QĐND - Với phương châm giữ gìn và phát huy những mỹ tục của đồng bào các dân tộc, xây dựng tình đoàn kết, gắn bó giữa các phum sóc, thôn ấp, gắn kết tình hữu nghị giữa nhân dân hai bên biên giới, các đồn biên phòng thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh đã có nhiều cách làm sáng tạo, khẳng định vai trò là “bà đỡ” cho đồng bào các xã biên giới trong xây dựng đời sống văn hóa đậm đà phong tục tập quán và bản sắc văn hóa dân tộc.
Cận cảnh "điểm sáng” văn hóa
Chúng tôi đến ấp Tầm Phô, xã Tân Đông, huyện Tân Châu (Tây Ninh) đúng dịp người dân nơi đây đang náo nức chuẩn bị cho Lễ hội cúng trăng (Ok-om-bok) vào ngày rằm tháng 10 âm lịch (theo lịch của dân tộc Khơ-me). Tại Nhà văn hóa ấp Tầm Phô, nhiều người dân và cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Kà Tum cùng nhau trang trí đài lễ, lắp đặt đèn chiếu sáng, âm thanh… Khi hoàng hôn trải trên những rẫy sắn, mía, vườn cao su bạt ngàn, các gia đình trong ấp tập trung về nhà văn hóa dự lễ. Lễ cúng trăng lần này khá đặc biệt, vì đây là lần đầu tiên được tổ chức ở nhà văn hóa mới, được khánh thành đầu tháng 11-2014. Gặp chúng tôi, già làng Ninh Phai không giấu được niềm vui:
- Bà con ấp Tầm Phô vui lắm các chú à! Ước mơ có một nơi sinh hoạt cộng đồng rộng rãi, khang trang đã thành hiện thực. Công trình có diện tích 250m2, kinh phí xây dựng gần 1 tỷ đồng, từ nguồn kinh phí xã hội hóa. Cán bộ, chiến sĩ biên phòng đã hỗ trợ hàng trăm ngày công lao động, tích cực vận động các doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí...
 |
Cán bộ Đồn Biên phòng Tống Lê Chân thăm hỏi già làng và bà con ở ấp Con Trăn, xã Tân Hòa, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh.
|
Thượng úy Dương Mạnh Hùng, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Kà Tum kể: Bà con ở đây thân thiết với cán bộ, chiến sĩ của đồn như người một nhà. Mọi vui buồn, khó khăn, vướng mắc, bà con đều chia sẻ với cán bộ, chiến sĩ biên phòng. Theo văn hóa truyền thống của người Khơ-me, trong năm có rất nhiều dịp lễ hội. Mỗi dịp lễ, bà con lại tổ chức các nghi thức cúng rất trang trọng, rồi múa hát đến tận khuya. Đồn luôn xây dựng những kế hoạch riêng nhằm hỗ trợ, vận động nhân dân tham gia vui lễ hội lành mạnh, an toàn; tổ chức tuần tra, bảo vệ các điểm lễ hội…Trước khi tổ chức khánh thành nhà văn hóa, đồn đã cử hơn 40 cán bộ, chiến sĩ tham gia vận chuyển hàng trăm mét khối đất, san gạt mặt bằng khu vực sân, trang khí và tổ chức tuần tra bảo vệ địa bàn.
Thượng tá Nguyễn Văn Dũng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Kà Tum, người gắn bó với địa bàn này hơn 10 năm nay cho biết: Cách đây gần 7 năm, cứ vào những dịp lễ, Tết, trong ấp thường xảy ra các tệ nạn như: Đánh bạc, đá gà, cá độ bóng đá, tụ tập uống rượu gây mất an ninh trật tự… Triển khai kế hoạch xây dựng "điểm sáng" văn hóa biên giới, Đồn Biên phòng Kà Tum đã tổ chức tuyên truyền, vận động các gia đình xây dựng nếp sống văn hóa mới, tham gia bảo đảm an ninh trật tự và thực hiện nghiêm các quy định, quy chế khu vực biên giới. Cán bộ biên phòng còn phối hợp với trưởng ấp, già làng thuyết phục, giáo dục các thanh niên từ bỏ những tệ nạn xã hội...
