QĐND Online - Huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình) có 2 thị trấn, 25 xã, là nơi đạo Thiên Chúa du nhập, phát triển lâu đời và cũng là địa phương có tỷ lệ người theo đạo Thiên Chúa cao so với các địa phương khác trong cả nước. Những năm gần đây, Kim Sơn luôn dẫn đầu tỉnh Ninh Bình về thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương, nhất là công tác tuyển quân, huấn luyện và tham gia xây dựng nông thôn mới. Những kết quả ấy có một phần đóng góp của những người đã từng có thời gian tại ngũ trong quân đội.

Không có cách biệt

Một trong những phương pháp thực hiện tốt công tác quân sự, quốc phòng địa phương ở huyện Kim Sơn là khơi gợi đoàn kết dân tộc và dựa chắc vào các chức sắc tôn giáo địa phương. Việc đó được thực hiện tốt ở nhiều xã, trong đó xã Chính Tâm là một điển hình.

Chính Tâm là xã thuần nông có hơn 83% đồng bào Công giáo sinh sống. Nhiều năm trở lại đây, chất lượng thanh niên nhập ngũ của Chính Tâm không ngừng tăng. Đợt 1 năm 2014, số thanh niên xã Chính Tâm nhập ngũ vượt chỉ tiêu trên giao gần 30%, trong đó có gần 50% thanh niên học hết phổ thông trung học. Linh mục Nguyễn Hồng Phúc, quản hạt 5 xứ đạo: Chính Tâm, Xuân Thiện, Hội Ninh (huyện Kim Sơn) và hai xứ khác của huyện Yên Khánh kể, thời gian qua, các cán bộ Đảng ủy, UBND, Ban CHQS xã Chính Tâm thường xuyên gặp gỡ, trao đổi tình hình, thông tin với các chức sắc, chức việc tôn giáo. Họ mong muốn các linh mục, trùm trưởng, chánh trương… chung tay, góp sức xây dựng địa phương giàu mạnh theo đúng tinh thần “kính chúa yêu nước”. Trong khi giảng đạo, linh mục Phúc nêu và phân tích cho con chiên hiểu kỹ nhiều vấn đề về trách nhiệm của công dân đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, trong đó có đi sâu vào các vấn đề giữ gìn an ninh trật tự an toàn xã hội, xây dựng LLVT, phòng chống bão lũ, thiên tai… Các chức sắc tôn giáo khác ở địa phương cũng thực hiện theo việc làm này của Linh mục Phúc.

 Linh mục Nguyễn Hồng Phúc (đứng giữa) cùng các đồng chí Ban CHQS xã Chính Tâm thăm cây xanh do Phạm Văn Thanh hiến tặng nhà thờ.

Ông phân tích, trong giai đoạn hiện nay, việc tổ chức quân đội bảo vệ Tổ quốc có ý nghĩa hết sức quan trọng, vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ, trách nhiệm của mọi công dân, không phân biệt dân tộc, tôn giáo… Việc thực hiện nghĩa vụ quân sự là bình đẳng và không có cách biệt. Trước khi thanh niên xứ đạo lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự, Linh mục Phúc tổ chức lễ cầu bình an, giúp họ yên tâm phấn đấu. Linh mục Phúc cho rằng, quân đội là môi trường đào tạo con người rất tốt, nhất là về phẩm chất đạo đức và tinh thần trách nhiệm. Sau khi ra quân, họ sẽ trở thành những công dân tốt và là nguồn bổ sung cho hệ thống chính trị ở địa phương. Linh mục Phúc lấy ví dụ chứng minh, hiện xã Chính Tâm có hơn 80% cán bộ theo đạo, trong đó có nhiều người giữ cương vị lãnh đạo chủ chốt từng ở trong quân ngũ. Linh mục Phúc khẳng định: “Nhiều năm qua địa phương không có trường hợp thanh niên đảo, bỏ ngũ. Đây là một thành công lớn để xứ đạo vui hơn”.

