QĐND Online - Sáng tạo, vận dụng linh hoạt các mô hình và cách làm phù hợp, từ năm 2011 đến nay, LLVT tỉnh Gia Lai đã giúp hơn 2.700 ngày công lao động, hỗ trợ 3.370kg gạo, 3,5 tấn phân bón; tặng gần 100 con bò, dê, heo giống, 45kg cá giống; hỗ trợ giống, vốn, trồng, chăm sóc, thu hoạch hàng chục héc-ta cây cà phê, điều, hồ tiêu, cao su, bời lời đỏ, lúa nước… tổng trị giá gần 700 triệu đồng để xóa đói, giảm nghèo cho 85 hộ dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, trong đó có gần 50 hộ đã thoát khỏi đói, nghèo.
“Bà đỡ” trực tiếp, hiệu quả
Gia đình anh Siu Chao ở làng Tào Ròong là một trường hợp điểnhình. Năm 2010, vợ chồng anh được bố mẹ vợ cho tách bếp, cho ra ở riêng với 800m2 vườn tiêu và 2 sào ruộng lúa nước, nhưng do phải nuôi hai con nhỏ, thiếu sức lao động, lại không biết cách làm ăn, nên vợ chồng anh đối mặt với bao khốn khó. Đầu năm 2011, Ban CHQS huyện Chư Sê nhận giúp Siu Chao thoát nghèo. Bộ đội phối hợp cùng dân quân giúp hơn 100 ngày công để cải tạo vườn, ruộng, hỗ trợ hơn 1 tạ phân hóa học, 20,5 triệu đồng mua vật tư chăm bón số cây tiêu hiện có và trồng thêm 95 gốc. Bộ đội đưa 25 trụ bê tông, cây gỗ, xi măng, dây kẽm gai từ đơn vị vào để thiết kế vườn tiêu mới, làm chuồng trại chăn nuôi, rào khu vườn và mua tặng 1 con bò giống trị giá hơn 10 triệu đồng. Ban CHQS còn đề xuất địa phương hỗ trợ Siu Chao kinh phí, bộ đội giúp công lao động để xây ngôi nhà mới trị giá 16 triệu đồng, thay cho túp lều dột nát trước đó.
 |
Được bộ đội giúp đỡ, gia đình Siu Chao (ở làng Tào Ròong xã Ia Pal, huyện Chư Sê) có vườn hồ tiêu xanh tốt.
|
Theo Thượng úy Ksor Nhiêu, Trợ lý dân vận, Ban CHQS huyện Chư Sê, quá trình giúp gia đình Siu Chao là cuộc tiếp sức để người dân chống đói nghèo, đồng thời là một cuộc vận động thay đổi thói quen sinh hoạt, tập quán làm ăn lạc hậu của người dân địa phương. Những ngày giúp gia đình Siu Chao, anh em lao động bất kể nắng mưa, vừa trực tiếp làm, vừa hướng dẫn cách thức trồng tỉa, chăn nuôi; chỉ, bày cho anh từ cách đào hố, bón phân, theo dõi sâu bệnh, tưới nước cho vườn tiêu, đến gieo sạ, làm cỏ, thu hoạch lúa… Đưa chúng tôi đi thăm vườn tiêu xanh tốt, vợ Siu Chao, chị R’lan Toan cho biết, năm ngoái, gia đình chị thu hoạch gần 1,2 tạ hạt tiêu và 8 tạ thóc, năm nay sẽ được nhiều hơn. Cuộc sống gia đình anh khấm khá, có tiền sắm xe máy, máy cắt cỏ, ti-vi và một số vật dụng gia đình. Siu Chao vốn lầm lì ít nói, nhưng khi nhắc đến chuyện bộ đội giúp thoát nghèo, anh cởi mở:
- Trước đây mình chăm chỉ mấy cũng vẫn cứ thiếu đói. Được bộ đội giúp nhiều thứ, nhất là hướng dẫn cách làm để có cái ăn, cái ở, đầu óc mở mang, nên vợ chồng mình tự vươn lên, lo làm ăn. Mình nghèo đói thì khổ và dễ bị kẻ xấu lôi kéo, lợi dụng.
Gia đình Siu Chao là một trong số gần 50 hộ gia đình được LLVT tỉnh Gia Lai giúp thoát khỏi nghèo từ năm 2011 đến nay theo chủ trương của Quân khu 5: Mỗi tiểu đoàn có quân và đơn vị tương đương mỗi năm tham gia “xóa một hộ đói, giảm một hộ nghèo” trên địa bàn đóng quân. LLVT tỉnh Gia Lai trong vai trò “bà đỡ” trực tiếp giúp đồng bào trong cuộc chiến chống đói nghèo, những năm qua đã chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, tranh thủ sự ủng hộ của các ngành, đoàn thể để khảo sát chọn đối tượng giúp đỡ, áp dụng nhiều mô hình phát triển kinh tế gia đình phù hợp, hiệu quả thiết thực.
Những mô hình bộ đội làm mẫu...