Những ngày ở xã biên giới Tân Đông, chúng tôi được các cán bộ biên phòng dẫn đi hát quan họ giao duyên ở ấp Đông Hà. Tiếng hát mượt mà của các “liền anh, liền chị” khiến chúng tôi có cảm giác như đang dự một hội làng ở miền Kinh Bắc. Ông Bùi Xuân Toàn, Trưởng ấp Đông Hà kể: Đông Hà là địa bàn kinh tế mới của nhiều hộ dân ở tỉnh Hà Bắc cũ (nay là Bắc Giang, Bắc Ninh) vào đây lập nghiệp từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Kà Tum đã sát cánh, "đồng cam cộng khổ" giúp dân ngay từ những ngày đầu lập làng, lập nghiệp. Vừa giúp dân củng cố, ổn định hệ thống chính trị cơ sở, phát triển sản xuất, giữ gìn an ninh trật tự, cán bộ chiến sĩ còn tích cực vận động nhân dân giữ gìn, phát huy vốn văn hóa quan họ đặc trưng. Đông Hà hiện là một trong những làng quan họ tiêu biểu của vùng đất phương Nam và là làng quan họ độc đáo, một “điểm sáng” văn hóa tiêu biểu ở vùng biên giới Tây Nam, in đậm dấu ấn của những người lính quân hàm xanh...
Vượt qua những cung đường rừng quanh co, chúng tôi đến thăm bà con ở ấp Con Trăn, xã Tân Hòa, huyện Tân Châu. Cách đây hơn 3 năm, tôi đã đến đây cùng Đại tá Nguyễn Hoài Phương, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Tây Ninh, đi thăm, tặng quà bà con nghèo. Nhà văn hóa ấp lúc đó đã cũ nát, hầu như không còn sử dụng được. Trở lại ấp Con Trăn lần này, chúng tôi ngỡ ngàng trước sự đổi thay nhanh chóng nơi đây. Hình ảnh nổi bật nhất là nhà văn hóa ấp khang trang, có khuôn viên rộng, thoáng. Già làng Lâm Nghinh xúc động kể: “Được sự quan tâm, giúp đỡ của BĐBP tỉnh Tây Ninh và Đồn Biên phòng Tống Lê Chân, bà con ở ấp Con Trăn đã bỏ được nhiều hủ tục lạc hậu, thực hiện nếp sống văn hóa mới, nhân dân được chăm sóc sức khỏe định kỳ, hơn 80% con em đồng bào đã được đến trường và lần đầu tiên có học sinh thi đỗ đại học. BĐBP tỉnh còn trích quỹ đơn vị và vận động các đơn vị tài trợ gần 200 triệu đồng để xây dựng, củng cố nhà văn hóa ấp và các thiết chế văn hóa đi kèm, như hệ thống âm thanh, ánh sáng, dàn karaoke... Bà con mừng lắm vì có nơi họp hành, sinh hoạt, tổ chức lễ hội truyền thống khang trang.
Còn nhiều những mô hình “điểm sáng” văn hóa sinh động, phong phú ở các thôn, ấp, sóc, cụm dân cư dọc theo chiều dài biên giới, nhưng chúng tôi chưa có điều kiện đến được. Nơi đó, những người lính biên phòng luôn là hạt nhân trong các phong trào, thổi bùng lên niềm tự hào, ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa của người dân. Các anh cũng chính là những người đi thắp sáng những giá trị văn hóa, văn minh hiện đại, giúp bà con biết cách ứng dụng khoa học công nghệ vào lao động, sản xuất, sinh hoạt văn hóa..., nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.
