QĐND Online - Đó là bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hà (73 tuổi), từng học cùng khóa Đại học y khoa Hà Nội với cố bác sĩ Đặng Thùy Trâm, cả hai cùng xung phong vào chiến trường miền Nam năm 1966. Với thân hình nhỏ bé nhưng đầy bản lĩnh, nhanh nhẹn và thật giản dị, ít ai biết bác sĩ Thu Hà sinh ra trong một gia đình tiểu tư sản tại Đà Nẵng và tập kết ra Bắc từ rất sớm (năm 1952), riêng bà sau 2 năm mới ra Hà Nội theo học phổ thông, rồi Đại học y khoa năm 1960.
Trong căn nhà vẻn vẹn có 37 mét vuông bỗng vang tiếng gọi: “Anh ơi, nhà có khách, anh mở đèn lên cho sáng, em đi pha trà nhé…”. Tiếng xưng hô, anh – em của đôi vợ chồng già, giữa cụ bà đã 73 tuổi với Đại tá Vũ Đình Nã, 83 tuổi (nguyên Sư đoàn trưởng sư 2, Quân khu 5, hiện ở xã Diên Toàn, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa), đã gây xúc động mạnh trong tôi ngay lần đầu trò chuyện. Bà kể: “Tốt nghiệp Đại học y khoa, tôi xung phong vào chiến trường Quảng Nam, cố bác sĩ Đặng Thùy Trâm vào Quảng Ngãi. Đoàn chúng tôi với 25 thành viên, trong đó có tôi và chị Phượng là bác sĩ. Trước khi đi phải học bơi, học tiếng Anh... rồi hành quân suốt 3 tháng 10 ngày mới đến Bệnh xá Tiên Lãnh, Tiên Phước (Quảng Nam). Năm 1968, bác sĩ Hoàng Vân, Trưởng bệnh xá Quế Sơn bị bom Mỹ sát hại trong khi đang làm việc, ông là vị tiền nhiệm thứ 3 liên tiếp và là người cuối cùng trong gia đình bị bom đạn Mỹ sát hại. Ngày đầu tiên về Bệnh xá Quế Sơn thay bác sĩ Hoàng Vân với cảm nhận đầy gian khổ và khốc liệt. Bệnh xá chỉ có 18 nhân lực, nhưng phải thường xuyên chăm sóc trên trăm thương binh. Nhưng tôi động viên, tập hợp đồng nghiệp lo hậu sự cho bác sĩ Hoàng Vân và nguyện tiếp bước anh cho đến ngày toàn thắng”.
 |
Đôi vợ chồng già bên căn nhà cũ kỹ.
|
Những người cùng thời và hiểu biết về bác sĩ Thu Hà kể lại rằng, hồi ấy phát hiện sự di chuyển thương binh về bệnh xá khá xa, nên bà thuyết phục cấp trên chuyển Bệnh xá về vùng Trung Quế Sơn cho thuận tiện việc cấp cứu và chăm sóc thương binh. Khi được chấp thuận, tập thể bệnh xá căng mình di chuyển đến địa điểm mới có nhiều hang động hơn… Theo sự phân công của bác sĩ Thu Hà, người chặt cây làm hầm phẫu thuật, dựng lán trại, sạp nằm cho thương binh, làm bếp Hoàng Cầm… Vất vả nhất là số đi rất xa để cõng gạo, thuốc chữa bệnh, nhu yếu phẩm. Suốt những năm 1969 – 1972, cuộc chiến lên đỉnh điểm của sự khốc liệt. Địch vây hãm ráo riết, rất khó khăn và thiếu thốn đủ thứ, người lãnh đạo Bệnh xá không còn cách nào khác là cho giặt băng, gạc bằng tro, rửa vết thương cho thương binh bằng mật ong rừng… Các dược tá Phi Yến, Trần Thị Kim và Thúy Lưu… vào rừng lấy thảo dược, sau nhiều lần đi chỉ còn Thúy Lưu trở về! Rồi những cái tên như Thành, Thách, Thương… lần lượt hy sinh. Bác sĩ Thu Hà không còn khóc nổi, bà chỉ biết thắp nén nhang lòng thầm vái: “Các em của chị ơi? Tha lỗi cho chị, cầu mong những tâm hồn trong trắng của các em được siêu thoát, có thể chị cũng sẽ đi gặp các em nay mai thôi… nhưng chúng ta sẵn sàng ngã xuống cho đất nước đứng lên”.
