QĐND - Trong 5 năm, với số tiền gần 140 tỷ đồng do các nhà tài trợ và bạn đọc đóng góp, Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn (NTTS) do Báo Sài Gòn Giải phóng (SGGP) tổ chức đã triển khai nhiều hạng mục công trình tình nghĩa, tri ân đồng bào, chiến sĩ đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc và hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình chính sách, các cựu chiến binh (CCB), thanh niên xung phong (TNXP)..., từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn, hiện đời sống, gia cảnh còn nhiều khó khăn…

Thỏa ước nguyện tri ân

Sáng sớm, chúng tôi rời TP Đồng Hới theo đường Hồ Chí Minh ngược lên miền Tây Quảng Bình, qua bến phà Long Đại, một trọng điểm địch đánh phá ác liệt trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Dưới ánh nắng ban mai, Đền thờ liệt sĩ Trường Sơn cạnh bến phà Long Đại hiện lên uy nghi. Đây là một trong 5 đền thờ, bia tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn do Chương trình NTTS tổ chức, xây dựng mà những người khởi xướng và thực hiện đều là Bộ đội Cụ Hồ.

Cách đây hơn 5 năm, vào tháng 5-2009, nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Đoàn 559-Bộ tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, Báo SGGP chủ trương mở đợt tuyên truyền sâu rộng về tuyến đường vận tải quân sự chiến lược mang tên Bác Hồ kính yêu. Ban Biên tập cử một tổ công tác, do nhà báo Nguyễn Đức (Trưởng ban Chính trị của báo, một CCB từng vượt Trường Sơn trong những năm đánh Mỹ) phụ trách đi dọc Trường Sơn để lấy tư liệu viết bài.

Lễ khánh thành, bàn giao nhà nghĩa tình Trường Sơn tại xã Thạch Bình, TP Hà Tĩnh.

Các anh đã vượt qua hàng nghìn cây số dọc Đông và Tây Trường Sơn để tìm hiểu, khám phá về tuyến đường huyền thoại này. Loạt phóng sự “Trở lại Trường Sơn huyền thoại”, gồm 14 bài viết đã thu hút sự quan tâm của bạn đọc. Cảm thông trước thực tế nhiều nơi đồng bào ta dọc đường Trường Sơn còn sống trong cảnh nghèo khó, một số di tích lịch sử trên tuyến đường bị xuống cấp hoặc bị lãng quên, CCB Nguyễn Đức đề xuất vận động các nhà hảo tâm và bạn đọc đóng góp tiền của, vật chất quan tâm, tri ân đồng bào, đồng chí dọc tuyến đường Trường Sơn.

Tổng biên tập Báo SGGP cũng là một CCB từng vượt Trường Sơn thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã đồng ý ngay với kế hoạch đó. Vậy là Chương trình NTTS ra đời. Ngay từ khi phát động, chương trình đã thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội, từ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cán bộ các địa phương, đơn vị, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài nước, đến những bạn đọc bình thường…


Đền thờ liệt sĩ Trường Sơn tại bến phà Long Đại, một trong nhiều công trình tri ân của Chương trình NTTS. Ảnh: Mai Phú.

Tôi rất nhớ một buổi chiều tháng 8-2009, tại nhà riêng trên đường Kỳ Đồng (TP Hồ Chí Minh), anh Sáu Phong (Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết) đã tiếp chúng tôi. Sau khi nghe báo cáo ý tưởng tổ chức Chương trình NTTS, anh Sáu có ý kiến chỉ đạo ngay: “Mình ủng hộ các bạn. Nên làm, rất nên làm!” .

Biết chúng tôi đều là CCB, anh Sáu rất tin tưởng, động viên: “Bộ đội Cụ Hồ trên mặt trận mới. Các cậu cứ làm đi, mình tin là sẽ thành công, sẽ thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội”. Ngay đêm đó, Chủ tịch nước đã viết thư gửi Ban Biên tập Báo SGGP bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ và kêu gọi mọi người cùng tham gia. Tiếp đó, thư của Chủ tịch nước đăng trên Báo SGGP và nhiều phương tiện thông tin đại chúng. Nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm, bạn đọc trong đó có những CCB và cựu TNXP Trường Sơn đã hưởng ứng, vào cuộc nhiệt tình.