Dấu ấn của những "bà đỡ mát tay"
Địa bàn biên phòng tỉnh Tây Ninh có 20 xã thuộc 5 huyện, với chiều dài 240km đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Cam-pu-chia. Có thời điểm, do đời sống của một bộ phận dân cư ở dọc tuyến biên giới còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, nên nhiều người sa vào các tệ nạn xã hội. Tình trạng vượt biên trái phép qua bên kia biên giới đánh bạc, đá gà... gây nên nhiều hệ lụy phức tạp. UBND tỉnh Tây Ninh đã triển khai Cuộc vận động xây dựng “Điểm sáng văn hóa biên giới”. BĐBP tỉnh Tây Ninh được ban chỉ đạo của tỉnh giao chủ trì thực hiện ở 15 cụm đồn-xã biên giới. BĐBP tỉnh đã tham mưu cho ban chỉ đạo của tỉnh xây dựng các tiêu chí đánh giá, công nhận “Điểm sáng văn hóa biên giới”, gồm: Loại bỏ các hủ tục lạc hậu; vận động, giúp đỡ trẻ em đến trường đúng độ tuổi; phát huy văn hóa truyền thống, thực hiện nếp sống văn hóa mới; tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, các quy định, quy chế biên giới...
Nhận thức sâu sắc ý nghĩa, vai trò của mình, BĐBP tỉnh Tây Ninh đã chủ động phối hợp, tập trung hoàn thiện, nâng cấp các thiết chế văn hóa cho các xã, ấp biên giới. Giai đoạn đầu, BĐBP tỉnh luân chuyển hơn 3.200 đầu sách cho 15 cụm đồn-xã; chiếu phim phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân; triển lãm trưng bày và chiếu phim tư liệu khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; biểu diễn văn hóa văn nghệ… Tiếp đó, tùy thuộc đặc thù của mỗi nơi, BĐBP tỉnh triển khai những mô hình, hỗ trợ cụ thể như: Xây dựng hệ thống nhà văn hóa, trung tâm “học tập cộng đồng”. Ấp Tân Định, xã Biên Giới, huyện Châu Thành là một trong những địa chỉ được chọn làm điểm xây dựng các công trình văn hóa, giao thông với tổng mức đầu tư gần 500 triệu đồng. Hành trình thực hiện cuộc vận động lớn này, BĐBP tỉnh Tây Ninh xác định, các đồn, trạm biên phòng không chỉ là doanh trại mà còn là “điểm sáng” văn hóa mẫu mực ở địa phương. Mỗi cán bộ, chiến sĩ biên phòng là một "sứ giả" văn hóa để vận động nhân dân.
Đại tá Nguyễn Hoài Phương, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Tây Ninh cho biết: Các đồn biên phòng luôn phát huy vai trò chủ trì, tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện các tiêu chí, huy động hệ thống chính trị ở cơ sở vào cuộc, tích cực triển khai có hiệu quả các cuộc vận động: “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”; "Phát huy truyền thống, giữ vững kỷ cương, sống có tình thương, đề cao trách nhiệm” và các phong trào thi đua như: Đơn vị có môi trường văn hóa tốt; Đơn vị biên phòng trong sạch vững mạnh... Đến nay, tỷ lệ hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” ở các xã biên giới đạt từ 86 đến 98%, tỷ lệ ấp văn hóa đạt từ 80 đến 100%; hệ thống điện đường, trường, trạm và các thiết chế văn hóa từng bước được hoàn thiện, phát huy hiệu quả. Đó cũng chính là những minh chứng cho thấy các "bà đỡ" đã rất "mát tay" trong hành trình xây dựng, lan tỏa các "điểm sáng văn hóa biên giới".
Chúng tôi rời làng quê biên giới Tây Ninh sau những ngày trải nghiệm cuộc sống thôn, ấp cùng đồng đội biên phòng và bà con các dân tộc. Lời ca, điệu múa của đồng bào dân tộc Khơ-me, những làn điệu dân ca quan họ vấn vương chiều muộn, như những bàn tay vô hình níu bước chúng tôi. "Lần sau các anh lên, chúng ta sẽ tổ chức một đêm giao lưu văn hóa giữa các thôn, ấp. Sẽ rất thú vị nếu trên một sân khấu, sau điệu múa lâm thôn dìu dặt là những làn điệu quan họ mượt mà êm ái..."-lời mời của anh cán bộ biên phòng ở Đồn Kà Tum thật hấp dẫn. Vậy thì không có lý do gì để chúng tôi không "đến hẹn lại lên...".
Bài và ảnh: TRUNG KIÊN