QĐND - Cộng đồng người Mường Hòa Bình xưa có bốn xứ lớn, được xếp hạng theo mức giàu có bằng một câu khái quát nổi tiếng “Nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động”. Đó là một thực tế khách quan trải qua hàng ngàn năm, và cho tới những năm đầu thiên niên kỷ thứ ba này, trật tự thứ hạng trên… vẫn đúng. Nghĩa là Mường Động (tương ứng vùng đất huyện Kim Bôi bây giờ) vẫn thuộc vùng đất khó khăn nhất tỉnh. Chả thế mà người Hòa Bình thời nay lại có câu “Yêu nhau cho thịt cho xôi, ghét nhau đưa đến Kim Bôi, Hạ Bì”…

Đường liên thôn ở Đú Sáng hôm nay.

 

Nỗi ám ảnh về một thời chưa xa

Để tìm hiểu câu ca dao buồn này, chúng tôi tìm về xã Đú Sáng, huyện Kim Bôi. Tiếng Mường, “đú” là từ chỉ đơn vị hành chính tương đương cấp xã; “sáng” là ánh sáng. Khi được thành lập vào năm 1963, hẳn người dân nơi đây đã gửi gắm vào cái tên một khát vọng. Thế nhưng mãi tới những năm đầu thế kỷ 21, Đú Sáng vẫn là một xã vùng sâu, vùng xa thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Kim Bôi. Trong số 17 xóm nghèo của xã, đáng buồn nhất là Bái Tam.

Đây là xóm có 103 hộ người dân tộc Mường thì có tới 44 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 42,7%, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 3 triệu đồng một năm ở thời điểm năm 2009. Mặc dù có diện tích khá rộng, tới 116ha, mỗi hộ có tới hàng ngàn mét vuông đất ở, nhưng cả xóm là một vùng rừng cây tạp um tùm, cành cây xòa cả vào trong nhà. Trồng trọt chủ yếu là ngô và lúa lấy lương thực. Chăn nuôi thì lợn, gà, trâu, bò thả rông như… thú rừng. “Ngày ấy, muốn thịt một con gà thì phải đợi đến đêm, khi gà ngủ đậu trên cành tre mới có thể mang sào ra hái!”, ông Bùi Văn Tặng, Trưởng thôn Bái Tam kể.

Vì nằm cheo leo lưng chừng núi, cách trung tâm xã tới 10km đường rừng, ô tô không thể vào Bái Tam. Ở trong xóm, các ngõ gần như quanh năm lầy lội trơn trượt bởi nước từ trên cao đổ về, xe đạp, xe máy không thể đi lại. Thế nên “nhà nọ muốn sang thăm nhà kia cũng ngại. Trai gái yêu nhau, muốn sang thăm nhà nhau, để khỏi bẩn quần áo đẹp thì chỉ còn cách… cưỡi trâu! Ngày đó, nhà nào cũng dành gầm sàn làm chuồng cho trâu, bò, lợn…, ruồi, muỗi, ong ong, phân bùn ngập ngụa. Nhiều khi khách tới chơi, ngồi ăn cơm ở trên, trâu đánh sừng cồng cộc, lợn ủi phân bùn sòng sọc ở dưới. Nhiều khi đang bữa, trâu nó còn tuôn cho một tràng phèn phẹt, hôi thối lắm!”, ông Bùi Văn Tray, một lão nông kể.

Trưởng thôn Bùi Văn Tặng tiếp lời: “Kinh khủng nhất là chuyện đi vệ sinh. Ngày ấy, nhà cầu của người xóm Bái Tam chỉ là một vài đoạn cây bắc ngang hố đất lộ thiên ngoài bìa rừng. Người đi vệ sinh phải cầm theo… gậy, vì bầy lợn luôn vẩn xung quanh”.

Kể lại những chuyện này, nét mặt của cả Trưởng thôn Bùi Văn Tặng và lão nông Bùi Văn Tray vẫn vương nét kinh hoàng.

Đói nghèo luôn đi kèm tăm tối. Sự thực thì người dân Bái Tam không phải không nhận ra những cái dị mọ trong đời sống của họ. Nhưng cái khó bó cái khôn. “Vẫn biết sống thế là mất vệ sinh, là bệnh tật. Nhiều nhà trong xóm muốn thay đổi lắm, nhưng chưa có cơ hội”, lão nông Bùi Văn Tray phân trần.

