QĐND - Vượt hành trình hơn 700km, qua bao dốc núi cheo leo và những cung đường quanh co, nhiều đoạn “cua tay áo”, chúng tôi có mặt ở bản Nậm San 2, xã Mường Nhé (huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) khi mặt trời đã khuất núi… Cùng Trung tá Nguyễn Đại Đồng, Phó chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Mường Nhé, chúng tôi đến thăm nhà em Giàng A Lia - niềm tự hào của bà con Nậm San 2 vì hai năm liên tục, em đạt giải khuyến khích học sinh giỏi lớp 10 và 11 môn địa lý cấp tỉnh… Từ khi chuyển về định cư ở vùng đất mới, có đường bê tông, đường điện đến tận từng nhà, được bộ đội hướng dẫn cách nuôi lợn trong chuồng, trồng lúa nước…, nhiều gia đình có “của ăn của để”, việc học hành của con em trong bản cũng được bà con quan tâm hơn nhiều. Với Giàng A Lia, sở dĩ có được thành tích học tập tốt, phần nhiều cũng là nhờ các chú, các anh ở ban CHQS huyện đã thường xuyên đến động viên, khuyến khích, giúp thêm giấy, bút, đồ dùng… tặng em trong quá trình học tập.
 |
Cán bộ Ban CHQS huyện Mường Nhé tặng quà các cháu thiếu nhi người Mông xã Ma Thì Hồ.
|
Bản Nậm San 2 có 56 hộ gia đình, với hơn 380 nhân khẩu, hầu hết là đồng bào dân tộc Mông từ các huyện Tủa Chùa và Mường Chà về đây định cư, sinh sống. Với bà con, dường như mỗi sự đổi thay của bản làng, trong từng niềm vui của mỗi gia đình nơi quê mới này đều thấm đẫm mồ hôi, công sức của cán bộ, chiến sĩ ban CHQS huyện…
Về định cư nơi bản mới, điện, đường, trường, trạm đã được Nhà nước đầu tư xây dựng khá khang trang, nhưng để bà con ổn định cuộc sống, gắn bó với quê mới, thì có biết bao việc mà cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Mường Nhé và Bộ CHQS tỉnh Điện Biên phải triển khai thực hiện… Theo Trung tá Nguyễn Đại Đồng: Để thuận lợi trong cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc với bà con, lãnh đạo, chỉ huy đơn vị chủ động tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ học tiếng Mông, tìm hiểu phong tục, tập quán của đồng bào. Một số sĩ quan, QNCN là người Mông cũng được ban CHQS huyện điều về “cắm bản”.
Mỗi ngày, trên các con đường, trong mỗi ngôi nhà ở bản Nậm San 2 luôn có mặt những người lính kiên trì, bền bỉ, cầm tay chỉ việc, các anh cùng tham gia lao động sản xuất với bà con, như việc làm chuồng kiên cố, hợp vệ sinh để nuôi lợn hướng nạc; tiêm phòng đầy đủ, đúng kỳ. Rồi việc bộ đội tranh thủ hướng dẫn một số chủ hộ quy trình vận hành máy xay xát lúa an toàn; tuyên truyền, hướng dẫn bà con thay đổi tập quán làm lúa nương, chuyển sang trồng lúa nước. Bộ đội hướng dẫn, làm mẫu cho bà con từ việc be bờ giữ nước, cày, bừa, tìm nguồn thóc giống, tư vấn mùa nào gieo sạ, mùa nào cấy; rồi việc bón phân cho hợp với từng giai đoạn phát triển của cây lúa. Những người lính trực tiếp xắn quần lội ruộng, cầm từng bó mạ, hướng dẫn bà con cách cấy lúa đúng kỹ thuật, thẳng hàng, thẳng lối để lúa tốt đều, trĩu bông…
Từ công việc và sự gắn bó, chẳng biết tự lúc nào, các anh được bà con coi như con em của bản, là những thành viên không thế thiếu đối với nhiều gia đình... Việc vui, việc buồn, những trăn trở, suy tư của bà con, của bản làng, đều được họ trải lòng với các anh bộ đội. Bà con hiểu rằng, những điều bộ đội tuyên truyền, hướng dẫn đều là vì sự bình yên, sung túc của bản làng, như chuyện không phá rừng làm nương rẫy, bỏ các tập tục lạc hậu, không nghe lời kẻ xấu gây mất đoàn kết trong bản và với đồng bào các dân tộc khác; không vượt biên trái phép, quan tâm hơn chuyện con cái học hành… Các anh bộ đội còn đến từng nhà, đọc và giải thích cặn kẽ cho bà con một số điều khoản cần thiết trong Bộ luật Hình sự, Luật Giao thông đường bộ, chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình… và thường xuyên nhắc nhở mọi người tuân thủ các quy định của pháp luật.
Biết bao mồ hôi của người lính đã thấm xuống từng ngọn đồi, ruộng lúa, nương ngô…, để cuộc sống của đồng bào dân tộc Mông ở Bản Nậm San 2 thay đổi từng ngày. Đến nay, toàn bản không còn hộ đói; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, nhiều hộ gia đình đã mua được xe gắn máy, ti vi, điện thoại, máy xay xát; có gia đình nuôi lợn, nuôi dê tập trung theo phương thức bán công nghiệp, cho thu nhập mỗi năm cả trăm triệu đồng. Con em của bản trong độ tuổi đều được đến trường. Mỗi niềm vui, nỗi buồn của các gia đình, mỗi sự đổi thay nơi bản người Mông này hầu như đều có sự hiện diện những người lính. Như lời Trưởng bản Vừ Giồng Phẩm trải lòng với chúng tôi bên bếp lửa bập bùng và ly rượu ngô sóng sánh: “Bà con ở bản Nậm San 2 này đã coi các anh bộ đội Ban CHQS huyện Mường Nhé như những người con của bản”.
Bài và ảnh: TRẦN VĂN ĐẠI