tối, gửi xe đạp ở nhà người quen, anh cuốc bộ lên đồn. Một mình đi trong đêm với gần 50km đường rừng, gần sáng anh mới tới đồn.

Là một sĩ quan trẻ, học hành cơ bản, nhưng chưa có nhiều trải nghiệm thực tế, nên thời gian đầu anh gặp nhiều bỡ ngỡ. Đồn đóng quân giữa bản Eo Bù Chút Mút (gọi tắt là Chút Mút), lưa thưa hơn chục nóc nhà của bà con Vân Kiều bên sườn núi. Những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước, đời sống của bà con ở đây rất khó khăn. Biết là đồng bào còn khổ, nhưng anh không tưởng tượng được có nhiều gia đình đói nghèo đến vậy. Nhà cửa chỉ là những túp lều xiêu vẹo, trẻ con không có áo mặc trong mùa đông, không có lớp học, người lớn và trẻ em đều mù chữ. Cuộc sống của bà con chủ yếu dựa vào nương rẫy, nhiều hủ tục lạc hậu làm cho cái nghèo cứ đeo bám mãi. Đời sống của BĐBP lúc bấy giờ cũng không khá hơn là mấy. Doanh trại nhà tranh vách nứa, mùa hè cũng như mùa đông gió thổi ù ù, sương lạnh ùa vào tận phòng ngủ, chăn không đủ ấm, cơm độn nhiều sắn mà không đủ no.

Công tác bảo vệ an ninh biên giới cũng như giúp bà con Vân Kiều trên địa bàn, trong đó trọng điểm là bản Chút Mút xóa dần đói nghèo lạc hậu đều cấp bách như nhau. Không có ruộng trồng lúa nước, anh Thực cùng cán bộ đồn vận động bà con định canh, tích cực trồng lúa nương, khoai, sắn chống đói, không phá rừng làm rẫy, đồng thời “4 cùng” với bà con. Địa hình phức tạp, giao thông cách trở, lũ rừng chia cắt, nhiều khi cả quân và dân cùng đói. Khi đó bộ đội đồn vẫn san sẻ từng nắm gạo để chống đói, từng viên thuốc chống sốt rét cho dân.

Anh Thực nhớ lại, là đội trưởng trinh sát, có lần anh dẫn tổ đi tuần tra cả ngày, về đến đầu bản ai nấy đều mệt lả, biết bộ đội đói bụng, mẹ Hồ Thị Nhện đã nấu cả nồi sắn to mời ăn. Sau này các anh mới biết, đó là những củ sắn dự trữ cuối cùng cho ngày giáp hạt của gia đình mẹ, ai cũng ứa nước mắt. Hay như ông Hồ Lừa đã nhiều lần cơm nắm cơm đùm đưa đến tận tay tổ công tác để các anh vững bước tuần tra, mặc dù các con ông đang ăn sắn trừ bữa. Ông Hồ Khăm có lần nửa đêm vào rừng tìm lá thuốc cho anh trong cơn sốt rét nặng... Sự đùm bọc, chở che của bà con trong những ngày cam go, đói khổ ấy là kỷ niệm đẹp và ký ức không bao giờ phai đối với anh và cán bộ, chiến sĩ của đồn.

Nghị lực vượt khó, vươn lên làm giàu   

Năm 1994, sau hơn 10 năm trong quân ngũ, anh Thực xin phục viên vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. Mẹ già đau yếu, vợ không có việc làm, anh phải làm đủ nghề để nuôi gia đình. Ban đầu anh phụ xe, rồi lái xe thuê, sau đó xin vào Công ty Lệ Ninh làm công nhân cạo mủ cao su, rồi chuyển qua làm bảo vệ... Vất vả nhưng cũng không đủ sống. Với ý chí và nghị lực của người lính, anh bàn với vợ chuyển hướng làm ăn. Nhờ bạn bè quen biết, anh làm thủ tục qua Lào thành lập đội khai thác và kinh doanh lâm sản. Công việc làm ăn thuận lợi, dành dụm được ít vốn, năm 2007, anh về nước vay thêm ngân hàng và thành lập Công ty TNHH Phú Ninh ở phường Phú Hải, TP Đồng Hới. Vợ anh, chị Nguyễn Thị Hồng Nguyệt là phụ nữ đảm đang, biết tính toán và luôn ủng hộ chồng trong công việc kinh doanh, nên ngay trong những năm đầu hoạt động, công ty đã ăn nên làm ra, phát triển.

Từ chỗ có số vốn khởi nghiệp ban đầu vài trăm triệu đồng, hiện nay công ty đã mở rộng các ngành nghề kinh doanh, các mặt hàng, liên kết rộng rãi. Tài sản của Công ty TNHH Phú Ninh bây giờ khoảng 500 tỷ đồng, bao gồm kho lâm sản, cửa hàng giới thiệu sản phẩm gỗ mỹ nghệ cao cấp; có những bộ tràng kỷ lên tới vài tỷ đồng đã có người đặt mua. Công ty mới xây dựng và kinh doanh một cây xăng dầu, có đội xe ô tô. Anh Thực cho biết, sắp tới công ty sẽ xây dựng một khu nghỉ dưỡng cao cấp tại xã Bảo Ninh, bên bờ sông Nhật Lệ, với số vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng. Trong thời kỳ hội nhập và sự phát triển mạnh của ngành du lịch Quảng Bình, chắc chắn dự án khu nghỉ dưỡng sẽ cho hiệu quả kinh tế cao, mang nhiều lợi nhuận.