Sau đó ít ngày, Lễ phát động Chương trình NTTS được tổ chức trọng thể tại Nhà hát Hòa Bình, TP Hồ Chí Minh. Ngay đêm đầu tiên, Ban tổ chức chương trình đã nhận được số tiền ủng hộ hàng chục tỷ đồng, trong đó Ngân hàng Cổ phần Thương mại Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) là nhà tài trợ chính, với hơn 40 tỷ đồng.

Trong 5 năm (2009-2013), với số tiền gần 140 tỷ đồng do các nhà tài trợ và bạn đọc đóng góp, tiêu biểu là Vietcombank và Ngân hàng Cổ phần Thương mại Công thương Việt Nam (Vietinbank), Ban tổ chức Chương trình NTTS đã triển khai nhiều hạng mục công trình đạt được cả hai mục đích: Tri ân những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc và hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình thuộc diện chính sách, những CCB và cựu TNXP từng chiến đấu và công tác trên tuyến đường Trường Sơn, hiện đời sống, gia cảnh đang gặp khó khăn.

Chương trình NTTS đã xây dựng và bàn giao hơn 1.400 căn nhà tình nghĩa, 19 trạm xá quân-dân y kết hợp, trao tặng hàng nghìn suất học bổng, nhiều công trình dân sinh; phối hợp cùng Ngân hàng Bưu điện Liên Việt xây tặng bà con khu vực thác Bản Giốc (Cao Bằng) một trường mầm non trị giá 10 tỷ đồng; cùng Tổng công ty Rượu-Bia-nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) xây dựng mới bản văn hóa-di tích lịch sử Làng Ho (Quảng Bình )... Chương trình đã và đang xây dựng 5 đền thờ, bia tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn, mỗi công trình trị giá từ 10 đến 15 tỷ đồng.

Ban tổ chức Chương trình NTTS còn phối hợp với Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh thực hiện bộ phim phóng sự “Trở lại Trường Sơn huyền thoại” dài 60 tập, đã trình chiếu trên Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh và nhiều đài truyền hình trong cả nước, thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả.

Đền thờ liệt sĩ Trường Sơn cạnh bến phà Long Đại năm xưa là một trong những công trình tình nghĩa ấy. Tôi nhớ cách đây hơn 3 năm, vào một đêm cuối tháng 7, khi làm lễ cầu siêu, khởi công xây dựng công trình bên dòng Long Đại linh thiêng, Thiếu tướng Phan Khắc Hy, nguyên Phó tư lệnh Bộ đội Trường Sơn thời chống Mỹ đã không cầm được nước mắt khi nhắc đến đồng đội đã ngã xuống nơi bến phà Long Đại. Hơn một năm sau, công trình Đền thờ liệt sĩ Trường Sơn-bến phà Long Đại được hoàn thành. Thiếu tướng Phan Khắc Hy lại thêm một lần nữa không cầm lòng được... Hiện nay, mỗi ngày bình quân có hàng trăm lượt người đến thăm viếng đền, trong đó có nhiều du khách quốc tế và bà con Việt kiều về thăm Tổ quốc.

Nhìn Đền thờ liệt sĩ Trường Sơn-nến phà Long Đại uy nghi bên dòng Long Đại, lòng chúng tôi thấy ấm lại. Đây thực sự là mái ấm của các liệt sĩ Trường Sơn.

“Cảm ơn Bộ đội Cụ Hồ…”

Tôi gặp Đại tá Dương Ngọc Bội, Phó chính ủy Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Bình cách đây hơn 5 năm, từ ngày đầu Ban tổ chức Chương trình NTTS đến Quảng Bình. Lần đó, anh Bội đưa đoàn công tác của Chương trình NTTS lên miền Tây Quảng Bình, nơi có di tích Cổng Trời, có Quốc lộ 12 oanh liệt một thời và Đồn Biên phòng Cha Lo nổi tiếng với bài hát “Đêm Cha Lo” của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Khi đến Quảng Bình, chúng tôi đặt vấn đề với Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh muốn được lên ngay Làng Ho. Những người lính đã từng vượt Trường Sơn trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hầu như ai cũng đặt chân đến Làng Ho-trạm giao liên đầu đường Trường Sơn. Đối với riêng tôi, Làng Ho thật nhiều kỷ niệm. Cuối năm 1970, tôi cùng đồng đội Đoàn 2255 hành quân qua đây trong một đêm mưa giá rét. Chúng tôi được ô tô thả xuống giữa rừng và mò mẫm tìm cây mắc võng. Trung đội trưởng Quản Đình Mậu của chúng tôi cho biết, đây là Làng Ho. Và địa danh này thực sự để lại nhiều kỷ niệm, bởi đây là nơi chúng tôi bắt đầu hành quân bộ vượt Trường Sơn.

