QĐND Online - Hơn 20 năm qua, bất kể nắng hay mưa, ngôi nhà số 7, ngõ 424, Thụy Khuê (Hà Nội) - nơi ở của bác sĩ, Tiến sĩ y học Nguyễn Văn Chương (80 tuổi) vẫn luôn sáng đèn, rộng cửa đón tiếp bệnh nhân nghèo đến khám chữa bệnh. Cảm phục tấm lòng nhân hậu của ông, người dân nơi đây thường gọi ông với cái tên trìu mến là "bác sĩ của người nghèo".
Ấn tượng đầu tiên khi tôi gặp ông là nụ cười hiền từ luôn hiện trên khuôn mặt phúc hậu, vầng trán cao với mái tóc thưa, trắng như cước. Biết tôi có ý định viết về mình, bác sĩ Nguyễn Văn Chương khiêm tốn: “Bác có làm được gì đâu. Bây giờ, cháu biết ai bị bệnh thì cứ bảo đến đây, bác sẽ giúp. Bác chỉ cố gắng hết sức mình để làm tròn bổn phận và lương tâm của người thầy thuốc thôi cháu ạ”.
Nhà làm phòng khám, lương hưu mua thiết bị
Bác sĩ Nguyễn Văn Chương tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội năm 1959. Ông từng làm chuyên gia cho Bộ Y tế Lào và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ y học tại Viện Hàn lâm y học Bun-ga-ri. Xuất thân trong nghèo khó, vất vả nên ông rất thấu hiểu nỗi niềm của những bệnh nhân nghèo. Sau khi nghỉ hưu năm 1994, ông từ chối tất cả lời mời của các phòng khám tư nhân với mức lương hấp dẫn để mở một phòng khám từ thiện, chữa bệnh cho người dân nghèo.
Thế nhưng, với đồng lương hưu ít ỏi, việc thuê một địa điểm để mở phòng khám không dễ dàng và nếu đi thuê thì cũng khó xác định lâu dài. Nghĩ đi nghĩ lại, ông quyết định tận dụng ngay chính ngôi nhà của mình làm nơi khám, chữa bệnh miễn phí cho người dân.
 |
Bác sĩ Nguyễn Văn Chương (bên phải) đang khám bệnh cho bệnh nhân.
|
Hơn 20 năm qua, phòng khám của ông luôn mở cửa từ 7 giờ đến 20 giờ tất cả các ngày trong tuần, để đón tiếp, phục vụ bệnh nhân nghèo đến từ muôn nơi. Ông bảo: “Bác kéo dài thời gian làm việc, cả ngày nghỉ và ngoài giờ hành chính, để nhiều người dân có thể đến khám bệnh”.
Xem qua tập sổ theo dõi bệnh nhân ở phòng khám, tôi mới thấy khâm phục tấm lòng vì người nghèo của bác sĩ Chương, số bệnh nhân được ông điều trị lên tới hàng nghìn người.
Khi tôi đem thắc mắc, tại sao tuổi đã cao, ông không nghỉ ngơi lại một mình cáng đáng công việc của phòng khám, bác sĩ Nguyễn Văn Chương cho rằng: “Bác phải cảm ơn các bệnh nhân vì đã đem niềm vui đến cho mình ấy chứ, bởi mỗi khi giúp được ai đó khỏi bệnh, bác cảm thấy hạnh phúc vô cùng, đó cũng chính là động lực tiếp sức bác tiếp tục làm việc nhiều hơn nữa”.