Bà Đinh Thị Drô (dân tộc Ba-na) ở làng Nghe Lớn, huyện Kông Chro có hoàn cảnh éo le. Gia đình có 2 người con đang độ tuổi lao động, nhưng bao năm vẫn luẩn quẩn trong đói nghèo. Đầu năm 2011, Ban CHQS huyện Kông Chro tặng bà một con bò giống, còn bộ đội và dân quân thôn giúp công sửa nhà, làm chuồng và bày cách chăn thả, chăm sóc bò. Từ những chân ruộng bên khe suối, ven chân đồi, mà gia đình vốn làm ăn manh mún đã thay đổi khi được bộ đội đứng ra làm mẫu để hướng dẫn quy trình sản xuất, từ cách chọn giống lúa, làm đất, dẫn nước, gieo sạ, bón phân đến chăm sóc, thu hoạch. Cứ một tuần, nửa tháng cán bộ dân vận của Ban CHQS huyện và thị trấn Kông Chro thay nhau đến theo dõi, giúp đỡ gia đình. Sau hai năm, với năng suất gấp bội từ hai vụ lúa mỗi năm, bò giống đã sinh sản lứa thứ hai, thu nhập bình quân hằng tháng đạt gần 700.000 đồng/người, gia đình bà Drô được địa phương công nhận thoát nghèo; được bà con trong làng đến học tập.
Vợ chồng Rơ Chăm O (dân tộc Gia-rai) ở làng Rơ Vaw, xã Ia Khươl, huyện Chư Pảh giáp với tỉnh Kon Tum, đông con, ruộng rẫy ít, lại không biết cách sản xuất nên mãi không thoát khỏi cảnh nghèo khó. Ban CHQS huyện giúp gia đình anh tiền, gạo, quần áo và cải tạo một sào vườn tạp để trồng 700 cây bời lời. Vườn cây được bộ đội rào giậu, hướng dẫn tỷ mỉ cách chăm sóc, nên phát triển nhanh và bắt đầu cho thu hoạch. Còn ở làng Ren, xã Hòa Phú, nhà Rơ Chăm Mlem có 7 lao động, nhưng do thiếu kiến thức làm ăn, không biết phát huy sức lao động, nên đời sống ngày càng nghèo khó. Ban CHQS huyện giúp anh cải tạo vườn, trồng mới gần 1.000m2 cây cà phê. Bộ đội trực tiếp lao động và hướng dẫn gia đình cách làm đất, đào hố, bón phân, chọn mua cây giống, cách trồng và chăm sóc vườn cây... Hiện tại, 325 gốc cà phê đang năm thứ hai, phát triển tốt, riêng gần 200 cây của gia đình trồng trước đó được tưới nước, bón phân, cắt cành, tạo tán đúng kỹ thuật, đã cho thu hoạch với năng suất khá cao.
Chúng tôi được biết, Trường Quân sự địa phương tỉnh Gia Lai phối hợp với xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Pảh đã lập phương án giúp ông Nguyễn Tấn Hòa ở thôn 1 thoát nghèo bằng chăn nuôi heo. Nhà trường cho ông vay 5 triệu đồng mua con giống, thức ăn chăn nuôi, hỗ trợ công làm chuồng trại, đồng thời xã lo khâu chọn giống, chăm sóc thú y, kỹ thuật phối giống. Sau hai năm, từ 2 con heo giống ban đầu đã phát triển thành đàn 5 con lợn nái. Gia đình ông Hòa ngoài bán heo con còn duy trì thường xuyên đàn heo thịt hơn 10 con, mỗi năm thu cả trăm triệu đồng.
Số tiền 5 triệu đồng mà ông Hòa hoàn vốn được chuyển giúp Siu A Lai. Nhà Siu A Lai (dân tộc Ba-na) ở làng Kênh, có vườn cà phê gần 500 gốc đang năm thứ hai, nhưng anh phó mặc cho trời vì vợ đau ốm, lũ con nhỏ nheo nhóc, túng bấn. Trường Quân sự địa phương tỉnh giúp anh 3 tạ gạo, 3 triệu đồng và cho mượn 5 triệu đồng để mua phân bón, thuốc chăm sóc vườn cây. Cách xa gần 20 cây số, nhà trường huy động cán bộ, học viên phối hợp cùng Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ xã giúp làm cỏ, bón phân và áp dụng kỹ thuật vào các khâu chăm sóc. Hiện nay, vườn cây nhà anh đã qua hai lần thu hoạch, năng suất tăng, mỗi năm thu lãi hàng chục triệu đồng. Siu A Lai có tiền trang trải sinh hoạt gia đình, tu sửa nhà và hoàn trả 5 triệu đồng để nhà trường tiếp tục chuyển giúp người khác...
Sát cánh cùng đồng bào các dân tộc trong hành trình phấn đấu vượt qua nghèo đói, LLVT tỉnh Gia Lai để lại dấu ấn đậm nét về hình ảnh đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, luôn gắn bó, hết lòng giúp dân.
Bài và ảnh: NGUYỄN VIẾT PHÚC