Đồng chí Phạm Văn Thanh, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Chính Tâm là giáo dân, từng tại ngũ ở Bộ tư lệnh Công binh 3 năm bộc bạch, hơn 3 năm về trước, số thanh niên nhập ngũ của Chính Tâm học hết phổ thông chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhiều thanh niên đi làm ăn xa mãi ở các tỉnh trong Tây Nguyên và miền Nam, ngại không thực hiện sơ tuyển, khám tuyển. Nhiều gia đình có vẻ thờ ơ trước việc tuyển chọn công dân nhập ngũ, không gọi con em về khám tuyển. Nay thì khác, từ sự nỗ lực của các thành viên trong Ban CHQS xã, sự giúp đỡ của các chức sắc tôn giáo, các thanh niên đi làm ăn xa đều đăng ký địa chỉ cư trú rõ ràng; các gia đình đều viết cam kết gọi con về sơ tuyển đúng thời gian. Điều này lý giải vì sao, những năm lại đây, Chính Tâm luôn là địa phương đạt chất lượng tốt trong tuyển chọn công dân nhập ngũ.

Lấy việc thật để động viên

Bên cạnh việc dựa vào các chức sắc tôn giáo, Ban CHQS huyện Kim Sơn luôn tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương nhiều chủ trương đúng, thể hiện tình cảm, trách nhiệm và động viên được toàn dân thực hiện. Thượng tá Lê Ngọc Giao, Chính trị viên Ban CHQS huyện Kim Sơn chia sẻ, tỉ lệ người theo đạo Thiên Chúa ở Kim Sơn chiếm gần 50%. Do yếu tố lịch sử, vấn đề tôn giáo ở Kim Sơn rất nhạy cảm, để thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương, vấn đề quan trọng nhất là phải luôn đảm bảo được sự công bằng, dân chủ.

 Phạm Văn Thanh, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Chính Tâm (bên trái) kiểm tra vũ khí trước khi đưa ra huấn luyện.

Để chứng minh, Thượng tá Nguyễn Ngọc Giao kể lại câu chuyện xảy ra cách đây hơn 4 năm. Vào đầu năm 2010, trước khi nhận lệnh gọi nhập ngũ, gia đình nhà Trần Văn Huân ở xóm 13 xã Kim Trung gặp chuyện rất buồn, cả ông và bố đều mất chỉ cách nhau có hai tuần. Thấy được hoàn cảnh khó khăn của Huân, Ban CHQS huyện Kim Sơn đã huy động mọi nguồn lực, xây tặng gia đình một ngôi nhà. Được sự động viên kịp thời của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị-xã hội địa phương, Huân vẫn lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự. Trong thời gian tại ngũ, nhờ phấn đấu và rèn luyện tốt, Huân đã được kết nạp vào Đảng. Sau khi học xong khóa sĩ quan dự bi, Huân trở về địa phương và đang là một hạt nhân chính trị để xây dựng quê hương. Hay như trường hợp của Phạm Văn Tiến ở xóm 1, xã Tân Thành cũng là một điển hình. Trong thời gian tại ngũ ở Sư đoàn 395 (Quân khu 3), bố của Tiến không may bị bệnh và qua đời. Ban CHQS huyện cũng đã xây tặng gia đình một căn nhà đồng đội. Trước tình cảm chân thành đó, Tiến đã tâm vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ tại đơn vị.

Làm mẫu để dân đồng thuận

Từ năm 2011, ngoài các nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ thường xuyên khác, LLVT huyện Kim Sơn còn có một nhiệm vụ quan trọng khác là tham gia vào xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, nhiều xã của huyện Kim Sơn đã hoàn thành các tiêu chí cơ bản trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, điển hình là các xã Như Hoà, Hùng Tiến, Ân Hoà, Kim Định.... Tuy không phải là xã đạt được nhiều tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới ở Kim Sơn và tỉnh Ninh Bình, nhưng Xuân Thiện lại là địa phương mà LLVT có nhiều đóng góp hiệu quả nhất trong thực hiện phong trào này.

Đồng chí Lê Kim Long, Chủ tịch UBND xã Xuân Thiện chia sẻ, xã có hơn 86% đồng bào Công giáo. 3 năm trước, vào mùa mưa, đường vào các xóm của Xuân Thiện lầy lội, có chỗ ngập sâu trong nước nhiều ngày không thể đi được bằng các phương tiện giao thông bộ. Cảnh đó lặp đi lặp lại khiến người dân Xuân Thiện gặp không ít khó khăn trong sản xuất và sinh hoạt. Nay thì khác, sau 3 năm triển khai phong trào xây dựng nông thôn mới, Xuân Thiện đã làm được 5,5km đường liên thôn có bề mặt rộng hơn 3m và 40 đường ngõ ngách có kích thước mặt từ 2,5 đến 3m. Hiện những con đường bê tông thẳng tắp, rộng rãi và sạch sẽ hiện diện khắp các thôn xóm khiến cho bộ mặt ở Xuân Thiện thay đổi hẳn, giúp người dân đi lại dễ dàng hơn gấp nhiều lần. Điều đáng quý là, đến giờ phút này, chính quyền địa phương không phải giải quyết khiếu khiện, thắc mắc của dân. Để có kết quả này, một trong những kinh nghiệm của Xuân Thiện là phát huy được vai trò xung kích đi đầu của LLVT địa phương.