Từ hai bàn tay trắng, CCB Nguyễn Duy Thực đã tạo dựng sự phát triển vững chắc và có chiều sâu về kinh tế. Sự lớn mạnh của một doanh nghiệp cựu chiến binh cũng đã tạo cơ hội cho anh thực hiện tốt các hoạt động tình nghĩa - ước mơ cháy bỏng mà anh luôn ấp ủ từ lâu.

Nghĩa tình với biên cương, người nghèo       

Những năm trước, tuy kinh tế chưa khá giả, nhưng Giám đốc Nguyễn Duy Thực đã có nhiều hoạt động tình nghĩa và từ thiện, tích cực hoạt động xã hội. Từ khi có cơ chế mới của Nhà nước, hoạt động kinh doanh của công ty ngày càng có hiệu quả, anh càng quan tâm nhiều hơn đến công tác hoạt động nhân đạo, đền ơn đáp nghĩa và nhất là hướng về biên giới, nơi có những bản làng còn nghèo khó. Năm nay, nhân dịp kỷ niệm 57 năm Ngày truyền thống BĐBP, mặc dù trời rét, nhưng anh Thực vẫn cùng đoàn CCB trong Ban liên lạc BĐBP tỉnh lên biên giới thăm, tặng quà các Đồn Biên phòng Làng Ho, Trường Sơn và bà con dân bản.

Đoàn xe càng đến gần biên giới thì sương mù càng dày đặc, lên đỉnh đèo xe phải “rẽ mây” mà đi. Vất vả nhất là xe của anh Thực, bởi ngoài số quà tặng BĐBP, anh còn chở thêm 1 tấn gạo và 36 phần quà để tặng bà con và trẻ em nghèo ở bản Chút Mút. Từ ngã ba Đường Hồ Chí Minh nhánh tây vào bản xa gần 20km, rất khó đi bởi đường đang nâng cấp dở dang, bùn đất lầy đỏ quạch. Đã nhiều lần lên với bà con vùng cao, nhưng lần nào anh Thực cũng tràn đầy cảm xúc khó tả. Rời quân ngũ đã hơn 20 năm, nhưng mỗi lần gặp lại, bà con dân bản Chút Mút đều gọi anh là “Bộ đội Thực” như ngày anh còn khoác áo lính. Lần này cũng vậy, nghe tin anh lên, xe vừa dừng bánh, bà con đã ùa ra, cụ già tay bắt mặt mừng, trẻ con được chia quà, ai cũng vui và xúc động. Anh ân cần thăm hỏi từng người, biết mẹ Nhện, ông Lừa, ông Khăm đã qua đời, anh Thực bùi ngùi nhớ lại những ngày đồng cam cộng khổ với bà con, thấy những phần quà của mình đưa lên thật nhỏ bé so với những củ sắn, nắm cơm của bà con cưu mang thời còn công tác ở đồn.

Bản Chút Mút hiện có 60 nóc nhà với 256 nhân khẩu, hầu hết đều thuộc diện hộ nghèo. Do đã khảo sát trước, nên anh Thực cho đóng trước 60 bao gạo ngon, góp phần giúp bà con chống đói trong mùa giáp hạt. Ngoài ra, anh còn đặt mua 36 bộ quần áo tặng trẻ em của Trường Tiểu học Chút Mút. Buổi trao quà diễn ra nhanh gọn, không ồn ào, không khẩu hiệu nhưng đầy cảm xúc. Nhờ Đảng và Chính phủ quan tâm, nên gần đây bản đã có điện, đời sống của bà con khá hơn, anh và các CCB biên phòng thấy rõ sự đổi thay của bản, nhưng nhìn những ngôi nhà còn trống trơn, những em bé đen đủi, áo quần thiếu thốn đang vui đùa dưới cái rét vùng biên, ai nấy đều chạnh lòng, cảm thấy như có lỗi. “Bộ đội Thực” hẹn sẽ trở lại trong chuyến thăm sau, với những món quà đem lại niềm vui cho bà con, nhất là sách vở cho con trẻ tới trường.

Ngoài những việc làm thiết thực với bà con vùng biên ải, hằng năm, anh Thực còn ủng hộ đều đặn cho Quỹ Nạn nhân chất độc da cam, Quỹ “Trái tim cho em”, Quỹ khuyến học, Quỹ đồng đội… với số tiền hàng trăm triệu đồng. Mới đây, anh đã ủng hộ để địa phương xây dựng hai ngôi nhà tình nghĩa tặng hai thương binh có hoàn cảnh khó khăn; đóng góp xây dựng hệ thống truyền thanh tự động cho xã Phú Trạch trị giá 320 triệu đồng… Những việc làm đầy tình nghĩa của giám đốc Nguyễn Duy Thực được cấp ủy, chính quyền các cấp ghi nhận, đánh giá cao. Khi chúng tôi nhắc đến sự giúp đỡ của anh đối với bà con ở bản Chút Mút, anh chỉ cười hiền: "Đó là sự tri ân với những người đã đùm bọc, chở che trong những ngày gian khó của những người lính biên phòng".

Bài và ảnh: XUÂN VUI