QĐND - Đó là câu chuyện về Thượng úy QNCN Nguyễn Văn Tưởng, nhân viên vận động quần chúng Đồn Biên phòng Cầu Bóng (Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa), người đã thầm lặng hơn 10 năm đứng lớp. Là người lính biên phòng, trực tiếp chứng kiến những cảnh đời éo le của các em nhỏ nơi xóm nghèo phường Vĩnh Phước, một địa bàn từng là "điểm nóng" về tệ nạn xã hội, anh đã nghĩ suy, trăn trở rồi đề nghị cấp trên cùng chính quyền địa phương cho phép mở lớp dạy chữ do chính anh đứng lớp.

Tôi đến lớp học của anh Tưởng vào một tối cuối tháng 12-2014. Lớp học là nhà văn hóa tổ dân phố Trường Phúc 19, phường Vĩnh Phước, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Mới có 7 giờ 30 phút tối mà cả khu phố đã chìm vào yên lặng, khác hẳn với sự nhộn nhịp vào ban ngày. Không tiếng ti vi, không tiếng nhạc và không tiếng người, tiếng xe qua lại. Có lẽ, người dân ở đây đã dành tặng cho thầy, trò anh Tưởng sự im lặng đáng quý ấy để thầy, trò tập trung vào việc dạy và học.

Thượng úy QNCN Nguyễn Văn Tưởng trong một buổi lên lớp.

Chờ mãi cũng đến giờ giải lao, tôi gặp anh Tưởng và trao đổi về ý định của mình. Nghe tôi nói, anh Tưởng bảo: “Có gì đâu anh, mình là bộ đội mà, cố gắng và bớt chút thời gian riêng tư để các em có một tương lai tươi sáng hơn thì đáng để cố gắng lắm chứ”. Khi tôi hỏi về hoàn cảnh gia đình của các em trong lớp, giọng anh Tưởng trầm xuống: “Hầu hết các em đều có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn. Nhiều em bố mẹ đi tù do vi phạm pháp luật, bố mẹ bỏ nhau hoặc bố mẹ mắc bệnh hiểm nghèo. Từ nhỏ, các em đã phải phụ giúp gia đình kiếm sống bằng việc bưng bê ở các nhà hàng, bán vé số dạo, làm việc ở quán bi-a… Hơn nữa, địa bàn phường Vĩnh Phước vốn nổi cộm về mất trật tự an toàn xã hội nên các em rất dễ sa ngã. Mong muốn các em biết được con chữ để học điều hay, lẽ phải, sống có ích cho xã hội nên tôi đã đề xuất ý kiến với chỉ huy đồn và chính quyền địa phương cho mở lớp học”.

Đề xuất của anh Tưởng được đồng ý. Anh Tưởng trực tiếp cùng với chính quyền, đoàn thể địa phương đến từng gia đình vận động cho các em đi học. Nghe tin có lớp học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn nên mọi người đều chung tay đóng góp. Người đóng góp sách cũ, người cho tập vở mới… làm đồ dùng học tập cho các em. Sự đóng góp, động viên của mọi người khích lệ anh Tưởng thêm cố gắng vì các em. Rồi lớp học khai giảng. Do đã quen với cuộc sống tự do nên khi vào lớp, các em khá bướng bỉnh và khó bảo. Không những thế, độ tuổi của các em không đồng đều nên các em lớn tuổi thường tỏ ra ái ngại khi ngồi chung lớp với các em nhỏ. Vậy là "thầy giáo" Tưởng phải nói chuyện, động viên từng em và đôi khi phải rất nghiêm khắc. Cùng với đó, "thầy" Tưởng còn phải có giáo án riêng cho từng em và kiên trì từng bước chỉ bảo các em.

Hơn 10 năm làm “nghề tay trái”, anh Tưởng vẫn còn nhớ như in cậu học trò Nguyễn Văn Tân ở tổ 19 Trường Phúc, phường Vĩnh Phước. Anh Tưởng kể: “Gia đình Tân rất khó khăn, bố mẹ làm nghề tự do, nhà đông anh em nên Tân không được đi học. Khi tôi đến vận động Tân đi học, em không đi và còn nói hỗn với tôi, xuống lớp quậy phá, nói xấu tôi. Tôi kiên trì đến nhà vận động và thông qua bạn bè của Tân ở lớp, sau khoảng ba tháng thì Tân đến lớp xin học. Mới đầu, em còn ngượng ngùng và khó hòa đồng với thầy, với bạn. Tôi và các em trong lớp thường xuyên gần gũi, động viên Tân nên sau một thời gian, em đã ngoan hơn và chăm chỉ học hành. Nay Tân đã 21 tuổi, thường xuyên theo tàu đánh cá lênh đênh trên biển nhưng mỗi khi rảnh rỗi, Tân vẫn gọi điện hỏi thăm sức khỏe của thầy, tình hình lớp học, có khi còn mời thầy đi uống cà phê tâm sự”.

Ông Nguyễn Văn Cường, Chủ tịch UBND phường Vĩnh Phước, cho biết: Thầy Tưởng không quản mưa gió, thường xuyên bám lớp, bám trò, mang cái chữ đến cho các em ở phố Trường Phúc. Nhiều em học sinh sau khi học lớp của thầy Tưởng đã được công nhận phổ cập tiểu học và một số em được chuyển đến Trường THCS Nguyễn Khuyến để tiếp tục tham gia lớp phổ cập giáo dục THCS. Không những thế, tệ nạn xã hội và an ninh trật tự trên địa bàn đã giảm rõ rệt.

Năm 2009-2010, Thượng úy QNCN Nguyễn Văn Tưởng được Thủ tướng Chính phủ và Tỉnh ủy Khánh Hòa tặng Bằng khen trong thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Song đối với anh, niềm hạnh phúc lớn nhất, nguồn động viên lớn nhất là sự trưởng thành của những cậu học trò như Tân, cũng như việc bồi đắp ước mơ giúp đám trẻ nghèo tự tin hơn trên con đường hướng đến tương lai.

Bài và ảnh: ĐỨC TUẤN