QĐND - Bước chân của các trí thức trẻ tình nguyện (TTTTN) Lâm trường 156 (Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 327, Quân khu 3) đã đến khắp các bản làng của hai xã biên giới: Lục Hồn và Hoành Mô (huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh). Trăn trở trước cuộc sống khó khăn của bà con, họ đã nỗ lực tìm ra mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, góp phần xóa đói giảm nghèo trên vùng biên giới Đông Bắc của Tổ quốc.

Đa dạng mô hình giúp dân

Chiều tối, anh Hoàng Thanh Chương ở bản Đồng Cặm, xã Hoành Mô có chút gọi là “cây nhà lá vườn” góp vui cùng đơn vị để chia tay các  TTTTN trở về địa phương sau hai năm gắn bó với bản làng. Anh Chương kể: “Gia đình tôi vốn là hộ nghèo nhất bản. Nhờ được đầu tư và chuyển giao mô hình phát triển kinh tế tổng hợp của Đội TTTTN Lâm trường 156, nên cuộc sống của gia đình tôi đã thay đổi. Bình quân mỗi năm, gia đình thu lãi từ mô hình này khoảng 100 triệu đồng. Mô hình đang được nhân rộng cho bà con trong bản và xã”.

Trí thức trẻ tình nguyện Lâm trường 156 trao đổi với bà con bản Trình Tường, xã Hoành Mô kỹ thuật trồng lúa nước.

Anh Chương hiện đang chăn nuôi lợn nái sinh sản, lợn thịt, gà, ngan Pháp, nuôi cá nước ngọt kết hợp trồng mít, trồng rừng. Trước đây, anh Chương thuộc hộ có sức khỏe, có lao động, nhưng cứ loay hoay với bài toán thoát nghèo. Sau khi khảo sát, TTTTN đã đề xuất với chỉ huy Lâm trường 156 các mô hình thoát nghèo. Bạn Phạm Đăng Tuyên, TTTTN Lâm trường 156, cho biết: “Qua khảo sát, chúng tôi đã đề xuất chỉ huy đơn vị xây dựng 15 hộ gia đình phát triển kinh tế bền vững; mỗi gia đình gắn với một mô hình cụ thể”.

Mỗi mô hình phát triển kinh tế thể hiện sự tìm tòi, trăn trở của TTTTN Lâm trường 156 với cái nghèo của bà con khu vực biên giới hai xã Lục Hồn và Hoành Mô. Với phương châm “cầm tay chỉ việc”, chỉ trong hai năm, lực lượng TTTTN cùng với Lâm trường 156 đã triển khai cho 40 hộ trồng mít Thái Lan, 25 hộ nuôi ngan Pháp, 10 hộ nuôi cá rô đơn tính, 30 hộ nuôi lợn nái sinh sản, 20 hộ nuôi gà lai Đông Cảo và nhiều hộ trồng thanh long ruột đỏ, nấm rơm, nấm sò... Thượng tá Đặng Ngọc Linh, Giám đốc Lâm trường 156, chia sẻ: “Khi đưa ra mô hình, lực lượng TTTTN luôn cắt cử các đội viên “bám sát” các hộ dân để hướng dẫn kỹ thuật và kiểm tra, nên các dự án giảm nghèo của hai xã phát triển tốt, đạt hiệu quả kinh tế cao”.

Không chỉ tìm ra những mô hình kinh tế giúp bà con hai xã Lục Hồn và Hoành Mô xóa đói, giảm nghèo, lực lượng TTTTN Lâm trường 156 còn rất tâm huyết với việc vận động bà con đồng bào Dao ăn ở theo nếp sống vệ sinh, khoa học. Bạn Hoàng Thị Chương là người dân tộc Dao nên rất am hiểu một số thói quen, tập tục chưa tốt của đồng bào mình, như thường làm chuồng trại chăn nuôi sát nhà ở gây ô nhiễm môi trường và là mầm mống gây bệnh; hay việc bà con thường tích trữ phân trâu, bò (đã phơi khô, tán nhỏ) để trong nhà dùng làm phân bón, gây mất vệ sinh... Các TTTTN phải tìm cách tuyên truyền cho bà con thay đổi cách làm lạc hậu này.

Bạn Lã Văn Khang, TTTTN Lâm trường 156, nhớ lại: “Có hôm trời đổ mưa, chúng tôi vào một hộ dân ở bản Nà Sa, xã Hoành Mô và thấy bà con chỉ tập trung thu dọn phân trâu, phân bò đang phơi ở sân đưa vào trong nhà, chứ không chạy mưa cho thóc phơi cạnh đó. Thấy vậy, chúng tôi nhanh chóng giúp bà con thu dọn thóc. Sau này, chúng tôi đến từng nhà tuyên truyền và bà con không còn để phân trâu, bò trong nhà nữa”.

Những “hạt giống đỏ” của quê hương

Buổi chia tay của lực lượng TTTTN Lâm trường 156 với bà con dân bản đầy lưu luyến. Trong hành trang trở về với cuộc sống mới của các TTTTN, tôi đặc biệt ấn tượng bởi cả 8/8 đồng chí đều là đảng viên. Thượng tá Hoàng Văn Hiển, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Lâm trường 156, cho biết: “Khi các TTTTN vào đơn vị, họ đều là đoàn viên. Sau hai năm nỗ lực phấn đấu, gắn bó với mảnh đất biên cương, cùng sự dìu dắt, giúp đỡ của chi bộ, các em đều được kết nạp Đảng. Kết quả trên là sự ghi nhận những nỗ lực và cống hiến của các TTTTN trên vùng đất còn nhiều khó khăn, gian khổ”.

Về quá trình xây dựng “hạt giống đỏ”, anh Hiển cho biết: “Khi các TTTTN vào đơn vị, Đảng ủy đã định hướng và giao cho mỗi chi bộ theo dõi, giúp đỡ một đến hai TTTTN. Sau một năm, đồng chí nào phấn đấu tốt sẽ được cử đi học lớp bồi dưỡng lý luận do Đảng ủy Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 327 tổ chức. Thông qua công việc hằng ngày, sự phấn đấu, rèn luyện của các em để tổ chức đảng xem xét; đoàn viên nào phấn đấu chưa tốt, chúng tôi sẽ tiếp tục bồi dưỡng và kết nạp Đảng khi có đủ điều kiện”. 

Hầu hết các TTTTN ở Lâm trường 156 đều là con em của huyện Bình Liêu, nên khi trở về địa phương, các em sẽ là những “hạt giống đỏ” trong xây dựng phong trào ở cơ sở. Bạn Ngô Thị Hồng, quê ở xã Hoành Mô, cho biết: “Trở về quê hương sau hai năm gắn bó với lâm trường, đồng thời là người đảng viên, chúng tôi càng thấy rõ hơn vinh dự, trách nhiệm của mình là phải phấn đấu góp phần xây dựng mảnh đất biên cương ngày càng giàu mạnh”.

Bài và ảnh: HẢI SƠN