Sự vào cuộc quyết liệt

Một “vườn rau kiểu mẫu” ở xóm Bái Tam. Ảnh: PHÚ THỌ

 

Năm 2009, Bộ chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Hòa Bình đã xây dựng Đề án 1571 “Xây dựng làng bản văn hóa-quốc phòng ở địa bàn đặc biệt khó khăn”. Những “địa chỉ tối” đã được “chấm”, giao cho Ban CHQS các huyện phụ trách. Và xóm Bái Tam được giao cho Ban chỉ huy Quân sự huyện Kim Bôi làm thí điểm.

Đại tá, Phó chính ủy Bộ CHQS tỉnh Hòa Bình Nguyễn Đức Bảo nhận định: “Đây thực sự là một chiến dịch tiến công vào đói nghèo, lạc hậu, rất khó khăn, gian khổ. Bởi thế, bộ đội phải nghiên cứu thực tế để “tổ chức dàn trận” theo đúng bài bản, đảm bảo chắc thắng”.

Ngày 18-6-2009, Ban CHQS huyện Kim Bôi lập Đề án số 304 về việc “LLVT tham gia xây dựng mô hình làng văn hóa-quốc phòng”.

Ngày 10-7-2009, UBND xã Đú Sáng ra quyết định “Thành lập Ban chỉ đạo xây dựng mô hình làng văn hóa-quốc phòng tại xóm Bái Tam”, trong đó Ban CHQS huyện Kim Bôi giữ vai trò tham mưu và chỉ đạo chung, bộ đội huyện và dân quân xã là lực lượng thực hiện nòng cốt.

Trung tá Bùi Tuấn Linh, Chính trị viên kiêm Chủ nhiệm chính trị Ban CHQS huyện Kim Bôi cho biết: Việc đầu tiên Ban chỉ đạo tiến hành là tổ chức Hội nghị toàn thể nhân dân xóm Bái Tam. Qua quán triệt, bà con đã hiểu rõ mục đích, ý nghĩa và lợi ích của Đề án 304 nên đồng tình với quyết tâm cao”.

Khi đã có sự đồng thuận, theo kế hoạch đã thống nhất với lãnh đạo, chính quyền địa phương, quá trình tổ chức thực hiện được chia làm 4 giai đoạn. Giai đoạn 1 mang ý nghĩa tiên quyết, được tiến hành từ tháng 7 đến tháng 12-2009 là tập trung xây dựng Chi bộ xóm Bái Tam trong sạch, vững mạnh. Chi bộ đã ra Nghị quyết chuyên đề về thực hiện Đề án 304, tổ chức sinh hoạt thường kỳ, phát huy tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên trước quần chúng. Xây dựng tổ chức chính quyền thôn, các tổ chức đoàn hội vững mạnh. Các chi hội Cựu chiến binh, Phụ nữ, Đoàn thanh niên, Người cao tuổi đều được đưa vào cuộc để phát huy sức mạnh tổng hợp. Cũng trong giai đoạn này, Ban chỉ đạo đã hoàn thành việc tổ chức vận động nhân dân đóng góp sức người, sức của để chung tay cùng bộ đội thi công hệ thống ngõ bê tông có chiều dài 1.200m. Đây là việc làm mang tính đột phá, vừa giải quyết vấn đề giao thông trong xóm, vừa có vai trò kết nối Bái Tam với con đường liên xã do Nhà nước đầu tư vừa mới hoàn thành, chấm dứt tình trạng bị cô lập.