Nỗi lo không chỉ thuốc chữa bệnh, mà còn cái đói, khát cho thương binh và cả cán bộ y tế. Bà băng rừng, vượt suối vào các nhà dân ở Sơn Long, Sơn Thạch… vận động xin gạo, muối, mắm. Lãnh đạo Quế Sơn cấp thêm lúa, lại phải tự giã lấy gạo, lo giần sàng… rồi cõng về đơn vị, toàn những việc mà trường y không dạy. Lo từng hạt gạo, từng lá cây thuốc, thế nhưng cực khổ nhất là mỗi khi nghe tin địch càn, phải sơ tán thương binh vào hang sâu “cất giấu” an toàn mới yên lòng. Rất nhiều lần như thế, nhưng bác sĩ Thu Hà nhớ nhất là lần đầu tiên ở cượng vị lãnh đạo, bà phối hợp với Chính trị viên Như Lâm, Xã đội trưởng xã Sơn Long sơ tán thương binh. Sơ tán trong đêm tối cả trăm thương binh, nhiều người rất nặng phải nằm cáng, người đi nạng được thì bấu víu, dìu nhau mà lê lết vào hang sâu. Bọn địch đến hùng hổ lùng sục, ông Lâm và y tá Tuấn phải tìm cách đánh lạc hướng địch đi nơi khác. Năm 1972, địch càn lên rất đông, trong khi đơn vị chỉ còn 7 người, lại phải sơ tán 162 thương binh. Được chi viện của Huyện ủy Quế Sơn, toàn bộ thương binh được sơ tán vào các hang động cách đó 45 phút đường bộ. Riêng chị Xuân bị thương nặng, nên buộc phải “giấu” chị trong bụi cây rậm gần đó. Mải mê chỉ đạo việc sơ tán, bỗng bà nghe rõ tiếng địch quát, Việt Cộng… Bà vọt nhanh vào hang và thầm hiểu, phía sau bà là thương binh. Vì quá vội, không may tuột chiếc dép cao su gần cửa hang nên bà rất lo lắng. Đúng như dự đoán, địch đánh hơi nên quăng liền 3 quả lựu đạn vào trong hang, kèm loa gọi hàng. Bà đã tính đến cả phương án ném lựu đạn lại nếu địch xông vào hang... Nhưng một hồi lâu không thấy động tĩnh gì thêm, bằng kinh nghiệm, biết bọn chúng đã rút. Bà chui ra trước để lần dò xem địch có gài mìn lại cửa hang không, do hang sâu và rất ngóc ngách nên thương binh vẫn an toàn, nhưng mặt mũi bà bị ám đen khói lựu đạn. Ra khỏi hang, bà như lao về phía bụi rậm nơi “giấu” chị Xuân nằm, linh tính mách bảo và sự thật, địch đã sát hại chị Xuân, đốt và phá sạch lán trại đơn vị, bà chỉ còn duy nhất bộ áo quần trên người. Cuốn nhật ký ghi chép từ thời còn sinh viên y khoa, những lá thư của người yêu trong trắng một cái tên - Anh Điền, một đạo diễn đầy tài năng của Đoàn văn nghệ Khu 5 đã bị địch đốt hết. Liền sau đó là hung tin, anh Điền hy sinh. Bà rưng rưng nước mắt kể về chiếc áo ngực bị mất: “Đây là kỷ vật đong đầy tình mẫu tử, bởi trước ngày vào Nam, mẹ tôi thật sâu sắc, tỉ mỉ ép miếng vàng lá vào giữa hai lớp vải chiếc áo ngực, kèm lời dặn, gắng giữ kỷ vật, vừa là tấm lòng thơm thảo của mẹ cha nếu con đi lấy chồng. Đồng thời vừa đề phòng bất trắc xảy ra trên đường hành quân còn đổi lấy lương thực mà sống. Tất cả… đều đã thành tro bụi”.