Anh Bội đưa chúng tôi đến Làng Ho trong cảm xúc dạt dào ấy. Sau gần 4 giờ đồng hồ, vượt qua những con đường khúc khuỷu, quanh co, từ Đồng Hới chúng tôi đến Làng Ho. Nhưng trước mắt tôi không phải là bản Làng Ho như tôi hình dung mà là những mái nhà sàn nghèo, xơ xác, những con đường đất bụi mù, những đứa trẻ mình trần nhem nhuốc. Ngay cả cái tên bản Làng Ho cũng không thấy, chỉ thấy chiếc bảng nhỏ treo cạnh đường: “Bản Trung đoàn”. Tôi đoán, có lẽ bà con đặt tên “Bản Trung đoàn” vì đây là nơi đứng chân của Binh trạm 27 (tương đương cấp trung đoàn) trong kháng chiến. Sau khi tìm hiểu đời sống người dân nơi đây, trên đường trở về, tôi bàn với nhà báo Nguyễn Đức, Phó Ban Thường trực Ban tổ chức Chương trình NTTS và Đại tá Dương Ngọc Bội sẽ đầu tư xây dựng lại bản Làng Ho, trả lại tên cho bản Làng Ho. Mọi người đều nhất trí. Trở về TP Hồ Chí Minh, chúng tôi làm việc với lãnh đạo Công ty Rượu-Bia-Nước giải khát Sài Gòn tìm nguồn tài trợ. Chủ tịch Hội đồng quản trị Sabeco khi đó là anh Nguyễn Bá Thi, một CCB cũng từng vượt Trường Sơn trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, anh hưởng ứng ngay. Và gói tài trợ 5 tỷ đồng, trong đó đầu tư xây dựng lại bản Làng Ho 3 tỷ đồng đã được ký kết. Ngày khởi công, chúng tôi cùng “hành quân” trở lại Làng Ho.

Những người lính Cụ Hồ đã từng qua Làng Ho trong kháng chiến lại vui mừng, xúc động, thay mặt đồng đội khởi công xây dựng lại Làng Ho thành bản văn hóa-di tích lịch sử, tri ân những người đã giúp đỡ cách mạng, giúp đỡ Bộ đội Cụ Hồ trong chiến tranh gian khổ. Đầu Xuân 2013, bản văn hóa-di tích lịch sử Làng Ho được khánh thành. Nói như già làng Hồ Uôi, đó là một ngày hội chưa từng có của bà con dân tộc Bru-Vân Kiều nơi đây. Bản Làng Ho đã được xây dựng mới với 37 nhà sàn bằng gỗ, nhà văn hóa cộng đồng, trạm xá quân-dân y kết hợp và hệ thống giao thông nội bản, công trình vệ sinh công cộng...

Gặp tôi, CCB Hồ Uôi vui lắm. Ông nói trong nghẹn ngào xúc động: “Bộ đội Cụ Hồ không quên dân bản. Dân bản biết ơn Bộ đội Cụ Hồ nhiều lắm!” Khóe mắt của lão CCB, già làng Bru-Vân Kiều ngoài 80 tuổi ngấn lệ...

Đêm tổng kết chương trình, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến dự lễ và trao Huân chương Lao động tặng tập thể Báo SGGP và những người chủ trì thực hiện Chương trình NTTS. Chúng tôi rất vui vì đã hoàn thành nhiệm vụ, Chương trình NTTS đạt kết quả tốt đẹp và chúng tôi-những người lính Bộ đội Cụ Hồ, dù đã rời quân ngũ vẫn gắn bó với nhân dân, vì nhân dân và son sắt, chan chứa nghĩa tình với Trường Sơn, với đồng đội.

TRẦN THẾ TUYỂN, Đại tá, CCB, nguyên Tổng biên tập Báo SGGP