Giai đoạn 2 từ tháng 1 đến tháng 12-2010, giúp đỡ bà con xây dựng 321 chuồng trại các loại để đưa vật nuôi ra khỏi gầm sàn; xây mới 40 nhà vệ sinh theo tiêu chuẩn khoa học; sửa chữa củng cố hệ thống bể nước và đường dẫn nước sạch. Giai đoạn 3 từ tháng 1-2011 đến tháng 12-2012, phối hợp với Trung tâm Khuyến nông-Khuyến lâm huyện quy hoạch 8 vườn trồng mít Thái; xây dựng 5 vườn rau sạch, đào 2 ao thả cá. Đây là những mô hình mẫu để Ban chỉ đạo tập huấn quy trình sản xuất cây ăn quả, cây lương thực, chăm sóc gia súc gia cầm… cho bà con nông dân. Giai đoạn 4 được tiến hành từ tháng 1-2013 đến nay, tu sửa nâng cấp khu Nhà văn hóa xóm. Đến nay đã hoàn thiện nhà hội trường 125m2 với đủ trang trí khánh tiết, bàn ghế… và khu sân chơi rộng rãi hàng nghìn mét vuông. Đây là việc làm cực kỳ quan trọng, bởi người Mường xóm Bái Tam có nhiều sinh hoạt văn hóa dân gian độc đáo như: Đánh cồng, đánh mảng, đè khà… nhưng đang bị mai một vì đời sống khó khăn. Từ ngày khánh thành Nhà văn hóa, ở Bái Tam đã sống lại những loại hình này, sôi nổi nhất là vào những dịp lễ Tết, đặc biệt là Tết Độc lập 2-9.

Ông Bạch Công Quỳnh, Chủ tịch xã Đú Sáng vui mừng thông báo: Sau 4 năm xây dựng, xóm Bái Tam đã thay đổi toàn diện. Thu nhập bình quân đầu người đã đạt gấp đôi năm 2009, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 21,4%. Khi đời sống khá lên thì các hủ tục lạc hậu sẽ bị đẩy lùi. Người dân Bái Tam khi ốm đau đã không còn cúng bái mà đi cơ sở y tế. Không còn tệ tảo hôn, không còn tình trạng sinh con thứ ba. Và đặc biệt là việc học hành rất tiến triển. Trước đây ở Bái Tam các cháu chỉ học hành chiếu lệ rồi ở nhà lấy vợ, lấy chồng, vậy mà chỉ mấy năm nay, cả xóm đã có 8 cháu thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học trong cả nước.

Đi vào xóm Bái Tam hôm nay, bất cứ ai cũng có cảm giác thanh bình. Đường xóm sạch sẽ phong quang. Những mái nhà sàn thấp thoáng sau rặng cây ăn quả xanh mát. Ngô lúa trải vàng ươm những sân phơi. Những ao cá đầy ăm ắp nước trong veo. Những chàng trai, cô gái Mường cưỡi xe gắn máy lướt thảnh thơi trên đường với nét mặt vui tươi. Trưởng thôn Bùi Văn Tặng hồ hởi khoe: “Bái Tam hiện đã phổ cập ti vi, xe gắn máy đến 100% số hộ; có hộ có tới hai ba chiếc. Toàn xóm có tới 30 cái máy cày…”.

Chúng tôi vào thăm nhà bà Bùi Thị Diên. Bà đang chăm vườn rau sạch do “bộ đội huyện làm cho”. Bà cười bảo “Trước kia nhà tôi chỉ biết hái rau rừng về làm thức ăn, giờ đã biết trồng đủ loại rau cà”. Nhà bà Diên vừa mới sửa lại ngôi nhà sàn rộng rãi. Ấn tượng đầu tiên đến với chúng tôi là dưới gầm sàn, nơi nhốt trâu bò gia súc ngày trước, hiện là… hai chiếc xe gắn máy và một chiếc máy cày! Điều thú vị là cả hai chiếc xe gắn máy đều… để nguyên chìa khóa tại ổ. Trưởng thôn Bùi Văn Tặng giải thích: “Ở xóm Bái Tam cả cổng ngõ, cửa nhà và xe máy, xe đạp đều không cần khóa. Vì xóm không có tệ nạn cờ bạc, nghiện hút, buôn lậu, mại dâm, trộm cắp…”.