Để duy trì được phòng khám, ông dùng toàn bộ lương hưu và tiền dành dụm để mua sắm vật dụng khám, chữa bệnh và tìm kiếm những nhà hảo tâm để xin thuốc phát miễn phí cho người nghèo. “Giúp những người nghèo bằng tiền thì bác không thể, bác chỉ có thể giúp họ bằng chính khả năng chuyên môn của mình”, bác sĩ Nguyễn Văn Chương chia sẻ. Bằng cái tâm của người bác sĩ và tấm lòng đồng cảm với những người nghèo, hơn 20 năm qua là cả một quãng thời gian cống hiến không biết mệt mỏi của bác sĩ Chương. Nhiều năm trong nghề, ông là người hiểu hơn ai hết nỗi khổ của người bệnh, bởi họ đâu chỉ đau về thể xác mà còn đó nỗi đau tinh thần giằng xé hằng ngày. Chính vì vậy, mỗi bệnh nhân đến phòng khám, ông vừa khám, vừa giải thích, tư vấn về bệnh và hướng dẫn cách điều trị tốt nhất, đỡ tốn kém nhất. Khi kê đơn thuốc, ông lại kê những loại thuốc phù hợp với túi tiền mà lại mang lại hiệu quả cao. Bệnh nhân khi đến đây, ông luôn coi như người nhà, mọi thắc mắc của người bệnh sẽ được tư vấn và giải đáp rất tận tình và thậm chí bệnh nhân còn được chia sẻ những câu chuyện phòng bệnh, tự cấp cứu cho bản thân mình. Khi gặp những bệnh khó, ông sẽ hướng dẫn và giới thiệu đi đến bệnh viện lớn với trang thiết bị đầy đủ, hiện đại để người bệnh điều trị kịp thời.
Bác Lập (ở số nhà 46, ngõ 5, đường Hoàng Quốc Việt, Hà Nội) sau tai nạn giao thông bị liệt hai chân và bại hai tay đang điều trị tại phòng khám của bác sĩ Chương tâm sự: “Tôi nghe nói về bác sĩ Chương từ lâu, nay tôi đến để làm vật lý trị liệu, phục hồi chức năng. Khi đến, tôi được bác sĩ đón tiếp rất ân cần, chu đáo, như vậy là như đã khỏi một nửa bệnh rồi. Qua thời gian điều trị, bệnh của tôi đang tiến triển tốt.”
Kết nối những tấm lòng từ thiện
Không chỉ khám chữa bệnh cho bệnh nhân nghèo, bác sĩ Chương còn tích cực đứng ra “kết nối những tấm lòng từ thiện” từ các nhà hảo tâm. Với nguồn tiền quyên góp được, cứ chủ nhật hàng tuần, vị bác sĩ già lại cùng các em sinh viên nấu cháo từ thiện tại sân chùa Mật Dụng, phố Thụy Khuê, Hà Nội rồi chuyển vào phát miễn phí cho các bệnh nhân tại Bệnh viện Lao Phổi Trung ương.
Đặc biệt, ông còn vận động các nhà hảo tâm cùng chung tay xây dựng “Phòng điều trị nghĩa tình” tại xã Thụy Hưng, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình và đưa các y, bác sĩ về tư vấn, khám chữa bệnh miễn phí cho bà con nghèo. Ông trực tiếp tổ chức các buổi nói chuyện, tập huấn kỹ thuật về cách giữ gìn sức khỏe tuổi già, tập huấn kỹ thuật bấm huyệt, tập dưỡng sinh cho các bệnh nhân… Cùng với đó, các trang thiết bị mới như giường bệnh, tủ thuốc, máy vật lý trị liệu, máy tạo ôxy… cũng được ông đưa về “Phòng điều trị nghĩa tình” để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân nơi đây. Hiện tại, để giúp đỡ những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, ông đi vận động các Công ty dược tài trợ thuốc bổ tim, gan, thận, hoạt huyết dưỡng não, chống mỡ máu, tiểu đường, cao huyết áp…. Bản thân ông cũng dành toàn bộ số tiền lương hưu của mình cùng với nguồn tài trợ của các công ty dược phẩm tại Hà Nội để tổ chức các đợt khám, tư vấn và cấp thuốc miễn phí cho người dân nghèo.
Khi được hỏi, tuổi già đã đến, thời gian tới bác sĩ tính thế nào? Vị bác sĩ già hiền từ trả lời luôn rằng: “Tôi vẫn tiếp tục theo đuổi nghề y cho đến khi nào không thể, còn khỏe thì phòng khám vẫn còn mở cửa, phục vụ khám, chữa bệnh cho người nghèo. Hạnh phúc của tôi chính là đem lại hạnh phúc cho những người bệnh!”.
Bài và ảnh: VŨ MINH