 Ban CHQS xã cùng các các bộ UBND xã Xuân Thiện vui mừng với đường ngõ đổ bê tông, nơi người dân phá nhà, hiến đất làm đường.

Trên đường vào thôn Dũng Thúy, chúng tôi gặp Đỗ Văn Thắng, Tiểu đội trưởng dân quân đang cùng nhiều dân quân khác chở đá chuẩn bị đổ bê tông một con đường trong ngõ của thôn. Ngừng công việc, anh chia sẻ, sau khi rời quân ngũ anh trở lại địa phương bắt đầu xây dựng cuộc sống mới. Hiện nay, trong thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, LLVT của xã Xuân Thiện đảm nhận công việc tuyên truyền và quy hoạch mặt bằng hệ thống đường giao thông liên thôn và ngõ xóm. Ngoài ra, còn đảm nhận thi công một số đoạn đường khác. Đồng chí Đinh Tư Hòa, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Xuân Thiện từng là chiến sĩ của Lữ đoàn xe tăng 202 (Quân đoàn 1) kể, với sự vào cuộc tích cực của LLVT, nhiều gia đình đã tự nguyện hiến đất. Nhiều người dân địa phương đi làm ăn xa cũng trở về quê quyên góp tiền ủng hộ việc làm đường giao thông. Theo thống kê của anh Hòa, cả xã có 45 hộ hiến hơn 1.570m3 đất để làm đường. Chỉ riêng thôn Chí Thiện, người dân đi làm ăn xa đã đóng góp hơn 100 triệu.

Đồng chí Đinh Tư Hòa chia sẻ thêm, công việc vận động lúc đầu rất vất vả, phải đến từng hộ để giải thích, nhiều hộ chưa tin nên tiến độ công việc gặp không ít khó khăn. Để chứng minh cho bà con hiểu chủ trương đúng của Nhà nước, các thành viên trong Ban CHQS và LLVT của thôn làm trước. Khi đã thấu hiểu, người dân đã tự nguyện hiến đất. Điển hình là người dân đã tự nguyện dỡ bỏ một nhà phòng họ giáo và tường rào dài gần 30m để làm đường bê tông.

Đánh giá về vai trò của Ban CHQS xã Xuân Thiện trong phong trào xây dựng nông thôn mới, đồng chí Lê Kim Long, Chủ tịch UBND, nguyên là thợ kỹ thuật của Quân chủng Phòng không – Không quân cho rằng, chính sự gương mẫu, đi đầu của họ đã lôi kéo được các hộ dân khác trong xã tham gia. Mặc dù tỉnh Ninh Bình và UBND xã chỉ hỗ trợ phần nào tiền và vật liệu, nhưng vì ý nghĩa thiết thực với đời sống, nên người dân đã đồng lòng thực hiện. Đồng chí Long kể thêm, vào cuối năm 2012, cả xã như một công trường, chỉ trong 28 ngày đã đổ xong 38 đường dong, tiêu thụ 660 tấn xi măng. Đồng chí nhấn mạnh, đây làm một kỳ tích của địa phương từ trước đến nay. Thời gian tới, Đảng ủy, UBND xã tiếp tục giao cho LLVT xung kích đi đầu trong việc dồn điền đổi thửa, quy hoạch phát triển nông thôn mới ở xã hiệu quả thiết thực hơn.

Không chỉ làm tốt vai trò trong phong trào xây dựng nông thôn mới mà Ban CHQS xã Xuân Thiện còn tổ chức tốt lực lượng vận động, tuyên truyền người dân, phối hợp với công an xã giữ gìn an ninh trật tự và an toàn xã hội. Hơn 8 năm qua, Xuân Thiện được công nhận là xã không ma túy. Có thể nói rằng, với phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ được rèn luyện qua những năm tháng quân ngũ, khi trở về địa phương, những họ đã tiếp tục phấn đấu mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần cho xứ đạo ngày càng bình yên và phát triển.

Bài và ảnh: ĐỨC TÂM