Ánh sáng lan tỏa

Chủ tịch xã Bạch Công Quỳnh khẳng định: Xây dựng làng bản văn hóa-quốc phòng là một đề án có tính khoa học, hiệu quả, sát đúng với tình hình thực tế cấp thôn bản, đã được minh chứng qua thực tiễn xóm Bái Tam. Và hiện nay, mô hình này đã lan tỏa ra toàn xã Đú Sáng. Từ tư duy tổ chức cuộc sống nặng tính nguyên thủy tự cung, tự cấp, đến nay đồng bào Mường trong xã đã biết tiếp thu khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng theo hướng hàng hóa. Nhiều hộ trồng bí đao cao sản, khổ qua, dưa… lấy hạt. Năm ngoái, thương lái đánh ô tô tận nương của bà con thu mua bí với giá 20.000 đồng/kg; giá hạt khổ qua giống tới 400.000/kg… Vì thế nhiều hộ đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Tìm hiểu về những hộ làm kinh tế giỏi, thật bất ngờ, chúng tôi được biết phần lớn những chủ hộ đó là người đã từng đi bộ đội! Tiêu biểu nhất phải kể đến gia đình Xã đội trưởng Bùi Văn Quân. Anh Quân nguyên chiến sĩ Lữ đoàn 239 Công binh, xuất ngũ năm 1991, được bổ nhiệm chức Xã đội trưởng khi Đề án 304 được triển khai ở Đú Sáng. Ngoài việc trực tiếp chỉ huy lực lượng dân quân xã tham gia giúp nhân dân xây dựng cuộc sống mới, anh cùng các đồng đội động viên nhau phải gương mẫu đi đầu trong việc xây dựng gia đình mình thành gia đình tiêu biểu. Vườn nhà anh, ngoài khu vực trồng rau, đào ao thả cá… cách đây hàng chục năm anh đã mạnh dạn trồng hàng trăm cây dó bầu cấy chế phẩm sinh học, hiện đang thu hoạch. Một cây dó có trọng lượng gỗ bình quân 100kg, với mức giá bán tại vườn 30.000 đồng/kg, anh đã có khoảng 300 triệu đồng. Từ thành công trong việc tổ chức kinh tế gia đình của mình, anh Quân đã hướng dẫn để 14 hộ bà con trong xã làm theo và đều mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chính những người đã từng là lính dám nghĩ, dám làm, dám đi tiên phong này đã góp phần rất lớn cùng bộ đội huyện Kim Bôi thực hiện thành công Đề án 304 ở Đú Sáng. Nói về việc này, Chủ tịch xã Bạch Công Quỳnh xúc động: “Những đóng góp hàng ngàn ngày công, hàng trăm triệu đồng cho Đú Sáng của những người lính Huyện đội Kim Bôi và dân quân xã đã là quý giá. Nhưng có một thứ quý giá hơn không thể đo đếm được, đó là họ đã làm mọi việc, từ lập kế hoạch công tác cho đến tỉ mỉ vẽ từng mẫu nhà vệ sinh, cắm từng hàng rào, trồng từng gốc rau… làm mẫu cho đồng bào với một thái độ trách nhiệm và tình cảm hết sức chân tình”.

Đú Sáng không còn tối, đó là niềm vui không chỉ của riêng đồng bào Mường xứ Kim Bôi mà còn hơn thế nữa, bởi mô hình này đã được nhân rộng tới 18 Làng văn hóa-quốc phòng trên toàn tỉnh Hòa Bình. Và tại Hội nghị điểm toàn quân thực hiện phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới” do Bộ CHQS tỉnh Hòa Bình tổ chức vừa qua, cái tên xóm Bái Tam, xã Đú Sáng đã được nhắc đến như một địa chỉ tiên phong, như một điểm sáng đang lan tỏa.

Với tâm thế của một người con xứ Mường, Trung tá Bùi Tuấn Linh bảo rằng: “Đã đến lúc Kim Bôi nghĩ đến việc đi lên bằng du lịch. Bởi vùng đất có nhiều phong cảnh đẹp, vẫn giữ được nhiều nét văn hóa nguyên sơ của xứ Mường Động xa xưa, sẽ là địa điểm lý tưởng cho khách tham quan. Tôi tin rằng, chẳng bao lâu nữa, câu ca dao chạnh lòng về quê hương tôi sẽ được thay đổi: Quý nhau cho thịt cho xôi. Yêu nhau đưa đến Kim Bôi tự tình…”.

ĐỖ TIẾN THỤY