Suốt 8 năm liền giữa chiến trường ác liệt, 6 năm với cương vị Bệnh xá trưởng Quế Sơn, bao nhiêu lần sơ tán cả ngàn lượt thương binh trú tránh an toàn trước các trận càn của địch, chỉ huy đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên giao…là bác sĩ chuyên khoa tai, mũi, họng; nhưng bà phải làm cả các thủ thuật cưa xương, đục hộp sọ… cùng các cộng sự như y sĩ Cầm, Ký, Lưu, Hà… vắt kiệt tuổi thanh xuân cứu chữa và chăm sóc cho hàng nghìn thương bệnh binh. Được đồng bào nơi đứng chân thương yêu đùm bọc, chở che, cấp trên đánh giá cao về năng lực chỉ huy và chuyên môn. Qua đó, bà được đưa trở lại miền Bắc, nhằm đào tạo chuyên sâu ở nước ngoài về tiếp tục phục vụ lâu dài cho đất nước. Năm 1974, gặp lại người mẹ kính yêu giữa lòng thủ đô Hà Nội mới biết, ở nhà đã lập bàn thờ thắp hương cho bà. Suốt nhiều đêm bên mẹ kể chuyện chiến trường, tình yêu… và cả hai cùng khóc thật nhiều. Nhưng bà động viên mẹ: “Con gái mẹ về được là may mắn lắm rồi, bạn Đặng Thùy Trâm đã vĩnh viễn nằm lại đất mẹ Quảng Ngãi... Bà con miền Nam còn phải tiếp tục hy sinh nhiều lắm mẹ ơi!”
Bác sĩ Quách Văn Hiển, công tác ở Bệnh viện tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Năm 1972, tôi bị thương và được điều trị tại Bệnh xá Quế Sơn 2 lần, thật kính trọng tập thể bệnh xá ở đây luôn hết lòng cứu chữa thương binh, mà tiêu biểu là bác sĩ Thu Hà, bà ít nói về mình. Gần đây khi đến thăm thủ trưởng cũ của tôi (Đại tá Vũ Đình Nã), mới biết ông bà làm đám cưới ngay tại chiến trường năm 1973. Chúng tôi đã nói rất nhiều về chuyện khắc phục khó khăn để cứu chữa thương binh thời chiến… Điều thú vị là, bà có một người yêu ở chiến trường (anh Điền), cũng ghi chép nhật ký… tuy bị địch đốt mất cuốn nhật ký, nhưng bà lại may mắn hơn cố bác sĩ Thùy Trâm là còn sống đến hôm nay. Với tôi, tập thể Bệnh xá và bác sĩ Thu Hà rất xứng đáng được phong tặng Anh hùng…”.
Ở tuổi 73, hơn 45 năm tuổi Đảng mới có dịp trở lại chiến trường xưa, bác sĩ Thu Hà vô cùng cảm động khi biết chính quyền và đồng bào Quế Sơn vẫn nhớ mãi bà. Cảm phục về một nữ bác sĩ xuất sắc 8 năm liền giữa chiến trường khốc liệt. Bà đi bắt tay, thăm hỏi từng người mà nước mắt cứ tuôn rơi. Biết các cấp có thẩm quyền và đồng bào ở đây đã đề nghị tập hợp các thành tích, chiến công của Bệnh xá và của cá nhân bà đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Bà vô cùng biết ơn và chia sẻ “Tôi già rồi, chỉ mong Huyện ủy và chính quyền Quế Sơn dựng tấm Bia tưởng niệm, khắc tên những người đã anh dũng hy sinh trên mảnh đất thép này, trong đó có sự hy sinh thầm lặng đến phi thường - những chiến sĩ ngành y, thế là tôi mãn nguyện rồi".
Khi hỏi về việc tại sao bây giờ ông bà lại ở trong căn nhà nhỏ hẹp và rất nóng thế này? Bà lại nghẹn lòng nói: “Hồi còn cố Chủ tịch UBND tỉnh Võ Hòa đã định cấp cho gia đình tôi lô đất ở đường Biệt Thự, Nha Trang, nhưng nhà tôi bảo không có tiền xây nên về đây, ông ấy thích gần ruộng lúa, hàng cau sau lùy tre làng… Ngày xưa chăm sóc cả trăm thương binh được, nay chăm sóc chồng thương binh và vì nhiều lý do khác… nghĩ vậy nên cứ phải chiều ông ấy thôi. Thực lòng, bây giờ nắng nóng quá, rất đông đồng nghiệp và bạn bè ông ấy đến thăm, ngồi chật hẹp, nghĩ thấy ngại. Vừa qua có một chủ thầu mến mộ gia đình hứa xây cho vợ chồng tôi lại ngôi nhà khoảng 3 trăm triệu đồng và cho chúng tôi trả nợ dần, có lẽ phải theo phương thức này thôi…”.
Bài, ảnh: CÔNG THI